(vhds.baothanhhoa.vn) - 1.Hưu vào dịp rằm tháng Bảy, ông Đáo về quê mời bà con trong chi bốn của họ Hoàng đến nhà thờ tổ ăn bữa cơm liên hoan mừng lễ Vu lan để ông báo cáo với họ mạc, rằng ông đã được làm người vạn đại.

Đám cưới tháng kiêng

1.Hưu vào dịp rằm tháng Bảy, ông Đáo về quê mời bà con trong chi bốn của họ Hoàng đến nhà thờ tổ ăn bữa cơm liên hoan mừng lễ Vu lan để ông báo cáo với họ mạc, rằng ông đã được làm người vạn đại.

Đám cưới tháng kiêng

Ảnh minh họa.

Cụ thân mất sớm nên từ ngày đi bộ đội rồi chuyển ngành, việc cúng tế tổ tiên được ông Hòa, chú ruột ông đảm nhiệm. Hơn ba năm trước, ông Hòa mất, việc phụng thờ được giao tiếp cho anh Thuận, trai cả của ông Hòa. Anh Thuận chỉ học hết phổ thông nhưng là người cẩn thận, ham đọc sách, hiểu biết về phong thủy nên từ ngày trông coi việc thờ tự, anh đã làm được nhiều việc. Việc lớn nhất là anh tạo ra sự ganh đua lành mạnh trong chi họ. Nhiệm kỳ của anh chưa tròn năm năm mà trong chi bốn đã có mười hai cháu vào đại học, một thạc sĩ đỗ thủ khoa trên Hà Nội; tám chín hộ xây nhà tầng; năm sáu hộ mua được ô tô tải, ô tô con... Cái nhà thờ tổ cũng được anh cho tôn nền cao thêm bảy mươi phân, lợp ngói âm dương, thềm cạp đá xanh soi viền các cạnh trông đẹp và sang chẳng khác gì thềm đền thờ đức Thánh Cả ở đầu làng...

Sau bữa liên hoan, ông Đáo có lời đánh giá cao công đức của bố con anh Thuận cùng với việc bàn giao trọn đời việc họ mạc cho anh. Ông vừa nói xong, anh Thuận liền đứng lên thưa: “Em báo cáo anh trưởng bấy lâu nay bố con em thay anh gánh vác việc họ cũng là cách sẩy cầu vai xuống cánh tay thôi ạ. Nay anh trưởng đã hưu, em xin kính giao lại để anh trưởng cáng đáng cho đúng phép”.

Nghe phát biểu của anh Thuận, ông Đáo liền giải thích, dù đã thành người vạn đại rồi nhưng ông vẫn chưa thể về quê sống nốt tuổi già vì còn gia đình và vài ba công việc sau hưu ở thành phố. Anh Thuận đành phải gãi tai, nhận tiếp nhưng anh đề xuất với ông Đáo gánh đỡ cho anh việc họ trong hai tuần khi ông còn ở quê. Ông Đáo cởi mở nhận lời.

Đảm nhiệm chức trưởng chi lâm thời hai tuần, ông Đáo hỏi xem sắp tới gia đình nào trong chi có công việc cần họ hàng phải giúp đỡ. Ông vừa dứt lời thì ông Cựa liền đứng lên nói như khóc: “Em thưa anh trưởng, nhà em thật mạt ...ạt... phúc...”. Một thanh niên ngồi ở góc nhà nói to như quát, ngắt lời: “Bố buồn cười, việc quái gì mà mạt phúc?...”. Ông Cựa chĩa thẳng cánh tay về phía người thanh niên: “Thằng Cật! Có im mồm đi không? Lẽ ra mày phải tìm cái mo mà che mặt lại chứ?”. Thanh niên Cật đứng phắt dậy: “Bố không được bêu! Bố bêu nữa là con sôi tiết đấy!”. Rồi quay sang phía ông Đáo, cậu Cật khoanh tay nói năng lễ phép: “Cháu xin thưa bác trưởng. Chỉ có mỗi việc cháu cưới vợ mà bố cháu mặt nặng mày nhẹ đến nỗi việc báo hỉ với bác trưởng cũng không nói được nửa câu cho ra hồn. Dạ, vắn tắt lại là trong tháng Bảy này cháu cưới vợ đấy ạ”.

Cật vừa nói xong thì cụ Tứ, người cao tuổi nhất trong chi hỏi: “Thằng Cật sắp lấy vợ đấy ư? Lấy con cái nhà ai?”. Cật: “Dạ, cháu cưới hơi bị xa ạ, cách đây bảy cây ạ. Nó mười tám tuổi, con nhà tử tế lắm ạ”. Ông Cựa quát to: “Im đi!”. Cật: “Các cụ đã hỏi, sao con lại phải im?”. “Im!”, ông Cựa lại quát lên nhưng Cật vẫn ra vẻ ngang ngạnh. Anh Thuận phải đến chỗ cậu ta, ấn vai, bắt ngồi xuống. Cụ Tứ chép miệng: “Cưới xin vào tháng Ngâu kể ra cũng không phải phép cho lắm”. Ông Cật: “Vâng!”. Cật: “Báo cáo cụ Tứ, thanh niên chúng con không mê tín đâu ạ, với lại cũng có tí hoàn cảnh...”. Anh Thuận lại phải ấn vào vai Cật rồi nói nhanh: “Con xin báo cáo các cụ. Chú Cật đi làm thợ dưới Hạ Lụng trót có tình cảm lỡ trớn với cô Sến khiến cô ấy có mang bốn tháng rồi. Cha mẹ Sến yêu cầu chú Cật phải cưới gấp, tháng Ngâu cũng cưới. Nếu không, họ sẽ kiện chú Cật là lừa đảo, ăn nằm với gái nhà lành”. “Chết chửa...ửa!”. Cụ Tứ thốt lên. Sau lời thốt bi ai đó, mọi ánh mắt của các đinh trong chi bốn đều đổ vào ông Đáo. Ông Đáo cười như mếu nhìn Thuận: “Chú em trao quyền lâm thời cho anh miếng hóc quá!”. Anh Thuận gãi tai: “Anh là người ăn cơm nhà nước, anh giúp em xử lý vụ việc gay go này ạ”.

2.Trước khi hưu, ông Đáo có nhiều năm làm trưởng phòng tổ chức của một viện nghiên cứu khoa học nên bằng kinh nghiệm gỡ rối, ông cho tạm dừng chuyện cưới vợ của Cật lại mà bàn sang các việc khác. Ông hứa với các cụ, sẽ quan tâm ngay đến việc này sau khi buổi họp kết thúc.

Chiều muộn hôm đó, ông Đáo đến nhà cô Sến, tự giới thiệu mình là bác họ của Cật. Ông bà thông gia mới chừng 40 tuổi mừng lắm và đều gọi ông Đáo là bác, xưng con. Họ thưa: “Vợ chồng con nhìn tướng mạo bác đã thấy con gái chúng con gặp được nơi phúc đức. Chúng con xin được cúi rạp xuống đón lời dạy bảo ạ!”.

Tuy nhiên, khi ông Đáo dạy bảo là nên thư thư việc cưới để tránh tháng Ngâu thì ông bà thông gia nước mắt đầm đìa thưa rằng, một ngày con gái họ chưa về nhà chồng là một ngày bị tiếng tăm. Có thể nhập ba cái lễ ăn hỏi, nạp tài và rước dâu làm một. Nếu không được như vậy, họ sẽ tự đưa con gái sang nộp cho nhà trai rồi phúc phận nó đến đâu hay đến đó. Còn cô Sến thì khóc lóc van xin ông trưởng nhận cô là con cháu trong nhà. Cô sinh nở xong, nếu cậu Cật không thương nữa thì cô sẽ bế con thơ đi ăn mày thiên hạ. Nhìn cô gái mới 18 tuổi bụng chửa đã hơi lùm lùm, gân xanh nổi lên ở cái cổ cao gầy và hai mu bàn tay còn loang vết bùn đất, ông Đáo không cầm lòng được, hứa sẽ thu xếp ổn thỏa.

Trong cuộc họp khẩn mời diện hẹp của chi bốn họ Hoàng, khi nghe ông Đáo thông tin việc cưới là không thể hoãn thì những người dự liền chia thành hai phe. Phe chống đông đến hơn hai phần ba với lý lẽ sắt đá, thằng Cật muốn cưới vợ tháng Bảy trong lúc chi bốn đang có tang còn chưa cúng giỗ đầu thì nó đi đâu cưới, mặc xác nó. Phe ủng hộ bị thiểu số nhưng có thành phần quan trọng là ông trưởng lâm thời và ông trưởng trọn đời thì cố biện giải rằng, dù sao thì Cật vẫn là máu mủ họ Hoàng. Bàn luận mãi và nhờ cái ý tránh cho họ Hoàng bị chê bai thiếu tình nghĩa đã khiến phe phản đối thỏa hiệp cho cưới nhưng tuyên bố, họ sẽ không thể chường mặt ra ở cái đám cưới tháng Ngâu, trùng tang được. Thêm nữa, họ yêu cầu cấm tiệt chuyện loa đài, nhảy múa, hát hò làm rác tai hàng xóm để nhận thêm điều bỉ bôi.

Sau họp, nghe ông Đáo thông báo việc cưới vẫn được diễn ra nhưng có những hạn chế về loa đài, nhảy nhót..., vợ chồng ông Cựa mừng như bắt được báu vật còn cậu Cật thì sửng cồ lên với ông trưởng rằng, cậu ta vẫn cứ loa đài vì cả đời người có một lần chứ mấy.

Ông Đáo lại phải kiên trì thuyết phục thêm hai giờ nữa thì chốt lại được: Loa đài hát hò nhảy đầm sẽ tổ chức ở nhà gái, lúc đến rước dâu để giải quyết khâu oai cho cậu Cật.

Ông bà Cựa chắp tay tạ ông Đáo còn cậu Cật thì tuy không phản đối gì thêm nhưng tay đấm mạnh xuống thành ghế. Vì thế, hôm được nhà trai ủy thác đi đón dâu, ông Đáo vẫn phải cùng ông Cựa rà soát lại các việc cho kín nhẽ.

3.Ngồi trên chiếc Camry màu đen kết toàn hoa hồng bạch để tôn lên quả tim viền bằng 18 bông hồng nhung đi trong đoàn đón dâu, phía trước có hai chiếc SH dẫn đường, phía sau là chiếc Civic chở hai phù rể và còn thêm mấy chục chiếc xe máy nối đuôi, ông Đáo khẽ lắc đầu, chép miệng: “Tốn kém quá!”. Cật liền đáp: “Cả đời có một lần chứ mấy, bác trưởng”.

Khi đến nhà gái, ông Đáo càng bị choáng hơn. Trong tiếng loa đài ầm ĩ, trên cái màn vải lớn đang chiếu đoạn clip từ ống phóng: cảnh cô dâu chú rể dạo chơi trên đồi thông; họ thể hiện nụ hôn say đắm trên mép sóng biển lúc chiều tà...

Tuy vậy, thấy đôi trẻ nghiêm cẩn làm việc hiếu đễ và nhìn nhau bằng ánh mắt xoắn xuýt, ông Đáo cũng nhẹ lòng. Và, khi cậu Cật hồ hởi hỏi: “Bác trưởng ơi, bác thấy vợ cháu có xuya không?” thì ông cười tươi gật gật đầu khen: “Rất xuya, bác chúc mừng hai cháu”.

4. Tại nhà trai những thủ tục công nhận tân nương và tân lang thành lứa đôi được thực hiện lớp lang nhưng gọn nhẹ bên cái màn chiếu khuyếch đại hình ảnh hạnh phúc của cô dâu chú rể giống như lúc ở nhà gái. Một đoàn thiếu nữ áo dài bưng mâm đến từng bàn cứ sáu người một mâm...

Màn vải vẫn được ống phóng chiếu hình ảnh lên, lại có cả các hình ảnh bổ sung lúc cô dâu chú rể lạy gia tiên, cô dâu lên xe hoa...

Đôi trẻ đang đi cám ơn họ hàng khách khứa thì ở một bàn gồm toàn thanh niên nam nữ có ai đó nói: “Yên ắng quá! Có tí loa đài thì tốt nhẩy!”. Chú rể liền cười bảo: “Vô tư đi! Có ngay!”.

Chỉ mấy phút sau loa đài bỗng dội lên như sấm như sét. Hầu hết đám trẻ đều nhất loạt đứng dậy. Chân tay khua khua khoăng khoắng, mặt mày bừng sáng kích động.

Ông Đáo tái mặt.

Ông Cựa giơ hai tay lên trời như đầu hàng.

Bỗng tiếng loa tịt tắt. Hình ảnh đang chiếu trên màn hình khuyếch đại cũng tắt.

Mất điện.

Các cụ thở phào.

Ông Cựa chắp tay: “Ơn trời!”.

Đám người nhảy thở hắt ra, chép miệng ngồi xuống.

Cậu Cật bổ đến chỗ ông Đáo, nói gay gắt: “Bác trưởng, có phải bác chỉ đạo cắt điện không? Cả đời cháu có một lần!”.

Ông Đáo điềm tĩnh, giữ vẻ mặt lễ hội, nói nhỏ với Cật: “Cháu nghĩ sai cho bác rồi. Đám cưới đang vui, vợ chồng cháu nên tiếp tục đi cám ơn bà con họ hàng cho đúng lễ”.

Buổi chiều, khi kiểm tiền mừng, ghi chép cộng trừ nhân chia một lúc lâu, Cật vô cùng khoái chí là đám cưới cậu ta đạt mốc trăm mâm có lẻ đến chín (một trăm linh chín mâm).

Sau đám cưới, Cật được biết sự cố mất điện không phải do ông Đáo chỉ đạo mà là do cơn giông sớm đầu thu về đột ngột làm chập nổ bốt điện của cả vùng. Vợ chồng cậu vội đến xin lỗi bác trưởng.

Ông Đáo không chấp nhặt. Ông còn tặng đôi trẻ một món quà, là cái USB ghi hình đám cưới của họ. Cật cắm vào laptop xem, cả hai vợ chồng mừng quýnh lên, tưởng là đang chiêm bao vì có cả cảnh loa đài nhảy nhót tại nhà trai dài đến mấy phút. Được nghe ông Đáo giải thích, ông đã nhờ con một người bạn làm ở đài truyền hình cắt cúp nên mông ta chế tác lại được cảnh có loa đài, nhảy nhót ở nhà trai như Cật mong muốn. Cật ứa nước mắt xúc động vì không ngờ bác trưởng chi bốn họ Hoàng lại bao dung, lại tận tình với cái đám cưới tháng Ngâu của vợ chồng cậu đến thế.

Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh


Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]