“Uống rượu như hũ chìm” là sao?
... thành ngữ “Uống rượu như hũ chìm” là lối nói ám chỉ những người nghiện rượu, uống nhiều và trong người lúc nào cũng có rượu, chẳng khác nào cái hũ nhỏ dùng để múc rượu đựng trong cái lu to, hoặc cái hũ đầy rượu chôn dưới lòng đất vậy.
Độc giả Lê Trung Thành hỏi: “Thỉnh thoảng tôi nghe người ta gọi những người nghiện rượu là “Uống như hũ chìm”. Tra mấy cuốn từ điển thì không thấy giải thích về câu này. Vậy xin chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết vì sao lại ví những tay bợm rượu, nghiện rượu với “hũ chìm”.
Trân trọng cảm ơn”.
Trả lời:
Nếu gõ thành ngữ “Uống rượu như hũ chìm” vào google, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy hàng loạt ngữ liệu như: “Đi họp lớp, vỡ mộng khi nàng thơ trong lòng tôi giờ to béo, uống rượu như hũ chìm” (soha.vn); “Ngôi sao châu Á từng uống rượu như hũ chìm, bạo lực gia đình và tiêu xài quá độ... là nội dung trong cuốn tự truyện vừa xuất bản của Thành Long” (toquoc.vn); “Trong bữa cơm, người cha uống rượu như hũ chìm luôn miệng lèm bèm chửi bới, sỉ nhục con trai” (phapluat.vn).
Điều này cho thấy thành ngữ “Uống rượu như hũ chìm” khá thông dụng trong đời sống. Tuy nhiên, đúng như độc giả Lê Trung Thành viết. Khi tra cứu hầu hết các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay như: Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào), Từ điển thành ngữ Việt Nam (Viện Ngôn ngữ học - Nguyễn Như Ý chủ biên), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân),... đều không thấy ghi nhận thành ngữ này.
Tuy nhiên, khi đi đường vòng bằng cách tra mục “hũ chìm”, hoặc “chìm” thì Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng là “Cái hũ chìm trong lu rượu (tự-nhiên đựng đầy rượu)”, và lấy ví dụ “Uống như hũ-chìm”. Còn Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị) thì giảng hai chữ “hũ-chìm” là “nói riêng về hũ đầy rượu” và lấy ví dụ “Uống rượu hũ-chìm, uống rượu nhiều”. Riêng Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của), mục “chìm” ghi nhận “Uống rượu như hũ chìm” và giảng “Mạnh rượu quá, uống rượu li bì”.
Vậy, tại sao là nói “Uống rượu như hũ chìm”? Cách giảng của Lê Văn Đức trong Việt Nam tự điển, và Thanh Nghị trong Việt Nam tân tự điển, hay Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị đều không rõ ràng. Tuy nhiên, “cứ trong ý tứ mà suy”, thì nghĩa đen của thành ngữ Uống như hũ chìm có thể được hiểu theo mấy cách như sau:
Hũ là đồ đựng bằng sành hoặc bằng gốm, có hình dáng gần giống cái chum, đáy hóp, thân phình ra và cổ thắt lại. Hũ khác cái chum ở chỗ nhỏ hơn, đáy hóp hơn và cổ cũng bé, thắt lại nhiều hơn so với chum. Nếu so với chĩnh, hũ lại lớn hơn, miệng rộng hơn. Khi thả xuống nước, cái hũ tròng trành, “uống” no nước rồi chìm nghỉm. Lúc này bên trong hũ “căng” đầy nước, còn bên ngoài ngập trong nước. Thế là cả trong, cả ngoài đều chìm ngập trong nước.
Về nghĩa bóng, hình dáng cái hũ phình dần phần thân lên đến cổ, trông giống như cái bụng uống nước no căng. Tiếng nước tràn vào lòng hũ và đẩy không khí thoát ra ngoài “òng ọc” nghe chẳng khác nào tiếng “nốc” ừng ực của kẻ bợm rượu...
Chúng ta thường có cách nói để ám chỉ việc uống nhiều bia rượu như: uống như trâu, uống như rồng, ngập trong bia rượu, được một hôm tắm bia... Cứ theo cách giảng của Lê Văn Đức, thì có vẻ như xưa kia người ra dùng hũ để lấy rượu từ trong lu ra, nên có sự liên tưởng giữa người nghiện rượu với cái hũ chìm. Theo đây, chẳng có kiểu so sánh, ví von nào sinh động và đắt hơn hình ảnh Uống như hũ chìm: trong bụng đầy rượu, bên ngoài ngập rượu. Người chỉ toàn rượu là rượu!
Thành ngữ, tục ngữ thường có nhiều cách hiểu về nghĩa đen và nghĩa bóng. Hũ chìm còn có thể được hiểu là hũ rượu chôn xuống đất lâu năm, lúc nào cũng đầy rượu bên trong.
Như vậy, thành ngữ “Uống rượu như hũ chìm” là lối nói ám chỉ những người nghiện rượu, uống nhiều và trong người lúc nào cũng có rượu, chẳng khác nào cái hũ nhỏ dùng để múc rượu đựng trong cái lu to, hoặc cái hũ đầy rượu chôn dưới lòng đất vậy.
Mẫn Nông (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-07-15 11:01:00
Hoài Thanh - một tài năng xuất sắc hiếm có trong lĩnh vực phê bình văn học
Trao giải Liên hoan nghệ thuật “Tôi yêu tiếng nước tôi” tại Nhật Bản
Người Hàn Quốc đổ xô đi du lịch Nhật Bản
Nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh
“Đá đưa” không có nghĩa là... “Đưa cục đá”!
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở Thường Xuân
Lễ hội Áo dài Du lịch sẽ diễn ra đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô
Nguyên mẫu trong bức tranh “Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn qua đời
[E-Magazine] – Pù Luông ngày mưa
Nghề ướp trà sen Tây Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia