(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu xuân năm mới, khắp các bản làng trong tỉnh Thanh Hóa mở hội vui xuân, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng trù phú. Các lễ hội xuân thường kéo dài đến giữa tháng Giêng. Giữ gìn nét đẹp truyền thống qua các lễ hội chính là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn bản sắc văn hóa: Nhìn từ các lễ hội đầu xuân

Những ngày đầu xuân năm mới, khắp các bản làng trong tỉnh Thanh Hóa mở hội vui xuân, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng trù phú. Các lễ hội xuân thường kéo dài đến giữa tháng Giêng. Giữ gìn nét đẹp truyền thống qua các lễ hội chính là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến mồng 8 tháng Giêng âm lịch, người làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy), lại tổ chức Lễ hội khai hạ truyền thống với sự tham dự của hàng ngàn người dân và du khách thập phương.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Lễ hội gắn với suối cá thần và truyền thuyết dựng bản, lập Mường được tổ chức vào mồng 8 và 9 tháng Giêng hằng năm. Việc tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ vị thần đã cứu dân làng khỏi hiểm hoạ, ban cho dòng suối mát, dân có nguồn nước trong sạch để ăn, mùa màng tươi tốt. Lễ hội được mở đầu với phần rước thần cá từ suối Ngọc nằm dưới chân núi Trường Sinh đưa về sân vận động của làng để báo công với Thành hoàng làng về một năm lao động sản xuất của người dân địa phương và những ước nguyện của năm mới. Sau đó, thần cá được đưa về đền thờ ngay dưới chân núi Trường Sinh để cúng tế.

Chị Phượng, người dân trong xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy), chia sẻ: Hòa mình vào lễ hội được tham gia giao lưu văn nghệ, thể thao chúng tôi vui lắm. Qua lễ hội còn giúp chúng tôi hiểu hơn về bản sắc văn hóa và ý thức hơn sự cần thiết phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Sôi động và hào hứng nhất trong lễ hội phải kể đến các trò chơi dân gian như múa pồôn pôông, bắn nỏ, đánh cồng chiêng, múa hát, kéo co, ném còn, đánh đu, chọi gà, đẩy gậy, đánh cù... Không chỉ những thanh niên cường tráng, khỏe mạnh tìm đến các môn thể thao này, mà những người lớn tuổi, người già cũng háo hức tham gia. Trong tiếng reo hò cỗ vũ của khán giả, các vận động viên đến từ các đội cùng nhau thi đấu hết mình. Với thể thức thi đấu vòng tròn, các đội tham gia đều phải trải qua nhiều vòng thi để chọn ra đội nhất, nhì, ba. Các trò chơi dân gian không những rèn luyện sức khỏe và mang tính giải trí mà còn khuyến khích nhân dân đoàn kết, phát huy sức mạnh và tính sáng tạo trong lao động sản xuất.

Lễ hội đầu xuân ở các bản làng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với đồng bào Thái ở xã Vạn Xuân (Thường Xuân), thì những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình lại được gửi gắm qua Lễ hội Nàng Han được tổ chức vào ngày 16/2 âm lịch, hàng năm. Theo các già làng ở bản Lùm Nưa (xã Vạn Xuân) kể lại: Xưa tổng Trịnh Vạn đất đai trù phú nên thường bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó. Trước sự uy hiếp của quân xâm lược, Nàng Han đã giả trai cầm kiếm, cưỡi ngựa anh dũng chiến đấu khiến quân giặc phải bạt vía kinh hồn. Sau khi giúp quê hương dẹp yên quân giặc, Nàng Han và con ngựa chiến đã bay thẳng lên trời.

Lễ hội Nàng Han là lễ hội truyền thống của đồng bào 16 xứ Thái Mường Chiềng Ván xưa (nay thuộc thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân). Hiện nay, tại thôn Lùm Nưa vẫn còn những dấu tích gắn với truyền thuyết về Nàng Han, như: Hang Mường, sông Nhồng... Lễ hội là dịp để đồng bào Thái xã Vạn Xuân tỏ lòng biết ơn đối với Nàng Han - người con gái dân tộc Thái của bản Lùm Nưa, thuộc với lòng dũng cảm, sự mưu trí đứng lên bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn.

Chính lễ diễn ra hai phần gồm: Tế lễ trong hang Mường và phần hội. Phần tế lễ, thầy mo cùng nhân dân địa phương rước lễ vật từ thôn Lùm Nưa vào trong hang Mường để tế Nàng Han và các thần linh cai quản bản Mường, cầu mong ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.

Ấn tượng trong lễ hội chính là khi mọi người cùng quay vòng nắm tay nhau múa hát quanh cây hoa và tham gia các trò chơi dân gian gồm: Đánh cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, kéo co, đẩy gậy, tó lẹ, tung còn... Đây không chỉlà nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái xã Vạn Xuân mà thông qua lễ hội, nhân dân trong xã được giao lưu văn hóa, tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng VHTT huyện Thường Xuân, cho biết: Việc tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm là dịp để cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nâng cao ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tự hào, phát huy cái hay, cái đẹp trong phong tục tập quán. Thông qua lễ hội, bà con có dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, cất lên lời ca, tiếng hát với các làn điệu dân ca, dân vũ và các trò chơi dân gian thể hiện sự sáng tạo, thông minh, khéo léo, góp phần gìn giữ và duy trì nét đẹp trong văn hóa dân tộc mình, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương

Có thể nói, lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa lâu đời, có nội dung rất phong phú, lành mạnh và tốt đẹp. Lễ hội được tổ chức là dịp để mỗi con người và cộng đồng được giao hòa với thế giới tâm linh và thế giới thực tại, giao hòa giữa người và giữa người với thiên nhiên. Lễ hội đem lại đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc: Sự vui vẻ, yên tâm, tự tin, tự hào, sự hiểu biết, đoàn kết, thương yêu, lòng nhân ái, thể hiện sự bình đẳng dân chủ trong cộng đồng. Đồng thời, còn góp phần lưu giữ và truyền lại những vốn văn hóa truyền thống cho các thế hệ kế tiếp, là một trong những hình thức chủ yếu biểu hiện phong tục tập quán truyền thống của từng dân tộc... Chính vì vậy, các lễ hội đã thu hút được đông đảo người dân, đó là truyền thống, là sự kết nối, đoàn kết thông qua đó, bản sắc văn hóa truyền thống được phát huy.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]