(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lễ hội Lam Kinh năm 2016 (từ ngày 21 đến 23/9) đã diễn ra trong không khí trang trọng, thành kính tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân). Trở về với Lam Kinh, mỗi người dân như có cảm giác trở về với cội nguồn của những chiến công hào hùng, hiển hách trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn năm nào. Để từ đó, hào khí Lam Sơn tiếp tục được gìn giữ, hun đúc và phát huy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gìn giữ, hun đúc và phát huy hào khí Lam Sơn

(VH&ĐS) Lễ hội Lam Kinh năm 2016 (từ ngày 21 đến 23/9) đã diễn ra trong không khí trang trọng, thành kính tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân). Trở về với Lam Kinh, mỗi người dân như có cảm giác trở về với cội nguồn của những chiến công hào hùng, hiển hách trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn năm nào. Để từ đó, hào khí Lam Sơn tiếp tục được gìn giữ, hun đúc và phát huy.

Đặc sắc các giá trị truyền thống

Có tham dự chương trình nghệ thuật đặc sắc của Lễ hội Lam Kinh năm 2016 mới cảm nhận hết được sức sống bền vững của những giá trị truyền thống. Đó là không gian đa sắc, hừng hực khí thế của lịch sử dân tộc được tái hiện vô cùng sinh động qua những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống. Đặc biệt là trò diễn Xuân Phả và diễn xướng cồng chiêng của đồng bào Mường…

Gặp gỡ anh Bùi Văn Hùng, nghệ nhân dân gian trong trò diễn Xuân Phả sau chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội Lam Kinh năm 2016, tôi có thể cảm nhận được phần nào niềm vui vẫn còn đọng trên gương mặt anh khi tiết mục thành công tốt đẹp.

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi năm chuẩn bị đến ngày diễn ra Lễ hội Lam Kinh, anh Bùi Văn Hùng lại bận rộn với công việc tập luyện các tiết mục để trình diễn trong lễ hội. Anh cho biết: Trò diễn Xuân Phả đã ăn vào “máu” của những người như anh, hầu hết các lễ hội lớn ở Thọ Xuân đều có sự góp mặt của anh và các nghệ nhân trong CLB, đặc biệt với những lễ hội lớn như Lễ hội Lê Hoàn và Lam Kinh thì không thể thiếu trò diễn Xuân Phả. Thường lệ, trò diễn Xuân Phả chưa bao giờ huy động số người tham gia đến 100 người, nhưng Lễ hội Lam Kinh năm nay con số này đã lên đến 200, trong đó có sự góp mặt của 100 học sinh đến từ Trường THPT Lam Kinh.

“Các em phần lớn chưa từng tham gia trình diễn nên việc hướng dẫn tập luyện, rồi phối hợp trình diễn cần sự nỗ lực rất lớn. Đây là loại hình trình diễn dân gian tập thể nên chỉ cần một người làm không tốt là cũng có thể “phá vỡ” công sức của cả tập thể” - Anh Hùng kể.

Bên cạnh đó, trò diễn Xuân Phả năm nay diễn ra với tất cả năm trò: Hoa Lan; Tú Huần; Ngô Quốc; Chiêm Thành; Ai Lao, việc để các em học sinh cùng tham gia trình diễn không chỉ hướng các em về với văn hóa dân gian của dân tộc mà còn trực tiếp truyền dạy, tạo ra thế hệ “nghệ nhân” kế cận ở tương lai. Việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống không thể thành công nếu thiếu đi thế hệ trẻ kế cận.

Góp sức vào chương trình nghệ thuật truyền thống của Lễ hội Lam Kinh năm nay còn có đội diễn xướng cồng chiêng đến từ huyện Ngọc Lặc gồm 20 người. Đó là các chị em trong trang phục truyền thống của người Mường được lựa chọn để tham gia chương trình nghệ thuật của lễ hội. Những tiếng cồng chiêng âm vang núi rừng đã khơi dậy không khí của hội thề Lũng Nhai năm nào. Và những âm thanh ấy sẽ còn vang mãi trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Được biết, Ngọc Lặc là địa phương còn lưu giữ được số lượng cồng chiêng lớn trên địa bàn cả tỉnh và điều đặc biệt, hầu như xã nào cũng thành lập được CLB cồng chiêng để phục vụ các sự kiện lớn của làng, xã. Ông Bùi Hồng Nhi - Trưởng phòng VH-TT huyện Ngọc Lặc cho biết: Những người tham gia biểu diễn cồng chiêng trong Lễ hội Lam Kinh đều là những cá nhân có sự hiểu biết nhất định về cồng chiêng.

Cùng với đó, theo tìm hiểu của PV, Lễ hội Lam Kinh năm nay tại đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai còn có các trò chơi, trò diễn dân gian: Ném còn; bắn nỏ; đẩy gậy…Đây là những trò chơi truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao. Tuy nhiên, do thời gian nên đã bị mai một, vì thế, trong dịp lễ hội được khôi phục tổ chức, vừa tạo ra sân chơi thể thao lành mạnh, góp phần duy trì gìn giữ, hướng người dân về với các giá trị truyền thống.

Phát huy hào khí Lam Sơn trong thời đại mới

Phát biểu khai mạc Lễ hội Lam Kinh năm 2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền khẳng định: “Phát huy hào khí Lam Sơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời đại Hồ Chí Minh, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn anh hùng. Ngày nay cùng với cả nước Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mới, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước; xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu theo lời dạy của Bác Hồ. Để đạt được những mục tiêu này, Thanh Hóa đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế; giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng và đời sống của nhân dân. Thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, xứng đáng với quê hương người Anh hùng dân tộc Lê Lợi”.

Lễ hội Lam Kinh năm 2016 thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ hội Lam Kinh năm 2016 không chỉ mang tới cho người dân và du khách những xúc cảm về các giá trị truyền thống, về hào khí anh hùng của dân tộc, về vị thế và tầm vóc của xứ Thanh trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Lễ hội Lam Kinh là dịp để khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, qua đó giáo dục tình yêu quê hương, đất nước trong các thế hệ hôm nay và mai sau.

Không những vậy, đến với lễ hội, người dân còn được trải nghiệm cảm xúc với những địa danh, điểm đến vô cùng độc đáo của xứ Thanh qua triển lãm ảnh nghệ thuật. Đó là suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy); Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; Thành Nhà Hồ…. và cùng thưởng thức những sản vật ngon nức tiếng khắp vùng: bánh gai Tứ Trụ; nem nướng Thọ Xuân; bánh lá răng bừa; chè lam; kẹo lạc; bưởi tiến vua…

Trong tiết thu thoáng mát, Lễ hội Lam Kinh năm 2016 đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút được đông đảo người dân và du khách đến tham dự. Cùng với chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, lan tỏa hình ảnh tốt đẹpdo Sở VHTT&DL tỉnh đảm trách cùng các hoạt động giao thương, trao đổi sản phẩm, quảng bá hình ảnh…tất cả đã tạo nên một không khí lễ hội trang trọng, thiết thực, tươi vui và hiệu quả.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]