(vhds.baothanhhoa.vn) - Những hoạt động kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029-2019) diễn ra trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này, cách đây đã gần 4 năm. Nằm trong chuỗi các hoạt động nhân sự kiện này, nhiều ấn phẩm đã được xuất bản, trong đó có cuốn “Thanh Hóa thời Lý” (do Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa xuất bản năm 2019)…

Đọc văn bia thời Lý trên đất xứ Thanh, hiểu thêm về Thanh Hóa trong dòng chảy lịch sử dân tộc

Những hoạt động kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029-2019) diễn ra trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này, cách đây đã gần 4 năm. Nằm trong chuỗi các hoạt động nhân sự kiện này, nhiều ấn phẩm đã được xuất bản, trong đó có cuốn “Thanh Hóa thời Lý” (do Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa xuất bản năm 2019)…

Đọc văn bia thời Lý trên đất xứ Thanh, hiểu thêm về Thanh Hóa trong dòng chảy lịch sử dân tộc

Thời tiền sử, xứ Thanh là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Thời Hùng Vương, Cửu Chân - Ái Châu là quê hương của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Trong ngót một ngàn năm dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, vùng đất này liên tục nổ ra các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Sau buổi đầu của các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê, xứ Thanh dưới thời nhà Lý có những bước phát triển vượt bậc, nhất là từ khi Thái úy Lý Thường Kiệt được triều đình cử vào “trông coi” Thanh Hóa với cương vị là Tổng trấn (1082-1101) và suốt thời kỳ triều vua Lý Nhân Tông. Đó là: chính trị ổn định; xã hội yên bình; kinh tế nông nghiệp được khuyến khích phát triển và từng bước nâng cao. Phật giáo trở thành quốc giáo, với hàng loạt công trình chùa chiền được xây dựng, gắn với đó là những tấm bia quý được dựng lên, khắc ghi những sự kiện lịch sử, những văn bản mang tính thời sự, trung thực về các mặt trong tiến trình phát triển của xã hội đương thời, để lại dấu tính tin cậy có thể nói là có một không hai cho các thế hệ mai sau.

Trên bình diện tư liệu lịch sử, văn hóa…, hẳn nhiều người chúng ta đã đọc, nghiên cứu tìm hiểu dân tộc Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng, qua những bộ sách lịch sử, như: Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sỹ Liên biên soạn; Dư địa chí của Nguyễn Trãi và các bộ sách lịch sử khác… Hay khi đọc bài “Thanh Hóa qua góc nhìn lịch sử - văn hóa trong tập Khát vọng Sông Mã - 2013”, NXB Thế giới (trang 23) của cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê – Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Cố Giáo sư đã viết: “Trong suốt chặng đường lịch sử của mình, trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, đơn vị hành chính… Thanh Hóa vẫn là một đơn vị trực thuộc Trung ương gần như không thay đổi về địa giới. Đặc điểm đó được coi là rất hiếm có, nói lên tính ổn định bền vững của vùng đất xứ Thanh”.

Và, không phải ngẫu nhiên, trong lời mở đầu cuốn Le Thanh Hoa (tỉnh Thanh Hóa), vốn là luận văn Tiến sĩ của Charles Robequanin, năm 1931, ông Pasquier, khi đó là quan toàn quyền Đông Dương, cũng đã viết: “Thanh Hóa không chỉ là một tỉnh, đó là một xứ!”. Điều đó nói lên vị thế địa – chiến lược của xứ Thanh là hết sức trọng yếu. Các giai đoạn tiếp nối, Thanh Hóa còn là hậu phương bảo vệ biên cương phía Nam của đất nước, là căn cứ bảo toàn lực lượng và nhiều lần cũng là nơi dấy binh giành độc lập dân tộc!

Bên cạnh đó, những người say mê đọc sách ở tỉnh ta cũng như cả nước còn có một nguồn tư liệu quý khác - đó là văn bia Thanh Hóa (tạc trên đá bằng chữ Hán- Nôm) mà ít có nơi nào còn lưu giữ, bảo tồn được số lượng bia nhiều như Thanh Hóa. Theo cuốn sách “Thanh Hóa thời Lý” của Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa, văn bia thời Lý hiện đã tìm thấy trên cả nước là 21 văn bia. Riêng Thanh Hóa có 6 văn bia, các tỉnh: Nghệ An, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang có 1 văn bia; Ninh Bình có 2, Hưng Yên có 3 văn bia.

Cụ thể, số văn bia hiện còn ở Thanh Hoá gồm: Minh Tinh tự bi văn ở chùa Minh Tinh (nay là xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hoá), do Thích Thiện Giác soạn; bia dựng ngày 15-2 năm Canh Ngọ, niên hiệu Quảng Hựu thứ 6 (1090). An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký ở chùa Báo Ân, núi An Hoạch, huyện Đông Sơn (nay là phường An Hoạch, TP Thanh Hoá), do Chu Văn Thường soạn, niên đại Hội Phong thứ 9 (1100). Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh ở chùa cùng tên tại huyện Hậu Lộc, do Thích Pháp Bảo soạn, bia dựng ngày 19-10 năm Mậu Tuất, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118). Cán Ni Sơn Hương Nghiêm tự bi minh ở chùa Hưng Nghiêm, núi Càn Ni, Đông Sơn (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá – bia này khuyết danh), thuộc niên đại Thiên Phù Duệ Vũ thứ 5 (1124). Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh ở chùa Linh Xứng, núi Ngưỡng Sơn (nay là xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung), Thích Pháp Bảo soạn; bia dựng ngày 3-3 năm Bính Ngọ niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 (1126). Diên Linh Chân Giáo tự ở chùa Diên Linh Chân Giáo, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn (tấm bia này hiện đã mất nội dung và niên đại, đang được lưu giữ tại UBND xã, nhưng dựa vào hoa văn trang trí mà xác định được niên đại thời Lý).

Ở Việt Nam, xét về mặt thể loại, văn bia đã được xem như là một thể văn học thời cổ trung đại. Những bài văn bia này đánh dấu bước đi ban đầu của nền văn học thành văn, hay “những trang sách đá”, “những trang sử đá”. Nghiên cứu nội dung của 6 văn bia nói trên cho phép chúng ta hiểu thêm được nhiều vấn đề về vùng đất xứ Thanh cũng như trong cả nước giai đoạn 1090-1126 (đầu thời Lý), trong đó tiêu biểu là các vấn đề chính trị, lịch sử, văn hoá, xã hội, tôn giáo, nhân vật – dòng họ, kiến trúc...

Khái quát theo cuốn sách, giai đoạn này (1090-1126), tình hình vùng đất Ái Châu (Thanh Hoá) có một số mặt khá phức tạp. Vùng đồng bằng tạm thời yên ổn, nhưng vùng phía Tây và phía Bắc còn có những vụ động loạn, xưng hùng cát cứ. Từ khi Lý Thường Kiệt được triều đình cử vào trấn nhậm Thanh Hoá mang chức Tổng trấn (1082-1101), với chính sách khoan hoà, nhân ái, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, canh tác nông nghiệp, thêm vào đó là sự chấp pháp, nghiêm minh đối với kẻ phản nghịch… đã khiến cho lòng dân quy về, kẻ phản loạn không dám nổi dậy. Đây là giai đoạn mà vùng đất này có sự ổn định rộng khắp.

Sau khi Lý Thường Kiệt được triệu trở lại kinh đô, những người kế nhiệm ông đã kế tục sách lược của vị tiền nhiệm, giúp cho vùng đất phên dậu của nhà Lý vẫn duy trì được sự ổn định và có những bước phát triển suốt một thời gian dài. Thời ông Chu Công – người kế nhiệm đầu tiên của Thái uý Lý Thường Kiệt được văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh khái quát như sau: “Ông (Chu Công) ban bố hiệu lệnh tiếp tục đổi mới, không chùng, không căn mà mềm rắn dựa nhau; không buông, không níu mà cương nhu hợp độ. Phàm đã sắp đặt các việc thì không việc gì không thoả đáng. Khuyên dẫn chăm chỉ việc nông trang, xét hình ngục cốt chuộng điều hoà ái. Cho nên trên dưới đồng lòng, bỏ hết kiện tụng, xóm làng vui vẻ, phong hoá thanh cao” .(1) Đồng thời, bộ máy hành chính cũng được điều chỉnh cho hợp lý hơn. Vai trò của Lý Thường Kiệt với chính sách khoan hoà và những việc làm hợp lòng dân được thực hiện và phát huy rất hiệu quả; tư tưởng, quan điểm tôn giáo mà nền tảng là triết lý Phật – Lão (Phật giáo và Đạo Giáo) song hành thuận lợi; quy mô kiến trúc mỹ thuật phát huy, mở rộng – trở nên một thành tố quan trọng của nền văn hoá của xã hội đương thời…

Lương Vĩnh Lạng

(1) Phan Bảo: Tuyển tập Văn bia Thanh Hóa, trang 268.


Lương Vĩnh Lạng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]