(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Sinh năm 1944 tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, nhà thơ Vương Anh được giới văn chương cả nước biết đến khi ông được giải Nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969. Lĩnh vực nuôi dưỡng ông, khiến cả đời ông luôn gắn bó, tâm huyết, lo âu là Văn hóa dân gian Mường. Ông được xem là nhà thơ nổi bật của người Mường nói riêng và các nhà thơ dân tộc miền núi nói chung.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà thơ Mường - chẳng tắt mùa hoa

(VH&ĐS) Sinh năm 1944 tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, nhà thơ Vương Anh được giới văn chương cả nước biết đến khi ông được giải Nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969. Lĩnh vực nuôi dưỡng ông, khiến cả đời ông luôn gắn bó, tâm huyết, lo âu là Văn hóa dân gian Mường. Ông được xem là nhà thơ nổi bật của người Mường nói riêng và các nhà thơ dân tộc miền núi nói chung.

Thế hệ chúng tôi may mắn được học “Đẻ đất Đẻ nước” trong trường phổ thông, đó là những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ XX. Nghĩ về ông, tôi nghĩ đến người đàn ông rổn rảng tiếng cười, hào sảng, rượu uống cả chum. Ấy thế mà gặp ông, tôi thấy chạnh lòng buồn về cái tuổi già đã qua con dốc cheo leo, qua consuối to, vực sâu. 74 tuổi - cái tuổi thất thập cổ lai hy khiến người ta thường hay trăn trở, day dứt hơn là mỉm cười, yên an.

Ông từng tâm sự: Mỗi khi cầm bút viết văn, làm thơ tôi thường nhớ đến bố, bởi vì sự nghiệp đam mê đến mắc nợ văn chương của tôi công đầu lại thuộc về Người. Bố là người ép tôi nhấp vài ngụm rượu thuở mười hai tuổi, ý là cho tỉnh táo để tôi bò rạp trên sàn nhà để nghe và chép sử thi Mo mường: “Đẻ đất đẻ nước”. Chuyện về những chiếc đùi gà, những nắm xôi nếp, cái bút sắt, lọ mực tím và cái đãy vải sô ám khói theo tôi và bố ròng rã hai mươi năm trời để đựng đầy bốn mươi hai tập giấy, quyển vở học trò với hơn 2 vạn câu thơ Mường. Tôi nhờ tài sản vô giá đó của cha ông, của Tổ Mường, tổ Việt để có bước đi ban đầu. Thế là tôi chập chững dịch từng câu, từng chữ tiếng Mường ra tiếng Kinh. Bước tập dịch bỡ ngỡ đã tạo cho tôi ý chí ham học, ham hiểu biết, tìm tòi, chọn lọc ra vốn từ ngữ đẹp và sát thực, lấp lánh đến mê say. Dịch đi, dịch lại... Đi theo “Đẻ đất đẻ nước” lâu dần thành máu thịt. Tôi ngấm hơi thở sử thi, phong vị, phong cách thơ dân tộc Mường tôi. Thế là có thêm ước mơ làm thơ, viết văn. Tin chắc rằng bếp lửa của người cầm bút chẳng bao giờ lụi tàn...

Nhà thơ Vương Anh.

Nếu văn nghệ sĩ thường mang trong mình hình ảnh người mẹ đa cảm, giàu nước mắt, với những nỗi buồn thương, thì nhà thơ - nhà văn hóa dân gian Vương Anh lại nghĩ đến bố - người đã đưa ông đi hầu hết các cuộc mo đám ma. Cuộc đời mỗi con người đi qua hầu khắp các bài mo, đôi khi lại còn buồn hơn rất nhiều những bài mo.

Có lẽ không nhiều người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian thuận lợi như ông. Bởi lẽ, từ tiếng nói, phong tục tập quán, lề thói từng vùng, từng nhà, từng người ông đều thông hiểu. Đặc biệt, ông nắm rõ nết ăn nết ở của từng ông mo, từng nghệ nhân. Gặp ông mo thích thuốc lào thì ông mang sẵn bánh thuốc lào thơm ngon đến; người thích rượu, chẳng bao giờ ông quên dắt một chai rượu theo. Các bà thích ăn trầu thì ông kiếm trầu cau; Với người dân tộc, chỉ cần ưng cái bụng thì họ mở lòng. Nhưng chẳng nhiều người mang vác trên vai những trăn trở như ông. Cái hay của nhà thơ Vương Anh là từ những điều trăn trở, ông coi đó là động lực sống và làm việc. Từ “Đẻ đất đẻ nước” lôi cuốn, buộc ông phải tìm hiểu văn hóa dân gian, văn nghệ dân gian của dân tộc Mường. Ông tâm sự: Vào những năm 1960 trên các quầy sách, giá sách gia đình, chưa có cuốn sách nào về dân tộc Mường, điều đó đã thôi thúc tôi phải làm. Và năng nhặt chặt bị, mỗi ngày một ít, từ lúc giáo viên, rồi làm cán bộ Ty Giáo dục Thanh Hóa, rồi cán bộ Ty Văn hóa Thanh Hóa đến bây giờ ông luôn cày cấy để làm đầy, làm dày thêm quầy sách văn hóa của dân tộc Mường cùng với các dân tộc khác.

Nghĩ về ông, tôi nghĩ nhiều đến sự day dứt. Day dứt về sự mất dần tiếng cồng chiêng ở nơi thôn bản. Những câu thơ mang âm thanh và sự sống của không chỉ một con người, một cuộc đời: “Chiêng trốn ở đầu khe/ Gió lục tung lũng suối/ Chiêng nấp vào cây lim/ Thả đàn khỉ rung cành/ Cồng leo dây tròng trành/ Hãy nấp vào cánh bướm/ Cồng thức dậy cho sớm/ Để gióng hồi cồng thăm/ Chiêng ngẩng mặt nhìn trăng/ Để soi tìm bầu bạn”. Tôi tin rằng không chỉ với nhà thơ Vương Anh mà những người con Mường khi nghĩ về văn hóa của mình đều nghĩ đến tiếng cồng, tiếng chiêng. Cồng chiêng vang lên khi đứa bé Mường chào đời, đến khi người con Mường qua đời. Cồng chiêng nói thay tâm tình giữa người với người, thay người liên lạc với thần linh, dẫn linh hồn người Mường chu du qua vũ trụ “ba tầng bốn thế giới” Mường. Thấm đẫm âm thanh ấy, nhà thơ Vương Anh đã để tiếng cồng, tiếng chiêng chảy lúc róc rách, lúc cuộn trào trong 9 tập trường ca của mình. Và trong số 9 công trình nghiên cứu văn hóa dân gian, những bài mo, bài xường, không thể thiếu thanh âm ấy. Nhưng sau những say mê ấy lại là sự đau đớn từ gan ruột. Trong hàng nghìn chiếc cồng, chiếc chiêng ấy lưu giữ bao bài mo, bài xường, sao giờ mỗi bản làng còn dăm ba chiếc?. Ngay đến cả những ngôi nhà sàn, không gian văn hóa Mường cũng dần dần thưa thớt, đặc biệt những vùng gần với đường cái lớn gần như không còn. Mong gì đến con gái, con trai Mường còn nghĩ đến cái váy, cái khăn?

Ngay đến dự án Làng văn hóa du lịch Đẻ đất đẻ nước ở Thanh Hóa mà ông tâm huyết khi đang còn làm công tác quản lí cũng chẳng thể làm được. Ông kể về 30 điểm du lịch sẽ thành hình nếu dự án ấy được thực hiện, đó là những câu chuyện, những nhân vật huyền thoại, những vùng đất, thậm chí là cái cây, đôi cánh. Ông bảo: Nếu xây dựng được một khu văn hóa lớn, có thể ở Ngọc Lặc hay Bá Thước, chắc chắn đây không chỉ là điểm du lịch, mà là dấu ấn văn hóa của một mảnh đất.

Có lẽ điều khiến ông trăn trở nhất, và âu lo nhất chính là không có được một đội ngũ kế cận chuyên sâu về văn hóa các tộc người. Lớp trẻ bây giờ lao vào bằng cấp nhiều, ngồi bên máy tính mà bỏ quên cơ sở. Ngay cả cán bộ địa phương cũng chẳng còn hiểu gì về văn hóa dân tộc. Chẳng thế mà ngày nào ông cũng phải/ được nhận các cuộc gọi của các đoàn văn hóa, đoàn làm phim hỏi về văn hóa, hỏi địa điểm, thậm chí hỏi cả đường đi.

74 tuổi, cái tuổi tưởng ngơi nghỉ, cái tuổi mà người ta bằng lòng với mọi thứ, thì ông vẫn run rẩy với những giá trị cũ xưa. Cuốn sách “Xường cài hoa dân tộc Mường” - mà ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016 chính là một trong số những cuốn sách cả đời ông gom nhặt. Ai cũng biết, xường là loại hình dân ca giao duyên có chỗ đứng riêng và bền vững trong tâm tư tình cảm và cuộc sống của người Mường. Đặc biệt, Xường cài hoa lại chiếm vị trí riêng trong hệ thống xường lớn, xường cả là thường vun vén cho một con người, một thân phận, một bậc tài hoa, một ca xường đứng lẻ, một chút kiêu sa, một lãng tử: “nhuộm chàm sao chẳng muốn phai, cái rót vào lỗ tai chẳng muốn nhả”.

Gần 30 đầu sách giá trị, và ngay cả lúc này, trên giá sách của ông, vẫn còn có vài tập bản thảo, có bản thảo đã từng được giải của Hội Văn nghệ dân gian, nhưng vẫn chưa in. Lâu ngày, nhớ đến, ông lại lôi ra, vuốt ve những nếp mép đã quăn, chỉnh sửa tí ti, rồi thở dài gấp lại.

Từ năm 1968, khi tập trường ca “Sao chóp núi” ra đời đến bây giờ, nghĩ về một người tiêu biểu của xứ Mường Trong, không ai không nghĩ đến nhà thơ Vương Anh. “Như con chiêng bay đi/ Như con chiêng bay về.../ Bay về/ Bay về.../ Đánh thức từng dấu vết loài vật, loài người/ Chiêng phang ở đầu trời/ Âm vang rơi trả về cuối đất/ Đất nào!/ Hỡi mảnh đất Mường/ Chẳng tắt mùa hoa”. Cánh chim ấy chưa bao giờ mỏi cánh. Bông hoa ấy đã tỏa nhụy, ngát hương, để đưa văn hóa Mường trở nên đặc sắc, tươi đẹp trong vườn hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]