(vhds.baothanhhoa.vn) - Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) Thanh Hóa - NSND Hàn Hải cho biết, trong suốt những năm qua Nhà hát NTTT luôn cố gắng, nỗ lực để đưa những thể loại NTTT đặc sắc như chèo, tuồng, dân ca kịch, cải lương... đến gần hơn với công chúng.

Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) Thanh Hóa - NSND Hàn Hải cho biết, trong suốt những năm qua Nhà hát NTTT luôn cố gắng, nỗ lực để đưa những thể loại NTTT đặc sắc như chèo, tuồng, dân ca kịch, cải lương... đến gần hơn với công chúng.

Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúngChương trình nghệ thuật với chủ đề “Trung hưng gấm vóc” tại lễ hội Phủ Trịnh năm 2023 do Nhà hát NTTT tỉnh dàn dựng và biểu diễn.

Trước sự bùng nổ công nghệ thông tin và các loại hình nghệ thuật, giải trí, các loại hình NTTT như tuồng, chèo, dân ca kịch, cải lương... ngày càng khó tiếp cận với đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Với phương châm “Không chờ khán giả tìm đến mà phải tìm đến khán giả”, trong suốt những năm qua các đoàn nghệ thuật của Nhà hát NTTT luôn cố gắng, nỗ lực mở rộng đối tượng người xem. Cùng với việc xây dựng các trích đoạn, vở diễn, tái hiện những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử, mỗi đoàn nghệ thuật đều cố gắng đưa đề tài xã hội đương đại vào sân khấu chuyên nghiệp với những tác phẩm mang tính giáo dục cao, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thưởng thức của khán giả. Bên cạnh đó, duy trì đều đặn các chương trình biểu diễn phục vụ Nhân dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, đảm bảo vượt chỉ tiêu, kế hoạch được giao về số lượng buổi biểu diễn, lượt xem trong năm.

Trong năm 2023, Nhà hát NTTT Thanh Hóa được giao nhiệm vụ xây dựng kịch bản tổng thể, tập luyện và biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật sân khấu hóa phục vụ các lễ hội lớn, như: lễ hội Bà Triệu (Hậu Lộc); lễ hội Phủ Trịnh (Vĩnh Lộc); lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, kỷ niệm 1.018 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân); lễ hội Mai An Tiêm (Nga Sơn); lễ hội Đồng Cổ năm 2023 (Yên Định); lễ hội Chí Linh Sơn (Lang Chánh)... Qua các trích đoạn tuồng, chèo trong chương trình nghệ thuật đã đem đến cho công chúng xứ Thanh những cảm xúc tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, đây còn là cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, lịch sử hào hùng xứ Thanh đến đông đảo du khách.

Cùng với việc xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Nhà hát NTTT còn tích cực tham gia các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc. Năm 2023, Nhà hát NTTT ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng cao tại cuộc thi tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc (tổ chức tại TP Thanh Hóa). Theo NSND Hàn Hải, đây không chỉ là cơ hội để các diễn viên thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề, mà qua đó còn giúp khán giả xứ Thanh được tiếp cận gần hơn, nhiều hơn với các vở diễn, trích đoạn đặc sắc của nghệ thuật hát chèo, tuồng và dân ca kịch. Đây chính là những loại hình sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật quen thuộc của người dân từ xa xưa, nuôi dưỡng đời sống tinh thần người Việt bởi chất trữ tình, đằm thắm và sâu sắc.

Tại cuộc thi này, đoàn Thanh Hóa đã xuất sắc giành 3 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải diễn viên trẻ tài năng, 1 giọng hát triển vọng, 4 Bằng khen của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Đặc biệt, NSND Hàn Hải đã đoạt giải xuất sắc dành cho người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo đạt hiệu quả cao, với trích đoạn “Chí Phèo - Thị Nở”. Trong đó, 3 giải nhất dành cho các trích đoạn: Thị Mầu lên chùa, Chí Phèo - Thị Nở và Mạnh Lương bắt ngựa. Được biết, đây là những trích đoạn cổ, kinh điển, được đạo diễn và các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát NTTT tìm tòi, nỗ lực tập luyện để mang tới cuộc thi.

Không thể phủ nhận những cố gắng từ phía các đơn vị NTTT nhằm duy trì sức sống, đưa NTTT đến gần hơn với công chúng. Để gìn giữ, phát huy các loại hình NTTT trong thời gian tới, NSND Hàn Hải cho rằng: Cần phải đưa NTTT vào học đường, để từ đó khơi gợi niềm đam mê của thế hệ trẻ, cũng là cơ hội để tìm kiếm những “hạt giống” mới. Đối với các chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tại các lễ hội truyền thống và các vở diễn, trích đoạt tuồng, chèo, dân ca kịch... đoạt giải tại các cuộc thi nên đưa vào các chương trình văn nghệ cuối tuần của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để công chiếu phục vụ người dân.

Đặc biệt, một trong những hướng đi bền vững cần được phát huy hơn nữa đó là gắn bảo tồn, phát huy NTTT với phát triển du lịch. Có như vậy, NTTT mới hy vọng được đến gần hơn với công chúng và được bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]