(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) ‘Hai ngọn gió’ là tập thơ thứ hai của nhà thơ người dân tộc Mường: Phạm Thị Kim Khánh. Với tập thơ này chị khẳng định vị trí của mình trong đội ngũ những người làm văn học các dân tộc thiểu số - một dòng chảy không thể thiếu trong nền văn học Xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tình yêu trong thơ Phạm Thị Kim Khánh(*)

(VH&ĐS) ‘Hai ngọn gió’ là tập thơ thứ hai của nhà thơ người dân tộc Mường: Phạm Thị Kim Khánh. Với tập thơ này chị khẳng định vị trí của mình trong đội ngũ những người làm văn học các dân tộc thiểu số - một dòng chảy không thể thiếu trong nền văn học Xứ Thanh.

“Hai ngọn gió” đề cập đến nhiều đề tài: truyền thống quê hương, dòng họ, lòng yêu quê hương, đất nước, sự sẻ chia về những mất mát của người phụ nữ sau chiến tranh, sau những đổ vỡ trong hôn nhân gia đình… nhưng nổi bật hơn cả là đề tài tình yêu! Tình yêu lứa đôi với sắc thái riêng biệt mà qua chị, ta hiểu thêm những giá trị văn hóa, những cung bậc và trạng thái tình cảm, cái tiếng ngân rung của rừng núi, tiếng suối chảy, âm thanh khắc khoải của con chim gọi bạn… và cả những tiếng đau se sắt khi tình yêu bị thương.

Có tới hai phần ba bài trong tập thơ là những tứ thơ ngắn, gọn, những lát cắt trong khối tình muôn màu vẻ của con người. Ta nhận ra ở chị cái duyên định về “Tháng Giêng” - được dẫn giải như là nguồn gốc, là nguyên nhân của mọi cảm xúc, là lý do cho mọi cuộc tình: Một ngày kia/ Bên khu vườn Tháng Giêng để ngỏ/ Ta tìm thấy lá bùa mầu nhiệm/ Ta tìm thấy đời ta, con tạo cơ cầu giấu kỹ/ Lá bùa nắn nót chữ: TÌNH YÊU. Hơn một lần nghe chị thốt lên: Tình yêu ơi, ta mắc nợ em rồi/ Lời muốn nói chưa một lần nói hết. Tháng giêng mầu nhiệm “nắng như chưa là nắng, mưa như chưa là mưa”, đã dẫn dụ chị đi trong mơ màng bất định: “xuân về đấy phải không, có thực đó là xuân?” và “một thoáng tháng Giêng/ gặp lịm ngọt nồng nàn hoa bưởi/ rạng rỡ bừng sau lụi tàn úa héo/ ta gặp ta một chút của ngày xanh…”

Mùa xuân đến với cô gái có người bạn bản bên cùng học đưa vội bức thư đầu, thế là “Từ đấy ngày xuân tôi thường chải tóc/ ngắm gương mặt mình qua mó nước ban mai/ lòng rạng rỡ một mùa xuân thứ nhất/ thoáng ai qua cũng đỏ mặt ngoái nhìn”. Cô gái lớn lên với những sản vật, hương vị của núi rừng, với trứng kiến ngạt, canh rau sắng, xôi củ mài, theo người đi bắn chim, đặt bẫy… và qua bao mùa hoa bông trăng đến cái thì “chít dây lưng sại lưng sồi màu lá/ thắt eo thon như con ong mùa mật/ tắm suối trần như củ sắn bóc/ nàng như bụi lúa nương tròn mình chờ mưa xuống làm bông”. Ngòi bút của Phạm Thị Kim Khánh tươi vui lạ thường, những câu thơ hình tượng, gợi cảm …có lẽ chỉ những người viết sinh ra, lớn lên và gắn bó với miền núi mới có được. Có những loại củ bóc vỏ theo chiều dọc, có loại bóc vỏ theo chiều ngang, củ sắn là trường hợp này: khi bóc thường lấy dao khía nhẹ theo vòng tròn rồi lột vỏ, lột đến đâu thân củ sắn “trần” ra, trắng đến đấy. Không khó để hình dung được động tác cô gái Mường kéo váy dần lên ngực khi lội xuống suối tắm; còn hình ảnh“nàng như bụi lúa nương tròn mình chờ mưa xuống làm bông” thì không gì phồn thực và đẹp hơn thế!

Tình yêu trong thơ Kim Khánh vừa quen vừa lạ. Quen vì nó cũng nằm trong quy luật yêu đương của con người mà nhiều tác giả thơ đã thể hiện. Lạ vì nó được diễn tả bằng một ngòi bút sắc sảo, hóm hỉnh, bằng bản lĩnh và trái tim nhạy cảm luôn thổn thức của chị. Cũng những say đắm, giận hờn, ước ao, nghi kỵ, đôi lúc dằn dỗi, đến không né tránh lên án thói “tham lam, ích kỷ” trong tình yêu. Dẫu vậy trong mọi trường hợp cách ứng xử của chị vẫn là một tấm lòng nhân hậu, là nụ cười bao dung, luôn biết tự vấn mình.

Trong cái đêm giá lạnh, cô đơn, nghe “tiếng chim đi kiếm mồi/ tiếng chuột đi kiếm mồi/ tiếng păng póp gọi đôi…”, bất chợt chị liên tưởng đến mình, sao không được như đôi chim kia:“Đâu nữa sánh hồn tôi/ trong miền đêm yên ắng”. Khi hạnh phúc không kề bên, chị tìm trong kỷ niệm: “Soi gương, soi bờ môi/ dấu môi còn tràn ngợp/ Nhìn sâu trong đáy mắt/ ánh mắt còn in soi…/ ngón nào mân mê vuốt/ êm êm sau vành tai…”; vượt qua lẽ thông thường, chị say mê một cách thành thật: “Hồn ơi, trong cơn đói/ lục tìm ngàn dấu yêu!”. Chị từng qua nỗi thất vọng đợi chờ: “Đợi người, người ngại nắng trưa/ Chờ người, người bảo sắp mưa nữa rồi.”. Phút chờ đợi thường trong tâm trạng ngờ vực, phỏng đoán thế này thế khác, rồi chị lại tự trách, tự an ủi, biện minh cho mình:“Người ta cũng chửa nói gì/ mà như đã hẹn, chia ly… như là!”. Có lúc không ngần ngại, chị đã “bóc mẽ” người đàn ông từng kiêu hãnh như một chiến binh dũng cãm, một giám đốc tài năng... mà với họ “Tình yêu của em không làm anh thêm hạnh phúc hay âu lo”, đơn giản nó chỉ làm anh phong phú thêm bộ sưu tập: “Tình yêu em/ tấm huân chương mạ vàng, trên ngực anh/ đầy huân chương!”

Bài thơ: “Gửi tình thứ nhất”, chị gợi lại mối tình đầu, không phải với thái độ trách móc mà là sự trân quý, bao dung; dù đã chia tay, hai người không cùng một nơi, không chung một lối nhưng vẫn còn chung “mối tình thứ nhất” – điều này đã mấy ai nghĩ đến, và chị đưa ra một lời khuyên, một lời an ủi mà tôi tin nhiều người sẽ đồng tình với chị:

Xin đừng trách ai quên lời hẹn ước

Đời như chuyến đi xa ai đỗ ở ga đầu!

Cũng đừng trách con tàu trăm ga đỗ

Vẫn khắc khoải một niềm về bến đỗ đầu tiên!

Phạm Thị Kim Khánh nhớ về “bến xưa” (chị không gọi là “bến cũ”), mường tượng cái bến có con đường và bến đò chị đã xuống và từng qua, chị đã mơ mùa hoa cải vàng, cô dâu nón trắng “tạ từ thơ ngây, bịn rịn ở trong đời”. Nhưng rồi “Bãi bên sông ai để cải lên ngồng/ hoa dãi vàng ngây ngô như nỗi nhớ”. Còn người con trai đã từng ví mình như“cây si”, nguyện một đời dầm chân bên bến nước, thì vẫn “mãi một đời si dại, một đời soi bến nước ta chung”.

Trở về với nương bản, với những sinh hoạt hàng ngày, con dao, cái cuốc… với những con người an nhiên sống giữa núi rừng thôn bản, chị đã mượn lời người trai bản nói lên những khát vọng về tình yêu, một tình yêu vừa trần tục vừa thanh tao, không bụi đục, ngợp tràn hương rừng gió núi, giữa thiên nhiên an lành mà con người hằng khao khát:

Về với anh nhé, em nhé

đêm về ta nằm chung một đêm

mùa trăng ta cùng ngắm trăng dưới vườn nhà

anh cho em gối tay tròn đêm

nghe tiếng con chim păng chim póp

em không còn phải khóc

em ngủ mê giật mình anh ôm vào ngực

anh không làm em đau, không làm em tức

Về với anh nhé, em ơi!

Thơ Phạm Thị Kim Khánh đang độ chín nhờ vào vốn văn hóa tích lũy được, trên nền tảng bản sắc dân tộc, địa phương, mà chị gìn giữ. Thơ chị như dòng suối chảy gặp dòng sông. Mong sao trên con đường sáng tạo, đổi mới thơ mình, chị vẫn giữ được hương rừng gió núi, âm thanh tiếng chim trên mái nhà sàn, vị ngọt thanh của mó nước chị soi ngắm mỗi ban mai.

Trịnh Ngọc Dự

(*) “Hai ngọn gió” - tập thơ của Phạm Thị Kim Khánh, Nhà xb Văn học, 2016.

Phạm Thị Kim Khánh - người dân tộc Mường, là hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số, Phó ban Thơ Hội VHNT Thanh Hóa, đã xuất bản 2 tập thơ. Hiện chị đang giảng dạy tại Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, chi nhánh Thanh Hóa.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]