(vhds.baothanhhoa.vn) - Giải phóng mặt bằng (GPMB) đã là công việc khó khăn muôn thuở, liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh đơn thư khiếu kiện. GPMB chậm, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ dự án, hệ lụy đội vốn và hàng loạt những bất cập khác. Do đó, công tác dân vận trong GPMB luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đòi hỏi các cấp, ngành có kế hoạch, phương thức thực hiện tạo được sự đồng thuận từ nhân dân. Với dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công tác GPMB cũng không ngoại lệ. Bài học lớn rút ra, khi nơi đâu “dân vận khéo”, dân vận tốt thì nơi đó trở thành “điểm sáng” trong công tác GPMB...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dân vận khéo “cầu nối” giữa Đảng và Dân (Kỳ 3): Khi dân vận “đi đầu” trong công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

Giải phóng mặt bằng (GPMB) đã là công việc khó khăn muôn thuở, liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh đơn thư khiếu kiện. GPMB chậm, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ dự án, hệ lụy đội vốn và hàng loạt những bất cập khác. Do đó, công tác dân vận trong GPMB luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đòi hỏi các cấp, ngành có kế hoạch, phương thức thực hiện tạo được sự đồng thuận từ nhân dân. Với dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công tác GPMB cũng không ngoại lệ. Bài học lớn rút ra, khi nơi đâu “dân vận khéo”, dân vận tốt thì nơi đó trở thành “điểm sáng” trong công tác GPMB...

Từ đơn thư khiếu kiện đến sự nhất trí, đồng thuận

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tổng số hộ bị ảnh hưởng tới 9.491 hộ. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng là 819 ha với tổng kinh phí đã giải ngân 2.039,625 tỷ đồng/2.629,564 tỷ đồng, đạt 77,57%... Đây là những con số mà các Ban GPMB phải xử lý, bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ.

Nhìn vào những con số trên cũng có thể nhìn nhận khối lượng công việc với các Ban GPMB tại các huyện là vô cùng to lớn. Một trong những thuận lợi trong quá trình GPMB chính là sự vận dụng “sáng tạo” của từng địa phương, phụ thuộc vào tình hình thực tế, để có cách thức tuyên truyền, vận động hiệu quả. Trên tinh thần chỉ đạo chung từ các cấp, ngành, công tác tuyên truyền tích cực đã giúp cho người dân bị ảnh hưởng, nhận thức được tầm quan trọng và chủ trương đúng đắn của dự án, sự mong mỏi của Đảng và Nhà nước. Kết quả, đa phần các hộ đã sớm nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Dân vận được xem là một trong những nhiệm vụ “tiên phong” quan trọng trong công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đơn cử, tại huyện Nông Cống nhờ sự linh hoạt trong phân công nhiệm vụ, công tác của các phòng ban chuyên môn, đến nay nhiệm vụ GPMB đã cơ bản được hoàn thành, và là một trong những huyện được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tuyên dương. Song, để có được những thành quả đó, ông Nguyễn Thế Sơn - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, thành viên Ban GPMB huyện Nông Cống khẳng định: “Đó không phải là nhiệm vụ dễ, làm là được ngay, phải mất cả quá trình, sự nỗ lực”.

Cụ thể, ông Sơn lấy ví dụ, tại thôn Liên Minh (xã Vạn Thiện). Đây được xem là điểm “nóng” về đơn thư khiếu kiện kéo dài. Cụ thể, có tới gần 30 hộ dân thôn này làm đơn kiến nghị về giá cả bồi thường, đền bù đất đai và tài sản trên đất... Nhiều hộ dân không đồng ý với mức giá đền bù của nhà nước và cho rằng chịu thiệt thòi, gây nhiều khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân. Thậm chí, một số người dân còn bị tác động bởi sự xúi giục của người ngoài, đòi hỏi sẽ được nâng mức đền bù... và nhất định không hợp tác với chính quyền và những người làm công tác dân vận.

Về thôn Liên Minh gặp bà Phạm Thị Bằng - một trong những chủ đơn gửi nhiều cấp về vấn đề GPMB. Bà Bằng phân trần: Ban đầu tôi cùng gần 30 hộ khác của thôn không đồng tình và làm đơn kiến nghị về vấn đề giá đất đền bù cũng như giá trị vật kiến trúc nhà nước đền bù quá thấp, không đủ để người dân kiến thiết, xây dựng lại ở nơi mới. Trong khi đó, giá đất khu tái định cư, ban đầu ban GPMB đưa ra mức 60 triệu đồng/lô, thì bỗng thay đổi lên 100 triệu đồng/lô nhưng không có giải thích cho dân? Cùng một số thắc mắc, kiến nghị khác... “Các anh xem nếu 1 căn nhà cấp 4 như hộ nhà tôi, giờ được đền bù tổng giá trị là 137 triệu thì liệu có làm được nhà mới hay không?” - bà phân bua.

Hiểu được căn nguyên của vấn đề, Ban GPMB huyện cùng các cấp, các ngành đã đề ra nhiều cách thức tuyên truyền, vận động. Cụ thể, để giải quyết những khúc mắc từ cơ sở, Ban GPMB huyện đã phối hợp chặt chẽ với khối các đoàn thể địa phương, nòng cốt là chi bộ Đảng cơ sở tích cực tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như lý do kiến nghị của bà con để từ đó có hướng giải quyết. Lấy việc đảng viên đi trước, đầu tàu trong việc đồng thuận nhận tiền hỗ trợ đền bù, tái định cư đến vai trò tuyên truyền, vận động đến các hộ khác, từ người thân cho đến xóm giềng. Nhờ dân vận khéo, và đảm bảo mọi nguyên tắc dân chủ, minh bạch, quyền lợi đối với các hộ dân được đảm bảo theo quy định. Kết quả, đã làm thay đổi nhận thức của đông đảo bà con, từ một địa phương đơn thư khiếu kiện nhiều, thôn Liên Minh đã có sự đồng thuận cao trong GPMB.

Ông Nguyễn Thế Sơn - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nông Cống khẳng định: Những kiến nghị về giá đất, áp giá đền bù chúng tôi vẫn liên tục rà soát. Nhiều kiến nghị của bà con là hợp lý, vui hơn khi mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có bổ sung tại Văn bản số 9790 ngày 22/7/2020 về hỗ trợ khác cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi, bồi thường GPMB dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn qua huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn có giá đất nơi đi thấp hơn nơi đến.

Nhờ công tác dân vận tốt, huyện Nông Cống đang là một trong những huyện đi đầu trong công tác GPMB dự án đường cao tốc Bắc - Nam đúng tiến độ. Trong đó, để có mặt bằng bố trí tái định cư cho người dân, huyện Nông Cống quy hoạch và xây dựng 23 điểm xen cư tại 10 khu vực trên địa bàn. Ưu điểm của hình thức này là tận dụng quỹ đất tại các xã, người dân không phải di dời quá xa so với nơi ở cũ. Đảm bảo thời gian, tiến độ, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, giảm đáng kể chi phí đầu tư hạ tầng các mặt bằng tái định cư. Đây được xem là một trong những cách làm sáng tạo, linh hoạt của huyện.

Ngoài huyện Nông Cống với những cách làm hay, sáng tạo trong dân vận, tuyên truyền thì tại các huyện khác “chìa khóa” dân vận cũng được áp dụng hữu hiệu đem lại những kết quả đáng tuyên dương. Cụ thể, tại huyện Vĩnh Lộc hiện tại đã hoàn thành GPMB phần đất nông nghiệp, lâm nghiệp; đất ở và đất khác. Thi công cơ bản hoàn thành khu tái định cư và đã thực hiện giao đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vào khu tái định cư xây dựng nhà ở. Đồng thời, đã hoàn thành phương án di dời đối với đường điện hạ áp 0,4KV, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đối với 2 trạm biến áp và hiện đang triển khai thi công...

Dân vận để xóa “điểm nóng”

Có thể nói, thị xã Nghi Sơn được xem là một trong những địa bàn “nóng” và gặp nhiều khó khăn về công tác GPMB, với số lượng đơn thư khiếu nại, thắc mắc dẫn đầu trong các huyện, thị, thành có dự án đi qua. Theo số liệu Ban GPMB thị xã Nghi Sơn cung cấp mới đây, với chiều dài 21,6 km đường cao tốc qua địa bàn, thị xã đã hoàn thành việc thu hồi đất nông nghiệp, nhưng phần đất ở và đất khác mới đạt hơn 60%. Trong số này có nhiều công trình công cộng thuộc diện phải di dời và một số công trình hạ tầng kỹ thuật gây khó khăn. Nhìn lại con số 60% cho thấy công tác GPMB của huyện còn nhiều khó khăn. Thậm chí, tại Hội nghị giao ban tiến độ GPMB tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam giữa Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh Thanh Hóa hồi cuối tháng 6, thị xã Nghi Sơn được xem là địa phương có nhiều tồn đọng, vướng mắc và chậm tiến độ nhất của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đã phải cam kết, đến ngày 30/7, Thanh Hóa sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đến ngày 30/9 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng cho đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.

Tìm hiểu thực tiễn, có lẽ khó khăn nhất đối với Ban GPMB là công tác xác định nguồn gốc đất và thực hiện chi trả GPMB. Đặc biệt là đối với diện tích đất bán trái thẩm quyền (sau năm 1993 và trước năm 2004) về thời điểm mua đất và giá thời điểm mua đất làm nghĩa vụ tài chính. Phải làm sao để người dân hiểu, người dân không thắc mắc, đồng thuận là chuyện không hề dễ.

Rõ ràng việc tái định cư đang phát sinh khó khăn vì chênh lệch về mức giá lớn ở nơi đi và nơi đến. Tại các phường Phú Sơn, Phú Lâm giá trị đền bù chỉ 600.000 đến 1 triệu đồng/m2 đất ở, trong khi suất đầu tư tại khu định cư mới lên tới 2,7 triệu đồng/m2. Người dân muốn mua được đất ở khu tái định cư, phải bỏ thêm hơn 1 triệu đồng cho mỗi m2 nên họ gặp khó khăn không nhỏ...

Giám đốc Ban GPMB thị xã Tĩnh Gia - Mai Cao Cường cho biết: Đối với các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, muốn di dời, trước tiên phải xây dựng công trình, hệ thống mới, mất rất nhiều thời gian, công sức. Đối với GPMB tái định cư, phải có được đồng thuận của nhân dân. Trước những khó khăn, ngày 9/7, tỉnh đã thống nhất chủ trương hỗ trợ cho các hộ có giá đất nơi đi thấp hơn nơi đến khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Trước đó, tại huyện Nông Cống chính sách trên cũng đã được tỉnh áp dụng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Phương - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa là một trong những dự án lớn, trọng điểm có ý nghĩa không chỉ đối với tỉnh Thanh Hóa. Xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ “tiên phong” trong công tác GPMB. Ban Dân vận đã triển khai nhiều các chương trình, cũng như kế hoạch hành động, chỉ đạo từ các cấp xuống tới các địa phương. “Tôi tin với những chính sách linh hoạt của tỉnh cũng như sự vào cuộc nỗ lực chung của các cấp, ngành, bằng những cách làm sách tạo nhiệm vụ phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trước 30/9/2020 mà Chủ tịch tỉnh giao sẽ đạt tiến độ.” - bà Phương tin tưởng.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]