Tướng quân Nguyễn Bá Lệ và dòng họ Nguyễn ở Nga Hải
Theo lịch sử làng Cầu Hải, nay là thôn Đông Sơn, xã Nga Hải (Nga Sơn) có chép: Khoảng đầu thế kỷ XV (1401), dưới thời vua Hồ Quý Ly, khu vực này là một vùng ngập nước sú vẹt, lau sậy. Trong một lần Hồ Quý Ly đi tuần du trên biển, khi đi qua vùng đất này thì thuyền vua bị mắc cạn, thấy vậy có một người nông dân đã giúp đẩy thuyền vua qua khỏi. Vua ban thưởng nhưng ông đã chối từ. Ông chỉ nhận ruộng đất để canh tác làm ăn và vua ban cho ông cái tên Hồ Thuyền Công (có nghĩa ông đã có công đẩy thuyền vua qua nơi mắc cạn). Hồ Thuyền Công chính là ông tổ của dòng họ Nguyễn Công Bá (sau này gọi là Nguyễn Bá).
Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh nhà thờ họ Nguyễn Bá - nơi thờ Tướng quân Nguyễn Bá Lệ.
Ông có 4 người con, trong đó 3 người theo chúa Nguyễn và tụ ở Quảng Nam, chỉ có người con trưởng là Nguyễn Công Huyền ở lại giữ bàn thờ bát hương cho tổ tiên, sau là thủy tổ chi phái Nguyễn Bá làng Cầu Hải. Ngoài dòng họ này, trong làng còn có người họ Vũ, họ Trịnh... cùng sinh sống đoàn kết, tạo nên một cộng đồng dân cư đông đúc. Điều này cũng đã được ghi rõ trong bia “Nguyễn tộc thế phả ký” (phả ghi đời thứ họ Nguyễn) được khắc vào năm Ất Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 28 (1875).
Tài liệu họ Nguyễn làng Cầu Hải ghi chép về đời thứ 7 là cụ Nguyễn Bá Lệ (1740-1809), một tướng giỏi dưới triều Lê Trung hưng thời vua Lê Hiển Tông. Do có nhiều công lao với triều đình, ông được thăng đến Thiên Hộ (chức quan chiêu mộ và cai quản quân lính), sau được ban Kiệt Trung tướng quân.
Tuổi già, trở về quê hương, ông luôn lấy điều phúc thiện hòa nhã đối đãi với bà con trong làng, hòa mục hiếu thuận, cứu giúp kẻ nghèo khó, nâng đỡ kẻ khốn cùng. Nhờ vậy, ông đã được người làng xóm, dòng tộc rất mực tôn quý ngưỡng vọng.
Tự hào về tiền nhân, ông Nguyễn Bá Hòe, hậu duệ đời thứ 13 của tướng quân Nguyễn Bá Lệ cho biết: "Sau cụ Nguyễn Bá Lệ, dòng họ tôi còn có cụ Nguyễn Bá Hưng đỗ tú tài; cụ Nguyễn Bá Liệu dưới triều Nguyễn, giữ chức Tả thủy lệ Thập trường; cụ Nguyễn Bá Lượng được phong Cửu phẩm; cụ Nguyễn Bá Nhạc giữ chức quan Nhị trường; cụ Nguyễn Bá Quỳ giữ chức quan Bang biện, trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình ông đã tham gia nghĩa quân Đinh Công Tráng xây dựng đồn lũy và chiến đấu chống Pháp. Ngoài ra, dòng họ tôi còn có nhiều người trở thành thầy đồ, dạy chữ, dạy đạo lý cho bà con trong làng trong xã".
Ông Nguyễn Bá Hòe giới thiệu về 2 tấm bia quý của dòng họ.
Truyền thống ấy, đến nay vẫn được dòng họ gìn giữ. Phong trào giáo dục, khuyến học của tộc họ Nguyễn Bá ngày càng phát triển. Quỹ khuyến học của dòng họ là một trong những quỹ được xây dựng sớm ở địa phương, đã giúp cho nhiều con cháu trong họ vượt khó vươn lên. Không ít người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó bí thư, Chủ tịch HĐND xã Nga Hải, cho biết: Dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, Nhân dân trong thôn làm không đủ ăn, phải đi tha phương cầu thực, trên 90% dân số mù chữ. Nạn đói năm Ất Dậu (năm 1945), riêng xóm Bắc Sơn cũ (nay thuộc thôn Đông Sơn) có đến một phần ba dân số bị chết đói, nhiều gia đình có từ 3 đến 4 người chết đói. Nhờ sự giác ngộ cách mạng và truyền thống hiếu học mà Nhân dân Nga Hải nói chung, thôn Đông Sơn nói riêng đã vươn lên xây dựng quê hương. Trong đó, truyền thống hiếu học của ông cha trong lịch sử đã được phát huy và thời kỳ nào cũng có nhiều con em trong xã tốt nghiệp đại học cả trong và ngoài nước, đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng ở cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương. Ngày nay, đời sống kinh tế của người dân Nga Hải đã ổn định và phát triển, nhiều gia đình trong xã có từ 2 đến 3 con học đại học.
Nga Hải vừa đón nhận NTM kiểu mẫu. Diện mạo xã thay đổi một cách rõ nét. Hạ tầng giao thông đồng bộ thông thoáng sạch sẽ, những ngôi nhà kiên cố khang trang mọc lên san sát, hệ thống cửa hàng thương mại - dịch vụ và những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế từng bước nâng cao đời sống người dân.
Được xây dựng từ năm 1875, sau một thời gian dài với những biến cố lịch sử, sự khắc nghiệt của thời tiết, nhà thờ họ Nguyễn Bá đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, năm 2016, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ họ Nguyễn Bá đã được tu sửa khang trang, bề thế. Nằm trong khuôn viên gần 500m2, nhà thờ họ Nguyễn Bá có kiến trúc tiền nhất hậu đinh, tiền đường 3 gian kết hợp trụ biểu trung đường 3 gian và hậu cung, nhà bia, cổng. Ông Nguyễn Quang Khiếu, phó chủ tịch hội đồng gia tộc họ Nguyễn làng Cầu Hải, cho biết: Từ khi nhà thờ được chỉnh trang lại, ngày 19 tháng 3 âm lịch, giỗ đức thủy tổ tộc Nguyễn làng Cầu Hải lại quy tụ được con cháu từ Quảng Nam ra và ngược lại. Ngoài 2 tấm bia, dòng họ chúng tôi còn giữ được 4 sắc phong vua ban cho cụ Nguyễn Bá Lệ.
Bài và ảnh: Chi Anh
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2024-05-23 09:55:00
Thầy giáo hơn 20 lần hiến máu tình nguyện
Thầy giáo đam mê sáng tạo Bộ Flashcard 100 nhân vật lịch sử Việt Nam
Ước mơ của Sùng A Phềnh
Hổ tướng Nguyễn Hữu Tiến
Nữ trưởng thôn làm dân vận khéo
Từ Thổ ty xứ Mường đến vị Quận công được vua Nguyễn tin quý
Thượng tướng quân Hoàng Văn Luyện
Đào Hữu Phương: Buồn vui sau trang viết
Danh sĩ xứ Thanh hai lần đề tên bảng vàng
Nhạc sĩ Đoàn Dũng: Còn một chặng đường ở phía trước