(vhds.baothanhhoa.vn) - Đọc tập truyện ngắn “Hạ sinh” của Trần Đàm (xuất bản năm 2022) người ta dễ nhận ra hầu hết các truyện đều được viết ra từ ký ức. Mười truyện ngắn đều trải dài cảm xúc từ thăm thẳm miền núi đến lồng lộng biển khơi, những nơi mà tuổi trẻ ông đã dấn thân, đã đằm mình. Đọc truyện của Trần Đàm tinh ý sẽ thấy cái chất của một nghệ sĩ nhiếp ảnh lẩn khuất sau con chữ, đó là sự ghi lại đầy đủ, rõ nét dưới cái nhìn và tư duy logic của một người quen bấm máy. Mỗi truyện như một khoảnh khắc mà người nghệ sĩ ghi lại được bằng con mắt tinh anh. Ở đó có cận cảnh, có tương phản sáng tối, có góc vuông, có góc nghiêng, có cả sự sắp đặt sẵn hay ngẫu nhiên mà làm nên cái hồn, cái độc đáo, giá trị của bức ảnh được viết bằng chữ.

Truyện ngắn Trần Đàm: Những bức ảnh nghệ thuật bằng chữ

Đọc tập truyện ngắn “Hạ sinh” của Trần Đàm (xuất bản năm 2022) người ta dễ nhận ra hầu hết các truyện đều được viết ra từ ký ức. Mười truyện ngắn đều trải dài cảm xúc từ thăm thẳm miền núi đến lồng lộng biển khơi, những nơi mà tuổi trẻ ông đã dấn thân, đã đằm mình. Đọc truyện của Trần Đàm tinh ý sẽ thấy cái chất của một nghệ sĩ nhiếp ảnh lẩn khuất sau con chữ, đó là sự ghi lại đầy đủ, rõ nét dưới cái nhìn và tư duy logic của một người quen bấm máy. Mỗi truyện như một khoảnh khắc mà người nghệ sĩ ghi lại được bằng con mắt tinh anh. Ở đó có cận cảnh, có tương phản sáng tối, có góc vuông, có góc nghiêng, có cả sự sắp đặt sẵn hay ngẫu nhiên mà làm nên cái hồn, cái độc đáo, giá trị của bức ảnh được viết bằng chữ.

Truyện ngắn Trần Đàm: Những bức ảnh nghệ thuật bằng chữ

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi ấn tượng với những câu chuyện viết về thời kỳ trước đổi mới của ông như Nước mắt của Huệ, Bão làng, Người thợ mài, Đòi quyền làm mẹ… nếu Nước mắt của Huệ là bức ảnh chân dung người đàn ông khắc khổ đứng chôn chân trước biển nhìn về phía chân trời xa xăm vời vợi trước bình minh như chờ đợi, mong ngóng điều kỳ diệu. Thì Bão làng là bức ảnh tập thể trong một cuộc ẩu đả làm cận cảnh vào một sáng không yên ả ở làng quê nhưng phần hậu cảnh là cảnh mặt trời đang ló rạng dự báo những điều mới mẻ, tươi đẹp về sau. Người thợ mài là bức ảnh đặc tả người đàn ông có gương mặt hốc hác, đau khổ đến ngây dại, cổ đeo đá mài mòn vẹt, bước chân thất thểu vô hồn đi trên con đường đất dài vô tận giữa trập trùng rừng núi khi nắng chiều đã ngả màu tím ngắt. Đòi quyền làm mẹ là bức ảnh về những mái lều cọ tựa lưng vào ven đồi dọc con suối chảy róc rách suốt ngày tháng, giữa cảnh sơn thủy hữu tình, có vài đôi nam nữ tựa cửa tình tứ bên nhau, có những người phụ nữ đang tắm táp, ẵm bồng trẻ nhỏ, một bức ảnh đầy ắp yên bình của ngôi làng nhỏ tách biệt với thế giới bên ngoài, ở đó chỉ có bình yên, hạnh phúc và tiếng cười trẻ thơ với những người đàn bà có khuôn mặt cằn cỗi in đậm dấu vết thời gian… mỗi bức ảnh là một câu chuyện, mỗi câu chuyện mang trong mình nhiều số phận, mỗi số phận lại khắc khoải nhiều trở trăn, ngẫm ngợi về tình đời và tình người. Phải chăng đó là cách mà Trần Đàm gây thương nhớ cho người đọc?

Người ta thấy Trần Đàm khỏe đi và khỏe viết, cái sự khỏe đi ấy đã cho ông một kho tàng tư liệu khổng lồ về đời sống, cộng với cái chất văn chương, máu nghệ sĩ có sẵn nên giờ “bột” đã được “gột nên hồ”. Những truyện ngắn ông viết về hiện thực đời sống, các vấn đề mang màu sắc thời sự phần nhiều thường ít chi tiết, mỗi truyện ông lại gửi gắm những thông điệp rất đời thường, rất thiết thực, dễ nắm bắt và đoán định. Không thực sự gai góc, đau đớn, bi lụy nhưng người đọc sẽ dễ nhận ra những chuyện ấy đã từng xuất hiện ở đâu đó, từng có người nào đó mà họ quen biết đã trải qua chuyện tương tự như thế… tất cả những điều đó tạo cho truyện ngắn Trần Đàm sự gần gũi, thân thuộc.

Trưởng tàu vượt cạn và Dòng sông thăm thẳm mô típ có phần gần nhau, đều nói lên sức cám dỗ mãnh liệt của đồng tiền. Trước sức cám dỗ đó nếu con người ta không thể đứng vững, không đủ tỉnh táo sẽ hứng chịu sức tàn phá ghê gớm của nó. Bên cạnh đó tác giả đề cao tình đời, tình người và sức mạnh nội tại bên trong của mỗi người, khi nhận ra sai lầm, biết chấp nhận, vượt lên những đổ nát của quá khứ để làm lại cuộc đời trong vòng tay của người thân, bạn bè. Không rườm rà cả trong miêu tả lẫn phát triển tâm lý nhân vật, không quá ồn ào đẩy mâu thuẫn lên đến cao trào hay đưa nhân vật của mình thành điển hình tiêu biểu, không cần thắt nút hay mở nút để khơi gợi sự tò mò. Dường như ông muốn để cả nhân vật, cả cốt truyện của mình chảy tràn ra trang giấy, sống động và tự nhiên. Cách triển khai và kết thúc câu chuyện rất gọn, vừa đủ để không gây mệt mỏi cho người đọc. Mọi vấn đề trong truyện đều nằm trong vùng an toàn, không đi quá xa, không vượt ra khỏi giá trị cốt lõi mà tác giả muốn gửi gắm, chính vì thế mà tình tiết của truyện cũng trở nên đơn giản, dễ kiểm soát. Tiêu biểu có thể kể đến Cánh diều đứt dây hay Dòng sông thăm thẳm.

Nhìn chung, truyện ngắn Trần Đàm không màu mè, hoa mĩ, cũng chẳng cầu kỳ yếu tố đánh đố người đọc, mọi chuyện cứ tràn ra một cách tự nhiên như muốn để người đọc có cảm giác đang sống cùng nhân vật và ông chỉ là người chấp bút, là thư ký của thời gian, là người mang đến cho đời những bức ảnh sắc nét, đa diện, đa âm... những bức ảnh bằng chữ không kém phần tài hoa và tâm huyết. Với nghệ thuật kể chuyện giản dị, cách dựng truyện không cầu kỳ, không lên gân, tất cả các truyện ngắn ông viết đều kết thúc mở và có hậu, đó như là triết lý sống, triết lý cầm bút của ông: phía cuối đường hầm luôn có ánh sáng mở ra hy vọng, mở ra những chân trời mới, cuộc sống mới, ở đó không có quá khứ lầm lỗi hay đau buồn, ở đó chỉ có tình người, chỉ có yêu thương và vị tha.

Sẽ còn nhiều điều để nói về hay dở, cái được cái chưa trong tập truyện ngắn này. Nhưng trước nhất chúng ta nên mừng và chia vui cùng Trần Đàm. Bởi ở cái tuổi ngoài tám mươi mà ông vẫn giữ được đam mê với văn học nghệ thuật, vẫn còn rong chơi được với văn chương, đó là điều đáng để chúng ta vui mừng, trân quý.

Nguyễn Hải



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]