(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong hệ thống các ngày lễ, tết của người Việt, Tết Trung thu mang nhiều ý nghĩa. Đó là ngày lễ của những phong tục, truyền thuyết lưu truyền. Là đêm hội ngắm trăng của người lớn, phá cỗ của trẻ con. Và Trung thu, còn là ngày hội của đoàn viên, của chia sẻ yêu thương...

Trung thu trăng sáng

Trong hệ thống các ngày lễ, tết của người Việt, Tết Trung thu mang nhiều ý nghĩa. Đó là ngày lễ của những phong tục, truyền thuyết lưu truyền. Là đêm hội ngắm trăng của người lớn, phá cỗ của trẻ con. Và Trung thu, còn là ngày hội của đoàn viên, của chia sẻ yêu thương...

Trung thu trăng sángTrung thu là ngày lễ hội tươi vui, ý nghĩa trong đời sống văn hóa của người Việt.

Tìm hiểu về các ngày lễ, tết trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, đi sâu vào các vỉa tầng ý nghĩa, mới thấy cha ông xưa thực sự tài hoa - tài hoa trong những sáng tạo, chiêm nghiệm và đúc rút. Và Tết Trung thu là một trong những ngày lễ hội mang nhiều ý nghĩa.

Tết Trung thu tức rằm tháng Tám. Đó là lúc những ngày hạ nóng bức đã đi qua, vào thu tiết trời trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn. Và trung thu được xem là thời điểm bầu trời thật trong, mặt trăng thật tròn, ánh trăng thật rực rỡ.

Từ vầng trăng sáng trên bầu trời đêm trung thu và sự biến ảo dường như diệu kỳ của tạo hóa, con người liên tưởng đến nhiều điều thú vị. Là chuyện chị Hằng Nga xinh đẹp trên cung Quảng Hàn; chuyện chú Cuội ham chơi, hay nói dối, cô đơn dưới gốc đa trên cung trăng. Hay chuyện trên cung trăng có Nguyệt lão ngồi xe chỉ, kết dây tơ hồng để đôi lứa yêu nhau, nên duyên vợ chồng...

Với trí tuệ và sự hiểu biết được đúc rút, người xưa còn mượn việc ngắm trăng đêm trung thu để đoán định thời tiết, mùa màng, thậm chí là sự thịnh trị của vương triều, thái bình cho dân chúng. “Nếu trăng sáng vằng vặc, ta sẽ có một vụ bội thu. Nếu ta thấy trăng màu vàng, tằm sẽ nhả nhiều tơ. Mặt khác, ta có thể đọc trong các sách cổ rằng khi mặt trăng chuyển sang màu xanh hay màu lam, thì sẽ có nạn đói. Nếu trái lại, trăng ngả màu vàng, thì cả nước sẽ sống thái bình và đức hạnh. Đêm ấy, nếu ta nhận thấy một chiếc mũ phía trên mặt trăng, thì thế gian sẽ vui vẻ...” (sách Hội hè lễ tết của người Việt).

Trong đời sống văn hóa của người Việt khi xưa, trung thu còn là dịp để bạn trẻ tìm hiểu về nhau. Điều này được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên gần 100 năm trước ghi lại trong sách Hội hè lễ tết của người Việt: “Dù sao, trung thu, tết của mặt trăng, đồng thời cũng là tết của dạm hỏi... Họ tụ tập từng nhóm từ sáu đến tám người, ngay lúc sẩm tối, trước cửa hay trong sân nhà mình. Họ đứng thành hai phe, một phe nữ, một phe nam. Và họ vừa hát đối vừa ngắm trăng. Người con trai (hay người con gái) có thể bị loại vì hát tồi hay vì không tìm được câu thơ đáp lại đối phương. Cuộc thi hát đối đáp này chỉ kết thúc khi tất cả những người hát của một phe đều bị loại, chỉ trừ một người. Lúc mỗi bên chỉ còn một người hát thì ai thắng được giải nhất, còn người kia giữ giải nhì... Tiếp theo những cảnh hát đối đáp này thường là lễ dạm hỏi và cưới xin: người con gái vừa có sắc vừa có tài được đối phương lấy làm vợ, hoặc được một chàng trai đã dự hội dạm hỏi. Nếu những cuộc hát đối đáp này không được kết thúc bằng dạm hỏi thì ít nhất đây cũng là cơ hội để trai gái làm quen nhau”.

Có lẽ, từ sự ái mộ với đêm trăng “đẹp nhất” ấy, trong đời sống của người Việt, trung thu còn là ngày lễ, ngày hội của các loại bánh trái, hoa quả đủ hình dạng, màu sắc. Trước là lễ để dâng cúng trời đất, tổ tiên, sau đó là hội phá cỗ náo nhiệt, được đám trẻ con mong chờ, thích thú.

Tôi nhớ, Tết Trung thu trong tuổi thơ mình, đó là những tháng ngày mà cuộc sống vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn. Dẫu vậy, trong ngày Tết Trung thu, cùng với bánh nướng, bánh dẻo được bố mua về thì mẹ cũng tất bật với các loại bánh, chè làm từ bột gạo nếp, đậu xanh. Những chiếc bánh rán bên ngoài vàng ươm, bên trong nhân đậu ngọt ngào; bát chè kho nấu mật, thêm chút gừng cho mùi thơm thật hấp dẫn. Và sáng ngày hôm đó, trong chiếc làn đi chợ về của mẹ, chắc chắn sẽ có quả bưởi thơm, túi hồng chín đỏ, thêm nải chuối, cùng với dăm quả na chín trong vườn nhà, hay vài loại quả khác nữa... Tất cả bánh, chè, trái cây được mẹ bày biện thật đẹp trên ban thờ để bố thắp hương dâng cúng. Mọi thứ thật sự thành kính, linh thiêng, ấm áp. Cái không khí ấy, đến nay còn vấn vương trong tôi mỗi dịp trung thu về.

Trung thu trăng sángMâm ngũ quả và các loại bánh trái vẫn thường có trong đêm Trung thu.

Dĩ nhiên, trung thu trăng sáng thì đâu thể thiếu việc đi rước đèn. Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con cá được người lớn cắt dán cẩn thận như một món quà dành cho con trẻ. Sau bữa cơm tối, những đứa trẻ vội vàng mang đèn đã thắp nến ra khỏi nhà, cùng nhau hòa mình vào dòng người đi rước đèn. Đi trước là ông địa bụng to, những người múa lân rồng náo nhiệt, phía sau là đám trẻ con hứng khởi cầm đèn, tiếng nói, tiếng cười huyên náo xóm làng... Sau chừng hai tiếng đi rước, mọi người trở về nhà, cùng nhau phá cỗ.

Lúc này, ông bà, bố mẹ đã trải sẵn chiếc chiếu cói dưới mái hiên nhà. Mâm cỗ đầy bánh trái dâng cúng trước đó đã được hạ xuống, chỉ đợi chị em tôi về là phá cỗ, ngắm trăng. Giờ đó, trăng đã lên cao, sáng và trong hơn. Vừa thưởng thức bánh trái, bố vừa chỉ tay lên bầu trời, nơi có vầng trăng sáng, hỏi chúng tôi thấy gì ở đó? Có phải là cung Quảng Hàn có chị Hằng Nga, hay là cây đa có chú Cuội đang ngồi cô đơn dưới gốc... Mà cũng thật lạ, mặt trăng dường như biến ảo kỳ diệu, để con người nhìn vào đó kiểu gì cũng thấy giống quá...

Với sự sáng tạo và trao truyền qua những thế hệ, trung thu trở thành ngày tết thực sự thú vị với những vỉa tầng ý nghĩa. Như khẳng định của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên: “Trung thu ở nước Việt Nam này đã trở thành một ngày tết mang tính chất phức tạp thú vị, đến nỗi cũng như tất cả các lễ hội có đặc tính dân gian khác, nó làm cho ai cũng quan tâm và sung sướng, bất kể họ thuộc giai tầng nào hay lứa tuổi nào trong nước”.

Đi qua thời gian, ý nghĩa của ngày Tết Trung thu lại được bồi đắp thêm những giá trị. Đó không chỉ là ngày tết để thưởng trăng, ngắm trăng, rước đèn... mà còn là ngày hội của đoàn viên gia đình. Để mỗi người đi xa, dẫu bận rộn với cuộc sống mưu sinh vẫn không quên trở về với cha mẹ, người thân, để cùng nhau quây quần, kể chuyện. Và trung thu giờ đây, còn là dịp để mỗi người sống trong cộng đồng dành sự quan tâm, sẻ chia đến những số phận thiếu may mắn ... Cho trung thu trăng sáng - đong đầy yêu thương.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]