(vhds.baothanhhoa.vn) - Công tác cán bộ luôn là vấn đề mà xã hội quan tâm chứ không riêng gì các nhà chức trách. Ấy thế mới có chuyện người thì vui mừng khi mình có tên trong danh sách được điều động, người lại buồn, thậm chí ấm ức đến mức lúc nào cũng chực khóc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Điều động, luân chuyển cán bộ: Dọc ngang nỗi niềm (Kì cuối): Tiếng lòng người trong cuộc

Công tác cán bộ luôn là vấn đề mà xã hội quan tâm chứ không riêng gì các nhà chức trách. Ấy thế mới có chuyện người thì vui mừng khi mình có tên trong danh sách được điều động, người lại buồn, thậm chí ấm ức đến mức lúc nào cũng chực khóc.

Tự nhiên trở thành con nợ

“Nhiều người nói, chuyển là tốt cho tôi. Tôi cũng thấy như vậy, tôi được về gần nhà hơn. Nhưng nói cho thật lòng là tôi rất ấm ức”. Đó là tâm sự và chia sẻ rất chân tình của bà Lê Thị Lệ Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Bình, huyện Quảng Xương.

Ngày 15/10/2004 bà Thanh chuyển từ Trường Tiểu học Quảng Phong về Trường Tiểu học Quảng Nham 1 (Quảng Xương) với chức danh Hiệu phó. Sau một năm, bà được bổ nhiệm Hiệu trưởng. Đó là những năm mà Trường Tiểu học Quảng Nham 1 luôn trong tình trạng khó khăn, ở địa bàn dân cư đông, số học sinh nhiều, cơ sở vật chất không đáp ứng đủ, đời sống giáo viên thiếu thốn. Bản thân bà nhiều lần viết đơn xin chuyển với lý do đã cống hiến nhiều năm ở vùng bãi ngang, lại thêm quãng đường từ nhà đến trường quá xa nhưng đều không được lãnh đạo đồng ý. Với vai trò là Hiệu trưởng, bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Năm 2014, trong đợt bổ nhiệm lại, đồng chí Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy còn trả lời trước hội đồng nhà trường: Cô Thanh có đầy đủ các điều kiện để bổ nhiệm lại” - bà Thanh kể.

Giai đoạn 2011 - 2016, bà được bầu vào HĐND huyện. Đây cũng là giai đoạn đòi hỏi nhà trường xây dựng trường chuẩn quốc gia vì ở Quảng Xương lúc ấy cũng chỉ còn Trường Tiểu học Quảng Nham 1 và Quảng Phúc chưa đạt danh hiệu này. Với bà Thanh, xây dựng trường chuẩn tại một ngôi trường mà ở đó với muôn vàn sự khó là cả một vấn đề. Nhưng cùng với sự nỗ lực của bản thân bà và tất cả giáo viên nhà trường, Trường Tiểu học Quảng Nham 1 đã đạt danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 theo Quyết định số 4667 của UBND tỉnh ngày 12/11/2015.

Nhưng đúng một tháng sau đó, bà hiệu trưởng có quyết định chuyển về Trường Tiểu học Quảng Bình. “Tôi quá bất ngờ, không có thông tin nào trước đó. Ai cũng biết xây dựng xong trường chuẩn có mấy trường mà không nợ. Và chỉ trong phút chốc tôi trở thành một con nợ khi mà bao khoản tiền chưa kịp trả cho nhà thầu, họ cứ bám lấy tôi để đòi” - bà Thanh bức xúc nói.

- “Chứ không phải vì bà muốn ở lại đây để hưởng chế độ bãi ngang sao?” - Tôi hỏi. Bà hiệu trưởng thẳng thắn trả lời: “Tôi đã hết 5 năm hưởng chế độ bãi ngang rồi. Vấn đề tôi muốn ở lại vì để tôi trả xong nợ. Có thể tôi sai trong việc muốn hoàn thành nhanh việc xây dựng trường chuẩn nhưng tôi khẳng định một điều là tôi không tham ô bất cứ một đồng nào”.

Vấn đề ở đây là theo Quyết định số 3678 ngày 8/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, bà Thanh sẽ không trong diện điều động. Vì vậy, đến lúc này, dù được điều động đến ngôi trường mới được 2 năm, và cũng rất ít ngày nữa bà Thanh nghỉ hưu nhưng bà đang nợ tiền không ít tiền công thợ trong việc xây dựng trường chuẩn ở Trường Tiểu học Quảng Nham 1.

Bà Lê Thị Ngọc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phượng Nghi (nguyên là Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Du, Như Thanh) .

Điều động cán bộ liệu có “thấu tình, đạt lý”?

Chẳng khác trường hợp bà Lê Thị Lệ Thanh, là trường hợp của bà Lê Thị Ngọc - nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Du (huyện Như Thanh) - người đã có 7 năm công tác ở vùng 135 và là con của liệt sỹ, thuộc đối tượng ưu tiên trong xét duyệt tại Quyết định số 3678 ngày 8/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong suốt quá trình làm việc tại đây, bà Ngọc luôn được các cấp, ngành tặng Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu Chiến sỹ thi đua, giáo viên giỏi, đặc biệt bà cùng với cán bộ nhà trường đã xây dựng và đón nhận danh hiệu trường chuẩn Quốc gia vào năm 2012.

Nhưng, dù chỉ còn 20 tháng công tác nữa là về hưu, bà Ngọc vẫn bị điều động, luân chuyển sang làm hiệu trưởng Trường Mầm non Phượng Nghi. Dù bà đã đi kêu, gõ cửa nhiều nơi, nhưng tại Công văn số 78 ra ngày 12/2/2018 về việc trả lời đơn thư của công dân, UBND huyện Như Thanh đưa ra lý do: “Đối với cô Lê Thị Ngọc với cương vị là Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Du, trong 2 năm học (2015 - 2016 và 2016 - 2017) nhà trường chỉ xếp loại mức Hoàn thành nhiệm vụ; Năm học 2015 - 2016 để xảy ra đơn phản ánh kiến nghị (tại thông báo kết quả kiểm tra nội dung đơn phản ánh kiến nghị của bà Nguyễn Thị Gấm, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Du ngày 01/11/2016); Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, BGH Trường Mầm non Xuân Du có biểu hiện thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo... dẫn đến các phong trào hoạt động của nhà trường cầm chừng, thiếu tính đột phá”.

Tuy nhiên, theo bà Ngọc, cách trả lời của UBND huyện Như Thanh là chưa chính xác. Bà cho biết: “Việc tôi bị điều động với lý do trong 2 năm học, Trường Mầm non Xuân Du chỉ đạt mức Hoàn thành nhiệm vụ không phải do chất lượng giáo dục của nhà trường đi xuống, bởi hàng năm nhà trường vẫn có học sinh, giáo viên giỏi các cấp và các danh hiệu thi đua. Nguyên nhân ở đây là do phó hiệu trưởng nhà trường sinh con thứ 3. Bên cạnh đó là nguyên nhân mất đoàn kết nội bộ trong BGH nhà trường, thế nhưng thực tế hiện tại sau khi tôi luân chuyển vấn đề này vẫn chưa được cải thiện”.

Có thể khẳng định, việc luân chuyển, điều động một cá nhân đến đơn vị công tác mới sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, đặc biệt là danh dự của họ. Với trường hợp bà Lê Thị Lệ Thanh và Lê Thị Ngọc, việc bị đi với họ là bất khả kháng, họ hoàn toàn không có khả năng chống cự và cũng chỉ biết mỉm cười trong nước mắt...

Và tự mất đi ý chí chiến đấu

2 trường hợp trên chỉ là một trong số rất nhiều những trường hợp được/bị điều động chưa đúng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Vấn đề là rất nhiều trong số đó họ không dám nói và không muốn nói. Riêng trường hợp bà Lê Thị Lệ Thanh và Lê Thị Ngọc, tiếng lòng của họ đã trỗi dậy: Chúng tôi sắp nghỉ hưu và chúng tôi danh dự cũng đã mất, có ai lấy lại được danh dự cho chúng tôi không?

Tự nhiên, tôi nghĩ đến cái tư duy của mình cứ nói đến luân chuyển, điều động là lên chức hoặc chờ bố trí chức vụ cao hơn. Nhưng không, khi tiếp xúc với bà Lê Thị Lệ Thanh tôi mới vỡ lẽ ra khi nhìn thấy sự nén lòng để những giọt nước mắt chảy vào trong, còn tiếp xúc với bà Lê Thị Ngọc, tôi cảm nhận ở bà vẫn còn đấy những ấm ức, khó chịu...

Theo quy định, việc xem xét, bố trí, phân công cán bộ sau luân chuyển, điều động phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ được luân chuyển và kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ. Chúng ta quá hiểu, trong công tác tổ chức không thể có trường hợp nào cũng vừa ý, đúng ý, và trúng ý người được điều động. Nhưng vấn đề là với hai trường hợp như vừa đề cập ở trên thì việc điều động không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân họ mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đơn vị mà họ đến làm việc.

Bà Lê Thị Lệ Thanh có 2 năm làm hiệu trưởng của Trường Tiểu học Quảng Bình, nhưng 2 năm ấy, bà chỉ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, với nghĩa vừa phải của từ “tốt”. Bởi lẽ theo bà: “Tôi không muốn làm gì hết, chỉ chờ nghỉ thôi”. Có lẽ tâm lí sợ lại tiếp tục mang tiếng nợ, khiến bà chẳng muốn phấn đấu, nỗ lực hay cố gắng nữa.

Cũng như vậy, bà Lê Thị Ngọc cho rằng: “Tôi dành, cống hiến cả cuộc đời và tuổi xuân của mình cho ngành giáo dục nói riêng, cho xã hội nói chung. Tôi và gia đình đã đi kêu, và gõ cửa nhiều nơi, các cơ quan quản lí cũng đã có công văn trả lời, nhưng với tôi đều chưa thỏa đáng. Nhưng thôi, được vạ thì má đã sưng. Chỉ một thời gian ngắn nữa là tôi nghỉ chế độ rồi”.

Ông Nguyễn Tiến Thành - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quảng Xương khi chúng tôi đề cập đến việc điều động bà Lê Thị Lệ Thanh, có trả lời: Thôi, cũng phải sân siu mỗi anh một tí chứ. Số đông đều muốn thuận lợi, ở gần không muốn đi xa, ở xa không muốn về gần. Trường hợp bà Lê Thị Lệ Thanh là duy nhất chưa có sự thỏa đáng, được về gần mà lại không muốn”.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Công tác cán bộ bao gồm từ khâu tuyển chọn, nhận xét, đánh giá, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ. Thực hiện tốt ở khâu này sẽ là tiền đề và cơ sở để thực hiện tốt các khâu khác.

Theo đánh giá chung của ông Trần Quốc Huy - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những năm qua đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, từng bước khắc phục được tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; góp phần đào tạo, rèn luyện thử thách cán bộ trong thực tiễn, có phương án lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát toàn diện hơn.

Tuy vậy, những tiếng lòng của cán bộ bị điều động không chỉ là chưa cụ thể trong việc ghi rõ ngày về dẫn đến khó khăn trong bố trí chỗ làm sau này, đó còn là nỗi ấm ức không biết giãi bày cùng ai. Nói ra thì bảo không muốn chuyển đi là tham quyền cố vị, là chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân thay vì lợi ích tập thể. Nhưng nếu không hiểu tâm tư nguyện vọng của cán bộ, thì việc điều động chẳng những không mang ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và đơn vị mà chính là hiệu ứng ngược, dẫn đến cả đôi bên thiệt đủ đường.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]