(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiến tranh không phải trò đùa. “Ðời lính thế đấy. Nay sống mai chết. Chẳng biết thế nào. Như chiếc lá bên đường. Chiến tranh qua đi. Tiện tay bứt một cái. Vứt đi. Thế là xong. Ðời lính đấy. Chưa đi hết cuộc chiến đã đi qua một kiếp người”. Sau gần 40 năm, những mất mát từ cuộc chiến vẫn ở đó, những chiêm nghiệm ngày càng dày lên, vì thế mà tác giả Đoàn Tuấn đã viết nên tác phẩm “Mùa chinh chiến ấy”.

Tình đồng đội trong “Mùa chính chiến ấy”

Chiến tranh không phải trò đùa. “Ðời lính thế đấy. Nay sống mai chết. Chẳng biết thế nào. Như chiếc lá bên đường. Chiến tranh qua đi. Tiện tay bứt một cái. Vứt đi. Thế là xong. Ðời lính đấy. Chưa đi hết cuộc chiến đã đi qua một kiếp người”. Sau gần 40 năm, những mất mát từ cuộc chiến vẫn ở đó, những chiêm nghiệm ngày càng dày lên, vì thế mà tác giả Đoàn Tuấn đã viết nên tác phẩm “Mùa chinh chiến ấy”.

Tình đồng đội trong “Mùa chính chiến ấy”

10 năm quân ngũ, 5 năm chiến trường, Đoàn Tuấn - cựu chiến sĩ thông tin thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 đã tận mắt chứng kiến những trận đánh nơi chiến trường, những lần truy quét địch ở biên giới Tây Nam chống tập đoàn diệt chủng Pônpốt - Iêngxari. Vì thế “Mùa chinh chiến ấy” như một cuốn nhật ký chiến trường, trong đó nhân vật tôi - tác giả là người dẫn dắt câu chuyện và kể lại quá trình từ một cậu học trò Hà Nội được gọi đi lính và chiến đấu ở chiến trường K (Campuchia). Từ đêm đầu tiên ở chiến trường (giữa tháng 11-1978) đến những năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử và khép lại vào lúc nửa đêm của 5 năm sau đó, tại ga Hàng Cỏ. Đó là giữa tháng 11-1978, những người lính vào đến biên giới Tây Nam, vào một đêm khuya. “Chỉ có rừng cây nối tiếp rừng cây. Biên giới là đây ư? Sao chẳng có lằn ranh nào? Chẳng thấy cột mốc nào? Cũng chẳng có sự khác nhau nào giữa bên ta và bên Campuchia. Tôi nhìn lên trời sao. Bầu trời cao nguyên ban đêm lồng lộng. Những ngôi sao sáng xanh, xa tít. Ai đã ví chúng như những vết thủng của bầu trời. Bây giờ đang chiến tranh. Bầu trời chung của hai đất nước, hai dân tộc, nhưng sao lòng người lại chia cắt? Và chia cắt luôn đất đai?”. Những câu hỏi ấy mở đầu cho hành trình dài của đời lính.

450 trang sách tràn ngập hình ảnh người lính vượt qua gian khổ, anh dũng qua từng trận đánh nơi chiến trường, những lần truy quét địch... Chỉ cần đọc tiêu đề của 7 chương sách: Từ biên giới vượt sông Mê Kông; Chiến dịch Anlong Veng đợt 1 - nếm mùi hiểm địa; Chiến dịch Anlong Veng đợt 2 - Những vết thương không liền da; Chiến dịch Anlong Veng đợt 3 - Chia nhau cái chết, tặng nhau nguồn sống; Những ngày cuối cùng ở Anlong Veng - nơi khe đá hang sâu; Lên trung đoàn bộ; Lính chỉ mong một lối về nhà... là chúng ta phần nào hình dung ra được chặng đường chiến đấu.

Dưới ngòi bút của tác giả, mỗi đồng đội được miêu tả rất tự nhiên. Họ gọi đồng đội là “đồng hương”. Ai ai cũng có một biệt danh để đồng đội gọi. Đó là Phú “râu” - người trung đoàn trưởng có dáng cao to, bộ râu không có điều kiện để cạo lại hóa “đẹp”; Trung đội trưởng Lê Quỳnh Lan đẹp trai, quê Bình Định, chiến đấu quả cảm, rồi hy sinh như một người anh hùng; Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Văn Khang hiền hậu như một người mẹ; chiến sĩ Nguyễn Đức Thừa, quê Quảng Nam, ít nói, rất giỏi khâm liệm thi hài liệt sĩ; rồi Thạo “điên”, Minh “sứt”, Thuận “áo trận”, Vinh “Nam Đồng”, Toàn “cây si”, Thắng “gái”... Mỗi người một tính cách, vẻ ngoài và suy nghĩ khác nhau, nhưng khi đã chiến đấu đều dũng cảm, kiên cường, thậm chí sẵn sàng hy sinh, chọn cái chết, sự nguy hiểm về mình để đồng đội được an toàn.

Anlong Veng vốn là địa điểm có nhiều bãi mìn. Có bãi ta cài, có bãi địch cài. Có những bãi cả ta và địch cùng cài. Vì thế khi được phân công đi đầu, dẫn đội hình tiểu đoàn từ Anlong Veng lên Cam - Tuất gùi gạo, ai cũng lo. Con đường này thấm biết bao máu thịt bộ đội. Nhưng họ vẫn chia nhau cái chết, giành nhau vào cửa tử: “Nói thật, để mai tao đi thay mày. Tao chết đỡ phí hơn. Tao chưa có ai. Mày còn có người yêu ở nhà chờ đợi”.

Có những câu chuyện rất “đời” được tác giả ghi lại. Đời lính là phải biết mùi hắc lào và sốt rét. Những người lính thâm niên cao thường ngang tàng vỗ ngực với đám lính trẻ: “Tuổi hắc lào của tụi tao còn hơn tuổi quân của tụi mày”. Đó là chuyện đàn bà Khmer “quyến rũ” lính Việt hành quân đến làng để xin con vì những người đàn ông trong làng đều đã đi lính và chết nhiều. “Họ hút nhau bằng luật tự nhiên, bằng bản năng của con người. Chẳng quy định, chẳng kỷ luật nào ngăn nổi. Những người lính, dù quân lệnh như sơn, nhưng trước khi là lính, họ cũng là những con người bình thường”... Hay chuyện đói, khát. Những người lính tình nguyện đói đến nỗi phải bắn cả chim kền kền mà ăn. Loài chim này chuyên ăn xác thối, chúng ăn cả những xác liệt sĩ ở trong rừng mà đồng đội chưa tìm thấy. Thịt kền kền hôi tanh, lúc bình thường chỉ ngửi mùi từ xa đã lợm giọng, muốn nôn mửa, thế mà vì đói quá họ cũng phải nhắm mắt mà nuốt. Đói đi liền với khát. Khát đến nỗi tê cứng người, đau nhức chân tay, không lê bước đi được. Khát đến độ để sống sót người này phải vạch quần tè ra cho người kia uống. Có người dù đã vượt qua được mọi gian lao, nhưng lại không thể thắng nổi cơn khát. “Khát quay cuồng. Khát điên dại. Người như muốn bùng cháy”, thậm chí đến mức... “tự giải thoát cho mình bằng một viên đạn vào đầu”.

Rồi cả chuyện khi tiểu đoàn rút đi nơi khác, người sống thì có thể di chuyển, nhưng lo nhất là nghĩa trang không mang đi được, làm thế nào để bảo vệ được những đồng đội đã hy sinh?

Trong tác phẩm, ít nhất Đoàn Tuấn đã ghi lại chừng 30 trường hợp đồng đội hy sinh. Mỗi người chết một kiểu. Chết nhiều nhất là vì mìn. Một số loại mìn có pha chất độc với thuốc nổ bên trong, nên người lính nào đã dính những loại mìn này hầu như không cứu được.

Chiến tranh là tàn khốc. Chính nhà văn Đoàn Tuấn còn nhắc đi nhắc lại bức thư của Lê Minh Quốc - cũng là lính chiến: “Sao tôi thấy thương tuổi trẻ của chúng mình đến thế. Thương thì thương thật, nhưng khi đất nước lâm nguy, tuổi trẻ của đất nước nào mà chẳng phải chịu đựng gian khổ, chẳng phải hy sinh?”. Trong hoàn cảnh ấy, ngoài niềm thương nhớ của những người nơi quê nhà thì tình đồng đội đã khiến họ không chùn bước, không ngại hiểm nguy.

Đọc văn Đoàn Tuấn, một cảm giác dễ chịu, dễ thương và hồn nhiên vô cùng. Anh sử dụng những câu văn ngắn, nhưng ý gãy gọn và gợi hình khiến người đọc cảm nhận được những cảm xúc chực ứa nơi câu chữ. Giọng văn của anh rất đặc biệt, chuyển tải cái khốc liệt, cái mất mát, đau thương mà không ủy mị, không tiêu cực, rất nhẹ nhàng.

“Phải lạc quan mới đánh thắng địch chứ... Vả lại, đã xác định vào lính rồi, ai cần biết thế nào đâu”. Là một trong số rất nhiều người may mắn còn sống sót và được trở về. Viết “Mùa chinh chiến ấy” để thay những người đồng đội của mình kể về một giai đoạn lịch sử đáng nhớ là cách nhà văn Đoàn Tuấn tri ân những người đã hy sinh, những người đã mãi mãi không trở về mà nằm lại bên đất nước bạn. Anh tự răn mình: phải viết trung thực để cho đồng bào mình và cộng đồng nhân loại nhận ra chân bản chất cuộc chiến. Viết để cho các thế hệ mai sau phải luôn nhắc nhau nhớ câu nói bất hủ của Fuxich trong tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ”: “Hỡi loài người, hãy cảnh giác!”. Cuộc chiến đấu chống lại bọn Pônpốt để bảo vệ và giành lại độc lập cho Nhân dân Campuchia đã có lúc bị hiểu lầm. Nhưng với tình cảm của đất nước láng giềng, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, những người chiến sĩ ấy vẫn âm thầm hy sinh, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Đọc những dòng cuối cùng của cuốn sách: “Này, tại sao đời lính, mình trải qua có mỗi mấy năm, mà sao nhớ lâu đến thế? Trong khi mình có bao nhiêu bạn khác. Nào bạn phổ thông, nào bạn cơ quan, đồng nghiệp này nọ, nhưng mình thấy gắn bó sâu sắc nhất với đời lính. Dù nhiều lúc, cũng có trận cãi cọ, chẳng ra sao”... “Anh em mình có chung một tấm thẻ căn cước. Đó là đời lính”... chúng ta những thế hệ hậu chiến có thể cảm nhận được những vinh quang và nước mắt, nỗi sợ và lòng dũng cảm, tình đồng đội và tình người.

Có đi qua cuộc đời lính chiến mới hiểu chẳng có nỗi sợ nào đáng sợ, chỉ còn những ơn nghĩa thầm lặng ghi mãi trong lòng, để nhận ra rằng đời lính chính là “tài sản vô giá” theo cách nhà văn Đoàn Tuấn nói.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]