(vhds.baothanhhoa.vn) - “Có lần Bác tâm sự: Bà mẹ Bác mất ở Huế, miền Trung. Ông bố Bác mất ở Cao Lãnh, miền Nam. Quê hương Bác, từ lâu, thật sự là cả đất nước Việt Nam rồi. Bác mong muốn được về thăm tất cả và mong tất cả đều giàu đẹp! 19 tháng 5 càng nhớ Bác Hồ! Tất cả mọi quê hương cũng nhớ Bác”. Đó là những dòng cuối cùng trong tác phẩm “Càng nhớ Bác Hồ” (Vũ Kỳ, NXB Thanh niên, 1999).

Đọc lại “Càng nhớ Bác Hồ”

“Có lần Bác tâm sự: Bà mẹ Bác mất ở Huế, miền Trung. Ông bố Bác mất ở Cao Lãnh, miền Nam. Quê hương Bác, từ lâu, thật sự là cả đất nước Việt Nam rồi. Bác mong muốn được về thăm tất cả và mong tất cả đều giàu đẹp! 19 tháng 5 càng nhớ Bác Hồ! Tất cả mọi quê hương cũng nhớ Bác”. Đó là những dòng cuối cùng trong tác phẩm “Càng nhớ Bác Hồ” (Vũ Kỳ, NXB Thanh niên, 1999).

Đọc lại “Càng nhớ Bác Hồ”

Cuốn sách đã được xuất bản cách đây 24 năm, là những câu chuyện mà tác giả Vũ Kỳ, người thư ký của Bác ghi lại. Tất cả những kỷ niệm, những tình cảm, suy nghĩ trong những năm tháng ấy được tác giả gửi gắm trong cuốn sách, khiến chúng ta càng đọc, càng ngấm, càng thấm, càng thấy yêu Bác hơn.

Tác phẩm bắt đầu từ khoảng thời gian Bác Hồ từ chiến khu về thủ đô Hà Nội. Đó là khi Hà Nội mới giành chính quyền được trọn một tuần, vẫn còn hừng hực khí thế Cách mạng Tháng Tám, cũng là thời gian tác giả, lúc đó có tên là Nguyễn Cần được chọn “làm thư ký cho Cụ” khi vừa bước vào tuổi 25. “Thế là tôi đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hình ảnh thiêng liêng đối với lớp đảng viên trẻ chúng tôi hồi trước cách mạng mà trong những ngày ở tù Hỏa Lò, đêm đêm tôi vẫn thường mơ. Nguyễn Ái Quốc thực, khác hẳn với Nguyễn Ái Quốc trong mơ: hiền từ và vô cùng giản dị”.

Đó cũng là khoảng thời gian Thường vụ Trung ương, Hội đồng Chính phủ họp nhiều công việc quan trọng, trong đó có kế hoạch tổ chức lễ tuyên bố độc lập vào ngày 2-9-1945 mà gấp rút nhất, quan trọng nhất là dự thảo bản “Tuyên ngôn độc lập”. Từ “Nam quốc sơn hà”, thế kỷ thứ 11 đời Lý, “Bình ngô đại cáo” thế kỷ thứ 15 đời Lê, đến “Tuyên ngôn độc lập” thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ 20, khoảng cách dài gần 10 thế kỷ, ngót nghìn năm…

Ngay sau khi ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, trong chỉ thị “Hòa để tiến” ngày 9-3-1946, Trung ương Đảng đã vạch rõ: “Đề phòng thực dân Pháp bội ước”. Và đúng như dự kiến, quân Pháp đã mở cuộc tiến công ta, bắt đầu từ Hải Phòng. Sau đó là Lạng Sơn, Hà Nội, chúng dùng cả xe tăng, đại bác và máy bay.

Thường vụ Trung ương Đảng quyết định Bác tạm lánh ra ngoại thành, Nhân dân Hà Nội được lệnh tản cư về các vùng nông thôn. Tác giả viết: “Ở đâu Bác cũng cặm cụi viết… Trong căn gác hẹp, Bác Hồ ngồi trên giường thay thế, vai khoác chiếc áo choàng ngắn, đầu cúi xuống bên ngọn đèn dầu nhỏ. Bác đang chăm chú viết trên chiếc bàn gỗ kê sát giường. Đêm nay sao hình ảnh ấy gây nhiều suy nghĩ đến thế”. Hình ảnh ấy, tác giả chứng kiến nhiều lần, nhưng đêm ấy nó thật đặc biệt bởi trong một đêm đông lạnh rét mà bác vẫn cặm cụi làm việc. Bác Hồ suốt đời làm việc. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, “chỉ một câu: Cụ Hồ bảo thế, Cụ Hồ nói thế là lập tức mọi người nghe theo, làm theo… Nhân dân ta lúc đó dù còn nhiều khó khăn nhưng Cụ Hồ đã kêu gọi thì từ Nam chí Bắc đều hưởng ứng nhiệt liệt. Bởi, không phải Cụ Hồ chỉ kêu gọi mà chính Cụ Hồ đã làm, đã thực hiện và là người thực hiện đầu tiên”.

Phần 2 của cuốn sách được tác giả Vũ Kỳ dành 120 trang để viết về sự kiện rất quan trọng, sự kiện “Bác Hồ viết di chúc”.

Đúng 9 giờ sáng ngày 10-5-1965, “Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã được suy ngẫm từ lâu. Phòng làm việc trên nhà sàn càng yên tĩnh. Gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn… Chính vào giờ phút đó, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau”.

Trước đó, ngày 15-2-1965, Bác Hồ đã về “thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. “Hồ Chí Minh tìm đến Nguyễn Trãi trong bước ngoặt lịch sử của dân tộc, đâu phải ngẫu nhiên. Cách nhau hơn 5 thế kỷ (1380-1890) mà sao có những trùng hợp lạ kỳ, y như cuộc hẹn gặp lịch sử đã định sẵn. Hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của Nhân dân, là tấm lòng tha thiết đối với hạnh phúc của Nhân dân.

Tháng 5, có sinh nhật Bác. Kể từ ngày 19-5-1946 lần đầu tiên Nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chủ tịch. Hằng năm, cứ đến ngày đó, toàn dân tộc lại như được tắm mình trong không khí đặc biệt, với niềm tự hào, vui sướng của người dân một nước độc lập, tự do, gắn liền với tên tuổi của một con người đẹp nhất: Hồ Chí Minh.

“18 giờ, ngày 14-5-1965, các đồng chí Bộ Chính trị và một số đồng chí Trung ương “đột kích” vào chúc thọ Bác, và được biết sáng mai Bác đi công tác khoảng một tháng… Bác xúc động nói: Bác cảm ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại đi tổ chức chúc thọ một cá nhân như thế là không nên”… - Bác là Chủ tịch nước nhưng rất nghèo, may mà chú Kỳ có sáng kiến đi vay được ít kẹo bánh, Bác mời các chú ăn kẹo, ăn bánh, hút thuốc và nhớ để phần cho các thím và các cháu ở nhà nữa… Tất cả cười vang, đầm ấm, chan hòa”. Lễ sinh nhật lần thứ 75 của một vị Chủ tịch nước diễn ra thật đơn giản.

Cũng như bản “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946, “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” năm 1966, thì với bản “Di chúc” cũng vậy, còn thời gian là Bác còn sửa chữa, thêm bớt. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Bác trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời cũng là thể hiện tấm lòng của Bác đối với cuộc sống hôm nay và mai sau của mỗi người dân. “Mấy năm nay, vào giờ Bác viết Di chúc, tôi thường xuyên túc trực quanh nhà sàn. Tôi vẫn nghĩ đây là một hạnh phúc lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Tôi xem như mình có nhiệm vụ giữ gìn cẩn mật những giây phút thiêng liêng mà trái tim và khối óc vĩ đại của Bác Hồ đang để lại trên trang giấy lời căn dặn quý báu, tha thiết, chân tình cho con cháu mai sau”.

Ở phần thứ ba, những bức thư kể chuyện Bác Hồ là những tư liệu quý mà tác giả còn giữ được với nhiều trang viết vô cùng cảm động, thể hiện tình cảm, sự tôn kính của Nhân dân cả nước đối với Bác, trong đó có bức thư của các đồng chí giúp việc Bác, thư gửi từ miền Bắc vào Nam, thư của các đồng chí trông nom nhà Bác, thư kể chuyện theo Bác về quê, thư kể về ngày tết của Bác, kể chuyện Bác Hồ ở trại thiếu nhi; Chuyện Bác Hồ làm việc… Những trang thư kể cho nhau về Bác nhưng hình ảnh Bác như kề bên, ánh mắt Bác đang nhìn mọi người...

Bác Hồ đã dành trọn 79 mùa xuân của cuộc đời mình vì dân tộc, vì sự nghiệp cách mạng nhằm xóa bỏ mọi áp bức bất công, mọi nghèo nàn lạc hậu. Mỗi khi nhắc đến ngày 19-5, không riêng gì ai, hễ là người Việt Nam đều cảm thấy thiêng liêng. “Bởi ngày đó, dân tộc đầy đau khổ của chúng ta đón nhận một con người vĩ đại cất tiếng chào đời, và sau đó, bằng nghị lực phi thường, đi đến cuộc hẹn gặp lớn của lịch sử, cùng với Đảng với Nhân dân mình, làm thay đổi cả tiến trình của lịch sử, thúc đẩy cả một thế hệ và nhiều thế hệ tiếp theo nhanh chóng đạt tới mơ ước của dân tộc: Độc lập và tự do”.

Tháng 5 này, chúng ta đang sống trong cảnh thanh bình, đất nước phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc, đọc lại “Càng nhớ Bác Hồ” để ta thêm hiểu sâu sắc công lao vĩ đại đối với dân tộc ta và sự nghiệp cách mạng vô cùng vẻ vang, đạo đức cách mạng vô cùng trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc Bác càng thêm yêu Bác nhưng hơn hết là mỗi người càng thêm cố gắng nỗ lực để có cuộc sống tốt đẹp hơn, để non sông Việt Nam, dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”, như lời Bác từng dặn dò.

Bài và ảnh: TRẦN THU HÀ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]