(vhds.baothanhhoa.vn) - Với quan niệm “trần sao âm vậy” việc đốt vàng mã như một cách “người trần” bày tỏ lòng thành kính, báo hiếu tri ân ông bà, tổ tiên và mong cầu nhận được sự bình an, may mắn.

Tục đốt vàng mã - nét đẹp văn hóa tâm linh, nhưng đừng sa đà

Với quan niệm “trần sao âm vậy” việc đốt vàng mã như một cách “người trần” bày tỏ lòng thành kính, báo hiếu tri ân ông bà, tổ tiên và mong cầu nhận được sự bình an, may mắn.

Tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện dưới thời nhà Đường (618-907), nhưng văn hóa tâm linh này đã “ăn sâu” vào tiềm thức mỗi người dân đất Việt. Cùng với sự phát triển của xã hội, sự gia tăng của mức sống, việc đốt vàng mã vào ngày rằm tháng Bảy lễ Vu lan không đơn thuần chỉ là việc báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, kính biếu gia tiên mà dần dần bị biến tướng thành một “cuộc đua” về hình thức. Nhiều người đốt vàng mã với số lượng lớn, bao gồm cả nhà lầu, xe hơi, thậm chí đốt cả “người giúp việc” bằng giấy, mà không hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của nó. Theo con số thống kê sơ bộ và báo cáo từ các cơ quan truyền thông, mỗi năm người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với gần 5.800 tỷ đồng. Trung bình vào dịp lễ, tết, mỗi gia đình phải bỏ ra ít nhất là 50.000 đồng đến 100.000 đồng để mua tiền âm phủ, thậm chí có những gia đình tiêu tốn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cho việc đốt vàng mã. Số tiền này nếu được sử dụng cho các mục đích từ thiện, xây dựng các điểm trường vùng cao... hoặc giúp đỡ người nghèo thì sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Tục đốt vàng mã - nét đẹp văn hóa tâm linh, nhưng đừng sa đà

Đốt vàng mã dịp Rằm tháng Bảy. Ảnh minh họa

Chị L (trú tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Tháng 7 chắc là tháng người dân đốt vàng mã nhiều nhất trong năm. Đi qua các tuyến đường phố, chỉ cần gió thổi ngang qua là bụi giấy chưa cháy hết bay đầy đường, phía trên dây điện chằng chịt nhưng ở dưới người dân vẫn “vô tư” đốt vàng mã như ô tô, nhà... và một số vật dụng khác làm bằng giấy, nứa (vật liệu dễ cháy). Chưa kể, nhiều hộ gia đình còn mang ra bờ hồ, thậm chí đốt trên cả căn hộ chung cư chật chội khiến cho tàn khói bay tứ tung gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ.

Mỗi dịp lễ tết, cúng rằm, cúng giỗ... gia đình tôi chỉ đốt ở mức tượng trưng, vừa phải, không nên đốt quá nhiều. Thay vì đốt vàng mã gây tốn kém, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ thì chỉ nên chuẩn bị mâm cơm cúng tươm tất, thành tâm cầu nguyện là đã hiếu kính với ông bà, tổ tiên rồi”.

Tục đốt vàng mã - nét đẹp văn hóa tâm linh, nhưng đừng sa đà

Việc đốt vàng mã của người dân “tăng” theo thời gian. Ảnh minh họa (nguồn internet)

Vật giá leo thang “có cung ắt có cầu”, các cửa hàng kinh doanh đồ vàng mã trong những ngày này “đắt như tôm tươi”.

“Ngày trước, thời ông bà ta chỉ đốt ít giấy tiền, vàng bạc để bày tỏ lòng thành kính với các vị thần, tổ tiên. Giờ đây, họ lại đua nhau mua nhà giấy, xe giấy, vàng mã chất đống to rồi đốt; các hàng quán kinh doanh mặt hàng này “thổi phồng” giá lên một cách khó hiểu. Tôi nghĩ đốt vàng mã không phải là việc xấu, nhưng không nên lạm dụng. Nếu ai cũng đốt ít lại, tập trung vào cúng lễ thì vẫn giữ được nét văn hóa mà không gây hại cho môi trường”. Anh S (phường Tân Sơn) chia sẻ thêm.

Tục đốt vàng mã - nét đẹp văn hóa tâm linh, nhưng đừng sa đà

Cần có chế tài ngăn cấm tình trạng đốt vàng mã tràn lan ra đường. Ảnh minh họa

Mặt khác, một trong những vấn đề lớn nhất của việc lạm dụng đốt vàng mã là tác động tiêu cực đến môi trường. Khi đốt vàng mã, không chỉ giấy và các chất liệu dễ cháy bị tiêu hao mà còn thải ra lượng lớn khói, bụi và khí độc như CO2, ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn, vào những ngày lễ lớn, không khí trở nên ngột ngạt, khói từ vàng mã làm giảm tầm nhìn và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Trong bối cảnh môi trường sống ngày càng ô nhiễm, việc thay đổi thói quen và tập tục là cần thiết. Đã có nhiều tổ chức và cá nhân lên tiếng kêu gọi giảm thiểu việc đốt vàng mã, thay vào đó là những hành động thiết thực hơn để tưởng nhớ tri ân tổ tiên mà vẫn giữ gìn và phát huy nét văn hóa dân tộc. Một số đình, chùa... đã bắt đầu hạn chế việc đốt vàng mã và khuyến khích phật tử thực hành các nghi lễ bằng những hình thức khác như dâng hương, đọc kinh, làm việc thiện. Điều này không chỉ giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn giúp cộng đồng hướng đến một lối sống tích cực và có trách nhiệm hơn.

Mỗi chúng ta cũng cần hiểu rõ ý nghĩa thực sự của việc đốt vàng mã và tuyên truyền đến người thân của mình thay đổi nhận thức về việc đốt vàng mã. Sự thay đổi bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như đốt ít, giữ an toàn khi đốt vàng mã, đó cũng là cách chúng ta giữ gìn truyền thống văn hóa một cách có trách nhiệm.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]