(vhds.baothanhhoa.vn) - Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm của nhiều người, nhất là người trẻ.

Trí tuệ nhân tạo tác động đến lựa chọn nghề nghiệp

Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm của nhiều người, nhất là người trẻ.

Trí tuệ nhân tạo tác động đến lựa chọn nghề nghiệp

Sinh viên Lê Thị Lịch (trái) cho rằng, ngành y có những đặc thù riêng mà AI không thể thay thế.

Chọn nghề ít ảnh hưởng bởi AI

Trí tuệ nhân tạo hay còn được gọi là trí thông minh nhân tạo (AI) là ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Đó là trí tuệ do con người lập trình và tạo nên với mục tiêu giúp cho máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh giống như con người.

Tuy nhiên, với sức mạnh tốc độ của AI khi xử lý công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả, AI đang dần thay thế lao động của nhiều ngành nghề. Ngày nay, AI không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực công nghệ hay nghiên cứu mà đang lan rộng ra mọi ngành nghề, nó không chỉ hoàn thành công việc thường ngày mà còn có khả năng sáng tạo nội dung hay tổng hợp thông tin, xây dựng phát triển ý tưởng. Những ưu điểm vượt trội này khiến doanh nghiệp, nhà sản xuất cân nhắc, sử dụng AI cho nhiều vị trí việc làm.

Nhiều chủ doanh nghiệp cũng cho rằng, việc ứng dụng AI vào kinh doanh, sản xuất là xu thế tất yếu. Một số ngành nghề được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất từ AI là kế toán, dịch thuật, chăm sóc khách hàng... Trước sự cạnh tranh của AI, giới trẻ đã đưa ra những lựa chọn, cân nhắc nhằm nâng cao cơ hội việc làm cho bản thân.

Lựa chọn ngành nghề ít ứng dụng AI là suy nghĩ của Hà Thị Lan, sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn, Đại học Hồng Đức. Theo Lan, quyết định chọn nghề sư phạm là ước mơ từ nhỏ của bản thân. Tuy nhiên đây cũng là nghề ít bị ảnh hưởng bởi AI nhất. Sư phạm là ngành đòi hỏi sự tương tác trực tiếp, thường xuyên giữa giáo viên và học sinh để có thể truyền thụ kiến thức một cách tốt nhất. Việc truyền thụ kiến thức không đơn giản chỉ là người nói, người nghe để AI có thể thay thế mà việc trao đổi cần có sự gắn kết, thấu hiểu mới đạt được hiệu quả. Đồng thời, AI không thể mô phỏng hoàn hảo quá trình trẻ em phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc thông qua việc tương tác với người lớn và bạn bè. Chúng cũng không thể cung cấp đánh giá và phản hồi liên tục dựa trên kết quả học tập và quan sát hành vi của học sinh như con người thực. "Bởi vậy, AI có thể hỗ trợ trong việc cung cấp tài nguyên giáo dục và tối ưu hóa quá trình học tập cho cả giáo viên và học sinh, nhưng không thể thay thế vai trò của giáo viên trong việc phát triển toàn diện cho trẻ em”, Lan cho biết.

Đặc biệt, trong những chuyên ngành sư phạm như giáo dục mầm non, giáo dục chuyên biệt thì AI chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể thay thế giáo viên. Trước lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, Lê Thị Lịch, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa cũng suy nghĩ đến việc tác động của AI để có nhiều cơ hội việc làm hơn khi tốt nghiệp. Lịch chọn học nghề y, vì đây là nghề mà xã hội có nhu cầu cao và ít bị AI xâm chiếm. Theo Lịch, ngành y có những đặc thù riêng mà AI không thể thay thế, như việc bác sĩ chẩn đoán bệnh không chỉ dựa vào số liệu cụ thể từ kết quả khám, mà còn dựa vào việc khai thác người bệnh về thói quen sinh hoạt, tiền sử bệnh tật, người thân... Hay như các điều dưỡng viên, bên cạnh chuyên môn còn phải có kỹ năng chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, Lịch cũng cho rằng: “AI đã trở thành một phần không thể thiếu trong tất cả các ngành nghề. Việc ứng dụng công nghệ số, nhất là trong ngành y mang lại nhiều thành tựu quan trọng và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đối với cơ sở y tế”.

Không thể thay thế con người nhưng vẫn là "trợ thủ" đắc lực

Trịnh Văn Quyền đang làm việc tại một công ty truyền thông ở TP Thanh Hóa. Thay vì lo lắng bị AI “chiếm” mất công việc thì Quyền biết tận dụng những ưu điểm, phát huy được sức mạnh của nó để phục vụ công việc. Nhiều ngành nghề hiện nay, đòi hỏi phải ứng dụng AI thì mới đạt hiệu quả như mong muốn, như công việc của Quyền phải thường xuyên lên ý tưởng cho các sự kiện, thiết kế hình ảnh phục vụ truyền thông.

Trí tuệ nhân tạo tác động đến lựa chọn nghề nghiệp

Theo Hà Thị Lan, AI không thể thay thế vai trò của giáo viên trong việc phát triển toàn diện cho trẻ em.

Khi làm những phần việc trên, Quyền sử dụng ChatGPT để tham khảo cách xây dựng chương trình, và các công cụ Photoshop, Adobe Illustrator, Canva,... để xóa phông, tô màu ảnh tự động, tạo hình ảnh từ văn bản và nhiều tác vụ chỉnh sửa ảnh khác để thiết kế thư mời, logo, backdrop... Lúc bắt đầu sử dụng những công cụ này, Quyền cũng có băn khoăn, liệu AI có thể thay thế con người đảm nhận công việc của một chuyên viên quan hệ công chúng hay không? Tuy nhiên, sau 5 năm gắn bó với công việc, anh khẳng định là không thể. Lý do anh đưa ra: “AI chỉ có thể hỗ trợ một phần việc nhỏ trong việc tổ chức sự kiện hay thiết kế một sản phẩm truyền thông nào đó chứ không thể hoàn thành trọn vẹn công việc nếu không có con người. Công việc quan hệ công chúng với nhiều tình huống bất ngờ, khó đoán định, không thể xử lý một cách máy móc, đơn thuần một chiều. Đến thời điểm hiện tại, AI với tôi, vẫn là một “trợ thủ” đắc lực trong công việc”.

AI đã trở thành một “trợ thủ” không thể thiếu trong công việc đối với người lao động. Việc sử dụng những sản phẩm, giải pháp của AI giúp người lao động tiết kiệm được thời gian, khơi dậy tinh thần sáng tạo, bảo đảm hiệu quả và năng suất công việc. Thực tế, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp, đơn vị vẫn còn, tuy nhiên, đòi hỏi người lao động phải trang bị đủ kiến thức, kỹ năng và chuyên môn để có thể “chạy đua” trong cuộc cạnh tranh cơ hội việc làm với AI. Trong tương lai, AI sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện, vì vậy, tìm kiếm cơ hội việc làm thành công thì một trong những yếu tố quan trọng là người trẻ phải cập nhật những kiến thức mới nhất về AI để sử dụng một cách hiệu quả.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]