(vhds.baothanhhoa.vn) - Sáng 27/3 (tức ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Hợi), tại Khu di tích lịch sử đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Hậu Lộc long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1771 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2019.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm 1771 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh

Sáng 27/3 (tức ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Hợi), tại Khu di tích lịch sử đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Hậu Lộc long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1771 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2019.

Dự buổi lễ có đồng chí Phạm Đăng Quyền - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo UBND huyện Hậu Lộc, xã Triệu Lộc và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Đồng chí Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh trống khai mạc Lễ hội Bà Triệu năm 2019.

Đây là dịp để mọi người thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân, tôn vinh trước những cống hiến, hi sinh lớn lao của Bà Triệu và các nghĩa sĩ đối với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đồng thời khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc dân tộc xứ Thanh, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đây cũng là một hoạt động văn hóa hết sức có ý nghĩa để thiết thực chào mừng Kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029 - 2019) với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Chương trình nghệ thuật tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248.

Bà Triệu (tên húy là Triệu Thị Trinh) sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (năm 226 sau Công Nguyên) ở vùng núi Quân Yên, ngày nay thuộc địa bàn xã Định Tiến và Định Công, huyện Yên Định. Bà lớn lên và trực tiếp chứng kiến nỗi thống khổ lầm than của nhân dân ta trước sự xâm lược của nhà Đông Ngô, nên đã nuôi hoài bão lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bà Triệu đã cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt - một huyện lệnh lúc đó, giương cao ngọn cờ đại nghĩa, tập hợp vài nghìn trai tráng trong vùng tụ nghĩa. Cuộc khởi nghĩa của anh em Bà Triệu đã giành được nhiều thắng lợi, là nỗi khiếp sợ của giặc.

Sau khi anh trai mất, Bà Triệu đã thay anh trai làm chủ tướng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Năm 248, cuộc khởi nghĩa chính thức nổ ra, từ miền núi rừng ngàn Nưa, dưới sự chỉ huy của Bà Triệu nghĩa quân đã tiến xuống đồng bằng đánh chiếm Thành Tư Phố (trung tâm chính trị lớn nhất của Cửu Chân đương thời, nay thuộc làng Giàng, xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa), phá hủy các trị sở của các viên Thái thú, Đô úy của Nhà Đông Ngô, tiêu diệt chính quyền đô hộ, làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Trên đà thắng lợi, Bà Triệu đã chỉ huy nghĩa quân nhanh chóng tiến xuống giải phóng các vùng đất thuộc đồng bằng sông Mã (Quảng Xương, Đông Sơn, Tĩnh Gia) và phối hợp với ba anh em nhà Lý ở Bồ Điền đánh chiếm các vùng đất còn lại ở phía Bắc Thanh Hóa ngày nay. Đồng thời, xây dựng tuyến phòng thủ từ vùng căn cứ Bồ Điền đến cửa biển Thần Phù (Nga Sơn) để ngăn chặn viện binh của giặc Ngô theo đường biển tấn công từ phía Bắc.

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, triều Đông Ngô đã cử viên tướng Lục Dận có nhiều kinh nghiệm chiến trường chỉ huy 8.000 quân tinh nhuệ tiến sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Đã có hơn 30 trận đánh lớn, nhỏ được diễn ra trên vùng núi rừng Bồ Điền và cửa Thần Phù do Bà Triệu trực tiếp chỉ huy nhưng do chênh lệch quá lớn về lực lượng và vũ khí, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh tại vùng đất Hối Sơn vào ngày 22/2 năm Mậu Thìn khi mới 23 tuổi.

Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã để lại một dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đây chính là cuộc nổi dậy mạnh mẽ nhất, có phạm vi rộng lớn nhất, đỉnh cao của phong trào đấu tranh của dân tộc ta ở thế kỷ thứ II, thứ III. Nó đánh dấu bước trưởng thành của phong trào đấu tranh vũ trang giành độc lập của nhân dân ta đương thời.

Lễ kỷ niệm 1771 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2019 diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống: Tế lễ truyền thống; dâng hương tại đền thờ và khu lăng mộ Bà Triệu. Bên cạnh đó, tại buổi lễ các đại biểu cùng nhân dân và du khách thập phương được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc do nghệ sỹ, diễn viên của nhà hát nghệ thuật truyền thống biểu diễn nhằm tái hiện sống động hình ảnh nữ tướng Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa năm xưa.

Trung Hiếu


Trung Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]