Trạng nguyên Lê Nại
Trạng nguyên Lê Nại (1469-1532) sinh ra trong dòng họ có truyền thống khoa bảng, ông nức tiếng về tài học. Đồng thời ông còn được lưu truyền với cái tên thân mật là “Trạng Ăn” hoặc “Trạng nguyên Cơm” vì đức ăn như sấm.
Đình làng Phú Vinh hiện xuống cấp nghiêm trọng, đang chờ được trùng tu, tôn tạo.
Sách “Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa”, viết: Lê Nại nguyên quán ở hương Lão Lạt, Thuần Lộc (nay là xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc), trú ở thôn Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương)”, là con thứ của cụ Lê Đạc, làm quan ở Hải Hưng. Theo “Lê thị gia phả sự tích ký” (tác giả Nguyễn Văn Nguyên dịch và chú thích) thì: “Bình sinh cụ Lê Đạc sống rất thảo hiền, thường về quê xây từ đường, đặt ruộng thờ giao cho làng Lão Lạt trông nom thờ phụng. Cụ được trao chức Đồng Tri châu”. Lê Nại từ nhỏ đã theo cha sống tại Mộ Trạch (nay thuộc tỉnh Hải Dương).
Nhắc đến Lê Nại, trong nhiều tài liệu có chép nhiều câu chuyện của “Trạng Ăn”. Trong đó có việc, khi mẹ vợ chuẩn bị ba mươi suất ăn sáng để đón ba mươi thợ vạt bờ cuốc góc, Lê Nại xin làm thay những người đó rồi chén sạch xong lăn quay ra ngủ. Mờ sáng Nại vẫn ngáy khò khò. Mẹ vợ gọi, Nại choàng tỉnh vác dao phát và cuốc lao ra đồng. Lúc dùng dao, lúc dùng cuốc, Nại làm nhanh như chớp, loang loáng hết bờ ruộng này sang bờ ruộng khác, cá tôm thấy động chạy không kịp, chết nổi lên đầy mặt nước, người làng ra vớt lên gánh từng gánh mang về.
Sức ăn của Lê Nại khác với người thường. “Mỗi bữa tăng gấp đôi suất ăn thì Lê Nại cầm sách đọc qua vài lượt. Khi cho ăn nồi ba cơm, Lê Nại học đến nửa đêm. Nếu ăn đầy đủ thì Lê Nại đèn sách suốt đêm không hề chợp mắt”.
Và Lê Nại cũng là người thông minh, tinh thông sách vở. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” có chép: Lê Nại đỗ trạng nguyên khoa Ất Sửu (1505), làm quan tới chức Hữu hộ (tức chức quan Hữu thị lang Bộ Hộ). Lê Nại thường làm thơ tự tán mình... đỗ đầu khoa bảng, danh tiếng nêu cao, súc tích đầy đủ, phát triển dồi dào. Sau ông thành đạt đúng như đã nói”.
Đương thời khi làm quan, ngoài chức trách đã hết lòng thể hiện, Lê Nại luôn quan tâm đến quê hương. Ông đã cấp tiền để tu bổ từ đường, sửa chữa đình Lão Lạt. Ngoài ra ông còn cấp tiền cho làng lập quỹ hỗ trợ những nho sinh nghèo hiếu học.
Tháng 3/1532, trạng nguyên Lê Nại qua đời tại kinh thành Thăng Long. Nhà vua thương tiếc cho lập đền thờ ông ở làng Lão Lạt để con cháu mang linh cữu về quê an táng đồng thời truy tặng tước Đạo Trạch bá, thuộc hàng tam phẩm.
Lại nói về tài học của Lê Nại. Ông sinh ra trong một gia đình lấy sự học là nền tảng. Sách lịch sử dòng họ ghi lại, Lê Nại là cháu của tiến sĩ Lê Cảnh Tuân (1381), là anh của tiến sĩ Lê Tư (1511), là bố của tiến sĩ Lê Quang Bí và có cháu là tiến sĩ Lê Công Triều (1659)... Phải nói đây là một trong số ít dòng họ con cháu đỗ đạt cao trong cả nước.
Bia công đức ghi lại thời điểm đình làng Phú Vinh, xã Tuy Lộc (Hậu Lộc) được trùng tu năm 1925.
Hương Lão Lạt có thể là cái tên rất mơ hồ với người dân. Nhưng theo các tài liệu lịch sử, như “Địa chí Hậu Lộc”, “Chùa xứ Thanh”, hương Lão Lạt gắn với sự kiện vua Trần Nhân Tông khi thị sát phòng tuyến Phú Tân chống giặc Nguyên đã dừng chân tại làng. Ở hương Lão Lạt xưa, nay là xã Tuy Lộc (Hậu Lộc), có làng Phú Vinh, tương truyền, họ Lê vốn dòng khoa bảng. Dù ở nơi vùng trũng thấp, quanh năm ngập nước, chỉ cấy được một vụ lúa, song họ Lê luôn đề cao sự học, vì thế mà không ít người đỗ đạt làm quan. Sau khi chết, Lê Nại được con cháu trong dòng họ thờ tự, sau này dân làng đã chuyển linh vị ông vào đình, phối thờ cùng thành hoàng làng. Trong không gian thiêng của đình làng Phú Vinh, bà Trương Thị Liên, công chức văn hóa xã hội xã Tuy Lộc giới thiệu với chúng tôi: “Dù là xã vùng trũng nhưng đình làng Phú Vinh lại ở nơi thế đất cao nhất, đẹp nhất, luôn khô ráo. Chúng tôi thường nói với nhau, đây là sự lựa chọn của tiền nhân và của đất trời, nơi đây chính là điểm hội tụ giao lưu văn hóa - xã hội, nơi con cháu tụ về với mong muốn được thành đạt và bình an”.
Theo thời gian, đình làng Phú Vinh đã xuống cấp, song trên ban thờ vẫn còn đó pho tượng bằng gỗ cao 0,65m được sơn thiếp, chân dung của trạng nguyên Lê Nại, tượng hình quan văn thiết triều, tay phải úp xuống lòng đùi, tay trái cầm lệnh chỉ. Ngoài ra, bức đại tự khắc “Vạn cổ danh khôi” (Muôn đời danh thơm) và đôi câu đối treo ở cột mang ý nghĩa: Cả đời hiếu thuận, Bắc Nam trời đất anh linh. Đỗ đạt đại khoa Lê Triều sử sách mãi lưu danh.
Học rộng biết nhiều, nhưng hơn hết trạng nguyên Lê Nại còn được mọi người kính nể ở tính tình thuần hậu. Hoàng giáp Lê Quang Bí cũng có thơ vịnh cha mình, được dịch: “Rộng rãi còn thêm tính nết thuần/ Thiên tài muộn phát chắc mười phân/ Đã đem danh vọng trùm thiên hạ/ Còn lấy thi thư hóa vạn dân/ Cây đúc tốt tươi đời hái quả/ Bảng vàng nối dõi cửa đầy xuân!/ Cho hay phúc trạch bao giờ cạn?/ Hán ví Vu Công, Tống Đậu Quân”.
Đó cũng là lý do mà dù hương Lão Lạt xưa, thôn Phú Thọ, xã Tuy Lộc nay chỉ là nguyên quán của trạng nguyên Lê Nại, nhưng người dân ở đây vẫn rất tự hào. Bởi thế mà cứ đến lễ hội đình Phú Vinh, chính quyền và Nhân dân đều tổ chức hoành tráng, có quy mô lớn nhất trong vùng diễn ra trong 3 ngày từ 12 đến 14/2 âm lịch.
Tại chính nơi ông sinh sống, thôn Mộ Trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương hiện có nhà thờ họ Lê, còn lưu giữ tấm bia cổ “Tô Quận công thần đạo bi minh” do Bảng nhãn Đỗ Uông soạn năm 1578, ghi lại gia phả họ Lê và tiểu sử của Lê Quang Bí, người con trai của Lê Nại, được ví là “Tô Vũ nước Nam” khi có chuyến đi sứ lâu nhất trong lịch sử nước Nam, kéo dài tới 18 năm. Trong tấm văn bia ấy, công trạng và phẩm hàm của trạng nguyên Lê Nại cũng được liệt kê rất rõ ràng.
Về đình làng Phú Vinh ở thôn Phú Thọ, xã Tuy Lộc (Hậu Lộc) hôm nay, chúng tôi được ông Nguyễn Giang Hồng, trưởng thôn cho biết: Hiện tại các hạng mục của đình làng đã bị xuống cấp, thấm dột nhiều vị trí làm mất mỹ quan di tích và không đảm bảo an toàn cho người dân khi đến dâng hương. Tuy nhiên, như thông tin chúng tôi được biết, trong thời gian sắp tới, đình sẽ được trùng tu tôn tạo lại. Chỉ nghe tin thôi là con cháu dòng họ Lê và bà con Nhân dân trong thôn đã rất vui mừng. Hy vọng sẽ sớm thôi, đình làng sẽ được tu bổ, để số hiện vật ít ỏi trong đình được bảo quản, nơi thờ trạng nguyên Lê Nại và Thành hoàng làng Hoa Dung diên nương, người có công trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông được khang trang”.
Bài và ảnh: CHI ANH
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2024-09-05 14:45:00
Triệu phú trên vùng đất sình lầy
Tham tụng Lê Hy
Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban
Đinh Công Tráng: “Tài lưu thiên hạ, nổi danh Bắc kỳ”
[WOW! THANH HOÁ] Nhà Mẹ Tơm – Biểu tượng về sự kiên cường của người mẹ Việt Nam
Phó trưởng bản 9X nhiệt huyết với công việc tập thể
Họa sĩ Phạm Văn Khải và sự trở về với núi rừng quê hương
“ Bóng hồng” kiên gan trong bảo vệ chính trị nội bộ
Huyền thoại về những nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ
Gia tộc Nguyễn Quận trên đất làng Cát Xuyên