(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong số hơn 800 di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì di tích đền thờ, nhà thờ các danh nhân, bậc công thần trong lịch sử dựng nước, giữ nước chiếm số lượng lớn. Và để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích đó, bên cạnh công tác quản lý nhà nước thì vai trò của các dòng họ là vô cùng quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi dòng họ cùng trùng tu, bảo vệ di tích

Trong số hơn 800 di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì di tích đền thờ, nhà thờ các danh nhân, bậc công thần trong lịch sử dựng nước, giữ nước chiếm số lượng lớn. Và để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích đó, bên cạnh công tác quản lý nhà nước thì vai trò của các dòng họ là vô cùng quan trọng.

Từ một “phế tích”, đền thờ Trình Minh (xã Hà Châu, huyện Hà Trung) đã được con cháu ở khắp nơi trong dòng họ đóng góp phục dựng, trở thành di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, rồi cấp quốc gia. Địa chỉ này đang từng bước trở thành một trong những điểm đến văn hóa tâm linh của người dân trong và ngoài địa phương.

Theo những tài liệu còn lưu lại đến ngày nay thì đền thờ Trình Minh là nơi thờ vị công thần đã có nhiều đóng góp giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, chấm dứt thời kỳ nội loạn.

Ngày 10 tháng 3 năm Giáp Dần (1014), Trình Minh bị bệnh mất khi về thăm quê cũ ở làng Trung Lập, huyện Lôi Dương, thọ 74 tuổi. Ông được Triều Lý phong là Phúc Nhạc Tôn Thần và giao cho trang Kim Xuyết lập đền thờ phụng. Từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, ông được các triều vua phong 15 đạo sắc. Triều vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại đã phong sắc “Trác Vĩ Thượng Đẳng Thần” cho Trình Minh.

Biết ơn công lao đóng góp của Trình Minh đối với đất nước, quê hương, nhân dân làng Chuế Khu (Ngọc Chuế ngày nay) đã xem ông là thần hoàng làng và lập đền thờ tự. Trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi đền xưa đã bịphá hủy, chỉ còn lại một lư hương nằm dưới chân núi Phượng. Trước thực trạng đó, năm 2012 Sở VH,TT&DL đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí chống xuống cấp di tích đền thờ Trình Minh. Công trình chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 22/4/2012. Tuy nhiên, nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ so với thực tế yêu cầu kinh phí trong việc trùng tu di tích không nhiều. Song nó thực sự là yếu tố kích cầu để từ đó kêu gọi, huy động nguồn xã hội hóa. Cụ thể, con cháu của dòng họ Trình từ khắp mọi miền tổ quốc đều hướng về cội nguồn, chung tay đóng góp, xem đó là một phần trách nhiệm của mình. Vì vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền đóng góp đã lên đến cả tỷ đồng. Trong đó tiêu biểu có những gia đình, cá nhân đóng góp hàng trăm triệu, như GS.TS Trình Quang Phú.

“Ngày khánh thành di tích 10/3/2013 thực sự là ngày hội của con cháu dòng họ Trình. Nhân dịp này, con cháu lại họp bàn tiếp tục quyên góp ủng hộ để trùng tu, xây dựng đền thờ trở thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đây thực sự là thách thức với một di tích vốn đã xuống cấp trầm trọng. Cùng với đó là quy trình làm hồ sơ với nhiều công đoạn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của các thành viên trong Hội đồng gia tộc và sự ủng hộ nhiệt tình của con em ở khắp nơi, sau 3 năm 7 tháng làm hồ sơ thủ tục, đấu mối với các ngành, các cấp và sưu tầm, dịch thuật các gia phả, tài liệu liên quan, đền thờ Trình Minh đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia” - ông Trình Ngọc Ngoạn - Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Trình tự hào cho biết.

Cùng với việc khôi phục thì vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng là đòi hỏi cần thiết đã được đặt ra. Bởi vậy dòng họ đã bầu ra Hội đồng gia tộc gồm 15 thành viên chuyên chăm lo các vấn đề liên quan đến di tích. Ngoài ra hàng năm đều có sự phối hợp với trường cấp 1, cấp 2 trên địa bàn xã tổ chức cho các em học sinh về tham quan, dọn vệ sinh và nghe giới thiệu về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích gắn với lịch sử dân tộc. Qua đó giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.

Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) cũng là một trong những địa chỉ di tích điểm sáng khẳng định vai trò của dòng họ trong việc trùng tu, bảo vệ di tích. Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất được biết đến là vị quan thanh liêm, làm quan dưới ba triều vua thời Lê Trung Hưng. Và trong 44 năm gắn bó chốn quan trường, trải qua 6 bộ ông nổi tiếng với quan điểm sống: “ta chẳng muốn có những kiện tụng để mọi người phải mang tiền của cho ta, làm cho ta mất lòng trung với vua. Tin vào lòng dân và thương xót những người nghèo khổ là điều ta phải theo”. Với tài năng, đức độ của mình sau khi mất ông được nhân dân địa phương suy tôn là một trong “nhị vị Thành hoàng làng”.

Di tích lịch sử đền thờ danh thần Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất xã Hoằng Lộc với lịch sử gần 400 năm đã và đang trở thành điểm đến tâm linh thu hút du khách khi về với vùng đất Trạng (Nguyễn Quỳnh). Tuy nhiên, thời gian khẳng định giá trị di tích và thời gian cũng là thách thức cho công tác trùng tu bảo vệ, gìn giữ di tích. Năm 2016, di tích được trùng tu. Trong đó, bên cạnh nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ thì nguồn xã hội hóa, đóng góp của con cháu trong dòng họ chiếm số lượng lớn.

Ông Bùi Khắc Thái, đại diện ban quản lý di tích và dòng họ Bùi chia sẻ: Việc kêu gọi đóng góp kinh phí cho công tác trùng tu, bảo vệ di tích dòng họ Bùi (đền thờ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất) hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, tùy tâm, tùy lực của mỗi gia đình. Di tích khi được trùng tu, tôn tạo khang trang không chỉ có ý nghĩa về mặt diện mạo mà từ đây còn tạo nên điểm đến tụ họp, gặp gỡ, giáo dục, truyền thống cho các thế hệ cháu con trong dòng họ nói riêng. Để mỗi người không chỉ tự hào mà còn trách nhiệm với bậc tiền nhân.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được trùng tu, bảo vệ, phát huy giá trị vai trò quan trọng của các dòng họ. Đánh giá về vai trò của các dòng họ đối với di tích, Ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa cho biết: “Hầu hết các di tích đền thờ danh nhân được trải đều ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong khi nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho các di tích trùng tu, chống xuống cấp hàng năm còn nhiều khó khăn thì việc huy động nguồn xã hội hóa đối với các di tích đền thờ danh nhân (dòng họ) là vô cùng quan trọng và cần thiết. Đó cũng là chủ trương của nhà nước trong việc phân bố nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm. Tuy mỗi di tích ở các địa phương có đặc thù và lợi thế khác nhau. Song nhìn chung, di tích nào mà tính cố kết dòng họ được coi trọng thì di tích đó phát huy được giá trị trong việc trùng tu, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Và ở câu chuyện cố kết dòng họ thì yếu tố người đứng đầu (thường là trưởng họ) là điều quan trọng. Đó thường là người đức độ, tài năng, có tiếng nói thực sự”.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]