(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến họa sĩ Đăng Sương có lẽ nhiều người đã biết tên. Tuy vậy còn có một nhà thơ Đăng Sương lặng lẽ, khép nép nhưng nhiều tâm tình.

Đăng Sương và cơn bão lòng vẫn thổi

Nhắc đến họa sĩ Đăng Sương có lẽ nhiều người đã biết tên. Tuy vậy còn có một nhà thơ Đăng Sương lặng lẽ, khép nép nhưng nhiều tâm tình.

Đăng Sương và cơn bão lòng vẫn thổi

Đăng Sương từng nói với tôi, anh thích làm thơ từ nhỏ, khi mười mấy tuổi đã có thơ đăng. Không đỗ Khoa Văn Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) nên anh gác lại con đường văn chương để đến với hội họa. Nhưng tình yêu thì đâu dễ bỏ, vì thế một nửa thích nghệ thuật một nửa lại thích thơ, lúc thì qua nhà thơ Vương Anh, lúc lại đến với họa sĩ Lê Hàn.

Sau khi học xong mỹ thuật, năm 1987, Đăng Sương trở về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Cuộc đời khá truân chuyên, anh rời bỏ xứ Thanh để đi ra Hà Nội. Tập thơ đầu tiên “Đà Lạt em và hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2012) ra đời, khi ấy anh 58 tuổi. Rồi từ đó chừng 2-3 năm anh lại cho ra mắt một tập thơ. Tập thơ nào của anh được xuất bản cũng là do bạn bè tác động, cưỡng ép “in”. Xếp theo trật tự thời gian để đọc 5 tập thơ thì điều dễ dàng nhận thấy hóa ra ông họa sĩ chuyên nghiệp lại mang trong mình “Trái tim không ngủ yên” với những chờ mong, xao xuyến lúc thuyền không bến bờ, thậm chí khóc lặng trong thơ. “Trái tim vẫn đập trong ngàn nỗi đau”.

Tiếp xúc với Đăng Sương cảm giác anh nghiêm túc, khô khan, sợ yêu. Nhưng không, trái tim yêu ấy nồng nàn và thổn thức: “À ơi em ngủ đi nào/ Đừng mang cay đắng lẫn vào giấc mơ/ À ơi... cao mấy cho vừa/ Để lòng tạnh những cơn mưa dãi dề” (Ru cho em ngủ). Thậm chí còn tự nhận mình mắc “Tội yêu” như “Cánh cò nhớ cánh đồng lúc chiều”, “như mây mải miết đi tìm núi cao”; “như trận mưa rào/như đồng khô hạn, xôn xao dầm dề” để “hong nắng lửa tim về miền thương”. Phía sau những sự lo lắng về tình yêu là nỗi đau đời: “Bao nhiêu muối biển mặn mòi/ Lẽ nào nước mắt trong đời mặn hơn”; “Đã từng gian khổ truân chuyên/ Mà sao xa xót nổi chìm chưa nguôi”.

Nhưng nỗi đau lớn nhất mà người đọc thơ anh dễ nhận thấy là sự day dứt muốn trở về quê nhà. Một người con xa quê, luôn khảng khái khẳng định: “Vẫn là ta, vẫn là người xứ Thanh/ Vẫn màu rau má xanh xanh”... Và nỗi nhớ quê hương luôn đau đáu trong thơ: “Xa quê vẫn một nỗi niềm/ Nợ quê, tôi nợ niềm tin của người”. Nếu như trong tập thơ “Trái tim không ngủ yên” Đăng Sương viết về “Sông quê” như bản lý lịch tự thuật của mình:

Đây, hợp lưu hai dòng sông cha mẹ

Mã giang cha cuồn cuộn tung bờm

Chu giang mẹ đầm hương đồng xanh ngát

Con ngụp lặn giữa dòng sữa ngạt ngào thơm.

Thì trong tập thơ “Ngã ba đầu” (2021), anh đã tự tin nói về “Sông Mẹ, sông Cha”:

Nơi sông Chu, sông Mã gặp nhau

Ngã Ba Đầu một tiếng gà vọng nguyệt

Chèo căng bắp ban mai

Hổn hển chòm sao lạc.

Điều đặc biệt là dẫu Đăng Sương dành cả một tập thơ “Lục bát tình thơ” (NXB Thanh Hóa, 2020) để tôn vinh thể thơ 6/8, nhưng với tôi, chính những câu thơ phóng khoáng, tự do lại chính là đất diễn để anh được nói lên nỗi lòng mình. “Trái tim không ngủ yên” là sự dùng dằng, day dứt cho sự về hay ở. Hơn 100 bài thơ thì ít nhất có trên 50 bài viết về quê: Hương rau má, Hoa sim quê mẹ, Trái tim không ngủ yên, Ta về níu lại cơn mê, Ta về với mẹ ta thôi, Quê mình, Trăng quê, Thương quê...

Thế mới thấy, dù đi đâu, người có trái tim nghệ sĩ, trái tim đa cảm đều muốn hướng về quê hương. Và khi về quê, thơ Đăng Sương bớt đi cái trĩu nặng sự mất mát mà lại thêm mặn mòi hương vị xứ Thanh, nặng lòng trong câu chữ:

Một đời xuôi ngược phù du

Rưng rưng vọng tiếng chim cu dội về

Khum tay đỡ mảnh hồn quê

Mà nghe sông Mã bộn bề quay quay.

(Chiều sông Mã)

Rõ ràng khi bớt đi sự chòng chành của cái cảnh “Nhà cao thiếu gió, làng quê thiếu trời”, anh đã nhận ra: “Con đã đến bao chân trời xa lạ/ Không nơi nào bằng đất mẹ quê cha”. Thơ Đăng Sương thêm nhiều ý hay, câu thơ hay: “Chạm vào vơi để lại đầy/ Em đà xa ngái những ngày phiêu diêu”; “Trăng cong cớn đợi ngày rằm/ Chạm vào trời đất gặp thăm thẳm chờ”. Có lẽ thế mà thơ anh nhắc nhiều đến nợ, vay, tìm... những giăng mắc của cuộc đời.

Gần đây nhất tại Cuộc thi thơ Linh thiêng Tổ quốc - Hào khí xứ Thanh năm 2021, Đăng Sương đã đạt giải Nhì với bài thơ “Sông Mẹ, sông Cha”. Nếu sông Chu gắn với hình ảnh mẹ: “Cảm ơn mẹ, sông Chu thăm thẳm/ Cả đời xanh ngô lúa hiền hòa”; thì sông Mã căng đầy, và bao dung: “Ôi, con sông mang tính khí của cha/ Chảy mạch lạc giữa lở bồi mạnh mẽ”. Khắc họa chân dung cha mẹ để thêm yêu hơn quê hương mình hay quê hương đẹp bởi luôn có mẹ có cha? Tôi tò mò hỏi: Không thấy anh khoe giải thưởng nhỉ? Anh cười không nói gì. Còn tôi hiểu, anh đến với thơ không vì mục đích lợi lộc hay tên tuổi. Đơn giản đó chỉ là thú chơi tao nhã mà qua đó anh có thể kết giao thêm nhiều người bạn.

“Giá mà giải được bùa mê

Em ơi! Ta xách nhau về quê thôi”.

(Giá mà)

38 bài thơ trong tập “Ngã ba đầu” dù không phải bài nào cũng tròn trịa, nhưng đã cho thấy nội lực thơ Đăng Sương. Thơ anh là cuộc đời anh, nhẹ nhàng mà thấm thía, kể cả những nỗi đau đôi khi như một thứ kẹo ngọt để con người ta có khoảng lặng mà nhìn lại đời mình, hiểu được nhân tình thế thái.

Nhặt miếng phù sa lắng

Khô giòn bên bến xưa

Có bao nhiêu vết nám

Bám dày theo gió mùa...

Mùa vẫn trôi, con người không thể kháng cự được vết nám của thời gian, và tôi vẫn chờ đợi những sáng tác tiếp theo, những cơn bão lòng vẫn thổi của Đăng Sương.

Bài và ảnh: Kiều Huyền


Bài và ảnh: Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]