Xã hội hóa tạo nguồn lực tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, thời gian qua, việc thực hiện xã hội hóa tu bổ, tôn tạo các di tích được các địa phương quan tâm thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Qua đó, tạo diện mạo khang trang cho các di tích, nhưng vẫn giữ được giá trị “hồn cốt” vốn có của nó.
Xã Xuân Thọ (Triệu Sơn) huy động xã hội hóa tu bổ, tôn tạo đình Tám Mái, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của di tích.
Đình Tám Mái, thôn Tam Lạc, xã Xuân Thọ (Triệu Sơn) được xây dựng vào thập niên 30 của thế kỷ XX. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con thôn Tam Lạc và Nhân dân xã Xuân Thọ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, như: Hội nghị thân hào, thân sĩ của Liên khu IV; Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV; nơi thành lập Đại đoàn 304 - nay là Sư đoàn 304 thuộc Quân khu 2... Với những giá trị văn hóa, lịch sử, năm 1991, đình Tám Mái được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh. Do xây dựng từ lâu, đình Tám Mái xuống cấp, năm 2019 được sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng với nguồn lực xã hội hóa, đình được tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ cho biết: Xuân Thọ là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều hạng mục của các di tích đã xuống cấp, cần được tu bổ, tôn tạo, trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế. Vì vậy, xã có chủ trương thực hiện xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo di tích; trước khi triển khai thực hiện xã đã xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền, để đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định của Nhà nước. Vừa qua, xã đã huy động xã hội hóa hơn 500 triệu đồng để tu bổ, tôn tạo Di tích đình Tám Mái.
Ông Lê Quý Cừ, thôn 2, xã Xuân Thọ, một trong những người có nhiều đóng góp cho việc tu bổ, tôn tạo đình Tám Mái cho biết: "Việc tu bổ, tôn tạo đình Tám Mái là rất cần thiết, vì vậy tôi đã động viên con cháu trong dòng họ góp công, góp của để sửa chữa lại đình làng. Hiện diện mạo của đình trở nên khang trang, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di tích".
Thời gian qua, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích được huyện Triệu Sơn quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Ngoài đóng góp tiền và hiện vật, Nhân dân còn tham gia ngày công lao động giúp cho việc tu bổ, tôn tạo giảm bớt chi phí. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Sơn, từ năm 2016 đến nay, huyện Triệu Sơn đã huy động được hơn 5 tỷ đồng, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đã tu bổ, tôn tạo được 4 di tích lịch sử, văn hóa, như: Khu di tích quận công Lê Thì Hiến và bia tướng họ Lê (xã Thọ Phú); chùa Hoa Long (xã Tiến Nông); đình Tam Lạc (xã Xuân Thọ)...
Ông Lê Hồng Phong, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Sơn cho biết: Thời gian qua, công tác tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử, văn hóa được thực hiện chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa, nhưng dưới sự quản lý, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Thời gian tới, huyện Triệu Sơn đặt ra mục tiêu tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích, gồm: đền thờ Tể tướng Thái bảo đại vương Nguyễn Hiệu; phủ Vạn; đền thờ Trần Khát Chân; đền thờ Đinh Tiên Hoàng... Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Triệu Sơn chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác giáo dục về giá trị của di tích trên các phương tiện thông tin để Nhân dân được biết, sẵn sàng góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo các di tích.
Tại huyện Hà Trung, thời gian qua, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Nhờ đó, huyện đã huy động được hàng chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. Từ năm 2020-2023, huyện đã huy động xã hội hóa được khoảng 25 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích, như: phủ Suối, đền Trần, chùa Trần, đền thờ Lại Thế Khanh, đình Thượng Phú, đình Phú Thọ, chiến khu Bái Sậy. Các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo, đi vào hoạt động ngày càng phát huy giá trị, thu hút đông đảo Nhân dân và khách thập phương tới tham quan, chiêm bái, cầu phúc, cầu an, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tâm linh và quảng bá đất và người Hà Trung.
Cùng với các huyện Triệu Sơn, Hà Trung, nhiều địa phương khác như Vĩnh Lộc, Bỉm Sơn, Như Thanh... đã huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tu bổ, tôn tạo lại các di tích lịch sử, văn hóa, góp phần làm cho diện mạo di tích trở nên khang trang, xứng tầm với giá trị vốn có của nó. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, tỉnh ta có 1.535 di tích được kiểm kê, bảo vệ, đến nay có 856 di tích đã được xếp hạng các cấp, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới; 5 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia; 711 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2021-2023, có 50 lượt di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo, với tổng kinh phí thực hiện là 396,772 tỷ đồng, trong đó, nguồn huy động xã hội hóa là 29,306 tỷ đồng.
Các di tích được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước mà còn thể hiện trách nhiệm của Nhân dân, cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp đối với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác, vận động Nhân dân tham gia góp công, góp của, cùng với Nhà nước tu bổ, tôn tạo các di tích đang xuống cấp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục về di sản để người dân hiểu và chung sức cùng với chính quyền địa phương gìn giữ và phát huy giá trị di tích. Qua đó, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh ngày càng phát triển.
Bài và ảnh: Xuân Anh
- 2024-09-17 16:20:00
Khung dệt mùa thu
- 2024-09-17 14:13:00
Kể chuyện bằng dữ liệu, tại sao không?
- 2023-12-16 10:08:00
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 16-12-2023
Trên đất cổ Đàm Xá
Để du lịch Thọ Xuân “cất cánh”
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 15-12-2023
Mong chờ tiếng nói của các nhà phê bình chuyên nghiệp
Lại Văn Khuông: Văn quan có tài biện thuyết phò tá chúa Nguyễn
5 phim Việt chiếu rạp có doanh thu nội địa cao nhất năm 2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 14-12-2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 13-12-2023
Nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam qua đời