(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Đương ở thôn Yên Thắng, xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc) dù đã 83 tuổi nhưng vẫn miệt mài truyền dạy và mang những áng mo Mường đến gần hơn với cộng đồng. Ông coi đây là nhiệm vụ thiêng liêng của một người con dân tộc Mường trong việc gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống.

Nghệ nhân giữ mo Mường

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Đương ở thôn Yên Thắng, xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc) dù đã 83 tuổi nhưng vẫn miệt mài truyền dạy và mang những áng mo Mường đến gần hơn với cộng đồng. Ông coi đây là nhiệm vụ thiêng liêng của một người con dân tộc Mường trong việc gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống.

Nghệ nhân giữ mo MườngNghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Đương.

Thanh Hóa có khoảng 400.000 đồng bào dân tộc Mường cư trú, sinh sống chủ yếu ở 11 huyện miền núi. Mo là di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường nói chung và của người Mường xứ Thanh nói riêng. Mo Mường bao gồm cả sử thi “Đẻ đất - đẻ nước” và “Mo lên trời”. Mo chính là tấm gương phản chiếu, bức tranh rộng lớn bao trùm về lịch sử, xã hội, quan niệm của người Mường về vũ trụ, con người, trời đất, thế giới tâm linh. Người Mường sáng tạo ra mo lý giải quá trình “Đẻ đất - đẻ nước”, sự hình thành loài người bằng hàng chục ngàn câu thơ, câu văn vần qua các bài mo, áng mo, roóng mo. Mo Đương là một trong những nghệ nhân đã và đang nắm giữ di sản mo Mường với hàng trăm bài mo, áng mo được ông lưu giữ trong đầu.

Mo Đương sinh ra trong gia đình đã 4 đời làm mo, đến ông là đời thứ 5. Với những đứa trẻ người Mường việc tiếp xúc sớm với Mo tự nhiên như hơi thở cuộc sống, nhất là sinh ra trong gia đình có truyền thống làm mo như nhà ông thì sự gần gũi với Mo càng trở nên thường xuyên và liên tục hơn. Theo đó, từ nhỏ cậu bé Đương rất thích nghe mo, khi biết nói cũng là lúc thuộc những áng mo. Thấy con có tố chất, người cha liền dạy cho cậu thuộc nhiều loại mo khác nhau, như mo kể chuyện (mo sử thi), mo nghi lễ (gắn với các nghi lễ tín ngưỡng), mo nhòm (mo tả cảnh)... Cứ như vậy, khi số tuổi của chàng thanh niên Đương càng nhiều thì càng thông thạo, tường tận các bài mo mà tổ tiên truyền tụng. Năm 17 tuổi, chàng trai Nguyễn Đình Đương đã có thể một mình thực hành diễn xướng các bài mo, đứng ra làm chủ tế các nghi lễ mo. Tuy nhiên theo mo Đương, để trở thành thầy mo ngoài việc “cha truyền” thì cần phải có chữ “duyên”. “Duyên” là khi suốt 66 năm làm mo, thực hành hàng nghìn buổi lễ nhưng ông Đương chưa bao giờ gặp một lời phàn nàn, chê trách nào từ gia chủ hoặc người mời làm lễ.

Với đồng bào dân tộc Mường, thầy mo là người được dân làng đặc biệt quý trọng, người có uy tín trong cộng đồng, không chỉ thông thạo văn tự cổ, lưu giữ được nhiều sách cổ, phong tục tập quán, những lễ nghi của dân tộc, mà còn là người có khả năng giao tiếp và cầu xin các đấng siêu nhiên phù hộ cho con người có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Theo lời mo Đương, vai trò của ông mo gắn liền với vòng đời của con người. Từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, thầy mo làm lễ cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Từ đó, những sự kiện lớn trong đời như dựng vợ gả chồng, dựng nhà, hoạt động lao động sản xuất... đều có mặt của mo. Đặc biệt, tổ chức đám hiếu với người Mường là công việc lớn, trọng đại của gia đình, họ tộc. Đây được coi là nghi lễ vòng đời cuối cùng của đời người. Nghi lễ này chỉ có thể thực hiện bởi thầy Mo. Người Mường quan niệm chết chưa phải là hết, tuy kết thúc ở thế giới này những phần hồn sẽ tiếp tục hành trình ở bên Mường ma. Với mỗi đám tang, tùy theo lứa tuổi, giới tính, hình thức tử vong, yêu cầu của gia chủ mà thầy mo sẽ thực hiện các bài khác nhau, muôn hình muôn vẻ. Từ việc người thân đến dâng cơm, dâng quả cúng đến việc người chết phải đi tìm bố mẹ, ông bà, tổ tiên họ hàng dưới âm phủ, mỗi một hoạt động thầy mo có bài kèm diễn xướng phù hợp.

Người Mường không có chữ viết nhưng những áng mo, bài mo, roóng mo nhờ các thầy mo mà vẫn được lưu giữ vẹn nguyên cho đến ngày nay. Mỗi bài mo cũng là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện thiết tha tình yêu cuộc sống, yêu con người, quê hương, xứ sở, góp phần hình thành, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn các thế hệ người Mường. Bởi vậy, khi nghe mo những người dự lễ được nhớ lại cội nguồn của dân tộc mình, quê hương mình, của dòng họ và gia đình. Nghe mo, mọi người sống trên đời này tự thấy phải sống tốt đẹp hơn, thương yêu nhau hơn, quý mến nhau hơn, tương trợ, giúp đỡ nhau nhiều hơn, không bao giờ ăn ở bất hiếu với ông bà cha mẹ, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng và xã hội, không để oán hận về sau.

Những ý nghĩa nhân văn đó càng là động lực để mo Đương và những thầy mo khác nỗ lực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là tâm nguyện đau đáu bấy lâu của mo Đương, bởi vậy dù đã ở tuổi 83 nhưng ông vẫn luôn nhiệt tình tham gia truyền dạy mo, chủ trì các buổi lễ. Học trò của ông đã lên đến con số hàng trăm.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]