(vhds.baothanhhoa.vn) - Chỉ cần gõ cụm từ “dịch vụ đẻ thuê” hay “dịch vụ mang thai hộ” trên thanh tìm kiếm Google, ngay lập tức thu về hàng triệu kết quả.

Tràn lan dịch vụ đẻ thuê, hiến tinh trùng, trứng

Chỉ cần gõ cụm từ “dịch vụ đẻ thuê” hay “dịch vụ mang thai hộ” trên thanh tìm kiếm Google, ngay lập tức thu về hàng triệu kết quả.

“Thương vụ” bạc tỷ...

Hiển thị lên đầu trang là các hội nhóm như: “Team đẻ Bệnh viện Phụ sản Trung ương”; “Mang thai hộ - hiến trứng - tinh trùng - hiếm muộn”...

Thậm chí có cả những trang công khai vì mục đích nhân đạo... từ các môi giới. Trong các hội nhóm này, nhiều gia đình hiếm muộn vào đăng tuyển tìm người mang thai hộ.

Tràn lan dịch vụ đẻ thuê, hiến tinh trùng, trứng

Hội nhóm thu hút đông đảo thành viên. (Ảnh chụp màn hình)

Xâm nhập “thị trường”, PV liên hệ với tài khoản mạng xã hội T.M - hành “nghề” môi giới và đã được cung cấp rất nhiều gói dịch vụ về việc mang thai hộ hay còn gọi là “đẻ thuê”, hiến trứng, hiến tinh trùng...

Nick T.M tư vấn mỗi ca mang thai hộ có giá từ 300-450 triệu đồng, tùy vào từng gói dịch vụ yêu cầu của chủ nhà hoặc gói dưỡng thai tại Việt Nam hay nước ngoài. Ngoài ra, người có nhu cầu mua/“hiến” trứng, tinh trùng có giá giao động từ 15-30 triệu đồng/lần. Họ cam kết việc tuyển chọn người mang thai hộ, “hiến” trứng, tinh trùng khá gắt gao, bao gồm cả về sức khỏe, ngoại hình, độ tuổi và phải qua quy trình kiểm tra tại các bệnh viện hiếm muộn.

Với lời cam kết đảm bảo uy tín, chất lượng các “cò mồi” sẵn sàng đứng ra làm bên trung gian thực hiện các bước để “lách luật” rồi ăn chia hoa hồng.

Tràn lan dịch vụ đẻ thuê, hiến tinh trùng, trứng

Hoạt động mua/bán tinh trùng, trứng và mang thai hộ diễn ra sôi nổi. (Ảnh chụp màn hình)

Tràn lan dịch vụ đẻ thuê, hiến tinh trùng, trứng

Bài đăng tìm người mang thai hộ công khai trên mạng xã hội.

Mang thai hộ, hiến tặng trứng, tinh trùng vì mục đích nhân đạo là một trong những quy định được Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cho phép và cũng được xem như là một bước đột phá trong công tác lập pháp, mở ra niềm hy vọng mới cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có cơ hội tìm được con yêu. Tuy nhiên, các hình thức trên dần bị biến tướng, chuyển sang hình thức mua bán công khai thông qua “cò”.

Một người phụ nữ có thể “hiến” trứng, mang thai hộ nhiều lần hay việc “hiến” tinh trùng nhiều lần tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Đáng nói, nhiều bạn trẻ là nữ giới có hoàn cảnh khó khăn sẵn sàng tìm đến với dịch vụ mang thai hộ bất hợp pháp để lấy tiền trang trải cuộc sống...

Điều kiện để “tham gia” các hội nhóm hết sức đơn giản, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân: năm sinh, chiều cao, cân nặng và số lần đã sinh (sinh thường hay mổ) để đối tượng môi giới “thẩm định”. Ngoài ra, các vấn đề về sức khoẻ sẽ được thăm khám ngay sau khi người mang thai hộ đồng ý.

Tại Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cụ thể, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Mặt khác, đối với người được nhờ mang thai hộ, phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; người mang thai hộ đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng...

Ngoài ra, hiện nay pháp luật quy định khung hình phạt nghiêm cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. Cụ thể, tại Điều 187, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về “Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” như sau:

1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Đối với 2 người trở lên;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]