(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước năm 2020, Bình Sơn là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Triệu Sơn. Đi cùng cái khó, cái nghèo bà con nơi đây vẫn kiên trì, đặt niềm tin và gắn bó với cây chè...

Trên đất Bình Sơn

Trước năm 2020, Bình Sơn là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Triệu Sơn. Đi cùng cái khó, cái nghèo bà con nơi đây vẫn kiên trì, đặt niềm tin và gắn bó với cây chè...

Trên đất Bình SơnCây chè mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Trịnh Đình Huy.

Khai hoang

Cách đây 32 năm, vào năm 1992, Đảng và Nhà nước phê duyệt Dự án 327 về phát triển vùng kinh tế Tây Nam Triệu Sơn. Theo tiếng gọi của Đảng, 350 hộ với 1.250 khẩu của các xã trong huyện Triệu Sơn và một số huyện trong tỉnh đi xây dựng vùng kinh tế mới ở 2 xã Thọ Sơn và Thọ Bình. Năm 1994, xã Bình Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã này.

Trên vùng đất mới, khó nhiều, thuận ít. Ở đấy, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 60%, phần lớn không biết chữ. Đường giao thông nhỏ hẹp, đi lại khó khăn, phải đi bộ 7 - 8km mới vào đến trung tâm xã. Có Dự án 327, đường được mở các tuyến chính nhưng vẫn là đường đất.

Về phát triển kinh tế, lúc bấy giờ, người dân bắt đầu với cây sắn, cây khoai, trồng chè, trồng cây lâm nghiệp... Khi cây chè trồng được 4 năm (từ năm 1992 đến năm 1995) thì vào năm 1996, nhà máy chè về địa phương. Nhưng nhà máy cũng chỉ hoạt động được 6 năm. Nguyên nhân, do chè sản xuất trên dây chuyền cũ, bán ra giá thấp, theo đó bà con đồng loạt bỏ nhà máy, tự tìm thị trường.

Vào năm 1998, đây được xem là mốc thời gian đáng nhớ đối với các hộ dân. Lúc bấy giờ, Nhà máy Đường Lam Sơn (sau này là Công ty CP Mía đường Lam Sơn) đưa cây mía về. Có những năm cao điểm, Bình Sơn đạt khoảng 30 nghìn tấn mía. Phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn, ông Lê Xuân Linh nhớ lại: “Lúc đấy, cây mía cho năng suất bình quân đạt khoảng 80 tấn/ha, giá mía cũng khá cao, cứ 1 triệu đồng/tấn. Nhiều nhà giàu lên vì cây mía và có thể khẳng định, chính cây mía thời kỳ này đã cứu đói cho nhiều người dân. Tuy nhiên, cây mía cũng chỉ ở lại với bà con được 15 năm. Đến năm 2013, nhận thấy cây mía không còn mang lại hiệu quả kinh tế, bà con tiếp tục với cây chè vì thực tế, nhiều người dân vẫn gắn bó với cây chè ngay cả khi cây mía phát triển mạnh”...

Viết tiếp câu chuyện cây chè...

Quay trở lại với câu chuyện khai hoang. Đến hôm nay, cây chè Bình Sơn đã 32 năm tuổi, kể từ khi cây chè bắt đầu được trồng thử nghiệm vào năm 1992. Gắn bó với cây chè từ những ngày đầu, khi đấy gia đình anh Trịnh Đình Huy ở thôn Cây Xe đang thuộc diện hộ nghèo thì nay, không những gia đình đã thoát nghèo mà còn làm giàu từ chính cây chè. Hiện tổng diện tích chè của gia đình anh khoảng 3ha. Thu nhập khoảng 90 - 100 triệu đồng/ha/năm. Năm 2016 gia đình anh Huy đã chuyển đổi sang trồng giống chè PH8 thay giống chè LDP. Gia đình anh cũng chính là hộ tiên phong trồng giống PH8 ở Bình Sơn. “Giống mới cho năng suất cao hơn so với giống chè bản địa. Màu nước xanh đẹp hơn, cánh chè xoăn nhỏ hơn. Hiện đồi chè của gia đình đã áp dụng hoàn toàn bằng máy móc, cơ giới hóa thay cho sức người”. Anh Huy cho biết.

Trên đất Bình SơnTrà xanh túi lọc Bình Sơn - đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ở Bình Sơn, cũng có khoảng thời gian, một số hộ dân không còn mặn mà với cây chè do canh tác thua lỗ, thậm chí “quay lưng” với cây chè... Trong cái khó, vào năm 2016, ông Lê Đình Tú, người con của xã Bình Sơn đã đứng ra thành lập HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn. Mục đích để mở rộng, phát triển thương hiệu chè truyền thống địa phương. HTX này hiện có gần 80ha chè (trong đó có 12ha chè VietGAP) với 20 xã viên chính thức và 100 thành viên liên kết sản phẩm. Ông Tú cũng chính là người đóng góp quan trọng trong xây dựng thành công 2 sản phẩm từ chè được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là thành công lớn, khẳng định thương hiệu cây chè Bình Sơn.

Hiện diện tích cây chè Bình Sơn là 236ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 240 tấn chè búp khô, mang lại nguồn thu khoảng 36 tỷ đồng.

Nhìn con số để thấy được ấm no mà cây chè mang lại cho người dân Bình Sơn. Ấy vậy, vẫn còn nhiều trăn trở với lãnh đạo xã nhà. Mặc dù Bình Sơn có thế mạnh về cây chè nhưng chưa hình thành được vùng sản xuất chè tương đối tập trung, chưa gắn hoạt động sản xuất chè với phát huy các tiềm năng du lịch của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Ông Lê Xuân Linh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn, cho biết: “Huyện đã xây dựng Đề án “Xây dựng vùng sản xuất, chế biến chè xanh an toàn theo hướng VietGAP gắn với du lịch cộng đồng tại huyện Triệu Sơn giai đoạn 2023-2025”. Nếu đề án này được phê duyệt, mở ra cơ hội lớn trong nâng cao giá trị, sức cạnh tranh và khẳng định vị thế cây chè Bình Sơn”.

Hơn 30 năm trước, câu chuyện khai hoang trên đất Bình Sơn với nhiều khó khăn nhưng cũng nhờ khai hoang, đời sống người dân đã thay đổi tích cực. Đơn cử như cây chè, sau hơn 30 năm, trở thành cây chủ lực. Đến nay, đường ở Bình Sơn đã được cứng hóa 50%. Hiện thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm...

Đã từng là vùng đất khó với cái nghèo thậm chí cả cái đói. Nay, Bình Sơn đã khác...

Bài và ảnh: Ninh Nghi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]