(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Yên Định đầy nội lực, đầy ý chí tiến thủ, đầy nghị lực, dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá, dám chiến thắng mọi hoàn cảnh, và dám liên tục chiến thắng mình. Đó không phải là những mỹ từ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Yên Định xưa và nay (Bài 2): Sức bật của một vùng quê giàu truyền thống

(VH&ĐS) Yên Định đầy nội lực, đầy ý chí tiến thủ, đầy nghị lực, dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá, dám chiến thắng mọi hoàn cảnh, và dám liên tục chiến thắng mình. Đó không phải là những mỹ từ.

Ký củaNguyễn Minh Khiêm

Theo nhà sử học Phạm Tấn, Yên Định không chỉ là một huyện cổ, miền đất cổ, mà còn là nơi của những làng cổ. Ông giải thích, từ kẻ là cổ. Sau này từ kẻ biến thành từ khả. Như vậy, kẻ đồng nghĩa với khả. Ở Yên Định có một loạt làng ngày xưa gọi là kẻ: Kẻ Lao, Kẻ Xú, Kẻ Bưa, Kẻ Mau, Kẻ Kiểu, Kẻ Nhọn, Kẻ Dảy, Kẻ Lồng, Kẻ Quảng, Kẻ Vàng, Kẻ Hổ, Kẻ Vệ, Kẻ Lào, Kẻ Si, Kẻ Rọi, Kẻ Dền, Kẻ Bón như là Kẻ Bôn ở Đông Sơn. Sau này, một số Kẻ chuyển thành Khả, như: Khả Phú, Khả Lao... Từ các làng cổ này, nền văn hoá lâu đời được gìn giữ, bảo tồn phát huy cho đến tận ngày nay. Trong dân gian vẫn còn truyền tụng câu ca: Trò Chiềng, vật Bọc, rối Si/ Cơm đắp Kẻ Lở, cơm thi Kẻ Lào. Đặc sắc nhất là Trò Chiềng. Đây là một trò làm voi giả bằng tre, nứa đan lại, dán giấy cho húc nhau, chọi nhau như thật; làm pháo bông kết hình hoa, hình chữ. Trò này chỉ làng Chiềng ở xã Yên Ninh mới làm được. Trò Chiềng cũng là một trong những trò được Sở VH,TT&DL Thanh Hóa chọn để tham dự ngày hội Lam Kinh hàng năm vào dịp giỗ Lê Lai, Lê Lợi.

Trò Chiềng huyện Yên Định hấp dẫn với màn đấu voi.

Có một làng cổ do chính Lê Hoàn lập ra. Đó là làng Bùi Hạ ở xã Yên Phú. Theo Bùi Hạ thôn ngọc lục phả, năm 981, khi thắng giặc Tống, Lê Hoàn tập hợp hàng trăm binh lính lập thành một làng, cách làng Trung Lập, nơi Lê Hoàn sinh, một con sông Cầu Chày về phía đông. Làng có tên là Quần Ngãi Trang ấp. Cái tên ấy có nghĩa, nơi quần tụ của những người lính trượng nghĩa. Lê Hoàn cấp cho một trăm quan tiền để xây dựng ban đầu. Trải qua hàng nghìn năm, làng Bùi Hạ có nhiều huyền sử ly kỳ, nhiều kỳ tích. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Bùi Hạ là nơi chuẩn bị lực lượng cách mạng cung cấp cho chiến khu Ngọc Trạo trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Cái tên Cây Ắng, chiến khu Cây Ắng đã đi vào lịch sử. Và cũng từ làng Bùi, một trung đội dân quân đã tổ chức tiến đánh đồn Đa Nẵm. Đất thiêng tụ khí thiêng. Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Bùi không những tiễn hàng trăm lượt người con lên đường đi chiến đấu mà còn trở thành nơi chở che, đùm bọc bao nhiêu cán bộ cách mạng cấp cao của Đảng, bao nhiêu đoàn quân về đây chuẩn bị lực lượng. Gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng ở đây. Gia đình đồng chí Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã sơ tán về đây. Đại bản doanh của đồng chí Lê Thanh Nghị và Thiếu tướng Nguyễn Sơn ở đây. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, làng Bùi Hạ và xã Yên Phú có bao nhiêu người con ưu tú. Người chỉ huy nổ phát súng đầu tiên mở màn cho chiến dịch Buôn Mê Thuật, ngày mùng 10 tháng 3 năm 1975 ở đây. Người chỉ huy Tiểu đoàn đánh chiếm Bộ tổng Tham mưu ngụy, mười một giờ ba mươi phút ngày 30 tháng Tư năm 1975, ở đây. Người đầu tiên tiến vào giải phóng, phất cờ ở một cửa sân bay Tân Sơn Nhất, ở đây. Người tham gia chỉ huy máy bay Mig17 của ta từ đường bay dã chiến Hà Tĩnh bất ngờ thả bom vào Hạm đội Bảy của Mỹ, làm chúng kinh hoàng, ở đây...

Dòng sông nhà Lê đã đóng góp vào bao nhiêu chiến công của quân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống Tống, chống Chiêm Thành, chống giặc Nguyên Mông và góp phần viết nên Bình Ngô Đại Cáo. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sông nhà Lê là biểu tượng đẹp đẽ của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà Đoàn vận tải thuyền nan Thanh Hóa cùng Thanh Nghệ Tĩnh sáng tạo nên. Di tích lịch sử Kênh nhà Lê tại Nghệ An (thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL ký Quyết định số 2405/QĐ-BVHTTDL ngày 7 tháng 7 năm 2016 xếp hạng Di tích quốc gia. Nhưng không phải ai cũng hiểu ngọn ngành về sông nhà Lê - Kênh nhà Lê huyền thoại. Sông nhà Lê có tổng chiều dài hơn 500 km. Bắt đầu từ Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An đến Đèo Ngang Hà Tĩnh. Theo nhà nghiên cứu khoa học lịch sử Phạm Tấn, điểm khởi nguồn của sông nhà Lê là từ núi Đồng Cổ (tên cũ là Khả Lao). Địa chí huyện Yên Định (NXB KHXH, 2010) có đoạn ghi “Ở làng Bùi Đĩnh (Yên Phú) của Yên Định có nhân vật Đào Lang, vị tướng tài, có nhiều công lao trong cuộc chống Tống, bình Chiêm, đồng thời cũng là người được Lê Hoàn cử chỉ huy việc đào kênh từ Đan Nãi (tức Đan Nê, Yên Thọ) đến Bà Hoà (Tĩnh Gia) vào năm Quý Mùi (983). Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Khi vua đi đánh Chiêm thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Ba Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây làm xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện”. Địa chí Yên Định khẳng định “như vậy, kênh đào mà Lê Hoàn cho đào vào năm 983 được khởi đầu từ Đồng Cổ (Đan Nê, Yên Thọ) qua Hà Xá (Yên Trung), làng Bùi (Yên Phú) để nối sông Mã với sông Cầu Chày, lại mở kênh Ngọc Quang để nối liền với sông Lương (sông Chu).

Nhiều nghiên cứu cũng cho rằng, Yên Định chính là nơi xảy ra trận Đà Mã (1423), Lê Lợi đã tiêu diệt mười vạn quân Minh từ thành Tây Đô kéo sang. Chính trận chiến này đã làm cho quân Minh khiếp vía. Từ 1423 đến hết năm 1428, quân Minh không một lần dám tấn công vào Lam Sơn, Thanh Hóa nữa. Hầu hết các cuộc chiến đấu ác liệt thời Lê Trung Hưng (1532 - 1592) do Nguyễn Kim phù Lê Trang Tông trên đất kinh đô Vạn Lại và sau này là Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim, từ 1545 - 1574), rồi Trịnh Tùng (con trai Trịnh Kiểm, 1574 - 1592) đánh nhau với Mạc Kính Điển, Mạc Mậu Hợp đều xảy ra trên đất Yên Định. Trên vùng đất Yên Giang, Yên Phú hiện còn những rồng đá, bãi voi đá, ngựa đá. Cho đến giờ, chín mươi chín gò đất Yên Thịnh vẫn chưa có lời giải. Có giả thuyết cho rằng, đây đặt mộ Đặng Thị Huệ, vợ Trịnh Sâm. Để tránh kẻ trộm đào mộ tìm vàng bạc châu báu, nhà Trịnh đã cho đắp chín mươi chín gò đất ấy. Vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, người ta đã khai quật một ngôi mộ cổ ở đây, nhiều đồ táng tìm thấy biểu hiện hoàng gia quyền quý, cho rằng đó là mộ Đặng Thị Huệ. Sau đó ít năm, khi làm đường Mười, xã Quý Lộc đào trúng một ngôi mộ. Sở Văn hoá Thanh Hóa xác định chắc chắn, đó là mộ Trịnh Sâm. Hiện mộ Trịnh Sâm được táng tại chân núi Đùm Cơm Quả Cà ở xã Quý Lộc (cách chỗ tìm thấy ngôi mộ quãng chừng vài trăm thước). Mẹ Trịnh Kiểm là người Tràng Lang, Định Tiến, Yên Định. Vợ Trịnh Doanh là người Bùi Đĩnh, Yên Phú, Yên Định. Mộ Trịnh Sâm tìm thấy ở Quý Lộc, Yên Định. Có cơ sở nói rằng mộ Đặng Thị Huệ có thể đã được táng ở chín mươi chín gò đất Yên Thịnh.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều làng cổ Yên Định trở thành nôi cách mạng. Mười làng được công nhận là làng có công với cách mạng như Bùi Thượng-Đa Nẵm (Yên Giang), Bùi Hạ (Yên Phú), Phù Hưng (Yên Thái), Đồng Mai (Yên Tâm). Cả làng Đồng Mai bị giặc Pháp tàn sát không còn sót người nào, không còn dấu tích ngôi nhà nào, Bái Thuỷ (Định Liên), làng Chiềng (Yên Ninh), làng Quảng Hán (Yên Hùng), Ngọc Vực, Phúc Tĩnh (Yên Thịnh). Làng Ngọc Vực còn là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Định ngày 10/6/1938. Nhiều xã của Yên Định trở thành cơ sở của cách mạng.

Sự ác liệt càng dữ dội, Yên Định càng thể hiện sức sống mãnh liệt của một vùng đất có bề dày hàng chục ngàn năm lịch sử. Hai trăm hai mươi bốn bà mẹ Việt Nam Anh hùng của huyện Yên Định được Nhà nước phong tặng là một thước đo. Ba nghìn một trăm mười bảy liệt sĩ của huyện Yên Định hy sinh trong chống Pháp và chống Mỹ là một thước đo. Sáu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước phong tặng cho Yên Định là một thước đo. Năm 1961, Bác Hồ về thăm hợp tác xã Yên Trường là một thước đo. Định Công trở thành điển hình tiên tiến xây dựng hợp tác xã của cả nước là một thước đo. Ngày 10 tháng Giêng, năm 1978, Cố Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Lê Duẩn về thăm xã Quý Lộc, Người phải thốt lên: “Chủ nghĩa xã hội là đây!” là một thước đo.

Yên Định đầy nội lực, đầy ý chí tiến thủ, đầy nghị lực, dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá, dám chiến thắng mọi hoàn cảnh, và dám liên tục chiến thắng mình. Đó không phải là những mỹ từ. Đất nước vừa giải phóng, Yên Định như một người khổng lồ bùng nổ sức mới. Phải gọi là bùng nổ. Bởi vì, ngay từ những năm 1986 -1987, khi hầu hết các tỉnh, huyện nông thôn còn đang trong nền kinh tế xe bò, chưa đến nền kinh tế xe ba gác, Yên Định đã lên kế hoạch xây dựng một loạt nhà máy: Nhà máy gạch Cẩm Trướng; nhà máy xì dầu, nước mắm Định Hải; nhà máy đường Yên Tâm; nhà máy giấy Kiểu; nhà máy thổi bóng đèn thủy tinh Yên Phong, nhà máy sản xuất Nông cụ, nhà máy đóng tàu sông Mã Yên Định. Cứ nghĩ là không tưởng. Ấy thế mà tất cả đã thành hiện thực. Yên Định đã có tàu sông Mã I, Sông Mã II vươn khơi vượt bến. Nhà máy đường Yên Tâm Yên Định đi trước Nhà máy đường của ông Lê Văn Tam một thời gian khá dài. Một sự kỳ diệu với một huyện chỉ có mười bảy vạn dân, diện tích chưa đầy 230km2. Yên Định là huyện đầu tiên trong tỉnh có đường đôi, dải phân cách lớn là các ô thảm cỏ, thảm hoa, hệ thống cây xanh. Trên dải phân cách ấy được trang trí bằng các biểu tượng hoa sen, chim hạc, hoa văn trống đồng. Khi màn đêm buông xuống, thị trấn Quán Lào huyện Yên Định đẹp lung linh rực rỡ trong ánh điện nhiều màu nhấp nháy chẳng khác gì những con đường thành phố Đà Nẵng. Bao nhiêu khu chung cư, bao nhiêu nhà hàng, siêu thị lớn mọc lên. Hàng chục công ty giày da, may mặc, tôn thép, của các ông chủ người Việt, người Hoa, Hàn Quốc liên tiếp nối nhau. Giờ tan tầm, hàng nghìn xe máy nối nhau ngàn ngạt trên đường cùng từng đoàn xe tải, xe bus, taxi ngược xuôi nườm nượp. Đó thật sự là một không khí đô thị năng động, văn minh, giàu đẹp. Nhiều xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới. Hai xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới. Có xã đón nhận cả hai danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng thời kỳ đổi mới như xã Quý Lộc. Yên Định là một trong vài huyện đầu tiên của cả nước được nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là niềm vinh dự to lớn đối với huyện Yên Định. Đảng, Nhà nước phong tặng Yên Định danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng thời kỳ đổi mới.

Ngày huyện chuẩn bị đón Huân chương, nhận danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới cũng là ngày Hội Cổ vật Thanh Hóa rước dàn trống đồng vừa đúc xong lên đền Đồng Cổ làm lễ xin nhập linh khí để đem dâng tặng chùa Yên Tử. Linh khí Đồng Cổ Yên Định đã từng vang ngân trong dàn trống đồng Lễ hội nghìn năm Thăng Long, vang ngân trong dàn trống đồng Lễ hội Lam Kinh. Từ xa xôi lịch sử, mảnh đất do bốn dòng sông nuôi lớn đã sản sinh ra nền Văn minh núi Nuông-núi Đọ-núi Quan Yên; nền Văn hoá Sơn Vi; nền Văn minh trống đồng Đông Sơn, những ngôi đền hơn hai nghìn năm tuổi, bài Bạch vân chiếu xuân hải phú được coi là đặt nền móng cho văn học chữ Hán Việt Nam. Linh khí ấy đã sinh ra Bà Triệu, một nữ Anh hùng giải phóng dân tộc, sinh ra những nhân vật nổi tiếng như Đào Cam Mộc, Ngô Kinh, Ngô Từ, Ngô Thị Ngọc Dao, Lê Đình Kiên, sinh dòng sông nhà Lê huyền thoại. Với linh khí ấy, nhất định Yên Định sẽ viết nên nhiều huyền thoại mới, nhiều kỳ tích mới.

N.M.K



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]