(vhds.baothanhhoa.vn) - Hệ thống văn bia hiện tồn tại là một di sản văn hóa mang tính gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Sự gắn kết ấy dù là vô hình hay hữu hình cũng đều cho chúng ta tự hào hơn về mảnh đất quê hương mình: Xứ Thanh.

Văn bia và dấu ấn văn hóa lịch sử của xứ Thanh

Hệ thống văn bia hiện tồn tại là một di sản văn hóa mang tính gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Sự gắn kết ấy dù là vô hình hay hữu hình cũng đều cho chúng ta tự hào hơn về mảnh đất quê hương mình: Xứ Thanh.

Văn bia và dấu ấn văn hóa lịch sử của xứ ThanhBia tướng công họ Tạ (Tạ Tôn Đài) ở làng Bộ Đầu, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc) dựng năm 1664.

Văn bia - một loại thư tịch, có niên đại rõ ràng, có giá trị như những tác phẩm văn học nghệ thuật, chứa đựng hệ thống thông tin nhiều mặt về lịch sử, kinh tế, xã hội… đương thời.

Thật tự hào, văn bia cổ nhất ở Việt Nam mà GS Đào Duy Anh tìm thấy là bia “Đại Tùy Cửu Chân” (bia đời Tùy) (đầu thế kỷ VII) ở làng Trường Xuân, xã Đông Minh (Đông Sơn), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh, số lượng bia đá ở Thanh Hóa lên đến hơn 1.000, niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XX. Có số lượng văn bia đó, chủ yếu được lý giải bởi các nguyên nhân: Thanh Hóa có nguồn nguyên liệu đá quý, có nhiều thợ đục tài hoa ở làng An Hoạch (nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa); là vùng đất lắm vua nhiều chúa, nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều di tích lịch sử...

Theo TS. Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thanh Hóa: Văn bia rất có giá trị vì thông qua đó hậu thế có thể hiểu được trình độ kinh tế, văn hóa của một vùng đất trong tiến trình lịch sử phát triển đất nước. Văn bia có giá trị như lời của Lý Thường Kiệt được khắc trên tấm bia có từ đầu thế kỷ XI, tại chùa Linh Xứng, núi Ngưỡng Sơn (nay thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung): “Xây dựng lâu ngày cõi báu đã xong, nếu không khắc bia để lại thì con cháu không biết tìm đâu để noi theo dấu vết nên phải dùng văn bia trình bày rõ ràng công việc đã làm, dù cho nhân vật có đổi dời tiếng lành vẫn truyền mãi”. Điều đó phần nào nói lên giá trị trường tồn của văn bia.

Về xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) đến thăm chùa Hưng Phúc (hay còn gọi là chùa Kênh), chúng tôi được tận mắt nhìn thấy toàn bộ tấm bia được dựng năm 1324 và khắc lại năm 1860 trên đất hương Yên Duyên xưa. Thuở ấy dải đất này hãy còn hoang vắng, đa phần còn cồn cát đầm lầy, rừng cây, sông ngòi, khe lạch. Tướng Lê Công An được phép của triều đình đến đây khai phá, xây dựng dinh thự, phủ đệ, ngoài nhiệm vụ khai khẩn đất hoang xây dựng trang ấp còn phải cai quản, bảo vệ cả một đoạn bờ biển dài hơn 20 km từ cửa Lạch Trào (cửa Hới) cho tới cửa Hàn (cửa Ghép). Đây là 1 trong 4 tấm bia đời Trần hiện còn tại Thanh Hóa. Theo văn bia cho biết chùa do Lê Công Bằng – người con thứ của tướng Lê Công An dựng vào năm Giáp Tý, niên hiệu Thiệu Long (1264). Công việc chưa hoàn thành, quy mô còn nhỏ hẹp, tượng Phật đắp chưa xong, nhà hiên làm chưa đủ thì ông Lê Công Bằng chết”. “Hưng Phúc bi tự” ngoài việc khắc ghi chiến công đánh quân xâm lược Nguyên - Mông của Nhân dân ta diễn ra cách đây hơn 700 năm trước, đồng thời giúp người đời sau xác định được con đường hành quân của tướng giặc Toa Đô từ ngoài biển vào Thanh Hóa. “Những trang sử khắc trên đá” này là nguồn tài liệu hết sức có giá trị, bổ sung cho chính sử.

Qua văn bia, các nhà nghiên cứu hiểu thêm về đời sống kinh tế - xã hội, chế độ sở hữu ruộng đất cũng như phân chia ruộng đất trong làng xã của từng thời kỳ. “Đa Căng miếu bi” (xã Vạn Hòa, Nông Cống) cho biết Võ Thời An thời Lê Trung hưng tham gia đánh nhà Mạc được phong lộc điền, lập đến 45 trang trại ở xứ Thanh. “Sự nghiệp bi” ở xã Thọ Phú, Triệu Sơn cho biết, một người thiếp của tướng quân Lê Thì Hải chết, Chúa Trịnh ban cho 20 mẫu làm đất thờ tự. Vua chúa thường lấy đất công ban tặng, làm lộc điền và đất thờ tự cho các công thần; ngoài ra binh lính cũng được cấp “ruộng khẩu phần ở quê”, vì thế mà sự phân hóa xã hội khá rõ. Điều này thể hiện một phần trong tấm bia “Huệ điền tứ tiền đẳng số” dựng năm 1710 cũng ở xã Thọ Phú (Triệu Sơn): “Thạc quận công Lê Thời Hải nhân ngày ngũ tuần Đại Khánh đã giao lại cho các xã trong vùng 391 mẫu ruộng và 7.800 quan tiền”. Bia tướng công họ Tạ (Tạ Tôn Đài) ở làng Bộ Đầu, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc) dựng năm 1664 cho biết: Trong năm 1662, ông đã bỏ ra 60 mẫu ruộng là ruộng thờ cúng đem chia cho dân cày cấy.

Điểm nổi bật về các bia ký ở Thanh Hóa ngoài nội dung phản ánh xã hội một cách sinh động và đa dạng, còn là phong cách nghệ thuật. Không ngẫu nhiên mà bia ký được xem là một loại hình văn hóa nghệ thuật khá đặc trưng, chịu ảnh hưởng sâu sắc các giá trị tư tưởng, văn hóa, tín ngưỡng của đương thời. Ngoài giá trị văn bia, các tấm bia còn phản ánh trình độ và quan điểm mỹ thuật, chế tác. Thông qua những kí tự, hoa văn, hậu thế biết được chặng đường phát triển của mỹ thuật Việt Nam.

Đến đền thờ Lê Đại Hành (xã Xuân Lập, Thọ Xuân), vị vua có 24 năm trị vì cùng với Nhân dân “phá Tống, bình Chiêm” khẳng định vị thế của quốc gia Đại Cồ Việt, chiêm ngắm bia “Lê Đại Hành hoàng đế điện điền chí” (bia điền địa) do Phùng Khắc Khoan soạn năm 1601 chúng ta hiểu phần nào tư tưởng đi trước thời đại của vị vua này. Thông thường các trán bia là rồng chầu mặt nguyệt nhưng bia này chỉ có một con rồng chạy từ bên trái qua phải, khúc giữa thân vồng lên ôm lấy một mặt tròn (nhật nguyệt). Giả thiết mà nhiều nhà nghiên cứu đã đặt ra là cả mặt tròn lớn tượng trưng cho bầu trời trong đó bông cúc ở chính giữa được coi là vầng thái dương, các nửa bông cúc được coi là các vì tinh tú ở bốn phương trời. Và trên hết, con rồng và mây đao tượng trưng cho không gian bao la trong thể vận động, ý tưởng tạo hình này gần như duy nhất chỉ thấy ở xứ Thanh. Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng - Chủ nhiệm Hội Khoa học lịch sử huyện Thọ Xuân cho rằng: Nhật nguyệt biểu tượng cho vòng càn khôn của trời đất, thể hiện sự hòa hợp của con người với thiên nhiên và chinh phục thiên nhiên của vua Lê Hoàn.

Thanh Hóa, vùng đất quý hương của cả vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn nên các công trình, dinh thự, lăng tẩm đền, chùa, miếu mạo được dựng nhiều. Trong 398 vị công thần thời Lê Sơ được sắc phong có đến 136 vị là người Thanh Hóa, vì thế bia ký từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII ở Thanh Hóa có một vị trí độc đáo về số lượng, quy mô, phong cách và nội dung biểu đạt.

Chỉ cần nhìn vào nghệ thuật điêu khắc trên những tấm bia, người hậu thế cũng có thể phần nào nhận diện được thời gian xây dựng. Qua khảo sát, TS Lê Tạo khẳng định: “Nếu bia ký thời Lý - Trần còn giản lược, khiêm tốn về quy mô, thì bia ký giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII, chủ yếu là của các quan tướng, công thần thời Lê - Trịnh to lớn về kích thước, đa dạng về tạo dáng, độc đáo, trang nhã và giàu chất dân gian trong trang trí, biểu hiện sự cởi mở, sung mãn và giàu có”

TS Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: “Trải dài trong lịch trình phát triển dân tộc, người Thanh Hóa đã sáng tạo nên một kho tàng thư tịch Hán Nôm quý, có giá trị, trong đó hệ thống văn bia đóng một vai trò hết sức quan trọng, ghi đậm dấu ấn tâm tư, tình cảm cũng như ước vọng của con người trong từng giai đoạn lịch sử”.

Dẫu không có điều kiện nhìn lại hệ thống văn bia còn lại ở Thanh Hóa, nhưng tận mắt thấy những tấm bia sừng sững với thời gian, những nét thanh nét đậm của chữ Hán bị mờ cùng tháng năm, sững sờ với hệ thống thác bản được lưu trữ ở các hệ thống thư viện, phần nào giúp hậu thế nhìn lại trang sử của một con người, một vùng đất, và hơn hết của dân tộc… trên đá.

Bài viết có sử dụng các tư liệu: Ảnh xạ lịch sử qua những bia đá ở xứ Thanh (Lê Tạo, Tạp chí Di sản văn hóa); Bốn văn bia thời Trần tại Thanh Hóa (TS Nguyễn Văn Hải)...

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]