Từ “bóng” đến “gió”
Độc giả Trần Văn Bạn hỏi:
“Sách “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào có giải thích câu “Ba ba ấp bóng” là “Việc làm ảo tưởng không thiết thực” và trích dẫn hai câu thơ “Chim thư cưu gáy ở sông Hà/ Nào có phải ba ba mà ấp bóng”.
Tôi không hiểu “ấp bóng” trên đây có nghĩa là gì và cũng không thấy tác giả sách chú thích. Gần đây, khi đọc cuốn “Hơi thở trong bàn tay” (Thái Hạo - NXB Đà Nẵng - 2024), tôi lại gặp câu “Đàn bò đã ăn no, lên giữa đê nằm nhai bóng, không buồn ghé mắt ngó một chiếc xe bình bịch bên tai” và một lần nữa tôi lại thấy lạ. Hóa ra ngoài “ấp bóng” còn có cả “nhai bóng”. Liệu hai chữ “bóng” này có cùng nghĩa với nhau không?
Khi đọc bài “GS. Andrea Hoa Pham: Về một trang trong “Hơi thở trong bàn tay” của Thái Hạo” (Báo Nông nghiệp Việt Nam - 3/8/2024), tôi thấy có lời bình: “Người ta đang chờ đợi bò “nhai cỏ”, nên chựng lại với “nhai bóng”. “Nhai bóng” tuy bất ngờ song vẫn có lý. Bóng không tách được bò, mà nhai cần những động tác như mở miệng, ngậm miệng, nghiến răng, cộng thêm cử chỉ ngúc ngắc đầu, ve vẩy tai của đàn bò làm hình ảnh trong trí sống động hẳn. Vẫn còn nhiều chỗ cho người đọc tưởng tượng ra cảnh bò nhai cỏ ấy...”.
Thú thực là sau khi đọc lời bình này, tôi vẫn thấy mơ hồ, không hiểu “nhai bóng”, “ấp bóng” nghĩa là gì. Vậy, rất mong chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” giải đáp. Trân trọng cảm ơn”.
Trả lời:
1. Nghĩa của “bóng” trong “ấp bóng”...
Thực ra “bóng” trong “ấp bóng”, “nhai bóng” mà độc giả Trần Văn Bạn nêu là một từ khá thông dụng. Bởi thế, ngoài “ấp bóng”, “nhai bóng”, còn có cả “ăn bóng”, “cắn bóng”, “sủa bóng”, “nói bóng”, “chửi bóng”... Chữ “bóng” ở đây có nghĩa tương đương với “ảnh” trong Hán tự, có nghĩa là hư ảo, không có thật; có mà như không, không mà như có. Ví như:
- Gà mẹ sau khi đẻ hết lứa trứng, dù trong ổ không còn quả nào (do người ta đã bán đi hoặc sử dụng làm thực phẩm), nhưng theo bản năng nó vẫn vào nằm ấp, dân gian gọi là “ấp bóng”.
- Với ba ba cũng vậy. Dù loài này đẻ trứng và vùi trong cát, nhờ ánh nắng mặt trời ấp nở, nhưng nó vẫn bò lên bờ nằm hàng giờ liền để phơi nắng, hoặc canh ổ trứng. Dân gian quan sát hiện tượng này và gọi là “ba ba ấp bóng”.
-Theo như trên, “nhai bóng” trong câu “Đàn bò đã ăn no, lên giữa đê nằm nhai bóng,...”, mô tả động tác nhai lại của nhóm động vật ăn cỏ (trâu, bò, dê, cừu,...) nhưng về nghĩa “bóng”, nó gợi tả vẻ tận hưởng no nê, nhàn tản của đàn bò trên đê giữa khung cảnh “những ngôi làng im lặng như một mảng mây xanh, bồng bềnh trôi trong trời thẳm...” (trích “Hơi thở trong bàn tay” ).
2. Từ “bóng” đến “gió”
“Bóng” có nghĩa tương đương với “gió”, bởi vậy trong tiếng Việt có một từ kết cấu đẳng lập là “bóng gió”; hoặc một số thành ngữ như “Sợ bóng sợ gió” (sợ những điều vu vơ, không có thật) “Nói bóng nói gió”, “Chửi bóng chửi gió” (không chỉ thẳng ra điều muốn nói; không chửi cụ thể vào ai). Từ “bóng gió” trong tiếng Việt gần nghĩa với “phong ảnh” (phong = gió; ảnh = bóng) trong tiếng Hán: thật mà hư, những sự không đủ bằng cứ xác thực.
Vì “bóng” hay “gió” có nghĩa là hư, không có thật, nên trong dân gian có khái niệm “mộ gió” (còn gọi “mộ phong”), chỉ những ngôi mộ giả, không có hài cốt (do người chết mà không tìm thấy xác).
Từ nghĩa của “bóng” trong “ấp bóng”, “nhai bóng”, chúng ta có thể suy ra nghĩa tương tự của “bóng” trong các từ ngữ như: “cắn bóng”, “sủa bóng” (chó sủa vu vơ, sủa mà không có người); “nói bóng”, “chửi bóng” (chửi vu vơ; chửi không xác thực, không nhằm cụ thể vào ai). Hoặc như một số thành ngữ “Thả mồi bắt bóng”, “Bắt bóng bỏ mồi”, “Buông hình bắt bóng”, thì “bóng” ở đây cũng có nghĩa là “ảnh”, sự hư hảo, có mà không.
Mẫn Nông (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-11 09:11:00
Thu phí tham quan Bảo tàng Hà Nội và 2 di tích phố cổ từ năm 2025
-
2024-12-11 08:29:00
Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào năm 2024
-
2024-08-05 15:04:00
Điểm về nguồn ý nghĩa trong dịp hè
Mạng lưới UNESCO: Góp phần định hình tương lai của công nghiệp văn hóa
Du lịch cộng đồng Bản Ngàm
Người đẹp Hải Dương đăng quang cuộc thi Hoa Hậu Du lịch Việt Nam 2024
Bảo tồn, phát huy trò chạy chữ “thiên - hạ - thái - bình”
Lễ cúng vía lúa của cư dân nông nghiệp tỉnh Thanh
Thiên tài tập thể - lãnh đạo đổi mới và sáng tạo
“Áp đảo tại gia” “Áp đáo tại gia”?
Chuyên gia trong nước và quốc tế tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa
“Nền sinh thánh” và huyền tích dân gian về sự ra đời của Vua Lê Đại Hành