(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm trên địa bàn xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu được xây dựng nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và những người có công đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô vào giữa thế kỷ thứ 3.

Độc đáo, linh thiêng đền Bà Triệu

Nằm trên địa bàn xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu được xây dựng nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và những người có công đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô vào giữa thế kỷ thứ 3.

Độc đáo, linh thiêng đền Bà TriệuToàn cảnh Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu. Ảnh: Hoàng Đông

Nơi lưu giữ nhiều sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá

Quần thể di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu là điểm đến tâm linh của Nhân dân, du khách thập phương, đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, là niềm vinh dự, tự hào của quê hương xứ Thanh. Nơi đây, không chỉ là chứng tích lịch sử, văn hóa, tri ân, tưởng nhớ nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh mà còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, đồng thời là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Khu di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu gồm 6 di tích: Đình làng Phú Điền, Lăng mộ, Khu mộ 3 ông tướng họ Lý, đền thờ, miếu Bàn Thề và nghè Đệ Tứ (nghè Eo). Khu di tích được xây dựng ở nhiều thời kỳ khác nhau, trải qua nhiều biến cố lịch sử nên nhiều lần bị tàn phá; đồng thời cũng được trùng tu, tôn tạo qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình đến thăm quần thể di tích Bà Triệu đó là ngôi đền thiêng nằm dọc Quốc lộ 1A tọa lạc dưới chân núi Gai thuộc địa bàn xã Triệu Lộc (Hậu Lộc). Nơi đây thờ nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Theo sử sách ghi lại, sau khi mất, nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh được Nhân dân địa phương xây dựng đền thờ bằng tranh tre dưới chân núi Gai để sớm hôm phụng thờ, tướng nhớ công đức. Hơn 300 năm sau ngày Vua Bà mất, Lý Nam Đế (542-548) trong lần thân chinh tiến quân đánh giặc Lâm Ấp xâm chiếm bờ cõi phương Nam, đã vào đền khấn cầu sự phù hộ để giành thắng lợi. Ngày thắng giặc trở về, Vua Lý Nam Đế đã trở lại đền thờ để tạ ơn thần linh. Nhà vua đã cấp tiền cho dân làng Bồ Điền mở rộng, tu sửa đền thờ thêm đẹp, bền vững, đồng thời tôn Bà Triệu là Bậc chính anh hùng tài trinh nhất phu nhân. Đến thời Lê Trung hưng (1533–1789), đền đã bị hư hỏng và thời nhà Nguyễn (thời Vua Bảo Đại, năm 1931) đền được tu sửa lại. Ngày 28-7-2003, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo kết luận tại Văn bản số 2748/TB-UB về việc lập quy hoạch và dự án đầu tư tôn tạo di tích Bà Triệu. Năm 2005, dự án được phê duyệt và tiến hành thi công; đến năm 2008, công trình hoàn thành. Ngôi đền có cảnh quan, kiến trúc vừa trầm mặc, cổ kính vừa tinh tế, hài hòa. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ nhiều sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá.

Đền thờ Bà Triệu được quy hoạch trên tổng diện tích 3,8 ha với kiến trúc “Nội công ngoại quốc”, hướng về phía Bắc. Hệ thống thờ trong đền được sắp xếp theo quy luật thờ anh hùng dân tộc. Hậu cung là công trình có địa thế cao nhất, dựa lưng vững chãi vào núi Gai. Các công trình của đền được quy hoạch hài hòa bao quanh là cảnh quan tuyệt đẹp của vùng đất cổ Phú Điền. Đền Bà Triệu được đánh giá là một trong những di tích có cảnh quan, kiến trúc đẹp nhất xứ Thanh. Từ phía ngoài vào gồm có Nghi môn ngoại - Hồ sen - Bình phong - Nghi môn trung - Sân dưới - Nghi môn nội - Sân trên (hai bên có tả hữa mạc) - tiền đường - sân thượng - trung đường - sân thiên tỉnh (giếng trời) - Hậu cung.

Trong các công trình của đền có thể nhắc đến những công trình nổi bật như: Nghi môn ngoại là cổng tứ trụ bằng vật liệu đá nguyên khối và trang trí trên các đỉnh trụ là tứ linh (long, ly, quy, phượng) và khối tượng nghê chầu trên đỉnh cột. Bình phong được làm từ đá nguyên khối, tạo theo kiểu hình cuốn thư và được đặt liền kề phía trước Nghi môn Trung. Nghi môn Trung liền kề với Bình phong được kiến trúc theo kiểu tứ trụ bằng vật liệu đá. Nghi môn Nội được cấu trúc theo kiểu Tam quan, gồm 2 tầng mái, 3 cửa vào. Các cánh cửa bằng gỗ lim, mỗi cửa có 2 cánh. Hai bên cửa chính ra vào có hai tượng nghê chầu cổ. Qua khu vực cổng nội là khu vực sân thiên tỉnh với khoảng không gian rộng đón ánh sáng và gió điều hòa âm dương cho khu di tích. Hai bên là hai ngôi nhà 5 gian được gọi là nhà tả hữu mạc dùng để cho khách bày lễ và chỉnh đốn trang phục trước khi vào hành lễ.

Ở khu vực tiền đường (hay còn gọi là Bái đường) được cấu trúc 3 gian, 2 chái. Hệ thống vì kèo được gắn trên hệ thống 4 hàng chân cột đá vuông, gồm 12 cột. Trên bề mặt cột đá được chạm khắc chữ Hán nổi thành các vế câu đối. Theo các cụ cao niên thì 8 cột đá lớn do triều nhà Nguyễn cung tiến vào năm 1931 khi tiền đường được trùng tu. Khu vực nhà tiền đường còn có bức tranh khắc gỗ Vua Bà, phía dưới là bức đại tự “Nữ Trung Anh” với ý nghĩa ngợi ca bậc anh tài trong giới nữ.

Ở khu vực trung đường là công trình kiến trúc gốc 5 gian, 2 tầng mái cong. Trang trí bên trong kiến trúc của trung đường chủ yếu là đề tài hoa lá, vân mây, rồng hóa trên các cấu kiện như kẻ bẩy, vì kèo; hệ thống xuân hoa con tiện ở tường long cốt và các tượng linh vật. Tại trung đường có bức phù điêu bằng gỗ mô phỏng hình ảnh Bà Triệu khi xuất quân ra trận. Ở giữa khu vực hậu cung (cung cấm) có bức đại tự treo cao khắc chữ: “Thượng đẳng đại vương” được trích trong sắc phong thời vua Tiền Lý (544-602).

Bao bọc xung quanh đền Bà Triệu là hệ thống cây xanh tỏa bóng mát, tạo cho không gian ngôi đền thêm hiền hòa, cổ kính, linh thiêng, để rồi mỗi người dân, du khách đến dâng hương, chiêm bái đều cảm thấy an yên, tĩnh tại.

Âm vang núi Tùng

Rời di tích Đền Bà Triệu, theo chân chị Nguyễn Thị Đoan, công chức văn hóa xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), tôi đến thăm các di tích Đình làng Phú Điền, Lăng mộ Bà Triệu, Khu mộ ba ông tướng họ Lý, Miếu Bàn Thề. Những ngày này, người dân và du khách đến dâng hương, tỏ tấm lòng thành kính với Bà Triệu và nghĩa quân đã có công đấu tranh giữ nước, đánh đuổi quân xâm lược. Dưới chân núi Tùng, khu mộ ba ông tướng họ Lý được bao bọc dưới tán cây xà cừ cổ thụ. Bước trên những bậc đá, lên đỉnh núi Tùng lộng gió, nghe âm vang khí thiêng sông núi, vọng về từ ngàn xưa về cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Hình ảnh Bà Triệu mặc giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trắng ra trận và câu nói khí phách “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người” đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường trước kẻ thù xâm lược của Nhân dân ta. Với công đức to lớn ấy, Bà Triệu trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được các vương triều phong kiến phong “Thần”. Sau thời Tiền Lý, các triều đại phong kiến về sau tôn phong Bà là “Thượng đẳng thần”. Sau này, trong bài viết: “Tinh thần yêu nước của Nhân dân ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng...”. Nhằm tôn vinh lòng yêu nước, ý chí quật cường của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và các nghĩa quân trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, những năm qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, đầu xư xây dựng di tích xứng tầm, trở thành địa điểm du lịch văn hóa – lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ; thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh.

(Bài viết có sử dụng một số thông tin trong cuốn “Anh hùng Dân tộc Triệu Thị Trinh và khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu” của Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa, 2019).

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]