Về câu tục ngữ “Nam thú đồng hương, nữ giá bản quán”
Tục ngữ Việt Nam có câu “Nam thú đồng hương, nữ thú bản quán - 男娶同鄉女嫁本貫”, có nghĩa là Con trai lấy vợ cùng quê, con gái lấy chồng cùng quán. Chữ “quán” ở đây cũng có nghĩa là quê. Dù được diễn đạt toàn bằng những từ Việt gốc Hán, nhưng có vẻ đây là câu do người Việt đặt nên, vì chúng tôi chưa tìm thấy trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ của người Hán.
Vậy, ý nghĩa của câu tục ngữ trên đây như thế nào?
Sách Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2010) giảng “Nam thú đồng hương; nữ giá bản quán” là “Con trai thì nên lấy các cô gái cùng làng làm vợ; con gái thì nên lấy các chàng trai cùng quê làm chồng (để tránh làm lộ các bí mật nghề nghiệp được làng nắm giữ ra ngoài)”.
Sách Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào - NXB Văn học) sau khi chú thích chi tiết từ ngữ: “(thú, giá: giá thú, việc lấy vợ lấy chồng được pháp luật thừa nhận; đồng hương: cùng quê hương, quê quán; bản quán: quê quán của bản thân)“, thì đưa ra lời giảng tương tự như Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương là “Con trai con gái chỉ lấy vợ lấy chồng là người cùng làng (thường để giữ bí mật một nghề thủ công)”.
Tuy nhiên, lời giảng trên đây cần bàn lại.
Trong thực tế, quả là có chuyện người ta chỉ truyền nghề cho con dâu, chứ không truyền nghề cho con gái, vì sợ con gái đi lấy chồng sẽ làm lộ “bí mật nghề nghiệp”. Tuy nhiên, “tránh làm lộ bí mật nghề nghiệp” không phải là lý do của “nam thú đồng hương; nữ giá bản quán”. Bởi vì sao? Vì điều đó có đúng, thì chỉ đúng với vế thứ hai “nữ giá bản quán”. Còn khi dù “nam thú đồng hương”, hay lấy vợ khác làng, thì trừ trường hợp phải đi ở rể, còn không sẽ ở tại nhà mình, chứ đâu có phải sang làng xã khác để sinh sống?
Thực ra, xưa kia, với việc hôn nhân, người ta quan niệm Trâu ta ăn cỏ đồng ta (Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm - Ca dao); Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng; Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng đem cho...
Ruộng giữa đồng là ruộng gần, ruộng làng (đồng nhà), tiện canh tác, thăm nom, không bị trâu bò xâm phạm (không phải ruộng Đầu trâu mõm bò); chồng giữa làng là chồng gần, ngay ở trong làng. Trai gái ở cùng làng, đã/dễ hiểu nhau (về tính nết, gia phong; thậm chí biết được dòng họ, gia đình ấy có bị căn bệnh di truyền, ảnh hưởng đến nòi giống nào không). Mặt khác, lấy vợ lấy chồng gần, tiện đi về thăm nom, chăm sóc bố mẹ, kể cả những điều vụn vặt, nhỏ bé nhất (ví như bát canh cần - món ăn bình dân, giản dị nhất cũng có thể đem cho cha mẹ). Thế nên, tục ngữ Mường cũng có câu: “Lấy chồng trong làng như sống giữa vườn hoa, lấy chồng đàng xa như con gà diều quắp (Lế dầu trong lùng nhơ vùng vướn va, lế dầu đáng xa nhơ kha tràng đành)”, ý nói: lấy chồng trong làng thì mọi điều đều tốt đẹp; lấy chồng xa thì khổ sở vất vả.
Như vậy, lí do “Nam thú đồng hương, nữ giá bản quán” mà dân gian đưa ra trong câu tục ngữ, không phải là "để tránh làm lộ các bí mật nghề nghiệp được làng nắm giữ ra ngoài”, mà là quan niệm “Trâu ta ăn cỏ đồng ta” (lấy vợ, lấy chồng thì nên lấy người cùng quê, cùng làng xóm), một quan niệm xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh và đặc điểm của đời sống làng xã Việt Nam xưa kia.
Mẫn Nông (CTV)
{name} - {time}
-
2025-07-14 14:06:00
Đấu giá khối đá Sao Hỏa lớn nhất từng được tìm thấy trên Trái Đất
-
2025-07-14 07:07:00
9 Di sản Thế giới ở Việt Nam được UNESCO vinh danh
-
2025-07-13 16:01:00
Một ngày tại Thành Nhà Hồ
Về hai từ láy “lan man”, “lãng đãng”
Kẻ Gũ bên sông Lèn
Đề tài lực lượng vũ trang nhân dân - Nguồn mạch thôi thúc nghệ sĩ sáng tạo
Vinh danh Di tích Tháp Bà Pô Nagar và nghề khai thác trầm hương
Đổi tên Công viên Tuổi trẻ Thủ đô thành Công viên Võ Thị Sáu
Nghệ sỹ Việt Nam, Hàn Quốc “bắt tay” dựng nhạc kịch về Bác Hồ