(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã khẳng định vai trò là cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vị thế hàng đầu của tỉnh và cả nước về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ và xây dựng.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao

Trong những năm qua Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã khẳng định vai trò là cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vị thế hàng đầu của tỉnh và cả nước về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ và xây dựng.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đào tạo nguồn nhân lực tay nghề caoHọc sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa trong giờ thực hành.

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” (viết tắt là Chỉ thị 37-CT/TW), Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã xây dựng, quy hoạch và lập kế hoạch đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Năm 2019, nhà trường đã xây dựng đề án và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phê duyệt 4 nghề của trường vào danh sách nghề trọng điểm (công nghệ thông tin trọng điểm thế giới, công nghệ ô tô và điện công nghiệp trọng điểm khu vực ASEAN, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí trọng điểm quốc gia). Cùng với đó, nhà trường đã hợp tác với các doanh nghiệp để gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đảm bảo đầu ra cho học sinh, sinh viên và chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Qua đó, không những giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, mà còn đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ phía doanh nghiệp về kỹ năng và tay nghề của lao động.

Bên cạnh đó, hằng năm nhà trường tổ chức kiểm định chất lượng GDNN, chương trình đào tạo, đảm bảo các chương trình giảng dạy luôn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và các doanh nghiệp. Nhà trường cũng tăng cường quản lý chương trình, nội dung và chất lượng GDNN, nhất là trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Các chương trình đào tạo được thiết kế vừa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, vừa giúp học sinh, sinh viên phát triển toàn diện kỹ năng nghề và kỹ năng mềm.

Song song với các hoạt động trên, nhà trường luôn đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Cụ thể, chương trình, giáo án đào tạo nghề được nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp rà soát, cập nhật, xây dựng mới hằng năm theo quy định của Bộ LĐTB&XH, đảm bảo nguyên tắc từ 50 - 70% thời lượng thực hành; thực hiện đổi mới cấu trúc chương trình từ tách rời lý thuyết và thực hành sang đào tạo theo Modul tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp; đổi mới dạy và học theo hướng chủ động, độc lập, tự rèn luyện của người học; có sự tham gia, giám sát của đại diện doanh nghiệp để biên soạn chương trình sát với tình hình thực tế, yêu cầu của doanh nghiệp. Đến nay, 100% chương trình, giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng của nhà trường đã được thẩm định, ban hành và đưa vào giảng dạy.

Để nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên (HSSV), nhà trường đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp đưa HSSV đến thực tập tại doanh nghiệp. Chương trình hợp tác này được đánh giá đạt hiệu quả cao, có ảnh hưởng tích cực đến sự hình thành kiến thức, kỹ năng và năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HSSV. Trên thực tế, các doanh nghiệp đã có những hoạt động hợp tác với nhà trường khá đa dạng như tiếp nhận HSSV, nhà giáo tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp; thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng đến HSSV tốt nghiệp; thông tin phản hồi chất lượng HSSV tốt nghiệp.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao, nhà trường luôn chú trọng đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có tay nghề cao; chủ động đổi mới phương pháp đào tạo lấy người học làm trung tâm, chuyển từ đào tạo theo kế hoạch sang đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, người học không chỉ được chú trọng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mà còn được đào tạo kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ, giao tiếp, kỷ luật lao động... Theo đó, tỷ lệ HSSV tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng được các doanh nghiệp tuyển dụng đạt trên 89%, nhiều ngành nghề được doanh nghiệp đặt hàng và tuyển dụng 100%.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, nhà giáo luôn được quan tâm thực hiện. Tính đến đầu năm 2024, nhà trường có 98,83% cán bộ quản lý, nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó 67,5% cán bộ quản lý, nhà giáo trên chuẩn. Các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo được tổ chức thực hiện tốt, đảm bảo công bằng, dân chủ, khách quan nhằm tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục.

Trong giai đoạn 2014-2024 Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã chủ động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để trao đổi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ và kỹ năng hội nhập trong lĩnh vực GDNN. Nhà trường tích cực tìm kiếm và trao đổi với các trường đại học và tổ chức nước ngoài về cơ hội hợp tác, thực tập sinh, đào tạo liên thông và trao đổi sinh viên, giảng viên với các cơ sở đào tạo chất lượng cao. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay nhà trường đã đào tạo cho gần 100 lưu học sinh Lào ở trình độ cao đẳng và các khóa ngắn hạn trong lĩnh vực ngành nghề kỹ thuật, công nghệ. Năm 2024, nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Mokpo (Hàn Quốc) nhằm nâng cao năng lực tiếng Hàn cho lao động có tay nghề cao.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa Hoàng Anh Tuấn, cho biết: Hiện nay nhà trường được Bộ LĐTB&XH giao nhiệm vụ đào tạo một số ngành nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Việc hội nhập quốc tế giúp trường tiếp thu kinh nghiệm GDNN từ các nước, thu hút các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường lao động, phát triển khoa học - công nghệ cho đất nước và tỉnh nhà.

Với những kết quả đạt được, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có 100% ngành nghề đào tạo đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia, đồng thời đạt các tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]