(vhds.baothanhhoa.vn) - Nguyễn Thận (hay Lê Thận) người đất Mục Sơn xứ Thanh. Ông đứng thứ 3 trong Hội thề Lũng Nhai. Cũng chính ông được truyền thuyết lưu truyền là người đã “bắt” được gươm báu “Thuận Thiên” dâng lên chủ tướng Lê Lợi.

Khai quốc công thần Lê Thận: Người “bắt” được gươm báu “thuận thiên”

Nguyễn Thận (hay Lê Thận) người đất Mục Sơn xứ Thanh. Ông đứng thứ 3 trong Hội thề Lũng Nhai. Cũng chính ông được truyền thuyết lưu truyền là người đã “bắt” được gươm báu “Thuận Thiên” dâng lên chủ tướng Lê Lợi.

Khai quốc công thần Lê Thận: Người “bắt” được gươm báu “thuận thiên”Mục Sơn bên bờ sông Lương (sông Chu) là quê hương của Khai quốc công thần Lê Thận.

Là người Việt, mấy ai không một lần say mê khi nghe chuyện kể sự tích Hồ Gươm. Truyền thuyết lưu truyền, khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, chúng tham tàn vơ vét tài sản, bức hại dân lành khiến lòng người oán hận. Khi đó, nơi đất Lam Sơn có Bình Định vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống giặc. Tuy nhiên buổi ban đầu khởi nghĩa gặp muôn vàn khó khăn. Trước tình thế ấy, đức Long Quân đã quyết định cho nghĩa quân Lam Sơn mượn thanh gươm thần để giết giặc.

Bấy giờ, có một người đánh cá tên Lê Thận, vào một đêm buông lưới trên sông, ba lần kéo lưới đều chỉ bắt được một thanh sắt. Khi nhìn kỹ hóa ra là một lưỡi gươm, liền mang về nhà. Về sau, thanh gươm ấy cùng với chuôi gươm Bình Định vương Lê Lợi tìm thấy “hợp” lại làm một. Trên thanh gươm có khắc chữ “Thuận Thiên”. Tin rằng đó là ý trời muốn trao gươm báu nên tướng sĩ Lam Sơn trên dưới càng quyết tâm đánh giặc. Từ khi có gươm báu, khởi nghĩa Lam Sơn ngày càng mạnh, thế như chẻ tre, cuối cùng đã toàn thắng trước kẻ xâm lược bạo tàn. Sau khi lên ngôi, vua Lê vẫn luôn mang gươm quý bên mình như báu vật. Trong một lần nhà vua đi thuyền rồng trên hồ Tả Vọng, bỗng có con rùa lớn nổi lên xin hoàn lại gươm thần cho Long Quân. Ngậm gươm từ vua Lê Thái tổ trao trả, rùa vàng lặn xuống hồ biến mất. Từ đó, mà hồ Tả Vọng có tên là hồ Gươm, hay hồ Hoàn Kiếm.

Truyền thuyết vừa chân thực, lại huyền ảo. Dẫu vậy, một Khai quốc công thần Lê Thận trong khởi nghĩa Lam Sơn - người gắn liền với chuyện nhặt được gươm báu, lại là nhân vật lịch sử có thật, ông cũng là người có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.

Theo sách Địa chí huyện Thọ Xuân, Nguyễn Thận (sau này được ban họ vua nên đổi thành Lê Thận) vốn người sách Mục Sơn, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân), nhà bên dòng Lương giang (sông Chu). Ông cùng Lê Văn An và Lê Lợi là bạn thân, trước đó cùng theo học thầy giáo họ Nguyễn. Tuy nhiên, trước cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm giày xéo, ông không nuôi chí làm quan, mà lấy việc chăm chỉ cày cấy, chài lưới trên sông Lương làm thú vui. Một đêm, ông thấy dưới đáy sông có ánh sáng phát ra rất lạ, kéo lưới lên thì bắt được thanh sắt, liền đem về dựng trong góc nhà. Lê Lợi đến nhà Nguyễn Thận chơi, thấy trong góc nhà có ánh sáng phát ra. Ông xin thanh sắt mang về, định bụng rèn dao. Điều kỳ lạ, thanh sắt không mài mà sáng và đó là một thanh gươm, phía trên có khắc chữ. Sau đó, Lê Lợi trong một lần cày ruộng đã vô tình bắt được khúc gỗ ngắn, rửa sạch đất cát thì phát hiện đó là chuôi gươm. Kỳ lạ hơn khi lấy lưỡi gươm trong nhà “khớp” lại thì vừa in. Lê Lợi báo cho Nguyễn Thận biết và tin rằng, đó là gươm báu trời ban. Từ đó, càng quyết tâm nuôi chí lớn.

“Năm 1416, Lê Lợi cùng 18 bề tôi dự Hội thề Lũng Nhai, tên Nguyễn Thận đứng thứ 3, sau Lê Lai. Trong mười năm khởi nghĩa chống giặc Minh, Nguyễn Thận không tiếc thân mình, tận tâm tận sức phò tá chủ tướng mưu đồ việc nước, lập nhiều công lớn” (sách Địa chí huyện Thọ Xuân).

Lưu truyền dân gian tại vùng đất Lam Sơn còn kể lại, Nguyễn Thận người đất Mục Sơn, gần với làng Lam Sơn. Lê Lợi là phụ đạo Khả Lam, còn Nguyễn Thận cũng là phụ đạo sách Mục Sơn, nên dân gian còn gọi ông là Đạo Mục. Sau Hội thề Lũng Nhai, Nguyễn Thận đã dốc sức giúp Lê Lợi chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Ông cùng các nghĩa sĩ tổ chức nhiều trạm đón tiếp hào kiệt bốn phương tìm về với đất Lam Sơn. Đó là các trạm tại núi Mục và các ngả đường vào Lam Sơn. Từ sách Mục Sơn, Lê Thận dùng bè mảng chở người qua sông Lương đến căn cứ Lam Sơn tụ nghĩa.

Khai quốc công thần Lê Thận: Người “bắt” được gươm báu “thuận thiên”Tại đền thờ vua Lê Thái tổ trên đất Lam Sơn, người dân còn phối thờ Khai quốc công thần Lê Thận.

Với quyết tâm cao, lại tháo vát, thông thạo địa hình trong vùng, giỏi nghề nông và sông nước, Lê Thận đã góp phần cùng Động chủ Lê Lợi đến cuối năm 1416 thành lập một ấp ở sách Mục Sơn cày cấy, hội tụ được 217 nghĩa sĩ đầu tiên của đội nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày tháng sục sôi chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa (theo sách Các vị thần thờ ở xứ Thanh).

Trong những năm tháng gian khó của cuộc khởi nghĩa tại núi rừng Lam Sơn và miền núi xứ Thanh, Lê Thận giữ vai trò quan trọng trong xây dựng lực lượng, giữ mối liên hệ giữa nghĩa quân với Nhân dân. Nhờ thông thạo địa hình, ông và các tướng Lê Văn An, Nguyễn Nhữ Lãm cùng dân chài trong vùng ngược xuôi sông Lương lên rừng, xuống đồng bằng tích cực cung cấp quân lương, vũ khí cho nghĩa quân. Theo sách Các vị thần thờ ở xứ Thanh: “Những ngày Bình Định vương và nghĩa quân tuyệt lương ở Linh Sơn... thì Lê Thận đã không quản hiểm nguy len lỏi tới từng làng bản, dựa vào dân để huy động quân lương... Đến khi Bình Định vương quyết định tạm hòa hoãn, quân ta trở về căn cứ Lam Sơn củng cố, xây dựng lực lượng, Lê Thận trở về Mục Sơn tập hợp quân sĩ cùng Nhân dân khai khẩn đất hoang cày cấy, chuẩn bị lương thảo cho cuộc chiến đấu sắp tới”.

Cũng theo sử sách, khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, khi xếp hạng bề tôi có công lao từ hồi ở Lũng Nhai, Nguyễn Thận được xếp thứ hai. Năm Thuận Thiên thứ hai, khắc biển ghi tên công thần, Nguyễn Thận được phong Á hầu. Năm Thuận Thiên thứ năm (1432) ông được thăng Bảo chính công thần Nhập nội thiếu úy. Trên con đường làm quan, ông trải qua nhiều chức vụ, từ Nhập nội thiếu úy tham tri việc quân các vệ thuộc Tây Đạo; rồi Tham tri chính sự; Nhập nội kiểm hiệu tư đồ Bình chương sự...

Năm 1445, giặc Chiêm Thành đánh Châu Hóa, Bình chương sự Nguyễn Thận cùng một số lão tướng dẫn quân vào phía Nam chinh phạt, bắt được vua Chiêm, cùng nhiều voi, ngựa, vàng bạc... “Năm Thái Hòa thứ 6 (1448), nhà vua về Lam Kinh, Thái hậu và các vương đều đi theo, sai Nguyễn Thận ở lại làm chức Lưu thủ Kinh sư (coi giữ Kinh sư trong thời gian vua đi vắng), điều này chứng tỏ ông được triều đình hết sức tin cậy” (sách Địa chí huyện Thọ Xuân).

Với nhiều công lao, sau khi qua đời, khai quốc công thần Nguyễn Thận được truy tặng Bình chương quân quốc trọng sự, tước Huyện thượng hầu, ban tên thụy là Trung Tiết. Đến thời Hồng Đức, vua Lê Thánh tông lại phong tặng ông chức Thái phó, tước Hoằng Quận (Quốc) công.

Là công thần, gắn bó với khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu gian khó đến khi thắng lợi, làm quan trải qua 3 triều vua, “ông luôn một lòng tận trung với nước, đem hết sức mình phụng sự triều đình. Trong lúc triều chính trải nhiều cuộc rối ren, các công thần vì lợi riêng đã sát hại lẫn nhau không nương tay mà ông vẫn giữ trọn một đời thanh bạch... Công tích, tên tuổi của Lê Thận hòa với huyền thoại “trao gươm thần” (sách Các vị thần thờ ở xứ Thanh).

Ông Tạ Trung Dũng, trông coi tại đền thờ vua Lê Thái tổ, cho biết: “Bên cạnh vua Lê Thái tổ, Thái phó Hoằng Quận (Quốc) công Lê Thận là “vị thần” có nhiều công trạng với Nhân dân, đất nước. Người dân kẻ Cham, nay là đất Lam Sơn luôn nhớ đến ông, vì thế bao năm qua vẫn thành kính phụng thờ”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]