(vhds.baothanhhoa.vn) - Nép mình bên những ngôi nhà cao tầng mọc lên như “nấm” cùng sự náo nhiệt, nhộn nhịp của các nhà máy đang hoạt động ngày đêm, ở phường Tĩnh Hải (thị xã Nghi Sơn) còn có rất nhiều nếp nhà cổ với nét đẹp tinh tế “vượt thời gian” được người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn như báu vật.

Đặc sắc những ngôi nhà cổ

Nép mình bên những ngôi nhà cao tầng mọc lên như “nấm” cùng sự náo nhiệt, nhộn nhịp của các nhà máy đang hoạt động ngày đêm, ở phường Tĩnh Hải (thị xã Nghi Sơn) còn có rất nhiều nếp nhà cổ với nét đẹp tinh tế “vượt thời gian” được người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn như báu vật.

Đặc sắc những ngôi nhà cổNhiều ngôi nhà cổ có hoa văn tinh xảo.

Chúng tôi tìm về phường Tĩnh Hải trong một ngày chớm thu, thấp thoáng sau những con đường bê tông rộng rãi phủ bóng cây xanh là những ngôi nhà cổ rải rác ở 3 tổ dân phố được người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ. Nơi đây hiện có gần 40 ngôi nhà cổ với diện tích lớn nhỏ khác nhau, nhưng có điểm tương đồng: ba gian, hai chái, ở giữa là bàn thờ gia tiên và bộ sập tiếp khách. Toàn bộ hệ thống cột kèo, xà, cửa, bốn vách nhà... đều làm bằng nhiều loại gỗ quý như: sến, táu, lim... được chạm khắc hoa văn hết sức tinh xảo. Theo thời gian, một số ngôi nhà đã xuống cấp, hư hỏng, người dân nơi đây đã nâng cấp, cải tạo để làm nơi sinh hoạt của các thế hệ trong gia đình.

Ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn trăm năm tuổi của gia đình bà Lê Thị Nơi (tổ dân phố Trung Sơn) được làm hoàn toàn bằng chất liệu gỗ, đến nay còn giữ được gần như nguyên vẹn. Trước đây, gia đình thường sinh hoạt trong ngôi nhà này, nhiều thói quen vẫn được lưu giữ từ xa xưa. Song, không gian chật hẹp của ngôi nhà lại không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của các thành viên. Vì vậy, gia đình quyết định xây một ngôi nhà mới đối diện và giữ nguyên ngôi nhà cổ như một phần trong sinh hoạt của gia đình. Theo thời gian, một số hạng mục ngôi nhà đã bị xuống cấp, nhiều cột bị mối mọt lên dần đến các điểm nối giữa xà và cột gỗ. Gia đình cũng đã chủ động sửa chữa, giữ gìn dùng để tiếp khách, thờ cúng tổ tiên. Chủ nhân ngôi nhà này cho biết: Không chỉ mang ý nghĩa là mái ấm che chở cho nhiều thế hệ, mà nhà cổ còn là nơi giáo dục con cháu hiểu được những nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt của ông cha, để rồi từ đó càng thêm tự hào về nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Đặc sắc những ngôi nhà cổỞ phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn người dân vẫn gìn giữ, bảo tồn các ngôi nhà cổ.

Kể từ ngày về làm dâu, ngót nghét cũng đã hơn 40 năm, bà Trần Thị Hải (65 tuổi, tổ dân phố Trung Sơn) vẫn luôn nhắn nhủ con cháu phải giữ gìn, bảo vệ ngôi nhà cổ của ông cha để lại. Trải qua biết bao thăng trầm, ngôi nhà gần như vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn những nét đẹp của kiến trúc truyền thống, các vật dụng được bảo quản cẩn thận, ngăn nắp. Bà Hải cho biết: “Tôi lấy chồng về đây thì ngôi nhà đã có từ lâu lắm. Tính đến nay, ước chừng cũng hơn 100 năm tuổi. Vừa rồi, gia đình có cải tạo lại phần mái nhà, một số hạng mục khác đều được giữ nguyên trạng. Hiện ngôi nhà chỉ có tôi và một đứa con trai ở, nhưng mỗi khi vào dịp giỗ chạp, lễ, tết, các con cháu lại về đây, quây quần, sum họp”.

Tổ trưởng tổ dân phố Trung Sơn, ông Lê Thế Bình cho biết: Trên 80% ngôi nhà cổ ở Tĩnh Hải là tập trung ở phố Trung Sơn. Có những ngôi nhà tuổi đời 100 năm hoặc lâu hơn. Trước đây, cũng có vài đoàn đến khảo sát, tham quan có ý định mua lại những ngôi nhà cổ ở đây, tuy nhiên không ai muốn bán dù được trả giá cao. Bởi theo quan niệm của người dân, ngôi nhà được nhiều đời trong gia tộc truyền lại nên phải bảo tồn, giữ gìn nền nếp gia phong và truyền thống văn hóa quê hương, bản quán. Hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế, thay vì phá dỡ, xây mới, họ dành dụm ít kinh phí để sửa sang lại ngôi nhà, một số hộ chỉ để dùng làm nơi thờ tự, tiếp khách.

Đặc sắc những ngôi nhà cổNgôi nhà cổ tuổi đời hơn 100 năm tuổi của gia đình bà Lê Thị Nơi bị mối mọt, xuống cấp.

Ông Lưu Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Tĩnh Hải, cho biết, ngoài những ngôi nhà cổ được gia chủ tu sửa, cải tạo vẫn giữ được bản sắc, hồn cốt, ở địa phương còn một số ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm tuổi được gìn giữ, bảo tồn. Đặc biệt, trong đời sống sinh hoạt hiện nay, họ vẫn giữ được nhiều vật dụng thờ cúng tổ tiên, bàn ghế, hoành phi, nhiều câu đối... bằng gỗ được thiết kế theo phong cách xưa được bày biện ngay gian chính của căn nhà. Dự kiến, sắp tới phường nằm trong quy hoạch chuyển sang khu tái định cư mới nên việc gìn giữ các ngôi nhà cổ này đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các ngôi nhà đã xuống cấp, việc trùng tu và bảo tồn, di dời tốn nhiều chi phí. Do hầu hết các gia đình đều quan tâm gìn giữ, chính quyền cũng đã tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo tồn, tu sửa hợp lý, đồng thời trồng cây, tôn tạo cảnh quan, tường rào nhằm phát huy những giá trị vốn có...

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]