Tín hiệu tích cực từ những mô hình “con nuôi mới, cây trồng mới” ở huyện vùng biên
Bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thời gian qua trên địa bàn huyện Mường Lát đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Mô hình nuôi dê ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát.
Năm 2023, Viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa công bố, bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa huyện Mường Lát. Đây được xem là cơ sở để huyện vùng biên triển khai định hướng “trồng cây gì, nuôi con gì” một cách phù hợp. Thực tiễn cho thấy, tại các xã, thị trấn nhiều mô hình cây trồng mới, con nuôi mới đang xuất hiện ngày càng nhiều. Điển hình như, mô hình nuôi dê sinh sản ở xã Mường Chanh. Nhờ phát triển mô hình này, nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Anh Vi Văn Chòn, ở bản Chai, xã Mường Chanh không giấu niềm phấn khởi cho biết: “Từ những con dê giống được hỗ trợ ban đầu, nhờ chăm sóc cẩn thận, đúng kỹ thuật, đàn dê của gia đình tôi khỏe mạnh, phát triển nhanh. Kỳ vọng đây sẽ là mô hình cho nguồn thu nhập ổn định và bền vững”.
Tại xã Tam Chung, với lợi thế địa hình đồi núi phù hợp cho phát triển chăn nuôi bò sinh sản, đang được chính quyền địa phương khuyến khích, tập trung đẩy mạnh nhân rộng ở tất cả các bản. Nuôi bò sinh sản được xem là hướng đi phù hợp để bà con vươn lên thoát nghèo. Ông Vi Văn Thuật, Trưởng bản Poọng, xã Tam Chung cho biết: Gần như hộ gia đình nào của bản cũng có từ 1 đến 2 con bò. Hộ nhiều thì có từ 10 đến 15 con. Đơn cử như, gia đình anh Hà Văn Mắn, ở bản Poọng. Nhờ sự mạnh dạn đầu tư vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, anh đã đầu tư mô hình chăn nuôi bò, dê. Từ những cặp giống ban đầu, đến nay anh Mắn đã sở hữu đàn bò 13 con; đàn dê là 30 con...
Không chỉ chăn nuôi, nhiều mô hình cây trồng mới cũng đang dần xuất hiện. Tại xã Mường Lý, để thay thế cho cây xoan kém hiệu quả, đầu năm 2024, địa phương đã phối hợp với một doanh nghiệp ở tỉnh Phú Thọ thực hiện mô hình liên kết trồng cây giang lấy lá. Đây cũng là mô hình được triển khai ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh như Triệu Sơn, Lang Chánh, Quan Sơn... Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về đầu ra của thị trường, cũng như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, xã Mường Lý đã tạo điều kiện để các hộ dân đăng ký mô hình được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ở tỉnh Phú Thọ... Đến nay, toàn xã đang có 100ha cây giang, được trồng ở 9 bản. Các hộ tham gia trồng được công ty cấp giống, phân bón, cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh cây giang, thì trẩu, tếch, măng tre bát độ, cam Lào... cũng đang được nhiều địa phương trên địa bàn huyện Mường Lát trồng thử nghiệm, bước đầu cho giá trị kinh tế cao. Ông Tặng Văn Lai, ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu chia sẻ: “Nhờ học hỏi, du nhập cây cam Lào về bản trồng, đến nay, bản Suối Tút đã có hơn 10 hộ tham gia trồng, cho nguồn thu nhập ổn định. Với gần 2ha cam, mỗi năm cho gia đình tôi nguồn thu nhập gần trăm triệu đồng”.
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát cho biết: Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, phong tục tập quán, trình độ sản xuất của người dân, Mường Lát đang được định hướng phân thành 4 khu vực để tập trung phát triển kinh tế phù hợp. Theo đó, khu vực 1 (gồm các xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung), tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện Trung Sơn. Khu vực 2 (xã Quang Chiểu, Mường Chanh), xây dựng thành khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, chú trọng phát triển vùng trồng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Khu vực 3 (xã Pù Nhi, Nhi Sơn), tập trung phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ. Khu vực 4 (thị trấn Mường Lát), tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng thành trung tâm giao thương hàng hóa của huyện Mường Lát với các địa phương trong tỉnh.
Những mô hình “cây trồng mới, con nuôi mới” đã, đang khẳng định sự chuyển dịch đúng hướng, từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế và vai trò trong công tác giảm nghèo. Trong đó, cây trẩu, cây tếch đang được theo dõi, định hướng trồng phát triển thay thế cho cây xoan kém hiệu quả. Nói về hiệu quả kinh tế của cây trẩu, ông Thắng đánh giá, đây là loại cây có nhiều ưu điểm, thích hợp với mọi chất đất, dễ trồng, đầu tư ít, đang đem lại hiệu quả cho người dân. Sau thời gian trồng từ 3 đến 5 năm cho thu hoạch quả lấy hạt; 7 năm cho thu hoạch gỗ. Trồng cây trẩu, cây tếch không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn góp phần nâng cao tỉ lệ che phủ rừng.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực trên, cũng theo ông Thắng, với đặc thù về địa lý, khoảng cách xa thị trường tiêu thụ; quy mô sản xuất của bà con còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún; tư duy sản xuất thụ động; nhiều mô hình đang trong thời gian thử nghiệm, chưa có đánh giá, phân tích hiệu quả lâu dài từ thị trường... Đây là những hạn chế mà trong thời gian tới, huyện sẽ phải nỗ lực từng bước khắc phục. Trước mắt, huyện sẽ tranh thủ lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để khuyến khích, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh kêu gọi, tăng cường liên kết giữa người dân và doanh nghiệp hướng đến đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-12-26 15:34:00
Tội phạm mạng biến hóa khôn lường
-
2024-12-26 09:27:00
Dự án Phát triển báo chí Việt Nam: Kết quả và định hướng đến năm 2025
-
2024-12-08 08:16:00
Ði dọc miền biển quê Thanh (Bài 3): Bình minh nơi cửa biển
Chim hoang dã già nhất thế giới tìm được bạn tình mới, đẻ trứng ở tuổi 74
Bản tin Tài chính 8/12: Vàng và đồng bạc xanh phục hồi
Cuộc sống “3 không” ở Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa
Ði dọc miền biển quê Thanh (bài 2): “Ðánh thức” vùng bãi ngang ven biển, xã đảo đặc biệt khó khăn
Bản tin Tài chính 7/12: Giá vàng giảm sâu, nhiều người mua vào
Dự báo thời tiết 7/12: Cả nước mưa dông, miền Bắc trời chuyển rét
Ước mơ “vượt núi”
Cảnh báo lừa đảo chiêu sinh khóa học pickleball qua mạng
Tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam