(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi con người sinh ra đều mang trong mình một sứ mệnh. Tìm được người đi chung trên con đường, cùng theo đuổi niềm đam mê đó chính là may mắn, hạnh phúc.

Trưởng thành hơn từ “Chợ nhỏ an lành”

Mỗi con người sinh ra đều mang trong mình một sứ mệnh. Tìm được người đi chung trên con đường, cùng theo đuổi niềm đam mê đó chính là may mắn, hạnh phúc.

Trưởng thành hơn từ Chợ nhỏ an lànhAnh Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spicy Country (TP Thanh Hóa), người đồng sáng lập CNAL nổi tiếng với sản phẩm tương ớt truyền thống xứ Thanh.

Gắn kết những người trẻ trên hành trình khởi nghiệp

Chợ nhỏ an lành (CNAL) lấy ý tưởng từ hình ảnh phiên chợ xưa mang đặc trưng không gian văn hóa của người Việt, với các bà, các mẹ đem những sản phẩm của mình ra chợ bán, mọi người trong làng, trong vùng được gặp nhau, trò chuyện... không chỉ là nơi mua - bán, mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu với nhau, tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Xa hơn nữa, hình ảnh chợ phiên cũng được lấy ý tưởng từ mô hình Farmers Market. Đó là một mô hình thú vị và hấp dẫn nằm ngay trong lòng thủ đô Washington D.C hay thành phố nhộn nhịp New York, những chợ phiên của nông dân được diễn ra vào thứ 7 hoặc chủ nhật với nhiều hoạt động sôi nổi, tấp nập người bán, người mua cùng đủ các mặt hàng nông sản. Mọi người đến mua nông sản trực tiếp từ những người sản xuất và nghe họ kể lại những câu chuyện thú vị trong quá trình làm ra sản phẩm... Xuất phát từ ý tưởng đó, những người trẻ với những ngành, nghề kinh doanh, khởi nghiệp khác nhau đã đồng tổ chức CNAL.

CNAL được ra đời vào tháng 10/2020 tại địa chỉ 777 Thôi Hữu, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa với 11 gian hàng. Đây cũng là thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình, chung sức của mỗi thành viên, CNAL vẫn duy trì hoạt động, thu hút nhiều thành viên tham gia cũng như cộng đồng đến giao lưu, mua bán.

Điều thú vị cảm nhận ở phiên chợ là mỗi gian hàng mang dấu ấn riêng của người sản xuất cũng như đặc trưng vùng miền của sản phẩm, từ quả dưa, quả dứa, bó rau, quả bí đến sản phẩm tương cà, tương ớt, nước mắm, đồ thủ công mỹ nghệ, nước rửa chén sinh học... Tất cả đều mang câu chuyện thú vị của người làm ra nó. Ở đó, người mua thong dong dạo chơi qua những gian hàng, người bán giới thiệu sản phẩm do mình làm ra. Bày tỏ niềm đam mê, nỗ lực theo đuổi sản xuất theo hướng bền vững, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp để được khẳng định mình và cống hiến cho xã hội. Đó là điều khiến cho những người đến phiên chợ thêm gần gũi, gắn kết.

Ở CNAL tôi gặp chàng trai trẻ Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spicy Country (TP Thanh Hóa) là người tâm huyết với sản phẩm tương cà, tương ớt mang thương hiệu xứ Thanh, anh cũng là người đề xuất ý tưởng, đồng tổ chức CNAL; Nguyễn Lê Ngọc Linh, cô gái dân tộc Thổ và thương hiệu “Vườn rừng bản thổ”, xã Hóa Quỳ (Như Xuân); chị Phạm Thị Thu, cô giáo bỏ phố về quê khởi nghiệp với mô hình kinh tế trang trại, trong đó tập trung trồng, phát triển cây mắc ca mang hiệu quả kinh tế cao ở Như Xuân. Đó là anh Lê Duy Hoàng và chị Bùi Thị Bích Ngọc (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa) bắt tay trên con đường khởi nghiệp từ những rác thải nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sinh học vừa thân thiện với môi trường, vừa tốt cho sức khỏe cộng đồng; chị Nguyễn Thị Dịu, bà chủ nước mắm truyền thống Hoàng Dịu (thị xã Nghi Sơn)...

CNAL đã kết nối, gắn kết những doanh nghiệp nhỏ đến siêu nhỏ, doanh nghiệp mới bắt đầu khởi nghiệp và nhận được ủng hộ nhiệt tình của những người trẻ trên hành trình khởi nghiệp. Từ tổ chức ở TP Thanh Hóa, CNAL còn mở rộng ở các huyện, các tỉnh ngoài và gắn kết những người trẻ, doanh nghiệp trẻ đang khởi nghiệp. Từ năm 2020 đến đầu năm 2023, đã có bao mùa chợ nhỏ đi qua gắn với sự trưởng thành của những người trẻ trên hành trình khởi nghiệp. Họ cũng đã bắt đầu mở rộng sản xuất, quy mô, lựa chọn sản phẩm thế mạnh của mình để phát triển, trở thành sản phẩm mang đặc trưng của quê hương Thanh Hóa.

Phát triển các sản phẩm đặc sản xứ Thanh

Vợ chồng chị Lê Thị Nhung, anh Nguyễn Công Phú đang làm việc tại Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn, đồng thời bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao trên quê hương Hoằng Thắng (Hoằng Hóa). Từ những ngày đầu chị bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao cũng là thời điểm chị tham gia CNAL - nơi những người trẻ khởi nghiệp và giới thiệu những sản phẩm do chính mình làm ra với khách hàng. Ở đó, chị Nhung học hỏi được nhiều kinh nghiệm, là nơi gắn kết người trẻ, cùng nhau hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Nông trại Nhung Farm (HTX nông nghiệp công nghệ cao Hồng Nhuệ) ra đời và dần phát triển. Đặc biệt dưa vàng Nhung Farm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Hiện nay, ngoài dưa vàng, gia đình chị Nhung trồng thêm các loại su hào, dâu tây, dưa leo baby, các loại cải cao cấp... mùa nào thức nấy để đáp ứng nhu cầu khách hàng trên mọi miền.

Trưởng thành hơn từ Chợ nhỏ an lànhCác thành viên CNAL tham gia chợ phiên Mai An Tiêm do Câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc Trường Đại học Hồng Đức tổ chức.

Cũng như chị Nhung, gia đình anh Lê Văn Long, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy ở xã Minh Sơn (Triệu Sơn) với nông trại 2T Farm trồng các loại nông sản theo hướng hữu cơ như dưa lê Kim Hoàng hậu, dưa lưới, dưa leo, cà chua... Những sản phẩm của nông trại 2T Farm cũng được nhiều người biết đến hơn thông qua CNAL, riêng dưa lê Kim Hoàng hậu đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Chị Thủy cho biết: Tôi đã mạnh dạn hơn trong việc quảng bá các loại nông sản do gia đình trồng. Bên cạnh đó, nhờ sự kết nối, sẻ chia của những thành viên CNAL đã góp phần giúp các sản phẩm nông sản của gia đình vươn xa hơn.

Ở thôn Vân Hòa, xã Cát Vân (Như Xuân), từ sự năng động, tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, vợ chồng anh chị Phạm Thị Thu và anh Đỗ Trọng Học đã bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình, trong đó trồng, tạo dựng thương hiệu mắc ca Thành Phát. Chị Phạm Thị Thu cũng đã tích cực tham gia CNAL từ những ngày đầu mới nhen nhóm ý tưởng, tổ chức phiên chợ. CNAL đã giúp chị tự tin, mạnh dạn hơn, giờ đây sản phẩm từ mắc ca, sản phẩm mật ong, các loại cây ăn quả từ khu vườn gia đình mình trồng được chị đẩy mạnh quảng bá tại nhiều chợ phiên, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Chị Thu còn tham gia Chung kết cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong Đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX năm 2021. Đầu tháng 3/2022, HTX mắc ca Thành Phát được thành lập với 12 hộ tham gia do anh Đỗ Trọng Học làm giám đốc, nâng tổng số diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Như Xuân lên 10 ha. HTX đã xây dựng hạt mắc ca trở thành sản phẩm OCOP, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế gia đình, thành viên hợp tác mà còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương...

Và còn rất nhiều anh chị em trong CNAL mà tôi chưa thể kể hết cũng như chưa kịp làm quen và nghe họ chia sẻ trên hành trình khởi nghiệp. Nhưng tôi cảm nhận được một tinh thần đoàn kết, sự tương trợ lẫn nhau để tạo nên một CNAL đầy thú vị, cùng nhau tiến xa hơn trên con đường mà mình đã chọn.

Anh Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spicy Country (TP Thanh Hóa), người đồng sáng lập CNAL cho biết: Do tính chất công việc của mỗi thành viên, từ tháng 5/2023, các thành viên của CNAL đã không đứng ra tổ chức phiên chợ thay vào đó là đã phối hợp với Câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Hồng Đức tổ chức “Chợ phiên Mai An Tiêm”; tại địa chỉ 777 Thôi Hữu (TP Thanh Hóa) cũng diễn ra “Chợ phiên hạnh phúc”... Chúng tôi tự hào bởi những người trẻ, những ý tưởng từ CNAL đã mở ra nhiều phiên chợ kết nối cộng đồng doanh nghiệp với người tiêu dùng. CNAL giúp chúng tôi trưởng thành hơn, mạnh dạn hơn, có chiến lược kinh doanh, mục tiêu lớn hơn, mang lại những giá trị tốt đẹp cho bản thân và cộng đồng”.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]