(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 8/10/2018, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng đã ban hành Chỉ thị 681-CT/ĐU về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình khu vực biên giới. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, làm “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân trên địa bàn, khẳng định vai trò, vị trí của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong xây dựng địa bàn, xây dựng nông thôn mới (NTM) và tham gia xóa đói, giảm nghèo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Cầu nối” gắn kết tình quân dân (Bài 1): Khi đảng viên “kề vai, sát cánh”

Ngày 8/10/2018, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng đã ban hành Chỉ thị 681-CT/ĐU về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình khu vực biên giới. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, làm “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân trên địa bàn, khẳng định vai trò, vị trí của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong xây dựng địa bàn, xây dựng nông thôn mới (NTM) và tham gia xóa đói, giảm nghèo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Họ là những cán bộ, đảng viên đang công tác ở các đồn biên phòng thuộc khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, không ngại khó, ngại khổ đã luôn đồng hành, sát cánh cùng đồng bào nơi họ công tác nhằm khích lệ người dân vượt khó, vươn lên lao động sản xuất.

Thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng”

11h trưa, cái nắng miền biên Bát Mọt, huyện Thường Xuân bỏng rát. Nắng trải vàng khắp núi rừng, hơi nóng phả lên từ mặt đường khiến người đi cảm thấy chênh chao. Đại úy Nguyễn Xuân Đức, Đội trưởng Đội Ma túy Đồn Biên phòng Bát Mọt đưa tôi xuống thôn Ruộng, là thôn giáp biên, nơi đây chưa có đường, chưa có điện và sóng điện thoại thì tậm tịt. Con đường vào thôn chênh vênh, chưa đầy một sải tay người, lái xe không quen đường dễ lao xuống vực lắm, nhưng Đại úy Đức khá thành thạo, quen thuộc với nó. Vào đến gần thôn, anh chỉ tay về phía con suối Luông đã khô cạn, hai bên bờ suối, đất đá vùi lấp gần như hết những thửa ruộng do ảnh hưởng đợt mưa lũ từ tháng 10/2017. Cuộc sống của bà con nơi đây vốn đã khó khăn, nay còn khó khăn hơn khi diện tích hoa màu của bản từ 4,7 ha thì sau đợt mưa lũ, chỉ còn 1,7 ha. Nhiều hộ đã hoàn toàn mất ruộng. Nếu không có biện pháp khắc phục thì diện tích ruộng còn lại sẽ có nguy cơ bị “xóa sổ” do bão lũ. Nhìn cánh đồng lúa trước kia nay chỉ còn đất, đá cùng cái nắng vàng ruộm trải dài mà không khỏi xót xa. Thôn Ruộng im lìm buổi trưa hè, vài nóc nhà sàn nằm chênh vênh bên sườn đồi. Câu chuyện của Đại úy Đức chưa đến hồi kết thì chiếc xe máy của anh đã lao lên chiếc sân nhỏ của ngôi nhà gạch hai gian ven đường. Anh nói đây là nơi ăn, nghỉ, làm việc của tổ công tác thuộc Đồn Biên phòng Bát Mọt.

Thiếu tá Phạm Hồng Nhật - Tổ trưởng Tổ công tác thôn Ruộng (Đồn Biên phòng Bát Mọt) đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Tổ công tác thôn Ruộng có 3 đồng chí. Đã 3 năm gắn bó với miền biên Bát Mọt, Thiếu tá Nhật chia sẻ: Thôn Ruộng với 100% đồng bào Thái, có 49 hộ, 214 khẩu, trong đó còn 15 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo. Làm thế nào để bà con thoát nghèo cũng là bài toán nan giải, bởi bà con chủ yếu phụ thuộc làm nông nghiệp thì đất ruộng đã bị vùi lấp 3/4 diện tích. Cuộc sống bà con chỉ dựa vào trợ cấp gạo thuộc chương trình khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Một số ít hộ diện tích ruộng bị vùi lấp không thể trồng lúa thì chuyển sang trồng ngô, lạc ven bờ suối.

Đương dở câu chuyện với Thiếu tá Phạm Hồng Nhật thì có tiếng ai đó chào ngoài sân, Thiếu tá Nhật nói: “Đó là Bí thư kiêm Trưởng thôn Ruộng Lương Văn Lá, biết có nhà báo đến thăm thôn nên bộ đội biên phòng đã có lời nhắn đến Trưởng thôn Lá. Gia đình Trưởng thôn Lá mới thoát nghèo được 2 ngày nay. Và cũng là 1 trong 7 hộ gia đình nghèo, cận nghèo thôn Ruộng do mình phụ trách trong thực hiện Chỉ thị 681”.

Nghe Thiếu tá Nhật giới thiệu, Bí thư kiêm Trưởng thôn Lương Văn Lá cười vang và chân thật nói: “Gia đình còn nghèo lắm nhưng mình là trưởng thôn mà không gương mẫu thì bà con không nghe theo nên gia đình xung phong thoát nghèo. Gia đình có 4 khẩu nhưng chỉ có 1 sào ruộng thôi, vụ vừa rồi thu hoạch chưa được 1 tạ lúa. Nhờ cán bộ biên phòng tư vấn, gia đình đã đầu tư mua một chiếc xe công nông tự chế giúp bà con trong bản chở đất, đá, thu hoạch hoa màu và tham gia bảo vệ, chăm sóc rừng phòng hộ”.

“Năm 2019, 49 hộ dân trong bản được Đồn Biên phòng Bát Mọt hỗ trợ 1.000 con vịt giống; 10 chị em phụ nữ nghèo được hỗ trợ 10 con bò sinh sản trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với tổng trị giá 100 triệu đồng. Thời gian qua, Đồn Biên phòng Bát Mọt còn vận động các hộ trồng, phát triển, bảo vệ rừng; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân không tàng trữ vũ khí, không vượt biên khai thác lâm sản trái phép, không tham gia tiếp tay cho tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Động viên các gia đình quan tâm chăm sóc con em được đến trường, xây dựng nếp sống văn minh. Hiện nay, thôn Ruộng có 2 em học sinh là Lò Thị Hồng và Lò Thị Quên, con chị Lò Thị Yêu thuộc hộ nghèo cũng được Đồn Biên phòng Bát Mọt nhận đỡ đầu trong chương trình “Nâng bước em tới trường”, mỗi cháu được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, điều ấy thật đáng quý. Bà con cảm ơn sự quan tâm của Đồn Biên phòng Bát Mọt. Mong mỏi lớn nhất của thôn Ruộng là sẽ sớm có đường bê tông, có điện lưới thắp sáng, ruộng sẽ được cải tạo lại để trồng lúa cho cuộc sống bà con bớt khó khăn”, Trưởng thôn Lá bộc bạch.

Cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Bát Mọt trao đổi công việc với Trưởng thôn Ruộng Lương Văn Lá.

Gần dân, hiểu dân

Rời thôn Ruộng, tôi tìm đến nhà Bí thư thôn Khẹo Lang Đình Thuyên. Là thôn giáp biên, thôn Khẹo có 59 hộ, 145 khẩu. Năm nay còn 8 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo. Bí thư Lang Đình Thuyên chia sẻ: Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai hạn hẹp nên thôn chỉ trồng lúa được 1 vụ, còn lại bà con đều phụ thuộc vào gạo hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Được sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, bà con được đồn biên phòng hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kĩ thuật thực hiện mô hình trồng ngô vụ đông, trồng rau và khoai cho hiệu quả, năng suất cao, khắc phục tình trạng thiếu lương thực của nhiều hộ dân. So với trước đây, cuộc sống của bà con cũng bớt khó khăn hơn. Bà con thôn Khẹo còn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, các hiệp định, quy chế biên giới; không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu và thường xuyên thăm thân, có quan hệ mật thiết với thôn Tà Láu, cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ (Lào).

Trung tá Thịnh Văn Kiên - Chính trị viên, Đồn Biên phòng Bát Mọt cho biết: Đồn Biên phòng Bát Mọt được giao quản lý, bảo vệ 17,450 km biên giới, gồm 7 cột mốc chính và 2 mốc quốc giới. Địa bàn gồm 1 xã biên giới Bát Mọt. Thực hiện Chỉ thị 681 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc rà soát các hộ gia đình cần phụ trách, để từ đó đề ra các biện pháp thực hiện đồng bộ, thống nhất, đạt hiệu quả cao. Đồn đã phân công nhiệm vụ cho 40 đảng viên phụ trách 255 hộ gia đình là hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thành viên gia đình có tiền án, tiền sự, hoạt động tôn giáo và các hộ gia đình có mối quan hệ thân tộc, dân tộc hai bên biên giới... để quan tâm, giúp đỡ. Đơn vị đã cử cán bộ, đảng viên, các tổ, đội trực tiếp xuống địa bàn với phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào).

“Năm 2019, đồn đã vận động các nhà hảo tâm, hỗ trợ nhân dân thôn Khẹo 5 kg hạt rau giống các loại; hỗ trợ 49 hộ thuộc thôn Ruộng 1.000 con vịt giống; hỗ trợ các hộ có con đang là học sinh trên địa bàn xã 1.000 bộ quần áo đồng phục”, Trung tá Thịnh Văn Kiên chia sẻ.

Đem câu chuyện của những người lính biên phòng của Đồn Biên phòng Bát Mọt trao đổi với Bí thư Huyện ủy Thường Xuân Đỗ Xuân Nam, ông gật gù đồng ý với những lời nhận xét của tôi sau chuyến đi, ông chia sẻ thêm: Trong những năm qua, với những người dân miền biên giới Bát Mọt, họ xem bộ đội biên phòng như người thân. Hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh luôn nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, có mặt trên mọi lĩnh vực đời sống, góp phần để vùng biên Bát Mọt luôn bình yên. Chỉ thị 681 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình khu vực biên giới là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa rất thiết thực, thể hiện sự chủ động, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên đồn biên phòng, được thường xuyên bám sát địa bàn, gần dân, sát dân, chia sẻ trách nhiệm cùng cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ đó giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi, hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng NTM xã biên giới Bát Mọt, trong đó góp phần đưa thôn Vịn của xã Bát Mọt về đích NTM năm 2019. Các tệ nạn xã hội, nghiện hút ma túy, cờ bạc đã không còn; không có hiện tượng phát rừng làm nương rẫy trái phép; nâng cao nhận thức của người dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ cột mốc biên giới, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]