(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Vĩ nhân Lê Lợi - vua Lê Thái tổ, sáng danh trong sử Việt với tầm vóc Anh hùng Dân tộc. Công lao của ông, một lãnh tụ, một chiến lược gia kiệt xuất đã phát động, lãnh đạo và tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn giành lại nước Việt khỏi ách đô hộ giặc Minh, lập nên triều đại nhà Hậu Lê hiển hách ở đầu thế kỷ 14, được ngợi ca và đề cập khá nhiều. Nhưng ở tầm vi mô, lịch sử đã cho thấy ông vừa là chủ tướng, vừa là một dũng tướng cầm quân tài ba, với những chiến thuật tài tình mang giá trị kinh điển trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Anh hùng Dân tộc Lê Lợi và nghệ thuật kinh điển về dụng binh

(VH&ĐS) Vĩ nhân Lê Lợi - vua Lê Thái tổ, sáng danh trong sử Việt với tầm vóc Anh hùng Dân tộc. Công lao của ông, một lãnh tụ, một chiến lược gia kiệt xuất đã phát động, lãnh đạo và tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn giành lại nước Việt khỏi ách đô hộ giặc Minh, lập nên triều đại nhà Hậu Lê hiển hách ở đầu thế kỷ 14, được ngợi ca và đề cập khá nhiều. Nhưng ở tầm vi mô, lịch sử đã cho thấy ông vừa là chủ tướng, vừa là một dũng tướng cầm quân tài ba, với những chiến thuật tài tình mang giá trị kinh điển trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Anh hùng dân tộc Lê Lợi (tranh sơn dầu của họa sỹ Hoàng Hoa Mai).

Phục quân chờ giặc

Có thể nói chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang - những trận đánh cuối cùng của nghĩa quân Lam Sơn, mang tính quyết định dẫn đến việc đầu hàng của Vương Thông, đưa cuộc kháng chiến chống giặc Minh đến thắng lợi - diễn ra từ ngày 18 tháng 9 đến cuối tháng 10 năm 1427, là đỉnh cao trí tuệ về điều binh khiển tướng của người anh hùng áo vải Lê Lợi.

Lúc này, để cứu thành Đông Đô đang bị vây, nhà Minh vội điều hơn hai mươi vạn quân, ba vạn con ngựa sang tiếp cứu, do Kiểm quốc công Mộc Thạnh và An viễn hầu Liễu Thăng dẫn đầu 2 đạo quân, đi theo 2 hướng: Liễu Thăng từ Quảng Tây tiến sang, Mộc Thạnh từ Vân Nam đi tới. Trước tình thế giặc ào sang đông như cỏ, mạnh như nước chảy, chủ tướng Lam Sơn suy tính thiệt hơn. Ôngthấy giặc cũng có điểm yếu: “Nay Liễu Thăng sang đây đường sá xa xôi. Đem ba nghìn gái đẹp (?), khua chiêng, dóng trống...; long quân khổ vì mệt nhọc...”*, nên đã quyết định “ta lấy thong thả mà đợi quân mệt nhọc, không có lẽ nào là không thắng”*.

Rồi lệnh cho các tướng: Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lãnh, Lê Nhân Chú, Lê Liệt đem một vạn quân tinh nhuệ, năm thớt voi, tới phục đợi ở ải Chi Lăng. Bằng cách dụ quân giặc tài tình, Liễu Thăng đã kéo đại quân đúng chỗ quân ta -do tướng Lê Sát, Lê Nhân Chú chỉ huy đang mật phục và bị quân ta bung ra bốn mặt xông đánh cho đại bại. Liễu Thăng, Lý Khánh, cùng hơn một vạn quân bị chém chết tại trận, viện binh tan tác.

Lại nói về trận thắng quân Mộc Thạnh, khi năm vạn quân bọn Mộc Thạnh,Lương Minh, từ Vân Nam sang, lập đồn trú ở chợ Lê Hoa,các tướng Lam Sơn nhưLê Trung, Lê Đại, Lê Khả... nóng lòng muốn đưa quân ra nghênh chiến. Nghiên cứu tình hình địch, ta lúc này, biết rằng đánh ngay quân Mộc Thạnh thì hiệu quả không cao, Lê Lợi đã phân tích, chỉ cho các tướng thấy cần phải đợi thời cơ. Bởi Mộc Thạnh là một tướng tuổi cao, từng trải việc binh đao, sẽ rất cẩn thận. Ông đã “...viết thư kín bảo bọn Sát, Khả, Đại, chỉ nên đặt quân phục để chờ, hãy chớ đánh nhau với giặc”*... Lê Lợi cho mang một viên chỉ huy, ba viên thiên hộ trong đám binh lính ta bắt được, cùng bằng sắc, ấn tín của Liễu Thăng; đưa sang trại quân Mộc Thạnh. Bọn Mộc Thạnh kinh hãi, hốt hoảng chạy trốn đến nỗi xéo cả lên nhau. Các tướng Khả, Trung, Đại... hô quân đuổi đánh, chém hơn vạn tên, thu giữ nhiều ngựa, khí giới, vàng bạc, của cải...

Phục quân chờ giặc, là tư tưởng là sách lược và chiến thuật quân sự được Lê Lợi thực thi ngay từ buổi đầu khởi binh. Nhiều trận đánh mà nhờ kế phục địch, nghĩa quân đã chiến thắng trong tình thế tương quan lực lượng rất chênh lệch so với quân địch. Chiến tích này được Nguyễn Trãi ghi: “Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh/ Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều” và “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” (Bình Ngô Đại cáo).

Bỏ chỗ vững, đánh chỗ núng

Các trận công thành khi thì trong nam, lúc ngoài bắc đã nhanh chóng phân tán lực lượng, từng bước làm suy yếu địch... chính là nhờ tài ứng biến, linh hoạt trong tổ chức, điều phối quân binh của Lê Lợi. Khoảng giữa năm 1425, nhận thấy giặc tập trung cao độ bảo vệ thành Nghệ An, Lê Lợi tính kế cho quân tấn công các điểm mà chúng còn lơ là trong phòng ngự. Ông nói: "Quân giặc đến hết cả để cứu Nghệ An. Các nơi tất là trống rỗng”*. Thế nên đã chọn hai nghìn binh sỹ, hai thớt voi, sai các tướng Lê Lễ, Lê Sát, Lê Bị, Lê Triện, Lê Nhân Chú, không kể ngày đêm, đi đánh úp thành Tây Đô. Kết quả thành vỡ, quân ta bắt, chém nhiều giặc. Từ đó dân Thanh Hóa, cùng thân thuộc của ông kéo đến rất đông, xin liều mình mưu đền nợ nước. Nhận thấy cục diện quân giặc, các thành Thuận Hóa, Tân Bình, cùng với Nghệ An, Đông Đô, bị chia cắt với nhau, Lê Lợi họp với các tướng, phán rằng: “Các bậc tướng giỏi đời xưa, bỏ chỗ vững, đánh chỗ núng; lánh chỗ thực, công chỗ hư. Như vậy thì dùng sức có nửa mà được công gấp đôi”. Rồi cắt cử tướng Lê Nỗ, Lê Bồ lĩnh hơn nghìn binh, một thớt voi, theo đường bộ đi đánh các thành Tân Bình, Thuận Hóa, và chiêu mộ nhân dân. Cùng với đó cử đạo quân của Lê Triện, Lê Bôi, Lê Văn An, đem bảy chục chiếc thuyền, theo đường biển quất thẳng vào sào huyệt địch. Hai đạo quân hợp sức, thừa thắng, thu được cả Tân Bình, Thuận Hóa - hai địa bàn chiến lược "là nơi tâm phúc của ta. Đã được đất ấy rồi, tất không còn mối lo nội cố”*. Thanh thế nghĩa quân càng lên cao. Lê Lợi cho rằng bọn giặc dồn sức cho thành Nghệ An, còn các nơi khác đều lơ là, nên đã cho các tướngđánh chiếm nhiều vùng trọng yếu các tỉnh, thành từ Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ đến vùng đồng bằng sông Hồng và Thanh Hóa ngày nay.

Sau các trận thua cuối năm 1426, Tổng binh Vương Thông xin giảng hòa. Sợ địch tráo trở, quân ta bèn ngầm đặt quân phục ở bốn bên cửa thành rình bắt quân thám thính của giặc. Giặc không dám ra nữa. Lúc này Lê Lợi cũng dời từ Phù Liệt (vùng Bắc Ninh) do xa với giặc, về Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội ngày nay), ở bờ Bắc sông Hồng, đối diện với thành Đông Quan, để đón đường về của chúng.

Lại tập trung luyện, sai các tướng chẹn giữ các đường quan ải, chặn quân cứu viện của giặc. Nhiều tướng khuyên ông cho đánh các thành Đông Đô. Nhưng Lê Lợi cương quyết: “Ta đánh vào thành vững, hàng tháng, hàng năm không hạ nổi... Không bằng nuôi oai chứa sức, để đợi ít ngày. Viện binh dứt thì thành tất phải hàng. Làm một được hai, đó mới là kế vạn toàn vậy”*.

Như vậy, từ chỗ lực còn yếu, nhưng do biết lựa chọn trúng điểm xung yếu của địch để công kích, đồng thời dụ địch, buộc địch phải phân tán lực lượng, Lê Lợi đãxoay được cục diện chiến trường. Và từ cầm cự, phòng thủ, quân ta đã giải phóng vùng đất rộng lớn từ Thanh Hóa đến Quảng Nam ngày nay, bao vây được cả hai thành chủ chốt của giặc là Đông Đô và Nghệ An. Gió đã đổi chiều.

Đánh mau thì còn

Tiêu biểu như trận đánh năm Tân Sửu 1421. Ngày 20 tháng 11, tướng giặc Trần Trí cùng với bọn phản tặc quanh vùng hội quân đông tới hơn 10 vạn tên, tiến sát hòng đánh nghĩa quân ở ải Kinh Động, trại Ba Lẫm (Lỗi Giang, Cẩm Thủy ngày nay). Lúc này lực lượng quân ta còn mỏng. Lê Lợi họp các tướng, nhận định rằng “...được thua quan hệ ở tướng, chứ không do ở ít hay nhiều. Quân nó dù đông nhưng ta đem quân nhàn hạ để đón quân mỏi mệt thì quyết phá được”*. Không cho giặc hoàn hồn, nghĩa quân xông ngay ra đánh úp giết hơn nghìn tên, thu nhiều binh khí, lương thực. Trận liền sau đó, giặc coi thường quân ta ít, theo đường núi tiến vào. Lê Lợi cho quân đánh giáp hai bên, giặc lại thua.

Ngày 24 tháng Chạp, năm Nhâm Dần 1424, giặc Minh kết hợp bè đảng Ai Lao (Lào) vây phía trước và phía sau trại Da Quan của quân ta. Sau khi giao chiến, quân ta thiệt hại, nên rút về trại Khối để tu chỉnh quân ngũ. Bảy ngày sau giặc kéo tới. Lê Lợi trấn an tướng sỹ “Giặc vây ta bốn mặt... đây tức là nơi mà binh pháp gọi là đất chết. Đánh mau thì còn! Không đánh mau thì mất!”*. Vậy là các tướng bừng bừng nhiệt huyết xông vào trận, bắt tướng giặc Phùng Quý, bức tướng giặc Mã Kỳ, Trần Tríbỏ chạy, giết hàng nghìn lính giặc...

Trận “Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm/Tốt Động thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm...” (Bình Ngô Đại cáo), cuối năm 1426, là một trận tiêu biểu cho chiến thuật đánh mau, thắng mau của chủ tướng Lê Lợi.

Ngay khi quân ta thắng lớn, tranh thủ thời cơ, Lê Lợi liền mang đại quân từ Thanh Hóa chia quân theo hai đường thủy bộ tiến quân thần tốc, đi suốt ngày đêm tiến nhanh ra Bắc bắt đầu thực hiện cuộc vây ép thành Đông Đô, để rồi mở chiến dịch Chi Lăng, Xương Giang vào năm sau, 1427. “Viện binh dứt thì thành tất phải hàng. Làm một được hai, đó mới là kế vạn toàn vậy”* - Lê Lợi nói với các tướng như vậy.

Với kế “đánh mau”, chỉ trong chưa đầy một tháng, đội quân áo vải của ông đã đập tan viện binh, do Liễu Thăng, Mộc Thạnh cầm đầu, buộc Vương Thông phải cầu hàng, chấm dứt ách đô hộ mười năm của nhà Minh trên đất nước ta. Về chiến thắng vang dội này, nhà Minh phải cay đắng thừa nhận “...năm Tuyên Đức thứ 2 - 1427, Lê Lợi làm phản. Các quan văn võ của ta bị chết rất nhiều, như bọn Lưu Tử Phụ, Hà Trung, Dịch Tiên, Lý Nhiệm, Cố Phúc... Quân sĩ, của cải vật chất tổn thất có đến mấy chục vạn ; làm kiệt sức lực Trung Quốc hơn 10 năm, chỉ được cái tiếng thu phục được một số quận huyện trong mấy năm...” (“Minh thực lục: Quan hệ Trung Hoa - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII” - NXB Hà Nội năm 2010).

Vân Điệp

* Trích trong “Lam Sơn thực lục” - Nhà xuất bản Tân Việt (in lần thứ 3) năm 1956.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]