(vhds.baothanhhoa.vn) - 112 năm đã trôi qua kể từ ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước nhưng ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc, để lại nhiều bài học quý báu, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

“Đường Bác Hồ đi cứu nước”: Một tư liệu quý

112 năm đã trôi qua kể từ ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước nhưng ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc, để lại nhiều bài học quý báu, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

“Đường Bác Hồ đi cứu nước”: Một tư liệu quý

Ngày 5-6-1911 tại Bến cảng Nhà Rồng, TP Sài Gòn - Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới 21 tuổi đã lên chiếc tàu mang tên Amiral Latouche-Tréville bắt đầu cuộc hành trình đi ra thế giới tìm đường cứu nước.

Trong bài viết “Hành trang ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ”, để trả lời câu hỏi “Hồ Chí Minh là ai lúc ra đi tìm đường cứu nước”, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng: “Những giá trị văn hóa của mảnh đất Nghệ An, của gia đình trí thức nho giáo, đặc biệt là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã tận dụng mọi cơ hội để đưa các con đi làm quen với nhiều nơi trên đất nước ta, đó cũng là cơ hội tiếp xúc với nhiều nhân vật yêu nước thời bấy giờ”.

Tất cả những điều đó đã tạo nên tư tưởng, tình cảm của người thanh niên Nguyễn Tất Thành mong muốn mãnh liệt nhất định không thể sống cuộc đời mất nước, mất độc lập, tự do. Từ những “nhạy cảm và sáng suốt lạ lùng” trong việc nhận ra những xu hướng cứu nước thời trước “đều không đem lại và không thể đem lại kết quả mong muốn”, và Người đã phải đi tìm con đường khác.

Cuốn sách dày gần 680 trang được GS.TS Trình Quang Phú tuyển chọn và biên soạn từ nhiều tác phẩm và bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những câu chuyện trong cuốn sách được kể lại với tình cảm rất chân thành, sâu sắc và đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên của chính tác giả và những người trong cuộc. Với 2 phần rõ ràng: “Đường Bác Hồ đi cứu nước” khái quát những sự kiện về gia đình, tuổi thơ của Bác, con đường Bác bôn ba khắp năm châu để đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, sáng lập Đảng ta và lãnh đạo Nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và “Theo Bác đi kháng chiến” đã đưa ra được những sự kiện chính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vô cùng khó khăn của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa mới được thành lập trước vòng vây của các nước đế quốc, thực dân và sự chống phá của các thế lực thù địch.

Bằng ngôn từ giản dị, câu chuyện hấp dẫn, gần gũi, nội dung sâu sắc, cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị thiết thực để bạn đọc tiếp tục tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Những câu chuyện và cuộc đời Bác được tác giả kể lại theo một trình tự thời gian. Để dẫn đến sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời thương cảng Sài Gòn (Bến Nhà Rồng) với cái tên Văn Ba, trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ (Liên Xô) đăng ngày 23-12-1923, nhà thơ Mandelstam trong bài báo: “Đến thăm chiến sĩ quốc tế cộng sản Nguyễn Ái Quốc” đã ghi lại lời Bác nói với ông: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên, tôi được nghe những từ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Thế là tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy... Tôi quyết định ra đi từ năm 19 tuổi”.

“Đường Bác Hồ đi cứu nước”: Một tư liệu quý

Bác Hồ trong một lần về thăm quê. Ảnh: TƯ LIỆU

Và khi Bác trở về làng Sen, sau 53 năm bôn ba. “Tôi xa quê hương, xa các cụ, các mẹ, các chú như vậy là đã năm mươi ba năm. Thường thì đi xa như vậy khi trở về người ta hay mừng mừng tủi tủi. Riêng tôi thì không tủi mà chỉ mừng. Vì khi tôi ra đi, nước ta đang bị thực dân cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ. Nay tôi trở về thì đồng bào đều là những công dân tự do làm chủ nước nhà. Quê hương nghĩa nặng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.

GS.TS Trình Quang Phú đã dẫn dắt, lồng ghép và kể lại các câu chuyện về Bác rất xúc động. Ví dụ như chuyện nữ du kích Quảng Nam Huỳnh Thị Kiển - người bị giặc bắt, chặt chân vẫn giữ tấm lòng kiên trung kể lại kỷ niệm ngày gặp Bác: “Thưa Bác, cháu cũng như nhiều bạn cháu ở miền Nam luôn nghĩ rằng: Trong chiến đấu dù bị cụt hết tay chân mà còn đôi mắt sáng để đến ngày chiến thắng, được nhìn thấy Bác thì không bao giờ buồn. Hôm nay, cháu được gặp Bác, cháu chỉ biết vui suốt đời”. Nghe cô Kiển nói đến câu đó, mắt Bác chớp nhanh. Giọt nước mắt lăn trên đôi gò má Bác. Cô du kích ấy về sau được qua

Hungari lắp chân giả, tập đi lại những bước thăng bằng, cảm nhận được tình thương của Bác trong những bước chân: “Biết rằng từng bước đi của tôi có tình thương và sức mạnh của Bác. Tôi nguyện sẽ đi nhanh hơn có thể trở về đội ngũ”...

Miền Nam cũng là nơi trái tim Bác luôn đau đáu hướng về, Bác từng nói: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và nếu gộp những đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại, thì đó chính là nỗi đau khổ của tôi”. Trong câu chuyện của chị Nguyễn Thị Định về phái đoàn Nam Bộ ra miền Bắc báo cáo với Hồ Chủ tịch và Chính phủ về tình hình sau Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và xin vũ khí cho miền Nam. “Bác chăm chú nghe chúng tôi báo cáo. Bỗng hai giọt nước mắt chảy trên gò má Bác. Ôi, suốt đời tôi không bao giờ quên những giọt nước mắt ấy. Những giọt nước mắt của Bác đọng lại mãi mãi trong tâm hồn tôi. Tôi nghĩ đó là cả một biển tình thương bao la của Người dành cho đồng bào Nam Bộ”.

...Trong thời gian ở lại miền Bắc, phái đoàn Nam Bộ đến mừng sinh nhật Bác, nhân ngày 19-5, Bác trìu mến: “Các cô, các chú về báo cáo với Nhân dân miền Nam thân yêu rằng: lòng già Hồ, lòng Nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào Nam Bộ. Nói xong Bác khóc. Chúng tôi đều khóc...”; “Thật ra các báo ở đây đã làm to cái ngày sinh của tôi, chứ tuổi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả; mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình”.

Cho đến phút cuối cuộc đời lúc nào Bác cũng dành cho miền Nam những tình cảm to lớn và sâu sắc nhất. “Khi gặp đoàn cán bộ miền Nam, được nhận những quà tặng của người miền Nam, Bác đã xúc động mãnh liệt chỉ vào ngực trái: “Bác chỉ có trái tim”. Bác tặng miền Nam trái tim thiêng của Người. Người miền Nam nào nghe câu nói mộc mạc đầy tình yêu thương ấy của Bác mà không thấy lòng mình xao xuyến cảm động”.

Sau ngày Bác mất, lục lại tài liệu mới thấy Bác rất quyết tâm để vào với miền Nam. Trong thư gửi đồng chí Lê Duẩn năm 1965, Bác đề nghị được bố trí vào Nam bằng đường biển, sau đó Bác lại đề nghị bố trí cho Bác đi bộ qua đường Trường Sơn. Hàng ngày Bác tập đi bộ, leo dốc... rèn luyện sức khỏe, nhưng vì sức khỏe không đảm bảo, Trung ương chưa bố trí được để Bác vào Nam thì Người đã mãi mãi ra đi... Những câu chuyện về Bác luôn là sự giản dị, chân thành mà rất sâu sắc.

Cuốn sách mở ra để rồi khép lại là chuỗi những câu chuyện gắn liền với Bác Hồ, một con người vĩ đại bởi Người quá giản dị, quá yêu nước. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông, đồng thời là tác giả của gần 20 tác phẩm văn học, trong đó có 7 tác phẩm viết về Bác Hồ. Tiêu biểu như các cuốn: Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng, Đường Bác Hồ đi cứu nước, Theo Bác Hồ đi kháng chiến... Chính GS.TS Trình Quang Phú đã từng nói: Viết về Bác, người viết càng thật bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Mọi người rất yêu quý Bác, thích đọc sách về Bác. Đó là niềm vui rất lớn đối với tôi, một nhà văn viết về Bác Hồ.

Sách đề tài cách mạng vốn được xem là dòng sách kén độc giả, nhưng “Đường Bác Hồ đi cứu nước” đến nay đã được tái bản 19 lần, điều đó đã thể hiện tình cảm của người dân đất Việt dành cho Bác. Đọc những câu chuyện, tài liệu về Bác, nhớ Bác, học Bác để chúng ta có thêm “ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]