(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi tìm đến cuốn sách này, tôi đã hiểu ra rằng: mọi nỗi buồn của con người đều xuất phát từ mong muốn thái quá trong cuộc sống. Đúng là “tất cả cái dư thừa sẽ trở thành tật xấu” - Wilhelm Stekel đã nói vậy.

Sâu trong ta một bông hoa luôn rực sáng

Khi tìm đến cuốn sách này, tôi đã hiểu ra rằng: mọi nỗi buồn của con người đều xuất phát từ mong muốn thái quá trong cuộc sống. Đúng là “tất cả cái dư thừa sẽ trở thành tật xấu” - Wilhelm Stekel đã nói vậy.

Sâu trong ta một bông hoa luôn rực sáng

Thấu hiểu bản thân, kiếm tìm tri kỉ, sống bình an trong thế giới đại đồng luôn là những nhu cầu khát khao chính đáng của con người. Thế nhưng, giải mã bí mật của tâm hồn, nhìn sâu vào bản ngã của chính mình, nhìn cuộc sống bằng con mắt không phán xét lại là một hành trình đầy dũng cảm mà không phải ai cũng dám đi và đi đến tận cùng. “Sâu trong ta một bông hoa luôn rực sáng” của bác sĩ trị liệu, nhà tâm lý học Wilhelm Stekel là một cuốn sách khiến chúng ta dám nhìn sâu vào nơi sâu thẳm khủng khiếp của vô thức. Đây mới là tự do đích thực, cũng như là con đường để mỗi người biết mình thực sự là ai, mình cần làm gì.

Sách không dành cho những người muốn đọc nhanh. Bản thân tôi cũng đã dành 3 năm gắn bó với cuốn sách, để giờ viết nên những dòng đầu tiên cảm nhận về nó.

Cơ duyên cách đây 3 năm khi lần đầu tiên chạm vào sách, đó là khi bản thân triền miên những nỗi buồn chưa bao giờ dứt. Thời điểm ấy cũng là bản thân mình phát hiện có nhiều vấn đề về tâm lý cần trị liệu, trái tim cần được chữa lành và thấu hiểu.

Khi tìm đến cuốn sách này, tôi đã hiểu ra rằng: mọi nỗi buồn của con người đều xuất phát từ mong muốn thái quá trong cuộc sống. Đúng là “tất cả cái dư thừa sẽ trở thành tật xấu” - Wilhelm Stekel đã nói vậy.

Nếu ai đã từng làm mẹ, hẳn sẽ rất khó chịu khi đọc những dòng này của tác giả: “Những bông hoa hồng người mẹ đã trải trên con đường của đứa trẻ sẽ chỉ còn lại đầy gai nhọn khi chúng trưởng thành”. Khó chịu thật, nhưng hãy chịu khó đọc nốt những gì người bác sĩ thông thái này viết: "Nuôi dưỡng tình yêu cho con trẻ như ngọn lửa kiên định, ấm áp nhưng không bức bối, phát sáng nhưng không đốt cháy. Nếu thấu hiểu điều này thì có lẽ nhiều bà mẹ sẽ không duy trì một cách thiếu khôn ngoan đó là: dồn hết tình yêu với chồng mình sang con, hoặc là bày tỏ tình yêu thái quá với con cái, tâm lý học gọi là “tình yêu phì đại”. Điều thực sự là khó khăn nhưng cần làm nhất đó là: "hãy để cho trẻ thơ một thế giới yên bình, với những trò chơi vui vẻ, với những tác phẩm diệu kỳ của trí tưởng tượng. Tình yêu với con cái, không nhất thiết đến độ dư thừa".

Đối với sự đố kị thì sao? Có ai từng dám chắc mình không từng đố kị trong cuộc đời? Làm sao để thấu hiểu, làm bạn và dần giải trừ nó trong cuộc sống. Theo tác giả: “Không có sở hữu sẽ không có ghen tuông, không tham cầu sẽ không có đố kị”. Đó chính là nghệ thuật sống. Theo lý giải của tác giả, tâm lý đố kị có nguồn gốc rất nguyên thủy: tâm lý muốn bảo vệ những thứ thuộc quyền sở hữu của mình trong đó có tình cảm. Gốc rễ thứ hai, tâm lý này là sự phóng chiếu của những thiếu sót của bản thân. Tất nhiên nó còn là sự phản ánh của những tâm hồn có khao khát không được thỏa mãn trong thực tế. Nếu đã hiểu tận cùng đến vậy thì có lẽ chúng ta cần phải thống nhất lại rằng; mọi sự trốn tránh đều không giải quyết đến cùng của vấn đề. Hãy dũng cảm nhìn ra sự thiếu sót của bản thân và đừng để bóng tối của sự đố kị bao trùm lên ánh sáng của sự thiện lương trong tâm hồn.

Với khái niệm “tự do”, vị bác sĩ tâm lý vừa thông thái, vừa lạnh lùng Wilhelm Stekel đã thẳng thắn nói rằng: "khái niệm tự do mà con người thường hay mong cầu về bản chất đó là sự mong muốn của an dật và lười biếng. Điều cần làm đó là phải phân biệt một loại tự do bên trong và tự do bên ngoài. Chỉ có sự tự tại bên trong mới đạt được tự do bên ngoài. Nói cách khác, thân thể và tinh thần con người tự tại trước những khao khát tham đòi, đó mới là tự do thực sự".

Một nhà vua muốn tìm gặp bác sĩ để chữa bệnh và mong cầu mạnh khỏe. Vị bác sĩ này nói rằng hãy tìm đến người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian và mượn họ chiếc áo mặc. Than ôi, hành trình ấy đã khép lại khi vị vua chỉ có thể gặp một vị ẩn sĩ vui vẻ ẩn sâu nơi rừng già. Đáng nói, người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian này lại không có chiếc áo mặc nào cả. Rõ ràng, chúng ta phải “cởi bỏ rất nhiều lớp áo để trở nên tự tại từ bên trong”.

Cuộc sống là vậy, theo thời gian sẽ có vô số mong cầu làm dày thêm cho dáng vẻ, phong thái của mỗi người. Đôi khi chính chúng ta đang tự làm tha hóa, biến mình thật khác xa so với mong ước chính đáng, tâm hồn riêng có buổi ban đầu. Sâu trong ta một bông hoa luôn rực sáng - ngọn đèn hoa đăng ấy sẽ được thắp lại từ những việc làm như: mở khóa tâm hồn, lau bụi thời gian, rửa sạch hoen ố và thắp lên niềm tin về sự thiện lương, chính trực và khả năng đồng cảm giữa người với người. Ai cũng có khả năng trở thành một người tốt, một phiên bản tốt nhất của chính mình - hành trình ấy chưa bao giờ là hiền hòa, không thể vội vã và cần nhất là kiên trì, tỉnh táo. Chúc các bạn luôn có được những phẩm chất ấy trong hành trình giải mã bí mật tâm hồn mình!.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]