(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ là võ tướng suốt 3 triều vua Lê Gia tông, Lê Hy tông, Lê Dụ tông, ông còn là một vị quan đức độ, có tấm lòng yêu thương và chăm lo cho Nhân dân, từng vì dân mà dâng khải lên Chúa Trịnh trình bày mười hai điều nên làm. Ông là Quận công Hoàng Bùi Hoàn.

Hoàng Bùi Hoàn - võ tướng ở 3 triều vua Lê

Không chỉ là võ tướng suốt 3 triều vua Lê Gia tông, Lê Hy tông, Lê Dụ tông, ông còn là một vị quan đức độ, có tấm lòng yêu thương và chăm lo cho Nhân dân, từng vì dân mà dâng khải lên Chúa Trịnh trình bày mười hai điều nên làm. Ông là Quận công Hoàng Bùi Hoàn.

Hoàng Bùi Hoàn - võ tướng ở 3 triều vua LêĐền thờ có nhóm bia đá và nhóm tượng đá rất cầu kỳ, tinh xảo.

Quận công Hoàng Bùi Hoàn sinh ra trong “dòng họ lớn, nổi tiếng giàu sang phong lưu, để tiếng thơm cho đời ở khu vực Lưu Vệ”, nay là xã Quảng Trạch (Quảng Xương). Thân phụ của ông là Hoàng Nhữ, tự Đạo Thuấn “là bậc kiên trinh sắt đá, đi theo chúa Trịnh khôi phục cơ đồ sự nghiệp nhà Lê Trung hưng, được phong Tán trị thừa chính sứ, Tả tham nghị, Đô đốc phủ, Phúc tài hầu. Khi mất, vua ban tên thụy là Đôn Mẫn phúc thần”. Thân mẫu của ông là Hoàng Quý thị, hiệu Trinh thục (không rõ tên húy), và ông là con trai trưởng trong gia đình 8 người con.

Vốn chăm chỉ học hành, ngày đêm miệt mài kinh sử, nhưng khi lớn lên, ông theo đường binh nghiệp, một lòng trung thành phò giúp các vị vua. Bốn mươi năm “ngôi cao chốn triều trung”, Hoàng Bùi Hoàn “tỏ rõ là người có năng lực, sáng suốt, đức sáng như ngọc, nhân phẩm trong như ngọc, không bè đảng, không thiên vị” (theo văn bia). Đối với bà con làng xã xa gần, ông chỉ bảo họ làm ăn sinh sống. Mỗi khi mùa màng thấp kém, ông xuất thóc gạo của nhà cứu giúp người nghèo đói. Ông còn “đầu tư công sức mở chợ Cầu Voi (Quảng Thịnh ngày nay) để dân buôn bán, xây đền - chùa miếu mạo ở các huyện Quảng Xương, Đông Sơn” (theo gia phả). Vì vậy, ai nấy “được đội ơn tiếng tăm danh vọng”. Đối với gia đình, dòng tộc, ông đã tạo nên “rạng rỡ đời trước, tự hào đời sau; cha mẹ được truy phong, hiếu nào hơn thế? Tử tôn được lập ấm, hiền nào bằng thế? Điền ruộng nối bờ liền khoảng mênh mông mà của cải thì có dư” (Văn bia).

Đánh giá về công trạng của ông, sách “Đại Nam nhất thống chí” (tập VI) do Quốc sử giám triều Nguyễn biên soạn có ghi: “Hoàng Bùi Hoàn người huyện Quảng Xương đời Bảo Thái làm Tả Đô đốc trường lưu thủ trấn Thanh Hoa, gia phong Thái bảo, chết tặng Thái phó tước”. Điều này còn được ghi cụ thể trong “Tướng công bi kí” là một trong 2 văn bia hiện đang còn ở đền thờ ông.

“Nắm binh phiên cốt giản dị rõ ràng

Luyện ba quân mạnh như hổ gấu

Giữ hiệu tiền thì rèn nghiêm

quân lệnh

Khiến bao biến loạn dẹp yên

Khi nhận chức trừ tào thì thường

xuyên luyện tập quân sĩ thuần thục

Thực là nhanh vuốt, uy vũ của

triều đình”.

(Trích Tướng công bi kí - bia Tướng công Hoàng Bùi Hoàn)

Văn bia ghi rõ, ông làm quan từ khi mới ngoài 20 tuổi, xuyên suốt ba triều vua, luôn là người tận tâm phục vụ, tấu bày mọi việc rõ ràng. Việc tiến cử dùng người, ông thường căn cứ vào năng lực, không có chuyện cất nhấc người thân, đút lót mà được thăng quan tiến chức, hữu đặc quyền đặc lợi.

Theo sử sách, đền thờ Hoàng Bùi Hoàn triều đình cấp tiền, Nhân dân trong vùng góp công sức xây dựng vào những năm 1724 - 1726, thời Vua Lê Dụ tông. Đó là một ân sủng hiếm có của triều đình và là di tích có một không hai ở Thanh Hóa với quần thể chạm khắc đá mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - thể hiện rõ sự điêu luyện của người thợ đục đá xứ Thanh thời bấy giờ. Theo ông Hoàng Bùi Dương, hậu duệ đời thứ 14 của họ Hoàng cho biết: Đền thờ Quận công Hoàng Bùi Hoàn còn gọi là Đền Chỉ. “Chỉ” theo nghĩa Hán là chỉ dụ của vua ban cho bề tôi có công trạng với đất nước. Cụ Hoàng Bùi Hoàn đã được vua ban cho chỉ dụ được phép xây dựng đền để ghi nhớ công lao, vì thế mà đền được gắn thêm chữ “Chỉ” gọi là Đền Chỉ (Đền thờ chỉ). Bên cạnh những công lao to lớn, cụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà triều đình giao phó là về quê tổ chức khai thác, vận chuyển đá ra kinh thành Thăng Long để phục vụ kiến thiết nước nhà. Từ đó cụ được ban đặc ân cho phép xây dựng những công trình ở quê hương có sử dụng đến vật liệu là đá. Vì thế mà đền thờ, lăng mộ cụ cũng đã được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu đá. Toàn bộ phần mái trên của ngôi đền được đặt trên 4 dãy 24 cột đá vuông 0,25 x 0,25 x 1,97m. Cột được trau chuốt cẩn thận và có khắc câu đối ở giữa mỗi cây cột. Trên mỗi cột đều khắc một vế đối trong khuôn ô định sẵn. Toàn bộ câu đối đều không có lạc khoản, tất cả hợp thành một “rừng trụ đá” vững chắc để đỡ toàn bộ cấu kết phần trên của các vì kèo và mái nhà. Phần kèo (từ quá giang trở lên) làm bằng gỗ theo kiểu chồng rường, kẻ suốt. Các vì kèo liên kết với nhau bằng hai đường xà và được đặt trên hệ thống cột đá.

Đặc biệt, chân tảng và cột là một khối đá liền được đục đẽo công phu thể hiện sự điêu luyện của người thợ đục đá xứ Thanh thời bấy giờ. Trong không gian rộng lớn, ngôi đền được bố cục theo kiểu chữ “Đinh”. Ấn tượng nhất khi mọi người đến thăm đền là nhóm 2 tấm bia đá, bên tả là “Tướng công bia ký”, bên hữu là bia “Hoàng Bùi tướng công”. Ngoài ra nhóm tượng bằng đá được bài trí đối xứng hai bên trục thần đạo, gồm có: hai tượng chó đá, hai voi đá, hai con ngựa đá và tượng võ sĩ được bài trí đăng đối với những chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo.

Ngày 18-4-2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận lăng mộ và đền thờ Quận công Hoàng Bùi Hoàn là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Giá trị lịch sử là vậy, tuy nhiên, có một thời kỳ dài đền thờ xuống cấp, mái ngói vây cũ đã thay bằng ngói khác, những mảng tường nhiều vết rạn nứt và rêu bám phủ dày. Trước thực trạng đó, năm 2019, công trình được Nhà nước đầu tư và Nhân dân trong vùng đóng góp trùng tu nghinh môn, nhà che bia, đền thờ tướng công theo nguyên bản đã hoàn thành. Đến nay, hằng năm vào ngày 25-7, người dân khắp vùng vẫn về ngôi đền 300 năm tuổi này để cùng nhau dâng lễ vật cúng tế cụ. Đôi câu đối trên cột đá ở nghinh môn: “Nam quốc anh tài Lê hậu thế/ Bắc phương tuấn kiệt Hoàng tộc môn” luôn là niềm tự hào của con cháu họ Hoàng Bùi về truyền thống của gia tộc, đồng thời là động lực để họ viết tiếp những trang sử của gia đình, dòng họ, nỗ lực đóng góp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]