(vhds.baothanhhoa.vn) - Trên tay tôi là 3 cuốn sách thuộc tập thơ “Cỏ bạc triền đê” của nhà thơ Hồng Thanh Quang, xuất bản trong quý IV năm 2021. Tập thơ gồm 999 bài thơ, chia làm 3 tập dày dặn, mỗi tập 333 bài. Ở “Cỏ bạc triền đê” cho ta thấy một gương mặt nam nhân đầy duyên nợ, trạng thái u uất đan xen những dự cảm tốt lành, tiên nghiệm về nhân thế với sự chờ đợi, hy vọng. Trong sự bao la của ngôn ngữ thơ ấy, tôi tò mò về chữ “nợ”.

Giải mã món “nợ” trong tập thơ “Cỏ bạc triền đê” của Hồng Thanh Quang

Trên tay tôi là 3 cuốn sách thuộc tập thơ “Cỏ bạc triền đê” của nhà thơ Hồng Thanh Quang, xuất bản trong quý IV năm 2021. Tập thơ gồm 999 bài thơ, chia làm 3 tập dày dặn, mỗi tập 333 bài. Ở “Cỏ bạc triền đê” cho ta thấy một gương mặt nam nhân đầy duyên nợ, trạng thái u uất đan xen những dự cảm tốt lành, tiên nghiệm về nhân thế với sự chờ đợi, hy vọng. Trong sự bao la của ngôn ngữ thơ ấy, tôi tò mò về chữ “nợ”.

Giải mã món “nợ” trong tập thơ “Cỏ bạc triền đê” của Hồng Thanh Quang

Nhà thơ Hồng Thanh Quang đang vui sống với tâm thế “biết đủ tức là đủ.” (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nợ là một từ chỉ nghĩa vụ phải hoàn trả, hoặc là một gánh nặng. Ai trong chúng ta mà không có “nợ”?! Nhân gian đã nói nhiều về “nợ”, nhưng sử dụng thơ, biểu đạt, tái tạo để gói ghém sự đa nghĩa và đa âm của nó theo cách rất riêng này thì chỉ có ở Hồng Thanh Quang. Ông không dùng từ “nợ” mà ta vẫn hiểu trong đó hàm nghĩa món nợ.

“Nợ” với cố nhân

Với một cuộc tình dang dở, đến sớm, cuốn hút đầy mãnh lực rồi sớm ra đi. Người ấy đi mãi kiếp khác, để lại cho ông luôn sống trong hoài cảm, trộn giữa mơ và thực, giữa hiện tại và quá khứ, câu thơ rối lẫn... Dư âm, hình ảnh giai điệu của mỗi tứ thơ trong tập thơ này cũng đều cho thấy nợ với người cũ, với quê hương, với người mẹ. Trong lúc bình yên hay giông bão, khi tỉnh hay mê, khi mạnh khỏe hay đang lúc trọng bệnh, người đàn ông ấy luôn bị quá khứ ám ảnh, nhất là món nợ vì duyên còn dang dở. Món nợ này, hơn 20 năm về trước, chàng từng thốt lên rằng “bỗng thấy lòng không rượu cũng ngây ngư”, thì nay, trong những sự yêu nghiệt của tự nhiên, cố nhân để lại một khoảng trống:

“Còn chăng giai điệu cuối

Chuông nhà thờ dốc đêm

Biết nơi nào tri kỷ

Khi mất rồi, dấu em?”.

(Lạnh tự dưng lại nóng)

Cảm giác người ấy vẫn luôn thường trực, những suy tưởng, ảo ảnh về kiếp mình, nợ vừa là nỗi nhớ đằng đẵng, vừa là sự mưu cầu về sự luân hồi, mơ thực trong mỗi giây ám ảnh. Cố nhân đã ở trong tâm khảm, trong mỗi hơi thở, trong mơ và thực, sự báo đáp của kiếp luân hồi.

“Nợ” của kiếp người

Hồng Thanh Quang đã có một lối đi riêng khi nói về “nợ” so với các nhà thơ đàn anh khá nổi tiếng như Trần Tế Xương, Phạm Thành Tài. Ban đầu ông nhắc đến là “nợ” của kiếp người. Trong thời gian của một kiếp người, ta nợ gì của một kiếp ấy? Và vì sao lại mắc nợ? Những chông chênh của kiếp người luôn trùng với sự đa vị: “Niềm yêu cộng hóa ra trừ/ Càng chân tình hát càng hư không lời” (Bẽ bàng với những cơn mê). Hay có lúc trầm lắng: “Hoa gạo đỏ như xưa, sao ta về, lối lạc,/ Ánh em nhìn, đôi mắt chất ưu tư/ Gia tài ta vẫn chỉ là câu chữ/ Vì yêu em nên không chịu cũ càng... (...) Nhãn sẽ sai, ta hằng đêm mất ngủ/ Thương những gì tươi tốt cứ lầm than...” (Bên ngưỡng tháng Tư).

Những đa màu của cuộc đời mà ta đối diện, càng sống, càng cố hiểu lại càng thấy nó thật là khó hiểu, mông lung. Có những thứ hiểu ra được thì không dễ gì giãi bày, cất lời được. Thành thử Hồng Thanh Quang “nợ” một sự tỏ tường với chính mình, nợ một sự tranh bạch sáng tối. Đây là sự bộc lộ rất riêng của nam nhân họ Đặng (tên thật của ông là Đặng Hồng Quang) về tính quy luật chung của người “ngũ thập tri thiên mệnh”. Qua nhiều trải nghiệm, những nỗi đau đớn trong vết sẹo xưa đã không thể khóc, không thể thành âm thanh. Im lặng nuốt nỗi đau, gần như triệt tiêu cảm giác, không gì hóa giải nổi nỗi đơn độc ấy:

“Nước mắt lặn vào trong

Không vang thành câu hát...

Mọi sự trông như thật,

Mọi sự thật ra không...”.

(Bất tận)

“Nợ” nhiều thế mà không hóa giải được, người chỉ có thể nói lời nói nửa chừng. Nếu thuở thiếu thời ta phải ấp úng vì sự nhỏ bé của tuổi tác, vị thế thì tới lúc trung niên, ta lại yên lặng bởi sự từng trải, để mọi sự chỉ là cảm nhận. Bản chất con người là ham sống, nếu mất đi sẽ nặng nợ kiếp người vì tiếc nuối dự định dang dở. Thi sĩ họ Đặng không phải cảm thấy gánh nặng vì tiếc sự thuần túy ấy, mà tiếc nuối những gì thuộc về sự thật, thuộc về nhân thế chưa có dịp phô bày. Ở góc độ nào đó, nó để lại dự cảm, để lại một cách hiểu, nhưng lại bị buộc phải trở thành sự câm lặng.

Và “nợ” chính mình

Nợ cố nhân, nợ của kiếp người mặc nhiên cũng là nợ chính mình. Tại sao lại như vậy? Vì khi càng sống, càng trải nghiệm về kiếp người, về vay - trả, luân hồi, được - mất, ta mới sáng tỏ rằng mình nợ chính mình nhất. Chuyển sang lục thập, nam nhân họ Đặng dường như thu bớt sự hào hoa của câu chữ, ông tập trung xoáy vào cái đậm đà và thuần túy của hồn cốt mình: “Đôi khi, vâng, chỉ đôi khi/ Tự dưng ta khóc vì nghi mất mình...” (Đôi khi phải gặp để quên”).

Có nhiều lúc ông tự thấy mình cô độc giữa đông đúc, lại suy tưởng về những câu chuyện của đời người. Trải bao gia vị của cuộc đời, nam nhân ấy tự lùi mình về đằng sau sân khấu cuộc đời, lặng lẽ sống, vươn mình. Sống sót sau bao đại họa - giống như sen thanh bạch giữa bùn, âm thầm sống và âm ỉ niềm tin hiến dâng cho đời. Hẳn nhiên con người phải thực sự mạnh mẽ mới có thể cự tuyệt những gì thuộc về trào lưu, những lớp hào nhoáng với sự trùng điệp vây bủa của mưu mô, cạm bẫy, người tự dừng lại, soi lại bóng mình để thấy sự may mắn của việc được sống. Ông từng tâm sự:

“Ta không trong đám hội

Đau đớn thành thú vui...

Ta âm thầm sống sót

Như trấu ủ tro vùi...”.

(Những cuốn sách cũ nát)

Rõ ràng, con người kiêu hãnh muốn âm thầm sống, nuôi dưỡng ngọn lửa nơi mình, nhưng Hồng Thanh Quang cũng cho thấy rằng, ông canh cánh một nỗi đau mang lại niềm tin, sự bình an nhân thế. Nhân sinh quan ấy luôn đắm đuối giữ những gì tốt đẹp thật sự, không phải những lời có cánh, không phải sự hô hào trang sức, nó cần là sự tử tế tận đáy tim. Ông đã thốt lên những lời thơ như thế này:

“Những nỗi đau ngọc trai,

Không dùng làm trang sức,

Giữ ấm nóng giùm nhau

Thẳm sâu trong lồng ngực...”.

(Ta rồi sẽ quên đi)

Sống sôi nổi một thời tuổi trẻ, để rồi lúc trung niên lại vẫn nợ bao kỷ niệm chốn cũ, thời trai. Những câu thơ vang lên đa nghĩa, đa thanh, trong đó nổi bật nỗi niềm mất mát sự tỏ tường, đồng điệu của một tâm hồn.

Qua bao nhiêu vị trí, bao nhiêu công việc đảm đương, qua cả những thành tựu và chông gai, những sự chào đón và lặng lẽ, thi sĩ Hồng Thanh Quang càng có cơ hội để tiếp tục bày tỏ về chính mình. Có lẽ chính vì tất cả những món nợ mà người cảm nhận được, cùng những nhân duyên của trời đất nên sau bao nhiêu sóng gió, vận hạn, nam nhân ấy vẫn ngày ngày rong ruổi với những suy tư về sự sống, tình người và nhân thế.

Mai Thị Hạnh Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]