(vhds.baothanhhoa.vn) - Trang phục là một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội của dân tộc Thổ. Trang phục làm nên hình ảnh, giá trị văn hóa của người Thổ trong cộng đồng các dân tộc xứ Thanh và quốc gia Việt Nam.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống dân tộc Thổ

Trang phục là một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội của dân tộc Thổ. Trang phục làm nên hình ảnh, giá trị văn hóa của người Thổ trong cộng đồng các dân tộc xứ Thanh và quốc gia Việt Nam.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống dân tộc Thổ

Phụ nữ dân tộc Thổ huyện Như Xuân bên khung cửi, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống

Dân tộc Thổ thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường. Đồng bào Thổ sinh sống chủ yếu ở 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Tại Thanh Hóa có hơn 9.000 người, được phân bổ ở các xã Yên Lễ (nay là thị trấn Yên Cát), Cán Khê, Cát Vân, Thượng Ninh, Xuân Bình, Hóa Quỳ… ở huyện Như Xuân, Như Thanh. Trong đó, tại huyện Như Xuân, dân tộc Thổ chiếm hơn 14% dân số. Trong đời sống của các dân tộc không thể thiếu sự có mặt của trang phục, nó gắn bó với từng cá nhân gia đình, dòng họ, cộng đồng. Do vậy, trang phục có vị trí tất yếu và vai trò cơ bản, quan trọng đối với đời sống của con người với tư cách cá nhân và cộng đồng.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống dân tộc Thổ

Bà Lê Thị Hương, 75 tuổi, dân tộc Thổ ở khu phố Thắng Sơn, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Thổ gồm váy, áo, yếm, khăn lưng, khăn đội đầu và các đồ trang sức. Váy có 2 lớp, lớp ngoài được họa tiết thổ cẩm và lớp lót phía trong. Váy gồm 3 phần là cạp váy, thân váy và chân váy. Cạp váy là phần có nhiều họa tiết nhất, thân váy thường được nhuộm màu chàm. Chân váy thì ít họa tiết, cao khoảng 3-5cm. Váy của người Thổ thường ngắn, chỉ mặc từ thắt lưng đến quá đầu gối.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống dân tộc Thổ

Chị em phụ nữ dân tộc Thổ huyện Như Xuân.

Áo thường có hai loại, áo cánh và áo dài. Áo cánh may theo lối năm thân, áo may suông, không chiết eo, dài gần tới hông, cổ tròn, cúc mở trước ngực, cài khuy, hai ống tay dài và bó, đây là loại áo mặc thường ngày. Áo dài thường mặc khi tham gia các ngày lễ, hội. Khăn lưng bằng vải. Trang phục của phụ nữ dân tộc Thổ thêu dệt có màu sắc và họa tiết hoa văn đơn giản. Đặc trưng váy của người Thổ Như Xuân có màu nâu nhạt, hoa văn là những đường viền pha trắng và xanh nhạt xen nhau. Dễ nhận biết và phân biệt trang phục qua chiếc váy của người Thổ, trên váy không có các hoa văn hình học nào được thêu dệt trên trang phục của họ.

Để tôn lên bộ trang phục truyền thống, phụ nữ dân tộc Thổ thường đeo thêm đồ trang sức như hoa tai bằng bạc hoặc vàng, cổ mang vòng hoặc kiềng, vòng tay. Trang phục của phụ nữ Thổ toát lên vẻ đẹp bình dị, gọn gàng, kín đáo mà vẫn tôn lên vẻ dịu dàng, duyên dáng.

Hiện nay trang phục truyền thống chỉ còn những người già sử dụng, với chị em phụ nữ, lớp thanh niên, họ chỉ vận trang phục của dân tộc trong dịp lễ, tết, màu sắc, hoa văn thổ cẩm và chất liệu vải đã có sự cải biên cho phù hợp, những trang phục cồ truyền còn lại rất hiếm.

Trang phục nam thường đơn giản hơn rất nhiều so với trang phục của nữ. Đàn ông Thổ ngày xưa mặc áo 5 thân, nhuộm màu nâu đỏ, đầu đội khăn xếp, mặc quần dài trắng vấn cạp, ngày thường mặc chiếc quần nâu vấn cạp và áo vải nhuộm màu nâu, cổ đứng có túi lớn ở ngực bên trái. Ngày nay, trang phục truyền thống của đàn ông dân tộc Thổ giống với bộ quần áo của người kinh, quần lá tọa và áo cánh nâu có hai túi phía vạt trước, rộng và thoáng mát.

Góp phần phát triển du lịch

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Như Xuân đã khai mạc lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nghề thủ công, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Thổ, huyện Như Xuân. Việc tổ chức lớp tập huấn thêu dệt thổ cẩm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đang dần bị mai một. Đồng thời đây cũng là dịp mỗi học viên được tiếp cận, giao lưu, học hỏi những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống dân tộc Thổ

Các đại biểu và học viên tham dự lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nghề thủ công, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Thổ, huyện Như Xuân.

Tôi may mắn khi được gặp gỡ những người am hiểu văn hóa, dân tộc Thổ, các nghệ nhân và những người học viên mong muốn gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện nay.

Tại lớp tập huấn, PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, nguyên Viện Trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Quốc hội đã giới thiệu về nguồn gốc, giá trị trang phục truyền thống dân tộc Thổ; nghệ thuật tạo hình hoa văn truyền thống của dân tộc Thổ. Đồng thời khảo sát các mẫu mô típ hoa văn cổ truyền thống (nguyên bản) của người thổ hiện đang còn lưu giữ trên địa bàn huyện Như Xuân nhằm giới thiệu, quảng bá tại các khu, điểm du lịch.

PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, nguyên Viện Trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Quốc hội nhấn mạnh: Trang phục hàm chứa bên trong nó nhiều thông tin, giá trị về lịch sử, truyền thống, văn hóa của mỗi dân tộc. Trang phục của đồng bào Thổ xứ Thanh phản ánh quá trình hình thành, phát triển, phương thức sản xuất, đời sống sinh hoạt và sắc thái văn hóa trong diễn trình của lịch sử dân tộc, góp phần làm cho bức tranh dân tộc ở tỉnh Thanh vừa đặc sắc lại vừa đa dạng mà thống nhất. Trang phục truyền thống của dân tộc Thổ là một di sản văn hóa quan trọng phản ánh nhiều vấn đề về bản sắc văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội…rất cần được nhận thức, bảo tồn và phát huy trong bối cảnh phát triển đất nước hiện nay.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống dân tộc Thổ

PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, nguyên Viện Trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Quốc hội tại lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nghề thủ công, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Thổ, huyện Như Xuân.

Còn PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội giới thiệu cách thức quảng bá, tạo sản phẩm du lịch từ trang phục truyền thống dân tộc Thổ đến giới thiệu, quảng bá cho khách du lịch; kỹ năng tuyên truyền, giới thiệu giá trị, ý nghĩa trang phục Thổ cho khách du lịch.

Tại lớp tập huấn, nghệ nhân Lê Thị Dung, Lê Thị Phương, dân tộc Thổ huyện Như Xuân đã hướng dẫn cho các học viên thực hành kỹ năng thêu dệt, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống, kỹ năng may mặc trang phục truyền thống dân tộc thổ.

Ông Lê Ngọc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Như Xuân cho biết: Thời gian qua, huyện Như Xuân đang nỗ lực lưu giữ, phát triển, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nghệ thuật dệt, thêu thùa của đồng bào dân tộc thiểu số đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài huyện. Để từng bước hoàn thiện các nội dung, chương trình của đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, những năm gần đây, huyện Như Xuân luôn quan tâm đến việc phát triển du lịch cộng đồng. Việc mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề là hết sức quan trọng có tác động to lớn đến việc thay đổi nhận thức và các mô hình kinh tế trong Nhân dân. Hiện nay, huyện Như Xuân đang cùng bà con xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại thôn Tân Hùng, xã Thanh Phong; khu vực đền Chín Gian xã Thanh Quân; thôn Thanh Bình, xã Tân Bình, thành lập hợp tác xã xây dựng các sản phẩm về du lịch như sản phẩm trải nghiệm ca nô trên hồ, dịch vụ ăn nghỉ nhà sàn, bungalau…

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống dân tộc Thổ

Theo PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, nguyên Viện Trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Quốc hội: Sau ngôn ngữ, trang phục là dấu hiệu thông tin thứ 2 để phân biệt dân tộc này và dân tộc khác. Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập phát triển đất nước hiện nay, cùng với nhiều di sản văn hóa khác, trang phục là tài nguyên văn hóa có giá trị và vai trò quan trọng không chỉ về văn hóa, bản sắc văn hóa mà còn có giá trị phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch. Trang phục của người Thổ là cơ sở dữ liệu để quảng bá hình ảnh dân tộc Thổ với bên ngoài quốc gia và quốc tế, là niềm tự hào, là di sản vô giá đối với người Thổ hôm nay, đồng thời cũng là trách nhiệm của ngành văn hóa, chính quyền địa phương, đặc biệt là cộng đồng dân tộc Thổ. Do vậy, muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của trang phục cần có hiểu biết một cách khoa học, không cảm tính. Càng hiểu rõ về văn hóa trang phục, chúng ta càng thấy rõ giá trị, trách nhiệm và tình yêu đối với di sản của tiền nhân để lại cho chúng ta hôm nay.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]