(vhds.baothanhhoa.vn) - Hình thành bởi quá trình bồi lấp hàng ngàn năm của phù sa sông Mã, lại có sông Cầu Chày chảy qua, theo sử liệu, làng Việt cổ Kẻ Phấng có từ thời các vua Hùng. Thời bấy giờ, Kẻ Phấng cư dân thưa thớt, mưu sinh chủ yếu với nghề chài lưới và khai khẩn đất đai cồn bãi ven sông để trồng trọt. Đến thời Trần, nơi đây đã phát triển trở thành làng quê trù phú, đông đúc.

Trên đất cổ Đồng Phang

Hình thành bởi quá trình bồi lấp hàng ngàn năm của phù sa sông Mã, lại có sông Cầu Chày chảy qua, theo sử liệu, làng Việt cổ Kẻ Phấng có từ thời các vua Hùng. Thời bấy giờ, Kẻ Phấng cư dân thưa thớt, mưu sinh chủ yếu với nghề chài lưới và khai khẩn đất đai cồn bãi ven sông để trồng trọt. Đến thời Trần, nơi đây đã phát triển trở thành làng quê trù phú, đông đúc.

Trên đất cổ Đồng PhangTrên nền móng cũ, di tích Điện Thừa Hoa đã được tôn tạo xứng tầm với công trạng của tiền nhân.

Từ xa xưa, vùng đất Đồng Phang đã được ngợi ca là nơi phong thủy tốt tươi, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. “Phía trước có đỉnh non Biền; phía sau có cồn Yên Ngựa; hai bên có cồn Bút, cồn Nghiên”. Đồng Phang là vùng đất cổ rộng lớn với nhiều làng nhỏ. Theo sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, xã Động Bàng có cơ cấu hành chính và xã hội ổn định với “4 giáp, 6 làng”. Trải qua biến động lịch sử, đến nay trên đất cổ Đồng Phang hiện có 8 làng: Phúc Lai, Tố Phác (làng Trại), Phang Thôn, Thung Thượng (làng Nhất), Thung Thôn (làng Nhì), Mai Trung, làng Nội, Đồng Hà. Và căn cứ theo tộc phả các dòng họ lớn ở Đồng Phang, họ Ngô, họ Lê, họ Nguyễn được xem là những dòng họ “thủy tổ” có công khai hoang lập làng ở Đồng Phang.

Trong đó, dòng họ Ngô với những nhân vật lịch sử như Ngô Kinh, Ngô Từ - danh tướng hậu cần trong khởi nghĩa Lam Sơn và Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao đã góp phần tạo nên vị thế đặc biệt cho vùng đất cổ Đồng Phang trong thế kỷ XV, được xa gần biết đến là “đất công thần ngoại thích” (được hiểu là đất của nhiều công thần và đất quê ngoại của nhà vua).

Lần theo sử liệu và tài liệu còn lưu giữ tại địa phương, hậu thế biết được, Ngô Kinh và Ngô Từ là hai cha con, vốn quê ở Đồng Phang. Ngô Kinh do gia cảnh khốn khó đã lên vùng Khả Lam (Lam Sơn) gặp hào trưởng Lê Khoáng (cha Lê Lợi) xin làm gia nô. Bản tính tháo vát, lanh lợi lại thật thà, Ngô Kinh được Lê Khoáng tin dùng. Trên đất Khả Lam, ông lấy vợ và sinh ra Ngô Từ. Cũng như cha mình, Ngô Từ được hào trưởng Lê Khoáng quý mến, giao cho việc chăm sóc Lê Lợi từ khi còn nhỏ. Cũng bởi cùng lớn lên, chăm sóc, học hành, ăn ở cùng nhau nên Ngô Từ và Lê Lợi thân nhau như anh em. Bởi vậy, trong khởi nghĩa Lam Sơn, cha con Ngô Kinh, Ngô Từ đã được Bình Định vương Lê Lợi giao cho việc phòng thủ, giữ gìn căn cứ Lam Sơn và đốc thúc việc cấy cày, tích trữ, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân Lam Sơn; đồng thời còn lo việc đón tiếp hào kiệt bốn phương tìm về.

Bởi vậy, khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, trong buổi phân phong công trạng tướng sĩ, nhắc đến công lao của cha con Ngô Kinh, Ngô Từ vua Lê Thái tổ đã nói: “Các khanh trong khi đi theo ta đánh giặc, có tên đạn, có được đầy đủ lương thực, đó là công của cha con Ngô Kinh, Ngô Từ. Trong khi chưa khởi binh, Ngô Kinh là gia nô của Tiên khảo, Ngô Từ là nô thần của trẫm. Ban đầu khởi nghĩa, Từ là người quyết mưu trước nhất. Trẫm và các khanh mưu việc thiên hạ, ẩn náu nơi núi rừng, trông chờ vào cha con Ngô Từ bảo vệ căn cứ địa, cung đốn lương thực, bổ sung lực lượng binh sĩ. Xưa, vua Hán Cao tổ được thiên hạ, quy công cho Tiêu Hà giữ đất Quan Trung, không ngừng cung đốn lương thực là công bậc nhất. Nay cha con Ngô Từ đã có công giữ gìn căn cứ địa, lại có công đánh giặc, đáng được phong đệ nhất công thần”. Vì thế, vua Lê Thái tổ đã phong cho Ngô Kinh là Thái phó Hưng Quốc công, Ngô Từ là Thái bảo Chương Khánh công. Khi Ngô Kinh mất, ông được triều đình tặng tên thụy là Dụ Khê thượng sĩ.

Còn Ngô Từ, ông phụng sự 3 triều vua Lê, đến khi mất được ban tặng tên thụy là Bàng Khê thượng sĩ, gia phong tước vương. Mộ được táng ở quê nhà Đồng Phang, bên lăng mộ Ngô Kinh. Đền thờ Ngô Kinh, Ngô Từ trên đất Đồng Phang ban đầu được biết đến với tên Thuần Mậu đường. Về sau, vua Lê Thánh tông trong lần về Lam Kinh bái yết tiên tổ, ghé thăm quê ngoại, cho tu sửa đền thờ và đổi tên là Phúc Quang Từ đường (hay Từ đường Phúc Quang).

Trên đất cổ Đồng PhangLàng quê Đồng Phang yên ả “soi bóng” xuống sông Bầu Nga (một nhánh của sông Cầu Chày).

Chương Khánh công Ngô Từ không chỉ là khai quốc công thần, ông còn là cha đẻ của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao - bậc mẫu nghi thiên hạ đã sinh ra minh quân Lê Thánh tông. Theo bia Khôn Nguyên Chí Đức (còn gọi là bia Quang thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao): Sinh thời Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao là người đôn hậu, cần kiệm, không chuộng xa hoa. Bà thường lấy đức cần kiệm để giáo hóa thiên hạ, dùng điều khoan hậu để khuyên bảo quan gia…Thánh tông hoàng đế tư chất cao quý, nêu cao thánh nghiệp, có công trung hưng là do có sự dạy bảo tốt đẹp ân cần của Thái hậu…

Trong thời gian vua Lê Thánh tông trị vì, Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao đã nhiều lần cùng với nhà vua về bái yết sơn lăng Lam Kinh, đồng thời không quên thăm quê ngoại Đồng Phang. Trong một lần về đây, nhà vua đã cho xây dựng Điện Thừa Hoa làm nơi cho Hoàng Thái hậu nghỉ ngơi mỗi lần về thăm quê ngoại. Điện Thừa Hoa nhìn hướng sông, tức hướng Tây Nam, nằm giữa những cây cổ thụ râm mát, là nơi tĩnh dưỡng của Thái hậu mỗi khi về thăm quê. Khi thì theo thuyền rồng du ngoạn trên sông Cầu Chày, khi thì theo đường bộ, có quan hầu, lính hộ tống. Năm Bính Thìn 1496, sau khi đi bái yết sơn lăng trở về, Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao không may bị bệnh và mất ở Điện Thừa Hoa. Từ đây, Điện Thừa Hoa trở thành nơi thờ cúng bà. Về sau, nơi đây còn được người dân gọi tên là đền Mẫu hay Phủ Nhì (phủ thờ nằm ở thôn Nhì).

Cũng bởi là “đất công thần ngoại thích” nên ở Đồng Phang xưa kia ngoài Từ đường Phúc Quang và Điện Thừa Hoa thì còn có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc: “Nếu ta đi dọc sông Cầu Chày, từ Phúc Lai đến Đồng Hà, sẽ cho ta cảm nhận về một quần thể văn hóa gắn liền với kiến trúc văn hóa thời Hậu Lê đa dạng. Đó là những nghè, phủ, đình nối tiếp trên hai bờ sông, là một minh chứng cho văn hóa cung đình thời Lê” (Sách Lịch sử truyền thống và cách mạng xã Định Hòa).

Ông Vũ Hùng Thơm - Chủ tịch UBND xã Định Hòa cho biết: “Qua biến thiên thời gian, các di tích trên đất Đồng Phang xưa, nay là Định Hòa đã bị tàn phá nhiều, trong đó có Điện Thừa Hoa. Năm 2018, trên nền móng cũ Điện Thừa Hoa được tôn tạo bề thế, uy nghiêm từ nguồn xã hội hóa. Việc Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là sự khẳng định cho giá trị của di tích. Hàng năm vào ngày 25, 26 tháng 3 âm lịch (ngày mất của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao) tại di tích lại diễn ra lễ hội truyền thống Phủ Nhì thu hút đông đảo người dân, du khách về tham gia. Tự hào là vùng đất cổ có bề dầy truyền thống lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Định Hòa đã và đang cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số tư liệu trong sách Lịch sử truyền thống và cách mạng xã Định Hòa; cùng một số tư liệu lưu giữ tại địa phương).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]