(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước những đổi thay mọi mặt của đời sống, nhiều di sản âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một, biến mất. Việc tìm ra những phương thức bảo tồn và khôi phục môi sinh cho những di sản đang bị đe dọa này thực sự là một bài toán nan giải.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di sản âm nhạc cổ truyền VN: Nguy cơ bị mai một, biến mất

Trước những đổi thay mọi mặt của đời sống, nhiều di sản âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một, biến mất. Việc tìm ra những phương thức bảo tồn và khôi phục môi sinh cho những di sản đang bị đe dọa này thực sự là một bài toán nan giải.

Trăm mối tơ vò

Trong kho tàng âm nhạc VN, âm nhạc cổ truyền của các dân tộc đóng vai trò hết sức quan trọng. Không chỉ là những yếu tố cấu thành cơ bản tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc mà âm nhạc của 54 dân tộc anh em với những sắc thái khác nhau còn tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa và âm nhạc. Công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị của âm nhạc dân tộc cổ truyền của các dân tộc VN vì thế từ lâu đã được sự quan tâm, dành nhiều công phu của lớp lớp các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ như: Hoàng Tuấn, Hồng Thao, Tô Ngọc Thanh, Tô Vũ, Trần Văn Khê, Nguyễn Thụy Loan, Đặng Hoành Loan, Bùi Trọng Hiền… Nhiều kho tư liệu được sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ ở Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN và Đài Tiếng nói VN (VOV)… thực sự là tài sản vô giá của văn hóa dân tộc…

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhìn nhận: “Thay đổi quy cách sản xuất, tổ chức sản xuất, phương tiện sống, ý thức, nhận thức, thưởng thức nghệ thuật… là những cơn bão mạnh không chỉ làm nghiêng ngả, thậm chí xô đổ nhiều di sản văn hóa nghệ thuật phi vật thể quý giá mà còn làm nghiêng ngả, xô đổ cả thói quen thưởng thức, trình diễn nghệ thuật cổ truyền trong dân chúng, đặc biệt là lớp trẻ”. Nhiều thể loại âm nhạc cổ truyền dân tộc vì thế đang dần rơi vào dĩ vãng, đã và đang đặt ra nhiều bài toán khó trong công tác bảo tồn, khôi phục.

Đơn cử như Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh từ lâu rất nổi tiếng với làn điệu Ví đò đưa, nhưng ngày nay người dân nơi đây gần như không còn ai làm nghề chèo đò, những làn điệu Ví đò đưa cũng gần như mất đi không gian diễn xướng đích thực của nó. Hay dân ca Hò kéo gỗ rất đặc sắc của người dân huyện Lệ Thủy, Quảng Bình gần đây dường như cũng không còn tồn tại vì nghề khai thác lâm nghiệp ở nơi đây không còn hoạt động.

Đó là chưa kể nhiều thể loại âm nhạc gắn với sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng cũng mất đi ở nhiều nơi, ở nhiều dân tộc bởi cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và tri thức con người, tâm lý sùng bái, cầu viện các thế lực thiên nhiên, thần thánh ít nhiều đã vơi giảm trong tư duy của người dân. Bên cạnh đó, nhiều loại hình dân ca, dân nhạc dần mất đi như một điều tất yếu bởi không còn môi trường và không gian diễn xướng. Có thể kể đến như loại hình Hát ống, sử dụng hai chiếc ống nối với nhau làm công cụ chuyển tải âm thanh của dân tộc HMông ở Sơn La ngày nay dễ dàng bị thay thế bởi điện thoại di động…

Âm nhạc cổ truyền dân tộc là bản sắc văn hóa cần bảo tồn, phát huy

Đi tìm giải pháp

Đã nhiều lần và trong suốt nhiều năm qua, tiếng chuông cảnh báo về tình trạng bị mai một, thậm chí là nguy cơ bị biến mất của các loại hình âm nhạc nghệ thuật dân gian truyền thống của VN đã được gióng lên. Cũng đã có không ít những chương trình, dự án, các buổi tọa đàm, hội thảo… được tổ chức, triển khai để tìm ra những giải pháp, thực hiện những công việc để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản âm nhạc truyền thống cổ truyền của dân tộc.

Dù vậy, việc tìm ra một giải pháp mang tính khoa học, bài bản để có chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị di sản này vẫn là vấn đề cấp bách. Trước thực trạng đó, Ủy ban Dân tộc đã giao cho Viện Âm nhạc làm chủ nhiệm đề tài khoa học Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số VN.

PGS.TS Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tư duy áp đặt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc các dân tộc thiểu số VN là do các nhà nghiên cứu hay quản lý, tổ chức sự kiện văn hóa chưa nhìn nhận đúng về đối tượng cần tiếp cận.

Bên cạnh đó, để tránh sự dàn trải, lãng phí, việc lựa chọn, phân loại cũng như sắp xếp thứ tự ưu tiên bảo tồn cấp bách, bảo tồn dài hạn… các thể loại âm nhạc dân tộc cổ truyền cũng cần sớm xác định một cách bài bản, khoa học và mang tính chỉnh thể, dài hạn. Chính sách tôn vinh nghệ nhân, hỗ trợ các nghệ nhân cao tuổi truyền trao, truyền dạy các bài bản cổ cho các thế hệ đi sau là một việc làm tất yếu. Nhưng để bảo tồn và phát huy một cách bền vững những giá trị của âm nhạc dân tộc các dân tộc thiểu số, cần chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, đào tạo rộng rãi và lâu dài đối với các thế hệ trẻ. PGS.TS Nguyễn Thụy Loan khẳng định: “Thế hệ trẻ là một trong những nhân tố quan trọng quyết định vận mệnh của các di sản âm nhạc trong tương lai”.

(Theo baovanhoa.vn)

“Âm nhạc các dân tộc thiểu số không phải là âm nhạc hàn lâm, không nên lấy lý thuyết âm nhạc hàn lâm làm khuôn mẫu để mô tả, soi chiếu và đánh giá; tức là không nên nhìn nhận âm nhạc các dân tộc thiểu số tương tự như nhìn nhận âm nhạc hàn lâm. Vì thế, công tác tuyên truyền, định hướng cách tiếp cận và bảo tồn mang tính chỉnh thể đối với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa các cấp… chính là một trong những giải pháp tiên quyết trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình âm nhạc dân tộc các dân tộc thiểu số.” (PGS.TS Kiều Trung Sơn– Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm KHXHVN)

“Thay đổi quy cách sản xuất, tổ chức sản xuất, phương tiện sống, ý thức, nhận thức, thưởng thức nghệ thuật… là những cơn bão mạnh không chỉ làm nghiêng ngả, thậm chí xô đổ nhiều di sản văn hóa nghệ thuật phi vật thể quý giá mà còn làm nghiêng ngả, xô đổ cả thói quen thưởng thức, trình diễn nghệ thuật cổ truyền trong dân chúng, đặc biệt là lớp trẻ”. (Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]