(vhds.baothanhhoa.vn) - Lớp học hôm nay có vẻ vắng nhiều, mấy dãy bàn cuối trông thưa thớt. Nhân đưa mắt nhìn xuống, điểm xem những em nào không có mặt. Vẫn là nhóm học trò ở bản Si, cách xa trường.

Trăng nghiêng miền nhớ

Lớp học hôm nay có vẻ vắng nhiều, mấy dãy bàn cuối trông thưa thớt. Nhân đưa mắt nhìn xuống, điểm xem những em nào không có mặt. Vẫn là nhóm học trò ở bản Si, cách xa trường.

Trăng nghiêng miền nhớ

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bản Si nằm sâu trong rừng, lọt thỏm giữa thung lũng, bốn bề núi dựng, nối con đường chính là một lối mòn nhỏ, ngoằn ngoèo, lại có nhiều khe suối vắt ngang. Có lẽ trận mưa lớn đêm qua khiến núi lở, nước dâng nên các em đến trường không được. Gần mười năm công tác vùng cao, Nhân đã đến hầu hết gia đình của học sinh thăm hỏi, động viên và bản Si là nơi để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất. Bởi tình người, bởi sự lạc quan, bởi niềm khát khao con chữ.

Sau giờ dạy, Nhân hướng về bản Si. Đường vào bản dốc ngược, lại vắng vẻ, nhiều đoạn bị xói mòn, đá nhọn nổi đầy, khó đi. Anh phải để xe máy trên dốc, cẩn thận men từng bước theo lối mòn.

Nhóm học trò nghe tin thầy giáo đến thăm, chạy ùa ra đầu dốc đón, mừng rỡ. Nhân trao túi quà cho các em rồi cúi xuống xổ hai ống quần. Lúc này, anh mới nhìn rõ đôi chân mình lấm lem bùn đất. Một em kéo Nhân đến bên mó nước rỉ ra từ vách núi.

- Thầy rửa chân đi, nước mát lắm!

Nhân lội xuống dòng nước. Nước trong, có thể thấy những hòn sỏi nằm dưới đáy, lấp lánh. Vạt cỏ dại ven bờ thì xanh tốt.

- Ông nội bạn Hô bị bệnh mấy ngày nay thầy ạ!

Nhân nhìn nhanh cậu học trò vừa thông tin. Nó gật đầu xác nhận. Hô cũng ngước cặp mắt buồn thiu nhìn thầy giáo.

- Chúng mình đến nhà Hô thôi!

Khi Nhân vừa bước lên hết bậc cầu thang, già Hiêng uể oải ngồi dậy, gương mặt lộ rõ sự mệt mỏi. Tuy vậy, ông cũng cố gắng ngồi ngay ngắn tiếp thầy giáo, vị khách thường xuyên và đáng quý của dân bản.

Già Hiêng hay ốm đau. Mỗi lần như thế, y tá xã vào tận nhà kê toa, phát thuốc. Những ngày cái chân già Hiêng biếng đi, cỏ trên rẫy lên cao, cái máng bằng tre nứa dẫn nước về nhà bị vỡ, con lợn cột ở chân nhà sàn ủi đất kiếm ăn. Hô, cháu nội của ông cũng không đến lớp. Nó chăm sóc ông, lọ mọ nấu từng bát cháo và ép ông ăn.

Nhân cảm thấy mủi lòng khi nhìn tấm thân gầy còm của già Hiêng bọc trong bộ quần áo cũ, nhàu nhĩ. Tuy tuổi chưa cao lắm nhưng cái nghèo, cái khổ đeo đẳng, khiến gương mặt của ông sớm xuất hiện nhiều nếp nhăn và tấm lưng của ông cũng đã còng thấp xuống.

Biết người ốm không thể ngồi lâu được, Nhân đỡ già Hiêng nằm xuống rồi len lén nhìn ông khép hờ cặp mắt và nặng nhọc từng nhịp thở. Nhân từng nghe kể lại, chỉ sau một trận lũ quét, già Hiêng đã trắng tay, sống trơ trọi trong căn nhà sàn xiêu vẹo cuối dốc. Vợ ông bị nước lũ cuốn trôi không tìm thấy xác. Vợ chồng con trai bảo không thể quẩn quanh trong hóc núi, mé rừng để cái nghèo, cái khổ vây hãm mãi nên đã tìm vào Nam kiếm việc làm, nhưng đi từ lúc thằng Hô một tuổi mà vẫn chưa thấy về. Một đồn mười, mười đồn trăm, người ta bảo vợ chồng con trai ông đã chết, chứ cha già, con nhỏ sao nỡ đành đoạn. Nhưng già Hiêng tin, nay mai vợ chồng con trai sẽ trở về.

Cứ ngỡ những biến cố buồn đau sẽ quật ngã già Hiêng đến tận cùng tuyệt vọng nhưng rồi chính niềm tin vào cuộc sống và bằng tình yêu thương của dân bản đã giúp ông vượt qua, sớm tối, vui buồn cùng đứa cháu nội.

Nhóm học trò lặng lẽ đưa thầy giáo qua khỏi đoạn suối lở xói rồi mới quay trở lại. Nhân ngoảnh nhìn những dáng hình thân quen xa dần, khuất sau tán cây. Anh khẽ lắc đầu, nỗi niềm khôn tả cứ thế trào dâng khi nghĩ về cuộc sống của người dân và sự thua thiệt của học trò nơi đây.

Chiều đã phai bóng nắng. Những căn nhà trong bản bắt đầu thổi cơm, ngọn khói lam vờn quanh rồi từ từ theo gió bay lên.

Nhân vừa soạn xong bài dạy cho tuần sau thì trời đã tối. Khu tập thể năm phòng liền kề, mùi thức ăn, mùi cơm lúa mới tỏa lan, thơm nức. Anh cũng chuẩn bị bữa tối nhưng chưa vội ăn mà bước ra sân, tận hưởng không khí yên lành.

Nhân đứng ở triền dốc nhìn mông lung bốn phía. Khóm hoa dủ dẻ đơm đầy bông, hương bay ngào ngạt. Anh đắm chìm vào mùi hương quen thuộc này, ký ức tuổi thơ ùa về đã đưa Nhân qua những tháng ngày tươi đẹp. Anh gặp lại mùa thu, mùa khai trường và mùa trăng thương nhớ. Và giữa những bộn bề ký ức ấy, anh lại bồi hồi nhớ về những đêm rằm tháng tám, mùa trung thu hồn nhiên, vô tư với biết bao kỷ niệm. Ngày ấy mọi sinh hoạt còn giản đơn, mọi thú vui còn hạn chế nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Bỗng anh nghe lòng rộn rã, ngân vang tiếng trống lân dồn dập. Dưới trăng thu, vào đêm rằm, anh cùng các bạn rước đèn ông sao, đoàn múa lân tiến về nhà văn hóa thôn trong niềm háo hức, chờ đợi của bao người.

Nhớ về ngày tháng cũ, anh chợt xốn xang khi nghĩ đến tuổi thơ ở vùng núi cao này. Học trò anh ít đứa có áo quần lành lặn, bữa cơm nhiều nhà còn độn khoai, độn ngô. Một chiếc đèn lồng hay chiếc bánh trung thu cũng quá xa vời với bọn chúng. Anh thương học trò, cuối tháng có dịp về xuôi, anh mang lên bánh kẹo, đồ chơi và quần áo. Học trò rất thích thú, nâng niu những món quà, ánh mắt chan chứa niềm vui.

Khắp vùng núi chìm vào màn trăng. Không gian im ắng, từng cơn gió mơn man khiến mùi hương dủ dẻ càng thêm nồng nàn. Nhân bước dọc con đường dẫn đến khu dân cư. Tiếng trẻ con vui đùa. Ai đó vừa cất lên một làn điệu dân ca. Hình như trăng mùa thu bao giờ cũng đẹp và sáng nhất. Ánh trăng dát vàng muôn nơi. Giữa không gian rộng lớn, ánh sáng của trăng càng thêm dịu dàng, huyền ảo. Trăng rải thảm khắp đồi núi, bản làng. Trăng theo chân người xuống suối, lên nương.

Trời bỗng dở chứng đột nhiên nổi giông, những đám mây đen cuồng nộ từ đỉnh núi xa kéo về trong một chiều đang nắng. Sấm chớp liên hồi đì đùng và rạch từng nhát trên nền trời, sáng lóa. Và mưa ào ạt tuôn. Nhân tấp vào lề đường, mặc vội áo mưa. Mưa to thế này, nước suối sẽ dâng rất nhanh, ào ạt tuôn từ trên dốc xuống, thành lũ trong chốc lát. Chiếc cầu tạm bợ bằng mấy thân cây ghép lại cũng có nguy cơ bị nước nhấn chìm. Nhân phóng nhanh như ai rượt đuổi, cứ thế cắt màn mưa mà chạy, mưa táp vào mặt rát rạt, hai mắt bắt đầu cay xè. Vừa đến con đường vào bản Si, Nhân hốt hoảng nhìn dòng nước như thác đổ, cứ ầm ào. Hôm nay là chủ nhật, nhiều học sinh của anh vào rừng kiếm củi, bẻ măng, tầm này cũng sắp về. Phải đứng đợi, hướng dẫn các em thôi. Không chừng các em mạo hiểm lội qua suối thì...

Nhân bám theo con dốc chênh vênh trơn trượt đến bên bờ suối. Nhìn dòng suối tuôn phá lao đi, anh thấy lòng dạ bất an. Một tốp học sinh quần áo ướt nhẹp, trông thấy thầy giáo thì cuống quýt, mừng rỡ, đưa tay lên vẫy liên tục. Nhân trấn an rằng, tạm nấp dưới gốc cây, lát mưa ngừng rồi hãy qua suối. Cứ thế, thầy lo lắng nói vọng qua, to át cả tiếng gió, tiếng mưa, học sinh nhấp nhỏm, chạy tới chạy lui như bầy gà con lạc mẹ.

Mà không lo lắng sao được khi Nhân đã coi cái bản nhỏ nằm heo hút, kẹp giữa hai dãy núi cao, những ngôi nhà sàn lúp xúp chạy dọc triền núi, người dân quây quần, yêu thương và trẻ em luôn khát cái chữ này như người thân của mình. Cả quãng đời thanh xuân, Nhân gắn bó với vùng đất này và ý định chuyển đến nơi có điều kiện tốt hơn chưa hề xuất hiện trong suy nghĩ của anh.

Dân bản ở đây rất quý trọng, yêu thương thầy cô giáo. Ngôi trường tiểu học được xây tạm bợ bên con suối nhỏ, chưa đầy chục phòng, tính cả mấy phòng cho giáo viên nhà xa trường, phải ở lại. Nhưng ai nấy đều hài lòng, luôn nghĩ tích cực và luôn chăm lo đến học trò. Nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm sở, Nhân đứng ngây người nhìn khung cảnh núi rừng trùng điệp, hút tầm mắt cũng chỉ thấy vài mái nhà lẫn khuất trong sương, trong cây, không có sóng điện thoại. Muốn liên lạc về nhà hay gọi xuống phòng, xuống sở anh phải leo lên đỉnh dốc, mà sóng đôi lúc cũng chập chờn. Hồ sơ, giáo án phải chép, phải soạn tay hoặc đánh máy xong, mang tuốt ra thị trấn tìm chỗ photo, in ấn. Buồn nhất là vào buổi tối, giữa màn đêm đen đặc, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng suối xa âm vang, tiếng chim lạc bầy thảng thốt, đầy vẻ hoang sơ và bí ẩn. Nhiều người cũng đã phải rơi nước mắt vì buồn, vì cô đơn; năm nào cũng có giáo viên bỏ trường bỏ lớp, về xuôi kiếm việc khác làm. Thế nên, trường lớp thiếu hụt giáo viên, có năm Nhân phải phụ trách hai khối lớp ở hai điểm trường khác nhau, lại khá xa, phải băng qua mấy triền đồi... Nhưng anh đã quyết tâm, tự động viên mình khi nhìn từng tốp học sinh đến lớp, lễ phép dạ thưa. Chính hình ảnh hồn nhiên, vô tư và sự khát khao kiến thức của bọn nhỏ đã giúp anh vững tâm và dốc lòng cho nghề nghiệp hơn.

Có lẽ khó ở đâu khiến trái tim Nhân rung động với bao cung bậc của yêu thương như vùng đất ngút ngàn cây núi và chan chứa mây trời này. Anh thấy mình có duyên nợ với nơi không phải là quê hương, không có cha có mẹ, không có người thân yêu, ruột thịt này. Nói điều ấy với cha mẹ mỗi lần về thăm nhà, anh đều nhận được sự động viên, khích lệ, điều ấy đã khiến anh thêm tự hào và cố gắng hơn nữa.

Nhân là người trầm tính, hướng nội nhưng lại quyết đoán. Ngày mới ra trường, dù có nhiều cơ hội và sự lựa chọn nhưng anh đã sớm hướng ý nghĩ của mình đến mấy xã khó khăn thuộc huyện miền núi của tỉnh. Ở đấy đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, còn nghèo nàn, tập tục lạc hậu, canh tác hoa màu và lúa rẫy đều nhờ nước trời, mùa màng nhiều năm thất bát, bấp bênh. Theo lời kêu gọi của các cấp, các ban ngành, cán bộ, sinh viên mới ra trường lên vùng núi để xóa mù chữ, nâng cao dân trí, giúp người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tìm được điểm tựa cho cuộc sống tốt hơn lên, Nhân đã hào hứng xung phong đầu tiên. Anh đã tìm đọc thêm tài liệu để bổ sung kiến thức, hiểu được phong tục và tập quán của người dân nơi anh sẽ đến. Để rồi, không bao lâu, anh trở thành người con của bản, đi đâu, làm gì, họ đều xem anh là một thành viên không thể thiếu.

Đêm hội trăng rằm, tổ chức rước đèn, phá cỗ. Đoàn từ thiện được Nhân kết nối từ dưới xuôi lên sẽ vui chơi phát quà cho các em. Sân trường được quét dọn sạch sẽ. Một sân khấu nhỏ được kê từ những tấm ván cũ. Phông màn, đèn hoa được kết, trông rất đẹp mắt. Nhân hướng dẫn các em tập trung, xếp hàng ngay ngắn. Niềm vui, háo hức chộn rộn lên khắp điểm trường...

Trăng vừa nhô lên sau tán rừng xa cũng là lúc đêm hội bắt đầu. Tiếng trống lân dồn dập. Đoàn lân sư rồng nhảy múa, tiến vào trung tâm sân trường. Các em reo hò, đi thành vòng tròn, vừa như muốn hòa mình ngay vào đoàn người vừa như còn chút gì bỡ ngỡ, e thẹn trước niềm vui mới mẻ này. Những chiếc đèn ông sao lấp lánh tạo nên sắc màu lung linh, huyền ảo. Cứ thế, các em vui chơi, mãi đến khuya mới lần lượt ra về.

Nhân đưa học sinh xuống hết con dốc. Anh lặng nhìn theo, chợt nghĩ trong giấc ngủ đêm nay, các em có mơ thấy chị Hằng, chú Cuội từ trên cung Quảng Hàn xuống vui chơi, ca hát hay không?

Truyện ngắn của Sơn Trần



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]