(vhds.baothanhhoa.vn) - Vùng đất Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) nổi danh bởi truyền thống hiếu học. Nơi đây còn sinh ra nhà yêu nước Lê Mạnh Trinh - người đã trọn cuộc đời mình hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Lê Mạnh Trinh: Người chiến sĩ trọn đời hiến dâng cho cách mạng

Vùng đất Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) nổi danh bởi truyền thống hiếu học. Nơi đây còn sinh ra nhà yêu nước Lê Mạnh Trinh - người đã trọn cuộc đời mình hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Lê Mạnh Trinh: Người chiến sĩ trọn đời hiến dâng cho cách mạngThầy và trò Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh tổ chức hoạt động về nguồn tại nhà thờ cụ Tú Đắc.

Nhà nho băn khoăn đi tìm… lý tưởng

Theo con đường làng phong quang, tôi tìm đến thôn Đông Tiến, xã Hoằng Lộc để hỏi thăm nhà cụ Tú Đắc - tức nhà yêu nước Lê Mạnh Trinh. Căn nhà gỗ nhỏ kiểu cũ hằn in dấu ấn thời gian. Trò chuyện với tôi, bác Lê Tất Thắng, cháu nội nhà yêu nước Lê Mạnh Trinh, chia sẻ: “Căn nhà là tài sản - kỷ vật của ông bà nội để lại, nên con cháu trong gia đình thống nhất chọn cách tu sửa, cố gắng giữ lại nguyên vẹn nhất kiến trúc vốn có”. Vừa thắp nén hương thơm lên ban thờ, bác Lê Tất Thắng lấy ra cuốn hồi ký của ông nội mình - Hồi ký Lê Mạnh Trinh và kể cho tôi nghe chuyện về cụ.

Nhà yêu nước Lê Mạnh Trinh sinh năm 1896 trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước, hiếu học. Bố mất sớm, Lê Mạnh Trinh được người chú ruột nổi tiếng hay chữ trong vùng nuôi dạy với hy vọng lớn lên có thể tiếp nối nền nếp hiếu hiền, trung hậu của gia đình. Ông thường được người lớn răn dạy về khí tiết “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu” của kẻ sĩ (ý rằng, giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó không dời đổi được, sức mạnh không khuất phục được).

Tuy vậy, đầu thế kỷ XX khi Hán học thất thế, cùng với đó là những biến động chính trị của đất nước khiến Lê Mạnh Trinh không đặt nhiều mục tiêu cho việc học hành, thi cử đỗ đạt để làm quan. Dẫu vậy, ông vẫn thi đỗ tú tài, thế nên người dân địa phương thường gọi ông Tú Đắc.

Vốn sẵn không đam mê quyền chức, lại bất mãn với xã hội thực dân nửa phong kiến khiến đời sống người dân cần lao khốn khổ. Vì thế, ông tìm đến các miền quê làm nghề dạy học. Tuy nhiên, nghề dạy học lúc này đối với ông Tú Đắc dường như cũng chỉ là cái cớ để ông có nhiều thời gian suy nghĩ hơn về cuộc đời, thời thế. “Những điều tai nghe mắt thấy và bản thân từng trải làm cho tôi ghét và bực cái xã hội bất công, đồng thời cũng làm cho tôi suy nghĩ về trách nhiệm “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”… Tôi tự nghĩ cái nghề gõ đầu trẻ ở nông thôn, làm tên đầy tớ áo dài, giữ ba gian nhà thờ cho địa chủ, phải đâu là cứu cánh của mình”.

Đặc biệt, khi người chú ruột đột ngột qua đời thì trách nhiệm gánh vác gia đình đè nặng lên đôi vai của Lê Mạnh Trinh. Cùng với đó là những băn khoăn về dân tộc, cả hai cứ giằng xé, để ông nhìn thấu hơn bế tắc của cuộc đời. “Tôi thấy rằng: cha tôi là một người cần kiệm, một người đạo đức nhà nho, chú tôi học giỏi, rất mực kiên nhẫn. Cả hai đều sống suốt đời chịu nghèo khổ để lo cho con cháu mà không được. Cô tôi lấy người chồng lao động có sức khỏe, làm nghề gánh thuê, nhưng lại bị thất nghiệp, chết đói… tiểu sử gia đình đã tự nhiên cho tôi bài học lớn: “Bỏ gánh gia đình, cất gánh dân tộc”… Sắp xếp xong gia đình, tôi tích cực tìm đường ra đi hoạt động”. Và đó là vào khoảng năm 1926.

Và con đường cách mạng

Con đường đến với cách mạng của nhà yêu nước Lê Mạnh Trinh bắt đầu bằng hành trình vào Huế, Sài Gòn, sang Lào rồi đến Xiêm. Tại Xiêm, Lê Mạnh Trinh đã gặp Bác Hồ với tên gọi Thầu Chín (ông già Chín). Thậm chí theo hồi ký Lê Mạnh Trinh, việc Bác Hồ lấy tên Thầu Chín khi đó còn là điều bí mật, như một người đồng chí tình cờ nhận xét: “Ở đây, chứ ở trong nước thì tôi cho ông Chín là con cụ Phó Bảng Sắc vì tôi thấy ông Chín giống ông Khiêm cả về dáng người và tiếng nói”.

Trong khoảng thời gian được tiếp xúc với Bác Hồ, nhà yêu nước Lê Mạnh Trinh đã có nhiều kỷ niệm đáng trân quý. “Từ khi có Thầu Chín đến, nhà của anh em hợp tác, trừ những ngày sinh hoạt nội bộ không kể, còn đêm nào cũng có kiều bào đến thăm, họ rất thích nghe Thầu Chín nói chuyện, vì Thầu Chín nói chuyện rất hấp dẫn… Từ chuyện làm ăn đến chuyện cứu nước… Người ta thấy ở Thầu Chín có cái gì đáng tôn kính nhưng đồng thời dễ thân mật. Người ta thường đem chuyện gia đình, chuyện làm ăn ra bàn bạc, hỏi ý kiến Thầu Chín”. Hay như khi gặp Bác Hồ ở Hương Cảng (năm 1930): “Lúc này Bác cũng đi làm cho hãng thông tấn Reuters của Anh ở Hương Cảng, Bác dành dụm từng đồng lương để nuôi chúng tôi”.

Cuộc đời, con đường hoạt động, sự nghiệp cách mạng của nhà yêu nước Lê Mạnh Trinh là những năm tháng xa quê hương, đất nước, gắn liền với việc gây dựng cơ sở cho cách mạng tại Xiêm và Lào. Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn, gian khổ khi phải trải qua những khắc nghiệt ám ảnh, như: “Gần mười ngày lênh đênh trên mặt biển, gặp gió mùa Đông Bắc, sóng to biển động, chiếc tàu đảo nghiêng, nước tràn qua mạn tàu như xối, mỗi người lăn từ bên này sang bên kia, áo quần lướt mướt, nôn mửa bừa bãi, khổ hết nói”; những ngày đói rét thấu xương; nhiều lần kẻ địch truy bắt, bị trục xuất, rồi vào tù, ra tù… Nhưng với một tinh thần cách mạng kiên định, trước mọi khó khăn, chỉ còn dù một hơi thở, nhà yêu nước Lê Mạnh Trinh luôn kiên trung tư tưởng: “Đừng học chi ai lệ vắn dài/ Đau lòng kẻ ngược với người xuôi… Mắt hãy trông đời, gan vẫn tím/ Đầu chưa xuống đất, máu còn tươi/ Loài người ắt có ngày bình đẳng/ Thịt nát, xương tan cũng ngậm cười”.

Năm 1948, Lê Mạnh Trinh được Trung ương Đảng gọi về nước. Sau 22 năm cách biệt mới trở về quê hương khiến cho người chiến sĩ ấy dù tỏ ra cứng rắn cũng không tránh khỏi những xao động thường tình. “Gia đình mình có còn ở nơi cũ nữa hay không? Con cái mình ra sao? Hồi tưởng hôm tiễn biệt vợ, con, tôi phải nén xúc động để dứt áo ra đi. Giờ đây trở về cũng không thể tránh khỏi xúc động… Tới nhà, nỗi hàn huyên mừng mừng, tủi tủi. Nhà mình, con mình bây giờ cũng đã khác xưa. Con tôi - cu Đậu, hồi tôi ra đi nó mới lên 5 tuổi, nay đã có vợ và 4 cháu”… Lần giở trang hồi ký của ông nội, bác Lê Tất Thắng cho biết: “Tôi nghe bố mình (tức ông Đậu - PV) kể lại khi ấy cả nhà chỉ biết ông đi làm cách mạng, nhưng mấy chục năm không tung tích, cứ ngỡ đã xảy ra bất trắc. Nên lúc ông nội về, hạnh phúc cả gia đình như vỡ òa”…

Trong cuốn hồi ký của mình, nhà yêu nước Lê Mạnh Trinh đã bộc bạch: “Những năm bôn ba ở nước ngoài, một đôi lần may mắn được sự giáo dục trực tiếp hoặc gián tiếp của Bác. Bác đã chỉ lối, đưa đường, còn làm cho tôi kiên định về lập trường cách mạng… nhờ đó tôi luôn giữ vững niềm tin vào tiền đồ của cách mạng, tự rèn luyện mình có một ý chí chiến đấu không ngừng, một tinh thần lạc quan… Trong những năm bị tù đày, bị trục xuất, vất vả gian nguy ở vùng có địch… Tôi vẫn chịu đựng để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với cách mạng”.

Với quê hương Hoằng Lộc, người chiến sĩ cách mạng Lê Mạnh Trinh còn là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Bởi vậy, năm học 2001 - 2002, địa phương đã đổi tên trường tiểu học của xã thành Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh. Suốt nhiều năm qua, ngôi trường mang tên nhà yêu nước cách mạng luôn xuất sắc nằm trong tốp đầu thành tích giáo dục của huyện Hoằng Hóa. Thầy giáo Bùi Khắc Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh, cho biết: “Thầy và trò nhà trường luôn tự hào vì được dạy và học dưới mái trường mang tên nhà yêu nước Lê Mạnh Trinh. Hàng năm, nhà trường thường tổ chức cho các em học sinh về dâng hương tại nhà thờ cụ tại thôn Đông Tiến, để các em hiểu hơn về bề dày truyền thống cũng như tấm gương đạo đức cách mạng của cụ Tú Đắc Lê Mạnh Trinh”.

(Bài viết có tham khảo tư liệu trong cuốn “Hồi ký Lê Mạnh Trinh”, NXB Thanh Hóa, 2019).

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]