(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra ở huyện biên viễn Mường Lát của xứ Thanh. Sùng A Phềnh không phải là một học sinh có thành tích học tập xuất sắc, nhưng câu chuyện vượt lên nghịch cảnh, nỗ lực đến trường của cậu học trò khuyết tật người Mông khiến nhiều người cảm phục.

Ước mơ của Sùng A Phềnh

Sinh ra ở huyện biên viễn Mường Lát của xứ Thanh. Sùng A Phềnh không phải là một học sinh có thành tích học tập xuất sắc, nhưng câu chuyện vượt lên nghịch cảnh, nỗ lực đến trường của cậu học trò khuyết tật người Mông khiến nhiều người cảm phục.

Ước mơ của Sùng A Phềnh

Sùng A Phềnh là học sinh khuyết tật người Mông luôn nỗ lực đến trường.

Sùng A Phềnh sinh năm 2000, là con út trong gia đình người Mông đông con ở bản Pa Búa, xã Trung Lý (Mường Lát). Bố mẹ chủ yếu làm nông nên cái đói, cái nghèo suốt bao năm vẫn cứ bủa vây gia đình của Sùng A Phềnh. Năm lên 10 tuổi, trên đường đi làm đồi nương phụ giúp gia đình trở về, Sùng A Phềnh gặp phải tai nạn. Biến cố nghiêm trọng khiến em bị liệt từ lưng xuống hai chân.

Ước mơ của Sùng A Phềnh

Trong hành trình đến trường của Phềnh luôn có sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè

Cậu bé Phềnh mới ngày hôm trước còn nhảy nhót chân sáo trên con đường núi dốc của bản làng, bỗng dưng biến cố xảy đến như cơn ác mộng. Nhà nghèo, dù thương con nhưng bố mẹ Phềnh chẳng thể có điều kiện đưa em đi chạy chữa ở các bệnh viện lớn. Vậy nên đành phải để cậu con trai út nghỉ học ở nhà, chịu đựng sự đớn đau, giày vò của bệnh tật.

Cuộc sống với Phềnh từ đó chỉ còn một màu u tối và đầy sợ hãi. Em quanh quẩn trong bốn bức từng liêu xiêu của căn nhà nhỏ. Xót xa hơn, khi muốn di chuyển - dù chỉ quanh nhà thì Phềnh cũng chỉ có thể bò lê trên mặt đất... Nhưng nỗi buồn với em không chỉ có vậy. Sau một thời gian Phềnh bị tai nạn thì người bố cũng rời bỏ mẹ con em đi theo người phụ nữ khác. “Mẹ em đã khóc rất nhiều. Nhưng mẹ vẫn phải cố gắng bươn chải nuôi các con. Nghĩ lại những ngày tháng ấy, đến giờ em vẫn thấy thật ám ảnh”, Sùng A Phềnh tâm tình.

Ước mơ của Sùng A Phềnh

Để đến được trường học, ròng rã suốt nhiều năm Sùng A Phềnh và các bạn đã gắn bó với những chuyến đò qua sông Mã.

Đến một ngày, số phận đã “mỉm cười” với cậu thiếu niên Sùng A Phềnh. Sau 3 năm nằm liệt, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, Phềnh được miễn phí điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Và phép màu đã xuất hiện. Từ chỗ bị liệt hoàn toàn đôi chân, Phềnh đã có thể chống nạng di chuyển những bước đầu tiên sau ròng rã 3 năm điều trị. Niềm vui ấy, đã đánh thức khát vọng được thoát ra khỏi “bóng tối” của Sùng A Phềnh.

Sau 6 năm rời xa trường lớp, gián đoạn việc học, việc đầu tiên Phềnh nghĩ tới là có thể quay lại trường: “Trong bản có nhiều người chỉ học hết tiểu học, THCS là đã thôi không đến trường. Nhưng với bản thân mình, em hiểu chỉ có đi học, biết chữ, có kiến thức thì mới có cơ hội kiếm được việc làm, từ đó thoát nghèo. Đặc biệt, sau những năm tháng phải nằm liệt một chỗ, em càng hiểu rõ hơn phải học mới có cơ hội để tương lai không trở thành gánh nặng cho người thân”, Sùng A Phềnh chia sẻ.

Cứ như vậy, Sùng A Phềnh - chàng trai người Mông lặng lẽ mỗi ngày... chống gậy đến lớp, đến trường. Sau 4 năm THCS là 3 năm THPT. Đáng nói, dù bị khuyết tật nhưng thành tích học tập của Sùng A Phềnh luôn khiến bạn bè nể phục, thầy cô quý mến. Phềnh liên tục đạt danh hiệu học sinh tiên tiến qua từng năm học. Năm học 2022-2023, Sùng A Phềnh còn được nhận học bổng của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly. Hiện tại, Sùng A Phềnh đang là học sinh lớp 12B Trường THPT Mường Lát.

Ước mơ của Sùng A Phềnh

Sùng A Phềnh nỗ lực học tập mỗi ngày.

Nhận xét về nam sinh Sùng A Phềnh, cô giáo Bùi Thị Thu Dung (giáo viên môn toán) Trường THPT Mường Lát, cho biết: “Dù sức khỏe không tốt, đi lại khó khăn nhưng Sùng A Phềnh là học sinh có nghị lực kiên cường, em chăm chỉ, cần cù. Suốt 3 năm THPT, em chưa từng một lần lên lớp muộn, cũng chưa từng để cô giáo nhắc nhở về việc học. Phềnh là học sinh khá, lại có ý chí vươn lên nên được các bạn trong lớp quý mến”.

Ước mơ của Sùng A Phềnh

Dù đi lại khó khăn nhưng suốt những năm học THPT, Sùng A Phềnh chưa từng một lần đến lớp muộn

Thầy giáo Lê Văn Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, cho biết: “Nếu nói về thành tích học tập, Sùng A Phềnh không phải là học sinh có kết quả học tập tốt nhất ở trường THPT Mường Lát. Nhưng em lại là một trong những học sinh có nghị lực lớn, nỗ lực cao... Trong khi khá nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh người Mông ở Mường Lát sẵn sàng bỏ học giữa chừng thì em Phềnh lại khắc phục nỗi đau khuyết tật của bản thân để đến trường. Câu chuyện vượt khó của Phềnh khiến thầy và trò nhà trường càng thương quý em hơn”.

Do nhà ở xa, Sùng A Phềnh ở lại Làng học sinh Trường THPT Mường Lát. Như hầu hết các bạn trong Làng học sinh, mỗi ngày sau giờ tan học, Phềnh cũng đi chợ, xách nước, nấu cơm... như các bạn.

Nhắc đến nghị lực vượt khó của cậu học sinh người Mông Sùng A Phềnh, không thể không kể đến những nhọc nhằn trong cung đường vượt núi, qua sông đến trường của em.

Ước mơ của Sùng A Phềnh

Do nhà xa, Sùng A Phềnh ở lại Làng học sinh Trường THPT Mường Lát.

Nhà Sùng A Phềnh ở bản Pa Búa - cách xa trường học gần 60km. Người bình thường đi lại đã vất vả, với Sùng A Phềnh còn nhọc nhằn biết bao. Sùng A Phềnh tâm tình: “Do bản thân không tiện di chuyển nên 2, 3 tuần em mới về thăm nhà một lần. Vừa là thăm mẹ cũng là để xin gạo cùng một số đồ ăn mang lên trường. Cũng may, mỗi lần em về nhà đều được đi nhờ bạn cùng lớp, cùng trường nhà cũng ở bản Pa Búa. Em được thầy cô động viên, bạn bè giúp đỡ trong việc học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày khá nhiều nên thấy mình không cô đơn, bớt đi những vất vả”.

24 tuổi, Sùng A Phềnh hiện đang là học sinh lớp 12. Chỉ còn gần hai tháng nữa, cũng như bạn bè cùng trang lứa, Phềnh sẽ có những “bước ngoặt” cuộc đời của mình. Nếu như, trong lần gặp đầu tiên, Phềnh say sưa chia sẻ về dự định sau khi tốt nghiệp sẽ đăng ký học ngành liên quan đến công nghệ thông tin hoặc sư phạm: “Bị khuyết tật là sự không may mắn của bản thân nhưng không vì thế mà em muốn mình trở thành gánh nặng cho mọi người. Đôi chân em không còn lành lặn nên ước mơ lớn nhất của em là có thể tự đứng trên “đôi chân” của chính mình”.

Ước mơ của Sùng A Phềnh

Sùng A Phềnh luôn cố gắng tự chủ mọi sinh hoạt cá nhân

Nhưng rồi, trong gần gặp mới đây, khi tôi hỏi lại Phềnh về dự định sau khi tốt nghiệp THPT, em lại không giấu được những băn khoăn: “Chỉ gần 2 tháng nữa thôi em sẽ tốt nghiệp THPT, em muốn có thể tiếp tục đi học. Nhưng em cũng lo lắm, mẹ em đã già yếu, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, sức khỏe của em cũng không thật tốt, đi lại không thuận tiện, xuống nơi phố thị đắt đỏ, tốn kém...". Lắng nghe tâm sự của Sùng A Phềnh, tôi phần nào hiểu được lo lắng của em. Nếu so với nhiều bạn trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó người Mông là chủ yếu) trên địa bàn huyện Mường Lát, sẵn sàng bỏ học khi mới hết Tiểu học, THCS thì câu chuyện có thể học hết THPT của Sùng A Phềnh vốn đã là một “chuyện hiếm”. Còn vào đại học lại càng ít hơn.

Ước mơ của Sùng A Phềnh

Để có thể đến trường, suốt bao năm qua cậu học sinh khuyết tật vận động Sùng A Phềnh đã phải vượt núi, qua sông

Nhưng rồi tôi lại nói với Phềnh về tấm gương cô giáo Lê Thị Thắm, thầy giáo Lê Tuấn Hùng, thầy Đào Thanh Hương, chị Nguyễn Thị Thu Hiền... Họ đều là những người khuyết tật. Họ đã vượt lên, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, làm những công việc yêu thích, khẳng định mình. Học tập, cũng là cách để mỗi người tự tìm cho mình tương lai tốt hơn.

Ước mơ của Sùng A Phềnh

Ước mơ của Sùng A Phềnh là có thể “đứng vững” trên đôi chân của chính mình, làm chủ cuộc đời.

Nhìn về những núi cao sừng sững nơi biên viễn Mường Lát, tôi bất chợt nghĩ đến những nỗ lực vượt núi, qua sông đến trường của Phềnh suốt những năm qua. Chỉ hy vọng, Sùng A Phềnh, chàng trai người Mông nghị lực có thể tiếp tục kiên cường, trên hành trình theo đuổi ước mơ - tự đứng vững - làm chủ cuộc đời của mình.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]