(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhiều năm nay, TP Thanh Hóa nở rộ những quán cà phê, và ngay lập tức thành trào lưu “cà phê hát” với phong cách đa dạng và chuyên nghiệp, có sân khấu, ban nhạc, ca sĩ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trào lưu cà phê ca nhạc ở thành phố Thanh Hóa

(VH&ĐS) Nhiều năm nay, TP Thanh Hóa nở rộ những quán cà phê, và ngay lập tức thành trào lưu “cà phê hát” với phong cách đa dạng và chuyên nghiệp, có sân khấu, ban nhạc, ca sĩ.

Sự lên ngôi của cà phê ca nhạc

Ngay từ những năm cuối thập kỉ 90 thế kỉ XX, ở TP Thanh Hóa đã xuất hiện cà phê Thanh Niên ở Ngã ba bia, rồi cà phê nhạc sống ở Hồ Thành. Không gian ấm áp, gần gũi, những địa điểm “cà phê hát” là lựa chọn lý tưởng cho nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu bạn bè. Khách hàng vừa thưởng thức đồ uống, vừa nghe hát, vừa có cơ hội thể hiện năng khiếu âm nhạc ở đây... Đó là lợi thế và là điểm thu hút của các quán cà phê - phòng trà.

Dù hiện nay ở TP Thanh Hóa, tỉ lệ các quán cà phê ca nhạc trên tổng số các cửa hàng café là rất nhỏ. Tuy nhiên, có thể chia làm 3 dạng cà phê hát đó là phòng trà ca nhạc với những cái tên như Relax (đường Mai Xuân Dương), Radio (36 - Cửa Tả ), Nhạc xưa (Hạc Thành), Saigon Corner (khu Đông Phát); café Acoustic như Kiến (đường Nguyễn Tĩnh), Acoustic Coffee (91 - Dương Đình Nghệ); và cà phê ca nhạc như Cố đô (Hồ Thành). Với chưa đến 10 quán cà phê hát nhưng đã tạo nên một làn gió mới cho đời sống tinh thần của người dân thành phố Thanh Hóa.

Kiến café đã có 2 năm tồn tại, con số 2 năm tưởng chẳng có gì để nói. Ấy thế nhưng ở một thành phố nhỏ như Thanh Hóa đó là cả sự cố gắng. Xuất phát từ đam mê ca hát, Thịnh ban đầu đã có một quán cà phê riêng ở Phan Bội Châu, nhưng anh đã cùng với hai người bạn - dân Kiến trúc sư quyết định mở một sân chơi riêng cho mình và bạn bè. Cái may mắn của các anh đó chính là mượn được trụ sở hội Kiến trúc sư Thanh Hóa. Tại quán, một tuần có 3 đêm nhạc cố định, thứ 2 là nhạc tổng hợp, thứ 4 nhạc trữ tình, và thứ 7 nhạc trẻ để những người đến với quán có thể tự hát, thậm chí tự chơi đàn. Hai năm ấy, theo như Thịnh chia sẻ: Phải loay xoay để giữ phong cách và giữ khách.

Dũng sến kể từ sau khi tham dự Hát cùng Bolero, anh đã tạo cho Phòng trà Xưa một lượng khách lớn, đặc biệt là những khách yêu thích dòng nhạc này. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, Dũng sến quyết định ra thủ đô, quyết liệt theo đuổi đam mê của mình. Phòng trà xưa có lợi thế về vị trí, và cả uy tín của người tiền nhiệm, lượng khách đến khá đông, đặc biệt vào những đêm bolero.

Hay như quán Acoustic Coffee, xuất phát đầu tiên là Dũng, thành viên của CLB ghi ta Thanh Hóa, vì đam mê ca nhạc và muốn có một cái quán để anh em chơi nhạc mà quán café nhạc Trịnh ở khu Đông Hương từ những năm 2011 ra đời. Sau đó qua vài lần di chuyển qua Đông Bắc Ga, rồi Hà Văn Mao, đến tháng 6/2017, quán chính thức ở 91 Dương Đình Nghệ. Cũng giống như Kiến, Acoustic Coffee hướng đến nhạc cụ mộc.

Loay hoay giữ khách

Sau làn sóng giữa thập niên 1990, một số quán cà phê mọc lên, nhưng tự tan rã ngay sau đấy không lâu. Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, nhu cầu hưởng thụ cũng tăng nhanh. Và hàng loạt quán xá ra đời. Trong đó, nhu cầu được thưởng thức âm nhạc là trở thành cơm ăn nước uống của nhiều người. Nắm được tâm lí ấy, nhiều phòng trà đã loay hoay giữ khách.

Điểm đặc biệt thấy rõ là hầu hết các quán cà phê ca nhạc đều vắng như chùa bà đanh vào thời điểm ban ngày.

Dù mỗi phòng trà có những định hướng kinh doanh riêng, tuy nhiên tất cả cũng vì mục đích giữ khách. Để bù lỗ thì nhiều quán đã mở thêm dịch vụ cơm văn phòng, thậm chí như có phòng trà đóng cửa ban ngày. Hiểu được điều đó, Acoustic Coffee đầu tư quán theo kiểu 2 in 1, nếu như buổi tối khách tập trung đông ở khu vực sân khấu thì ban ngày không gian bên ngoài lại hấp dẫn khách hàng. Từ đam mê âm nhạc đến thích khám phá thị trường, Dũng cùng một người bạn nữa, bỏ ra 800 triệu (không tính thuê đất) để làm quán. Đặc biệt, Acoustic Coffee chỉ chơi đồ mộc, ko chơi đồ điện tử, mộc mạc, không tạo khoảng cách giữa khách nghe và sân khấu. Ngoài ra thì Dũng chủ quán café còn có Trung Tâm Âm Nhạc Acoustic và Phòng Thu Âm Acoustic. Có lẽ chính vì việc nọ bù việc kia nên áp lực về kinh tế của Acoustic Coffee không quá lớn, trong khi may mắn là khách đến quán là những người bạn trẻ. Có lẽ vì điều đó mà trong tương lai Acoustic Coffee sẽ mở rộng quy mô hơn, thay vì hơn 300 m2 như hiện nay thì họ sẽ làm nốt khu đất 200m2 phía sau.

Kiến café là một ví dụ, dù có lượng khách quen là dân kiến trúc, hoặc mở rộng ra là dân nghệ sĩ. Tuy nhiên, chẳng phải lúc nào cũng có khách. Đơn giản là sau 2 năm vẫn có những tháng quán còn phải bù lỗ. Với mong muốn mở rộng lượng khách, Kiến đã liên kết với fanpage Thanh Hóa để phát trực tiếp bằng việc đầu tư hệ thống âm thanh thu phát trực tiếp.

Còn chủ quán một quán cà phê lại chia sẻ rằng: Vấn đề ca sĩ là khó nhất trên địa bàn một tỉnh lẻ như Thanh Hóa. Nếu các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì quá đơn giản. Sợ nhất là nhàm, làm theo chủ đề là rất khó, chỉ cần lấy ví dụ là nhiều người muốn nghe nhạc Trịnh, nhưng tìm đâu ra ca sĩ. Người hát được nhạc Trịnh ở đây may ra chỉ hát đến 10 bài. Người ta không thuộc bài, còn bây giờ nếu quán đầu tư thì chi phí đội lên cao. Trong khi ca sĩ cũng không muốn hát, thay vì tập hát nhạc Trịnh họ học hát vài bài dân ca. Cả đêm hát cho phòng trà, 4-5 bài, chỉ được cát xê 250 nghìn, trong khi có vài bài dân ca đi hát đám cưới, chỉ cần 20 phút dễ dàng kiếm 300-400 nghìn. Một buổi họ có thể chạy sô vài đám.

Và chính việc bị phụ thuộc vào ca sĩ mà các phòng trà ở Thanh Hóa đang có sự na ná nhau. Từ Relax, Phòng trà Xưa, Cố đô hầu hết là chung vài ca sĩ. Điều này có thể giảm thiểu chi phí nhưng lại không tạo nên sự khác biệt. Có lẽ cũng vì lí do này mà Phòng trà xưa sau khi Dũng sến bán lại cho một chủ khác đã không còn tạo được không gian riêng cho mình, thay vì trung thành với một dòng nhạc bolero, Phòng trà Xưa lại đưa cả nhạc sàn vào khán phòng.

Nói đến trào lưu là nói đến một giai đoạn. Có thể nói rằng đây là giai đoạn mà nhu cầu giải trí của người dân TP Thanh Hóa đang lớn. Chỉ có điều rằng, sau những say mê, những đầu tư lớn thì liệu các quán cà phê ca nhạc này có tồn tại được lâu không? Chưa ai biết trước được, nhưng cần khẳng định, đây chính là địa điểm vui chơi, thư giãn, hẹn hò lành mạnh của mọi người. Thay vì 15-20 nghìn ngồi vỉa hè, chỉ thêm 15 nghìn tiền phụ thu nữa, mọi người đã có thể được nghe những bài hát mình yêu thích, thậm chí được thử tài làm ca sĩ, hát tặng bạn bè.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]