(vhds.baothanhhoa.vn) - Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) là nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà giáo dục từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong gần 29 năm. Những năm gần đây, một số tác phẩm của ông được tái bản như: "Hội hè, lễ tết của người Việt", "Văn minh Việt Nam" và mới nhất là cuốn "Sinh hoạt của người Việt".

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày xuân đọc “Sinh hoạt của người Việt”

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) là nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà giáo dục từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong gần 29 năm. Những năm gần đây, một số tác phẩm của ông được tái bản như: “Hội hè, lễ tết của người Việt”, “Văn minh Việt Nam” và mới nhất là cuốn “Sinh hoạt của người Việt”.

Ngày xuân đọc “Sinh hoạt của người Việt”

“Sinh hoạt của người Việt” được tập hợp từ luận án được bảo vệ tại Pháp là “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” và “Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á”, đã tạo nên dấu ấn của Nguyễn Văn Huyên khi vừa 29 tuổi.

“Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” được cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên nghiên cứu trên nhiều phương diện: Âm nhạc trong các bài hát đối, các nhóm từ, thơ, ứng tác thơ, đề tài các bài hát, giao tiếp của nam - nữ khi hát đối... Ông đã chọn Lim - trung tâm hội hè lớn nhất vùng châu thổ Bắc bộ để quan sát và phân tích phương diện tổ chức ngôn từ và khả năng ứng tác của người bình dân. Bằng phương pháp ngôn ngữ học phân tích văn bản, “Nguyễn Văn Huyên nhận thấy sự vận hành và tổ chức của thơ ca tiếng Việt có nhiều yếu tố đặc trưng cho phép người bình dân có thể tham gia một cách tài tình, tài hoa. Theo đó, tiết tấu, âm luật, số lượng từ trong đơn vị câu và thanh điệu là những thành tố cơ bản giúp câu thơ tiếng Việt tồn tại, vận hành lâu dài, dễ nảy sinh theo các chủ đề khác nhau và đồng thời, nó được tiếp nhận, ghi nhớ rộng rãi, kể cả thơ ca bác học” (theo Mai Anh Tuấn).

Trong đó Nguyễn Văn Huyên tập trung vào các nhóm từ thông thường có hai, bốn, năm hay sáu từ, có thể gắn liền với hành ngôn thường ngày của người bình dân, tạo thành cấu trúc cơ sở để từ đó, các câu thơ hình thành, một dạng đơn vị ngôn ngữ xuất hiện nhằm để bảo đảm tiết tấu, nhịp điệu và cho phép người làm thơ thay đổi linh hoạt tùy theo lớp nghĩa mà bản thân muốn hướng tới.

Để hát đối, người tham gia phải có khả năng “ứng khẩu dễ dàng”. Theo ông, việc ứng khẩu thơ và câu đối, gần như là một sinh hoạt thiết yếu, phổ biến trong xã hội Việt Nam. Khi hát đối, người bình dân có thể vay mượn ngôn từ, các nhóm từ của văn chương bác học, hoặc chêm xen, lắp ghép vốn từ ngoại quốc vào lời hát để gây khó dễ cho bạn hát thông qua các hình tượng có thể gần nhau hoặc đối lập, đối nghịch.

Vì thế, sự ứng tác thơ trong hát đối quan trọng hơn hết là ở chủ thể người hát. Họ sẽ chọn chủ đề của bài hát và sự giao tiếp của nam nữ. Chúng ta có thể mường tượng khung cảnh mà Nguyễn Văn Huyên đã phác thảo trong cuốn sách: “Trên cánh đồng chưa hết rạ rơm giữa tiết xuân đương rộn rã, từng đôi nam nữ sẽ hát cho tới khi phân định thắng thua. Các cô thì đầy vẻ thách thức, ẩn giấu sự chủ động dưới vành nón lá, các chàng trai thì ra bộ nhường nhịn nhưng lại giỏi ứng khẩu, linh hoạt chuyển đổi chủ đề làm khó đối phương. Những chàng trai thắng cuộc sẽ mang tiếng thơm về làng, được gia đình người con gái thua cuộc mời sang nhà. Nếu người thua là phụ nữ đã có chồng, thì chồng nàng rất muốn tiếp người thắng cuộc, vì trước mắt mình là một thi sĩ đích thực!".

Như vậy, hát đối từ chỗ là sự kiện tập thể đã dần chuyển hóa thành sự kiện cá nhân với trung tâm là người chiến thắng, người được tôn vinh như thủ lĩnh, người hùng của cộng đồng. Chính tác giả cũng đã khẳng định phương pháp nghiên cứu là: “Đầu tiên, tôi chú ý tìm hiểu xem nó diễn ra ở đâu, vào lúc nào, dưới hình thức nào, trong những điều kiện nào; nó phục vụ cho việc gì, cho ai; nó tùy thuộc vào cái gì”. Điều này, “đọc Nguyễn Văn Huyên, với thế hệ độc giả trẻ hôm nay, là điều cần thiết để nghĩ suy và tiếp nối hành trình đối thoại, thông hiểu nhau. Đó cũng như một sự đi xa để trở về, trở về chính cỗi gốc mà hiện tại được sinh thành và tạo dựng” (theo Mai Anh Tuấn).

Nếu “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” cho thấy sinh hoạt văn hóa của riêng Việt Nam thì “Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á” nghiên cứu về các kiểu nhà ở Đông Nam Á. Theo vị cố giáo sư, ngôi nhà là vật thể linh thiêng vì thế tất yếu là vật thể mang tính xã hội. “Xây cất một cái nhà, tức là phiền nhiễu đến thổ thần, có nguy cơ gây lộn xộn trong đất và trong những dòng sông suối. Nếu không tham khảo những điềm lành dữ và những cơn mộng, rất dễ đụng đến thần linh, không để cho thần linh yên cư, làm cho thần linh bất bình. Mọi thứ phiền nhiễu đó gây thiệt hại không chỉ cho những người cư trú trong nhà, mà còn cho những ai tham gia xây cất nhà, và cho cả làng nữa”.

Sau quá trình miêu tả nhà sàn ở Đông Dương, Sumatra, Bornéo, tác giả đã chỉ ra những loại hình và đặc điểm chung trong cách bố trí nội thất, độ lớn nhỏ của các nhà mà cụ thể là ở hình dáng, cầu thang, cư dân, hành lang, bếp, hiên, các buồng phòng, kho thóc và chuồng trâu bò... Ông cho rằng: “Bếp là điểm tập hợp chính của cả nhà. Quanh cái bếp, ban ngày người ta tụ tập để chuyện trò khi bên ngoài thời tiết xấu, và ban đêm để giải trí. Người ta còn ăn uống và làm việc quanh bếp"... Quyền sở hữu về bếp được giải quyết theo giới tính. Ví dụ, người Lô Lô ở Bắc Kỳ, trong nhà luôn có hai bếp, một bếp chính cho nữ giới; ở xứ Savoe, bếp đặt trong buồng phụ nữ... Qua khảo sát ông còn tìm ra những lý do tồn tại của nhà sàn có liên quan đến thiên nhiên, lối sống và cách tổ chức xã hội. Người đọc hiểu rằng ông không chỉ quan tâm đến sự mô tả và còn tìm ra các đặc trưng, tính độc đáo của nhà sàn từ đó thể hiện suy tư tinh thần cũng như vật chất của những người sống trong đó.

661 trang sách là những điều tra, mô tả từ các loại hình nhà ở, các kiểu cư trú, vấn đề chi tiêu, ăn uống, cho đến các hoạt động kiện cáo, hát đối đáp hay thờ cúng Thành hoàng của người nông dân Việt Nam. Dựa trên những khảo tả kỹ lưỡng, kết hợp với phân tích khoa học tinh nhạy, Nguyễn Văn Huyên cho ta hình dung về những cách thức cùng nguyên do đưa đẩy người Việt đến sự sinh hoạt phong phú tự bao đời.

Sự công phu, uyên bác của Nguyễn Văn Huyên đã được Frank Proschan, nhà Nhân học người Mỹ, đã khẳng định: “Những bài tiểu luận này sẽ đem lại cho người đọc những hiểu biết mới sau mỗi lần đọc lại, mỗi lần đọc lại cho thấy sự nghiên cứu công phu và phân tích kỹ lưỡng của ông, đồng thời nhắc nhở chúng ta về sự thông tuệ của Nguyễn Văn Huyên và những đóng góp vô song của ông cho ngành Việt Nam học”. Còn Tiến sĩ Mai Anh Tuấn nhận ra ở công trình này là một lối viết thấm đẫm cảm xúc, tình yêu văn hóa và dân tộc Việt Nam của người trí thức. “Lối viết không lèn chặt các khái niệm hàn lâm, mà ngược lại, chuyển hóa khéo léo tri thức mới trong cách biểu đạt hấp dẫn, sáng rõ và chặt chẽ. Tôi nghĩ rằng, lối viết khảo cứu của Nguyễn Văn Huyên luôn dành cho bất kỳ ai và bất kỳ kiểu đọc nào, từ đọc chơi thư nhàn cho đến đọc để tiếp nhận, vỡ lẽ hiểu biết”.

Còn chúng ta, đọc lại “Sinh hoạt của người Việt” càng thấu hiểu, yêu thích hơn đời sống sinh hoạt tinh thần của người Việt xưa.

Bài và ảnh: Nhật Nguyệt


Bài và ảnh: Nhật Nguyệt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]