(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa hiện có 56 trung tâm ngoại ngữ, ngoại ngữ - tin học. Để các trung tâm này hoạt động theo đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn, đầu năm 2018, Thanh tra Sở GD&ĐT đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý nhiều vi phạm tại các trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, đến nay, nhiều trung tâm vẫn ngang nhiên hoạt động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vẫn còn nhiều sai phạm tại các trung tâm ngoại ngữ

Thanh Hóa hiện có 56 trung tâm ngoại ngữ, ngoại ngữ - tin học. Để các trung tâm này hoạt động theo đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn, đầu năm 2018, Thanh tra Sở GD&ĐT đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý nhiều vi phạm tại các trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, đến nay, nhiều trung tâm vẫn ngang nhiên hoạt động.

Nhiều sai phạm được phát hiện

Qua kiểm tra, Thanh tra Sở GD&ĐT đã phát hiện và buộc đình chỉ đối với một số tổ chức, cá nhân tự ý mở trung tâm trái phép. Cụ thể, Trung tâm ngoại ngữ Phương pháp mới (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa), biển tên hiệu trung tâm không đúng với địa chỉ trong quyết định thành lập và cấp phép hoạt động; Trung tâm ngoại ngữ Aplus (số 79, Phan Chu Trinh, phường Điện Biên) do tổ chức hoạt động 3 nhóm trẻ trái quy định; Trung tâm Ngoại ngữ Ocean.edu có 1 cơ sở tổ chức tại TP Sầm Sơn chưa được cấp phép hoạt động; Trung tâm ngoại ngữ Đông Dương (phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) tổ chức 5 cơ sở trái quy định. Bên cạnh đó, hầu hết các trung tâm mà cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra đã không báo cáo Sở GD&ĐT khi thay đổi địa điểm, hoạt động, giáo viên, số điện thoại và địa chỉ email, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Không chỉ dừng lại tại các sai phạm này, đa số các trung tâm mà cơ quan chức năng thực hiện thanh tra đều có đội ngũ giáo viên đang giảng dạy không đúng với quyết định thành lập và cấp phép hoạt động; không thành lập tổ chuyên môn, công tác quản lý giáo viên còn nhiều tồn tại. Một số trung tâm khác có hồ sơ quản lý giáo viên và giáo viên nước ngoài chưa đủ quy định.

Nhiều trung tâm ngoại ngữ không phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ngoài ra, hầu hết các trung tâm đều hợp đồng thuê, mượn địa điểm (nhà ở của hộ gia đình), diện tích hẹp, phòng học, phòng làm việc của bộ máy hành chính; phòng chờ của giáo viên và của học sinh, các công trình vệ sinh chưa phù hợp... Một số trung tâm như: Trung tâm Ngoại ngữ Khoa Nghĩa (huyện Hà Trung), Trung tâm Ngoại ngữ Hương Lan (huyện Hà Trung)... đặt tại nhà các gia đình, khuôn viên diện tích hẹp, phòng học và bàn ghế thiết bị chưa đảm bảo theo quy định, không có phòng làm việc của bộ máy hành chính...

Thanh tra Sở GD&ĐT đã ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với3 tổ chức, cá nhân tự ý thành lập và dạy ngoại ngữ trái quy định, gồm: Công ty Giáo dục và Đào tạo Tân Sinh (phường Đông Vệ, TPThanhHóa); Trung tâm Ngoại ngữ APPLE (468G Trần Phú, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa); Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại (đường Ngọc Mai, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa). Thanh tra Sở cũng đã ra quyết định dừng hoạt động các nhóm trẻ mầm non chưa được cấp phép hoạt động của Trung tâm Ngoại ngữ APlus và Ngoại ngữ Quốc tế Thành Đạt; dừng hoạt động các cơ sở của Trung tâm Ngoại ngữ Đông Dương (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) tại 5 trường tiểu học thuộc các huyện Thường Xuân, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Bá Thước. Quyết định dừng hoạt động đối với Trung tâm Ngoại ngữ Ocean.edu có địa điểm hoạt động tại TP Sầm Sơn do chưa được cấp phép hoạt động.

Ngang nhiên hoạt động

Được biết, Trung tâm Ngoại ngữ Aplus, thuộc Công ty Cổ phần Giáo dục A+ Thanh Hóa hiện mới chỉ được cấp phép hoạt động tại địa chỉ duy nhất là 79 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa. Thế nhưng, không chỉ có cơ sở đóng tại 240,Bào Ngoại, Trung tâm này còn nhiều cơ sở khác đang hoạt động trái phép.

Thanh tra Sở GD&ĐT đã đình chỉ hoạt động của Trung tâm Ngoại Ngữ Apple tại địa chỉ 468G Trần Phú, TP Thanh Hóa do Trung tâm này chưa được cấp phép. Thế nhưng, Trung tâm Ngoại ngữ Apple vẫn đang tổ chức dạy tiếng Anh vào buổi tối cho một nhóm trẻ từ 6 - 7 tuổi tại một địa chỉ khác...

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trung tâm ngoại ngữ chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, điều này cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng.

Ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Để chấn chỉnh hoạt động các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn, Sở đã yêu cầu các trung tâm thực hiện nghiêm Thông tư số 03 ngày 28/1/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học; đồng thời yêu cầu các trung tâm tập trung khắc phục những thiếu sót, tồn tại; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao chất lượng dạy học; hồ sơ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên... phải thực hiện theo quy định, nhất là quản lý giáo viên người nước ngoài; thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên, báo cáo đột xuất khi thay đổi giáo viên, địa điểm, số điện thoại, email về Sở GD&ĐT giúp tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Ngoài ra, đối với các tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trung tâm ngoại ngữ, phải đảm bảo đầy đủ điều kiện để được thành lập và cấp phép hoạt động đúng quy định. Đồng thời việc thành lập các trung tâm phải phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục, không thành lập quá nhiều trung tâm trên cùng một địa bàn hoạt động...

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]